BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: “Dọn vườn” người cầm bút

LÊ MINH QUỐC: “Dọn vườn” người cầm bút

 

Lâu nay, có thể bạn đọc vẫn nghĩ, những người sống bằng nghề cầm bút như nhà văn, nhà báo… thì câu cú, chữ nghĩa của họ dứt khoát phải chuẩn mực, đúng chính tả, ngữ pháp. Thế nhưng, bộ sách Dọn vườn (NXB Trẻ) đã chứng minh không hẳn thế. Tựa sách là tên chuyên mục xuất hiện từ năm 1955 trên báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh và Nguyễn Trương Quý đã sưu tập từ phòng lưu trữ của báo Văn Nghệ và Thư viện Quốc gia Hà Nội để biên soạn thành bộ sách dày gần 1.000 trang in.

 

8-biasach-DONVUON

 

Nhìn lại tiến trình báo chí Việt Nam, ta thấy sự “dọn vườn” - có thể hiểu là chỉ ra cái sai của người cầm bút khi viết lách - lần đầu tiên xuất hiện trên báo Phong Hóa của nhóm Tự lực văn đoàn từ thập niên 1930. Nếu so sánh với báo Văn Nghệ thì cách viết của báo Phong hóa dù hài hước nhưng sự châm biếm, chỉ trích có nặng nề hơn. Còn ở đây, trên “tinh thần xây dựng” nên sự phê phán có phần ôn hòa, nhẹ nhàng, thậm chí “mấy kỳ đầu, mục này có hơi gay gắt. Đã rút kinh nghiệm và sẽ giảm đi một phần” như người phụ trách chuyên mục cho biết.

Tuy nhiên, không vì thế mà Dọn vườn mất “tính chiến đấu”, chỉ là sự phê phán nghiêng về yếu tố hài hước, nên người bị phê bình dễ tiếp thu hơn và nhất là không… giận! Càng đọc, chúng ta càng phát hiện ra những lỗi khá phổ biến do viết theo thói quen hoặc viết ẩu. Chẳng hạn, “Nhưng khác với ngày thường, từ sáng sớm người đi chợ đông ngào ngạt” - bị phê: “Có ai nói “vắng phưng phức” mà bạn lại nói “đông ngào ngạt”. Cho dù người đi chợ toàn xức nước hoa?”; hoặc viết: “Ngoáy… từng chữ một” - bị phê:

Viết ngoáy là viết rất nhanh

Vậy “ngoáy từng chữ”, thưa anh ngoáy gì?

Ngay cả những cây bút lão làng như Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Ngọc Tấn, Phạm Hổ… đôi khi cũng không tránh khỏi những sai sót. Chẳng hạn, khi nhà thơ Lưu Trọng Lư viết sái vần:

Đánh Tây mẹ đã sáu mươi

Bây giờ đánh Mỹ mẹ ngoài bảy mươi

Đã bị phê một cách hóm hỉnh: “Nghe đâu tác giả Tiếng thu vốn là một nhà thơ rất coi trọng nhạc điệu trong thơ, mình có ý định chữa hai câu thơ trên như sau:

Đánh Tây mẹ đã sáu mươi

Bây giờ đánh Mỹ mẹ mười bảy ngoai”

Phê rất có duyên. Cái sự duyên dáng, hài hước không hề thiếu trong bộ sách này. Vậy là ta vừa đọc vừa tủm tỉm cười và qua đó, tự ta cũng rút được kinh nghiệm về chữ và nghĩa cho chính mình.

Trong Dọn vườn, ta còn biết chính Người Dọn Vườn có lúc cũng phải “rút kinh nghiệm” như đã tự sự: “Người Dọn Vườn còn dọn oan quyển Lịch sử văn học Nga vì cứ tưởng An-đéc-xơn, nhà văn Mỹ cũng là An-đéc-xơn, nhà văn Đan Mạch” v.v… Dù vậy, không vì thế mà chuyên mục này trở nên “rụt rè” và chùn tay. Và chuyên mục này tồn tại từ năm 1955 đến nay mà vẫn còn được bạn đọc yêu thích.

Có thể nói, bộ sách Dọn vườn thật sự hữu ích cho người cầm bút và cho bất kỳ ai muốn đi vào con đường viết lách. Ít ra đây là cách nhắc nhở chúng ta phải luôn cẩn trọng với những gì mình đã viết. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, huống gì là nghề cầm bút phục vụ cho hàng triệu bạn đọc.

 

(Nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM 19.4.2013 ký LÊ VĂN NGHỆ)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com