LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.1.2014

 

67240_165790840235961_2045759921_n

Hoa cúc (ảnh: Việt Tuấn Trinh)

 

Tất bật. Vội vã. Chộn rộn. Chẳng làm được cái gì cho ra hồn. Mà, tất bật, vội vã, chộn rộn bởi gì? Không biết. Chỉ thấy thời gian trôi qua nhanh. Chưa kịp làm gì. Đã một ngày. 28 Tết rồi. Mọi ngày bước vào nhà, các vật dụng đã đâu vào đó, chẳng sao. Ngày sắp tết lại khác. Muốn xê dịch cái này. Sắp xếp cái kia. Nhìn đâu cũng muốn nó phải khác trước. Phải thay đổi. Phải mới. Thế là bắt tay vào ngay. Không chần chừ. Đang làm cái này sực nhớ cái nọ chưa mua, chưa sắm là vội vã lao nhanh ra phố. Đang cắm đầu chạy, lại sực nhớ ở nhà chưa làm xong cái kia, cái kìa. Lại hấp tấp quay về. Chẳng đâu vào đâu. Đã một ngày. Tâm trạng này không phải của riêng y. Của tất cả mọi người trong những ngày cuối năm.

Đi xuống phố đã thấy nhiều hoa. Muôn hồng nghìn tía. Rạng rỡ sắc màu. Ngày thơ dại, đọc thơ Nguyễn Du, biết rằng, lúc phong trần gió bụi “người cha tóc trắng” của nền thi ca Việt Nam có lúc ăn hoa cúc cầm cự qua ngày. Cho đỡ đói. Từ đó, y mê hoa cúc. Hoa cúc hương đằm. Không son phấn. Lúc héo khô, từng cánh không rã. Nấu nước uống thay trà cũng tốt. Nhất cữ lưỡng tiện. Đã có lần nhìn hoa cúc và viết được câu thơ thật gợi cảm:

đừng ép bông hoa vào trang vở

sợ mai mốt lật ra không thấy chữ

vì từ làn hương

sẽ hiện lên chân dung người cũ

xin đưa bông hoa ấy cho tôi

bỏ vào miệng nhai

từ đó,

nàng trong tôi nguyên vẹn hình hài

Bây giờ, người làm vườn đã lai tạo được giống “cúc đại đóa”. Thân cúc cao gần một mét. Hoa to hơn. Màu vàng nhạt mỡ gà. Nhìn, muốn ăn. Chắc là ngon. Cúc nở trong vườn ai là một ca khúc hay của anh bạn Lã Văn Cường: “Cúc không thơm như ngọc lan/ Cúc không gai như tường vi/  Cúc đẹp mà bình dị/ Suốt đời anh mang đi”. Hát một ca khúc, đọc bài thơ của bạn bè, lại nhớ đã lâu không gặp, chẳng rõ nay họ sống ra sao? Y không thích cúc trắng. Gợi lên sự tang tóc. Hiu hắt mộ chí. Sợ lắm. Cúc phải vàng. “Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa”. Tự nhiên vọng về câu thơ của Tế Hanh.

Mẹ y chỉ thích hoa vạn thọ. Bông hoa tròn xoe. Màu vàng nghệ. Ngày Tết  ở vùng quê Quảng Nam, loại hoa quê mùa này vẫn còn nhiều. Hoa được đặt trong cái chậu, đan bằng tre. Muốn sang trọng hơn, lấy tờ giấy rẻ tiền, có in thủ công sắc màu lòe loẹt, bọc lấy cái chậu ấy. Cây hoa vạn thọ thấp. Màu hoa vàng nghệ gợi lên sự bình dị, quê kiểng. Biết mẹ thích nên Tết nào y cũng mua hai chậu vạn thọ, đặt trước sân. Vậy là Tết. Tết, với mẹ y luôn đơn giản. Không gì cầu kỳ. Không bia bọt rượu chè ngầy ngật. Không đi chúc tết. Chỉ ở nhà, ăn cơm kho cá bống; hoặc cá đồng chỉ nhỏ bằng ngón tay út. Kho mặn. Nhiều ớt bột rải lên trên om cá. Mở ti vi xem chương trình Tết. Mệt thì ngủ. Con cháu có qua chơi, cũng mừng tuổi bằng phong bao lì xì. Vui cửa vui nhà. Sáng hôm sau, mở cửa, lại ngồi nhìn chậu vạn thọ. Rồi bấm đốt ngón tay nhẩm tính tuổi đời. Đời người cũng tựa đời hoa. Sắc thắm. Mơn mởn. Già nua. Héo rụng. Hết một đời.

Không rõ nàng có thích hoa cúc không? Nhưng lại mê hoa lys. Sắc màu trắng nõn. Trắng muốt. Tựa loa kèn. Nhánh hoa lys cao. Đặt trong bình thủy tinh trong suốt thấy lung linh ánh sáng. Không rõ, ăn hoa lys có tạo ra cảm giác huyền hoặc, ảo tưởng, thần kinh bị ảo giác đến mê man, bất tỉnh nhân sự không? Loa kèn thì có. Vừa rồi đọc báo biết rằng có mấy thanh niên lên chơi Đà Lạt, vào một tu viện nọ, thấy loa kèn “ngon mắt” bèn hái, đem xào, nấu canh đổi món cho lạ miệng. Chắc là ngon. Vâng, ngon đến độ phải nhập viện. Vụ Hà thành đầu độc năm 1908, những đầu bếp yêu nước đã đầu độc binh lính, sĩ quan Pháp bằng món ăn hoa loa kèn. Còn biết thêm một loại khác nữa là “cà độc dược”. Loại cà gì vậy? Cả hai thứ độc dược đó, chẳng thể gây chết người. Do đó, mưu sự thất bại từ trong trứng nước. Có lẽ trên đời này, tội nghiệp, rẻ rúng nhất vẫn hoa mồng gà. Tội nghiệp? Bởi hoa đồng âm với một loại bệnh xã hội chẳng hay ho chút nào. Có lẽ vì lý do này, ngày Tết chẳng ai thèm chưng hoa mồng gà?

Phổ biến nhất của thú chơi hoa là gì? Ở phương Nam, hoa mai. Ngoài Bắc, hoa đào. Người ta nói chơi hoa mai có “điềm”. Chẳng rõ có đúng không? Mua chậu hoa, nhánh hoa mai năm nào nó nở đẹp, năm cánh bung ra đúng ngày, nở đều, ấy “điềm tốt”. Ngược lại, cánh hoa rụng sớm, hoặc nở muộn, hoặc chưa ra giêng đã trụi lũi trơ cành là “điềm xúi quẩy”. Em ruột của mẹ, cậu Thái rất thích chơi hoa mai. Tết năm nào, dù bận thế nào cũng tự tay lựa mua một nhành mai, đem về nhà, chưng trước bàn thờ ông bà. Tết năm nọ, cành mai lại trở chứng. Hoa héo nhanh. Hoa rụng sớm. Năm đó, cậu phát hiện bệnh ung thư và mất. Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Mai khó trồng. Khó dưỡng. Mua về, chỉ chơi được một mùa Tết. Ra giêng dù có chăm bón thế nào, nó cũng tàn tạ. Hôm kia nghe có người khoe cách dưỡng mai như sau: Do người bán mai đã vào phân hóa học quá nhiều, họ lại ép hoa nở đúng ngày giờ nên sau Tết, muốn hoa sống thì phải đổ bỏ hết lớp đất đó. Mua đất mới thay vào. Rồi từng ngày, từng ngày chăm sóc thế này, thế này, cam đoan năm tới sẽ có hoa chơi tiếp. Lại có người truyền cho kinh nghiệm, mua hoa chưng Tết nên lựa vào những giờ cuối, sắp giao thừa càng tốt. Bởi lúc ấy, người ta muốn bán nhanh, còn về nhà đón giao thừa nữa chứ. Nếu không cũng phải đổ thốc đổ tháo; hoặc tốn tiền thuê xe chở về. Sau giờ đó, ai mua hoa làm chi nữa? Tha hồ mặc cả. Hoa rẻ rề. Như cho không. Mua sướng lắm.

Nghe xong, chỉ nhếch mép. Buồn cười quá.

Thiên hạ sống bằng nghề trồng hoa, mỗi ăn chỉ kiếm ăn được một lần, ai ai cũng khôn ngoan đến thế, làm sao người ta sống? Sống trên đời khôn ngoan quá, chỉ vun vén cho riêng mình thì chơi với ai? Năm này, nếu thích chậu hoa mai này vì  dáng cây đẹp, phát tài gì gì đó, qua Tết cứ việc gọi điện thoại cho người ta đem về vườn chăm sóc. Cuối năm tới, trả cho họ ít tiền lại có hoa mới. Có phải tốt hơn không? Đôi bên cùng có lợi. Còn mình, dành thời gian đó làm chuyên môn của mình. Việc gì phải mất thời gian cho việc làm không phải sở trường. Có đọc câu chuyện thiền, ngày nọ Đức Phật muốn đi qua sông, phải đợi thuyền. Lúc ấy, có dị nhân khoe đã tu luyện được phép bay qua sông. Tu luyện cả hàng chục năm, có khi cả đời mới được. Đức Phật cười bảo, chỉ trả vài xu cho ông lái đò là qua được sông, việc gì mất tốn thời gian đến thế? Câu chuyện này dạy cho chúng ta điều gì?

Năm nay, Hội Nhà báo TP.HCM không tổ chức Hội báo Xuân như mọi năm, do không có kinh phí. Chẳng có đơn vị kinh tế nào tài trợ. Mọi năm, thường tổ chức tạo Nhà văn hóa Thanh Niên, sau Tết là chuyển toàn bộ báo xuân đó cho bộ đội Trường Sa. Báo Xuân Việt Nam bắt đầu từ năm nào, sáng kiến của ai? Sáng kiến này thuộc về nhà báo, nhà văn hóa Phạm Quỳnh với tờ xuân Nam Phong tạp chí phát hành năm Mậu Ngọ (1918): "Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai dịp với khúc đàn chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái cái chủ nghĩa lúc bình thường, bèn định in riêng ra tập ngày tết này, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc bá o đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới". Đó là lời phi lộ của Phạm Quỳnh.

Làng báo Sài Gòn đã có công duy trì và tạo thành nếp truyền thống làm báo Xuân của nền báo chí Việt Nam. Tại sao dân Sài Gòn làm được?

Ấy là do cái tính phóng khoáng và chịu chơi của các ông bà chủ báo. Suốt một năm các ký giả, đặc phái viên, thầy cò, thợ sửa morat, xếp chữ, nhà in… đã cộng tác với mình, Tết đến thưởng họ cái gì thay lời cảm ơn? Các ông bà chủ báo cho họ hưởng toàn bộ lợi nhuận của một số báo đặc biệt. Số báo này tăng trang, dày hơn, giá báo cao hơn. Thế là ê kíp đó hăng hái bắt tay làm giai phẩm xuân thật ngon lành đặng bán chạy, có tiền chia nhau. Dần dà, hễ Tết đến là có báo Xuân. Và duy trì mãi đến nay.

Sáng nay, lang thang xuống phố. Cũng là đi chậm rãi. Ngó trời ngó đất. Đường phố đông nghịt người, xe, khói bụi. Mua bán ầm ĩ. Chen chân. Lựa chọn. Mặc cả. Trả giá. Một cảnh đời nhộn nhịp. Vui tươi. Ngày hôm nay, khai mạc Lễ hội Đường sách xuân Giáp Ngọ, diễn ra tại đoạn đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế. Tạt ngang qua đó chăng? Đang đi nhận được tin nhắn của Đoàn Tuấn:

Đã về Đà Nẵng chưa anh?

Mang xuân về với đất lành hoa niên

Nhà xưa còn sáng ngọn đèn

Phố xưa vẫn có bạn hiền chờ anh

Nước non đâu cũng ân tình

Đi xa là để về gần nhau hơn

(Viết tặng Q trong lúc rửa xe đón Tết).

Đọc cảm động quá. Nhìn lên trời. Đã nghe chim chóc ríu rít.

Sắp Tết rồi.

Bao giờ y khai bút?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment