BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Phố văn hóa ở Melbourne

LÊ MINH QUỐC: Phố văn hóa ở Melbourne


Ở Việt Nam hiện nay, đã bắt đầu hình thành những phố đi bộ. Phố dành cho những người nhàn tản, nhất là những du khách từ phương xa đến và muốn chiêm ngưỡng một không gian tiêu biểu, đậm chất văn hóa của người dân bản địa. Sự hình thành ấy đang từng bước trở thành hiện thực, dù trong cung cách và quá trình thực hiện vẫn còn đâu đó những “lời ong tiếng ve”, bởi chỗ người này thấy được nhưng người kia thấy “chưa được”. Đó cũng là điều bình thường. Cái mới ra đời, bao giờ cũng có một quá trình để hoàn thiện.

 

choinhac

Chơi nhạc trên phố ở Melbourne

Khi theo chương trình Duyên dáng Việt Nam sang Úc, đến thành phố Melbourne, chúng tôi đã đến phố Swanston và tận mắt chứng kiến phố đi bộ nơi đây. Cứ theo thông tin từ tấm bản đồng trước một tòa nhà lớn nhất thì ta biết, con đường này hình thành từ năm 1895. Một khoảng thời gian ngắn nếu so với sự hình thành của những con đường Đồng Khởi, Lê Lợi… ở Sài Gòn. Có điều, nơi ấy phố đi bộ đã trở thành một nét văn hóa độc đáo mà ta có thể học tập được chăng?

Trước hết, phố đi bộ dứt khoát phải dành cho… người đi bộ, chứ không phải nơi bị chiếm dụng làm nơi giữ xe! Trên vỉa hè ấy, người ta được quyền tận dụng để thỏa mãn nhu cầu của cá nhân miễn nó không vi phạm đến nội quy của cộng đồng. Trước mắt tôi, là một đám đông, tò mò bước đến thì thấy một nhóm người đang tuyên truyền cho chủ nghĩa Mark, chủ nghĩa cộng sản! Họ bày bán khá nhiều sách về chủ nghĩa này lẫn các huy hiệu in hình Che, Mark… một cách công khai; bước qua bên kia đường là nơi người ta kêu gọi ký tên chống chiến tranh! Tất cả diễn ra bình thường. Ai thích thì cứ việc đến hoặc cứ việc đi qua.

Ở đoạn đường kia, là một nhóm chơi nhạc trẻ. Họ bày biện đầy đủ các dụng cụ trên một đoạn đường ngắn và say sưa chơi nhạc như không cần biết có ai lắng nghe hay không. Nghĩ cũng thú vị. Lang thang đến chỗ này tôi lại thấy một chàng họa sĩ nghiệp dư, anh ta bày biện dưới đất tất tần tật mọi thứ để vẽ lại những tác phẩm nổi tiếng. Ai thích thì mua, không thì cứ đứng nhìn cho thỏa thích con mắt. Và kia, một người đàn ông ăn mặc như một người da đỏ đang đứng lắc vòng một cách say xưa. Chú ý dưới chân anh ta, tôi thấy bày bán những tấm ảnh nói về lịch sử của dân tộc này. Nếu muốn, ta cứ việc mua những tập sách, những tấm ảnh ấy.

Nhìn chung mọi sinh hoạt diễn ra một cách bình thường trong dòng đời nhộn nhịp. Những sinh hoạt này, khiến cho người phương xa thấy thành phố này trở nên thân mật và gần gũi lắm. Có một điều không kém phần thú vị là trên đường phố này, bên cạnh những chiếc xe hơi hiện đại đang phóng qua, còn có những chiếc xe song mã dành cho du khách. Hỏi ra mới biết rằng, ta phải tốn 50 đô Úc thì được đưa đi tham quan một số nơi trong con đường này. Quả một số tiền không nhỏ. Nhưng vui mắt ở chỗ, người điều khiển xe ngựa ăn mặc như vừa bước trong những câu chuyện cổ tích. Ngoài ra, trên đường phố này, người ta còn trưng bày các tượng đồng ngộ nghĩnh.

Tất nhiên, ở phố này còn có khá nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm. Nếu bước vào cửa hàng của Nhật hoặc Trung Hoa thì ta thấy các văn hóa phẩm của xứ sở này bày bán không thiếu thứ gì! Ở đường phố này chẳng lẽ không có nơi để người ta dán các áp-phích quảng cáo chăng? Có chứ. Đó là một trụ hình lục giác khá cao, được dựng trên nhiều vỉa hè, ai muốn gì thì cứ việc dán lên đó. Nghĩ ra cũng hợp lý. Trước đây tại TP.HCM ở cuối đường Hai Bà Trưng ta cũng thấy có tấm bản dài để làm việc này, nhưng chẳng thấy ai dán lên cái gì cả. Mà người ta cứ việc dán lên tường như một thói quen, thật chẳng đẹp mắt chút nào.

Lướt qua một góc phố ở Melbourne trong một chiều, nhưng ấn tượng của nó để lại như thế thì quả người ta đã thực hiện phố đi bộ khá thành công. Và điều khó quên nữa của chúng tôi, là trong thời gian lang thang trên phố, không thấy ai bám theo ăn xin cả hoặc chào mời bán buôn lặt vặt gì cả!

 

L.M.Q

(nguồn: báo Phụ nữ chủ nhật 2005)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com