BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Một nghệ sĩ lớn đã rời bục giảng

Một nghệ sĩ lớn đã rời bục giảng


PN - Khi nhớ về trường cũ, dù chỉ thoáng qua trong tất bật đời thường, chúng tôi vẫn luôn nhớ đến thầy Hoàng Như Mai (1919 - 2013). Ngày ấy, thầy giảng bài với phong cách rất nghệ sĩ, giọng ngâm thơ hào sảng, cuốn hút người nghe. Đêm qua, vừa nghe tin thầy mất (27/9/2013), tôi đã nhận được bài Khóc thầy của bạn thơ Trương Nam Hương:

Nhớ giọng Thầy đọc thơ Thâm Tâm

Tống biệt hành rung sóng tri âm

Thời gian chợt hóa con sông nhớ

Con tiễn Thầy qua khói - sóng - trầm!

Đại diện thế hệ sinh viên Khoa Ngữ văn niên khóa 1983 - 1987, Hương đọc bài thơ trên trước linh cữu thầy. Khi đi học chúng tôi gọi “thầy” và xưng “con”, sau này, khi ra trường có đôi lúc làm việc cùng nhau vẫn giữ cách gọi tôn sư trọng đạo ấy. Thầy dễ gần gũi bởi tự bản thân nhà mô phạm ấy đã có cốt cách của một nghệ sĩ.

9-THAY-HOAG-NHU-MAI-2

Thầy Hoàng Như Mai

 

Có lần thầy kể, sau Cách mạng tháng Tám, thầy đã hoạt động sân khấu cùng nghệ sĩ Sỹ Tiến, Đào Mộng Long… - những người cùng thế hệ với nghệ sĩ Năm Châu, Tư Trang, Bảy Nhiêu, Tư Chơi, Phùng Há… Vì vậy, từ năm 1948, khi Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình mời làm Hiệu trưởng Trường trung học Phan Thanh, rồi giữ chức Hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc (1951), Hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp Trung ương (1953)… thầy vẫn gắn bó với sân khấu.

Ngoài các giáo trình văn học, thầy Hoàng Như Mai còn là nhà nghiên cứu về sân khấu, nhất là cải lương. Các chuyên luận như Sân khấu cải lương, Các nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu cải lương Sài Gòn in trong Địa chí văn hóa TP.HCM (GS Trần Văn Giàu - Trần Bạch Đằng chủ biên); hoặc các tập sách Nhà soạn giả cải lương Trần Hữu Trang (1968), Trần Hữu Trang - soạn giả ca kịch cải lương (1982), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986)… của thầy vẫn còn có ích cho người đọc.

Do sự am hiểu tường tận đó nên NSND Sỹ Tiến - “ông hoàng” của sân khấu đất Bắc - khi xuất bản Những mảnh tình nghệ sĩ (1986) đã mời thầy “đứng ra làm chứng về giá trị chân thật của những dòng hồi ký này”. Nhắc lại, để thấy uy tín của thầy ở lãnh vực sân khấu cũng “nặng ký” không kém gì bên giáo dục.

Không chỉ nghiên cứu sân khấu, thầy còn là người sáng tác. Những vở kịch tiêu biểu của thầy, đáng chú ý nhất là Tiếng trống Hà Hồi, bi kịch ba hồi viết và diễn từ năm 1948, sau này, các học trò của thầy đã tái bản (NXB Trẻ). Ngày đó, chúng tôi đem sách đến biếu, thầy vui lắm. Câu chuyện thầy trò vừa thân mật, vừa cảm động. Chợt giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ ùa đến, thầy cất giọng sang sảng ngâm bài tứ tuyệt của mình:

Buông bức màn rồi… danh vọng hết

Người về lòng rũ sạch sầu thương

Người vào cởi áo lau son phấn

Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường

Câu thơ mênh mang âm điệu, tinh thần “tiêu diêu” của Lão, Trang. Tính cách thầy lúc nào cũng nhìn sự việc nhẹ nhàng như vậy. Thầy xuê xoa, dễ tính nhưng không ngại việc khó và luôn làm tròn trách nhiệm. Từ 1988, suốt nhiều năm liền, thầy đảm đương cương vị Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM. Một loạt cổ thư, sách quý của văn hóa nước nhà đã được Hội ấn hành trong thời gian này. Với nhiều đóng góp cho nền giáo dục, thầy được Nhà nước phong chức danh Giáo sư (1984) và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1990).

Khi đưa thầy Hoàng Như Mai rời “cõi tạm”, cũng là chúng ta lúc vĩnh biệt một “nhân chứng” của thế kỷ XXI đã có công đào tạo nhiều thế hệ học trò. Phong cách của một nghệ sĩ không tách rời tâm thế của nhà sư phạm, chính điều đó đã khắc họa nên chân dung độc đáo của nhà giáo Hoàng Như Mai. Vĩnh biệt thầy, thế hệ học trò chúng con vẫn còn nhớ tươi nguyên những ngày tháng ở giảng đường, nhớ những câu thơ Trao nhau cuộc đời của thầy:

Hoài bão mênh mang bằng vỗ cánh;

Thời gian vùn vụt én đưa thoi.

Thoáng đó, thầy đã ra người thiên cổ. Một nghệ sĩ lớn đã rời khỏi bục giảng.

 

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/giao-duc/mot-nghe-si-lon-da-roi-buc-giang/a103555.html)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com