Bao năm góp nhặt nụ cười
Mua vui cũng được một “vười” trống canh
Ấy là lời “tự bạch” hài hước của nhà văn Hoàng Thiếu Phủ - một “lão tướng” có “máu mặt” trong làng cười Việt Nam. Từ năm 1984, ông xuất hiện trên trường văn trận bút thì lập tức đã tạo được tiếng vang nhất định. Nếu Lê Hoàng tạo ra cái cười bằng những tình huống oái oăm, bằng câu văn châm chích đầy “trí tuệ”; nếu Đồ Bì với giọng văn đĩnh đạc, trầm tĩnh, sắc sảo buộc người đọc “phì cười”; nếu Lê Văn Nghĩa trung thành với nhân vật Đại Văn Mỗ ngớ ngẩn bi hài... thì Hoàng Thiếu Phủ vẫn có ưu thế hơn bởi kiến thức uyên bác của ông. Cũng là một vấn đề thời sự cần phê phán với cái nhìn “lệch pha”, hài hước như nhiều người khác, thì ông còn hấp dẫn với sự am hiểu tường tận của vấn đề đang đặt ra. Ở Hoàng Thiếu Phủ theo tôi, hấp dẫn vẫn là mối liên hệ với những chuyện “thời xửa thời xưa” để liên hệ đến nay rất “biện chứng”. Tập sách Chuyện “cười” (NXB Trẻ) vừa phát hành “tài sản” mà Hoàng Thiếu Phủ đã “góp nhặt” từ mấy chục năm qua, giồm hai tập với gần 1.000 trang in. Sức viết như thế cũng đáng nể.
“Chơi” với thể loại trào phúng phải chấp nhận một khắc nghiệt: khi vấn đề thời sự đã đi qua thì liệu tiểu phẩm ấy có “đứng lại” với thời gian hay không? Ấy là tài năng của người viết. Dù trong tập sách này vẫn có một vài tiểu phẩm “không còn tính thời sự”, nhưng theo Hoàng Thiếu Phủ: “Nhưng thiết nghĩ, nếu không có dịp nhìn lại nhưng gì đã xẩy ra trong “cái đêm hôm ấy” thì làm sao hiểu được giá trị quý báu của cuộc sống hôm nay”. Nghe ra cũng có lý. Tôi muốn bổ sung thêm, dù không còn tính thời sự như chuyện đặt tên đường, chửa bệnh bằng “niệu liệu pháp”, con tem không dán keo phía sau khiến “dân thất nghiệp đứng ở bưu điện lè lưởi cho người ta dán tem” v.v... thì nó vẫn có ích khi ta nhìn lại một thời đã qua với bao ‘chứng tích” bi hài. Mà giá trị của tiếng cười là gì? Là “tống khứ” cái quá khứ nhùng nhằng, nhốn nháo bằng sự lạc quan vốn có.
Trước khi bước vào làng cười, Hoàng Thiếu Phủ là sinh viên y khoa, tham gia phong trào đấu tranh SVHS tại vùng đô thị bị tạm chiếm, sau đó ông thoát ly lên chiến khu ở Huế làm báo Cờ Giải phóng; rồi ròng rã mấy chục năm nay ông “chuyên trị” về tiểu phẩm cười. Cứ nhìn gương mặt của ông, vừa khắc khổ vừa “hà tiện” nụ cười hì ta không ngờ con người ấy lại hài hước, vui nhộn đến thế. Thì ra trong trường hợp này không thể “xem mặt mà bắt hình dong”. Bằng chứng là tập Chuyện “cười” của ông thật sự hấp dẫn bạn đọc. Đầu xuân mới, cầm trên tay tập sách này để đọc cũng là một điều rất thú vị. Để rồi, ta bật lên những tiếng cười thật sảng khoái mà thêm yêu đời.
LÊ VĂN NGHỆ
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM 28/5/21008)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|