LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.1.2014

 

Sáng nay, Hội Nhà văn Việt Nam phía Nam mời tất niên. Không đi. Cuối năm, bận rộn quá. Vẫn còn vài việc chưa làm xong. Ai đời, giữa lúc thiên hạ đã có thể thở phào, nhẹ nhỏm nghỉ ngơi, y vẫn đêm đêm nằm đọc Đại Việt sử ký toàn thư. Rồi cũng xong thôi. Ngày mai bắt tay vào giao diện PNO Xuân. Những bài thơ của bạn đọc còn ngỗn ngang. Phải đọc lại và viết đôi dòng giới thiệu như mọi năm. Xuống phố, những ngày này mới thấy người Sài Gòn năng động trong việc kiếm tiền. Đã thấy những cái bàn cỏn con đặt bên lề đường và bày bán loại tiền 1 USD, 2 USD mới toanh; lại thấy có nơi còn bán những tờ giấy tiền in hình con ngựa của nhiều nước; những miếng nhựa màu vàng in tiền, đẹp mắt giống y chang tờ USD… Lấy tiền thật mua tiền thật; hoặc tiền giả với giá cao hơn gấp nhiều lần. Vui chưa? Cũng vui. Trong các ngõ ngách đã thấy những xe ba bánh chở nhiều bịch cát sạch, đóng gói cẩn thận, bán cho những ai muốn thay cát lư hương đặt trên bàn thờ. Các chậu hoa mai đã bày bán khắp hang cùng ngõ hẻm, vỉa hè; đồ chơi trẻ con, quần áo, giày dép đại hạ giá cũng bày bán la liệt…

Những ngày này đã thấy cảm giác Tết thật gần. Gần lắm. Chỉ rướn người một chút, một chút thôi, đã chạm đến Tết. Mà Tết là gì? Vừa thật, vừa mơ hồ. Tùy cảm nhận của mỗi người.

Đêm qua, tham gia chương trình Cám ơn Cuộc đời của VTV 6 truyền hình trực tiếp. Sẽ phát lại lúc 21 g ngày 28 Tết (28.1.2014) trên VTV1; lúc 9 g ngày ngày 30 Tết (30.1.2014) trên VTV 6. Có thể còn sau đó nữa. Chủ đề xuyên suốt: Cuộc sống là chuỗi những sự lựa chọn. Lựa chọn như thế nào để sống khi mà Cuộc đời chỉ có một? Chương trình mở đầu của năm 2014 là bàn về lòng tốt, làm việc từ những con người cụ thể. Mấy ý chính mà y đã phát biểu: Lòng tốt tự bản thân con người sinh ra đã có, “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Tuy nhiên, nói thế vẫn không đủ. Lòng tốt có được là do môi trường giáo dục từ gia đình, nhà trường và môi trường xa hội.

 

cam-on-cuoc-doi-2

 

Có người đàn ông, tên cha sinh mẹ đẻ đặt tên Hà Tư Phước. Anh ở thôn Ia Rok, xã Chư H'Drong (Pleiku, Gia Lai) nhưng mọi người gọi “Phước khùng” bởi anh tự nguyện đem cả vài chục người bệnh tâm thần về nhà nuôi! Em học sinh Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12T7 THPT Đô Lương 1 đã cứu được 4 học sinh khi bị đuối nước dưới sông. Khi đẩy được em thứ 5 vào bờ thì Nam kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi. Cô gái Phan Thị Thu Hà, 18 tuổi, nhưng phải trải qua 6  năm vào Bệnh viện Nhi Trung ương để chạy thận nhân tạo. Cho đến một ngày, bản án tử thần treo trước mặt, chỉ có đường thoát nếu như có một quả thận để thay. Bi kịch bệnh tật của Hà đã động lòng anh Vũ Quốc Tuấn ở xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), làm công việc giữ xe tại bệnh viện. Anh có ý định hiến tặng một quả thận để cứu Hà. Việc hiến thận không đơn giản, anh phải trải qua 68 lần xét nghiệm, mệt mỏi và đau đớn thân xác, nhưng anh vẫn làm. Điều đáng nể trọng hơn trước tấm lòng cao cả của anh, đó là khi biết anh có ý định hiến thận cho Hà, có người đã mua  thận của anh với giá 50.000 USD. Anh từ chối và nói: “Nếu ông có 50.000 USD thì ông có thể mua thận để ghép cho con, nhưng cô bé này không có quả thận của tôi thì chết”.

Chung quanh những chuyện này, y nhấn mạnh vai trò của các cơ quan nhà nước bởi làm tốt bằng cái tâm vẫn chưa đủ. Phải có sự hỗ trợ về mặt chính quyền, nếu xây dựng cầu đàng hoàng thì sẽ hạn chế được những trường hợp chết vì cứu bạn. Một cơ sở tự phát nuôi người tâm thần có hoan nghênh không? Rất đáng biểu dương. Thế nhưng về lâu dài sẽ như thế nào, nếu không có sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa, tài chính, cơm gạo hỗ trợ của nhà nước? Có nhiều điều đáng bàn lắm. Chung quy, khi người dân làm việc tốt, có lòng thiện vẫn chưa đủ vì sự ca ngợi ấy, chỉ mới chạm đến phần ngọn. Cái cốt lõi là từ phía nhà nước phải có những động thái tích cực hơn nữa. Ca ngợi đứa bẻ nhảy xuống sông cứu bạn, chỉ dừng lại đó thì sẽ còn những cái chết khác tương tự nếu nhà nước không xây cầu cho dân v.v… Bậc phụ huynh nào không đau đớn khi con mình phải chết, dù nó đang làm việc tốt? Để không xẩy ra nỗi đau đớn ấy, phải có sự thay đổi về phía nhà nước trong việc lo cho dân, vì dân.

Có những chuyện hiển nhiên như nhặt tiền người khác đánh rơi, đem trả lại. Trong một xã hội bình thường đây là lẽ hiển nhiên. Nhưng ở xứ ta, lập tức, trở thành chuyện “lạ đời”. Có lẽ do lòng tốt, người tốt trong cộng đồng ngày càng hiếm hoi quá chăng? Vừa rồi quan chức tỉnh nọ đã làm một việc vô cùng kỳ cục. Chuyện rằng, anh chàng nọ chở bia, chẳng may xe lật, bia đổ lênh láng đầy đường, thiên hạ ùa vào hôi bia. Tưởng rằng, anh lái xe sẽ đền bia này, nhiều người hảo tâm ủng hộ một số tiền. Sau khi biết, chủ bia không đền, anh trả tiền lại cho mọi người. Việc làm nầy phải là thế. Không thể có cách ứng xử khác. Thế mà, tỉnh nọ lại phong cho danh hiệu “Công dân tiêu biểu” của tỉnh (!?). Kỳ quái thật cho não trạng của ban ngành đoàn thể tỉnh đó.

Một xã hội, có những việc làm rất đỗi hiển nhiên lại thở thành “chuyện lạ” ắt xã hội đó không bình thường.

 

camoncuocdoi-1

 

Từ ngàn đời này, lòng nhân ái đã ăn sâu vào máu thịt người Việt: Chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách; thương người như thể thương thân; nhiễu điều phủ lấy giá gương/ người trong một nước phải thương nhau cùng; bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; tối lửa tắt đèn có nhau; giúp ngặt giúp nghèo; một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ  v.v…. là ý thức sống tựa như đã sống thì hít thở. Vậy mà khi có người tự nguyện thực hiện, lập tức trở thành chuyện “lạ đời”! Điều này có đáng suy nghĩ không? Anh Nguyễn Trí, người vừa nhận Giải thưởng văn chương Hội Nhà văn Việt Nam có kể, lúc ra tòa, anh xin giảm án cho cô gái đã giết con anh. Xin, vì cô ta thất học, còn quá trẻ, con còn bú sữa mẹ, bụng lại đang mang bầu. Người có lòng nhân ái, ai cũng ứng xử vậy thôi. Thế mà trong dư luận có kẻ cho rằng anh muốn “chơi nổi”!

Làm tốt, chẳng ai tin. Nếu tin thì ca ngợi hết lời nhưng bắt gặp câu chuyện cổ tích trong đời thường.

Rõ ràng, đó là điều kỳ quặt. Một xã hội chỉ bình thường khi chúng ta tiếp nhận thông tin “người tốt, việc tốt” một cách bình thường, đơn giản, ai cũng làm thế nếu mình ở trong tình huống đó.

Chuyện này còn có thể bàn dài dài. Thôi thì, trong cuộc sống này, chúng ta hãy ngã mũ kính trọng, thán phục những con người đang làm tốt cho cộng đồng. Anh Hà Tư Phước cho biết không nhớ có bao nhiêu người tâm thần đến với mình rồi trở về nhà. Với anh, " những điều không cần nhớ thì nhớ làm gì. Đầu còn lo nhiều việc khác. Nhớ mình đã cưu mang bao nhiêu người mệt lắm, ngủ chẳng ngon". Câu nói nhẹ nhàng nhưng đủ sức lay động tâm hồn chúng ta. Thử hỏi, làm tốt để làm gì? “Để gió cuốn đi”. Vậy thôi. Không cần ai phải nhớ. Họ đã sống và làm như thế. Đáng kính phục thay. Người làm việc tốt không cần ai phải nhớ đến mình. Tuy nhiên, việc làm tốt ấy đã nhen lên trong tâm hồn mọi người sự tin cậy về lẽ sống ở đời. Trên nền bức tranh xã hội xám xịt, loang lổ, nhố nhăng hôm nay vẫn còn có những ánh màu tươi sáng. Ánh sáng đó có được chính từ những con người biết quên mình, sống vì cộng đồng.

Trước mắt, hãy ca ngợi lòng tốt bởi đức tính ấy đang là của hiếm. Tự nhiên, nhớ đến mấy câu thơ bùi ngùi của Lưu Quang Vũ:

Tôi phải đốt lên một cái gì

Cho sáng rực giũa chênh vênh vực thẳm

Dẫu bao lần người làm tôi thất vọng

Tôi vẩn yêu người lắm lắm người ơi

Hôm qua, đọc báo PN nhà mình mà sôi tiết. Căm giận. Chuyện rằng, Tết Giáp Ngọ 2014 đã cận kề, nhưng không khí gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1965, ngụ đường Trần Quang Cơ, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) lại rất ảm đạm vì cô con gái út của ông tên Nguyễn Thị Cẩm N. 15 tuổi, mất tích đã hai tháng vẫn chưa có tin tức. Ông Phú đêm ngày đi tìm con. May sao, “Đang tuyệt vọng, thì bất ngờ ngày 29/12, tức hơn 20 ngày sau khi N. “mất tích”, gia đình ông Dũng nhận được thông tin từ một phụ nữ tên Vân (tạm trú tại đường Lũy Bán Bích, P. Phú Thạnh, Q.Tân Phú) báo tin con chị cũng bị “mất tích” tương tự N., mới trở về. Chị Vân kể: ngày 14/1/2013, con gái chị bị một phụ nữ tên Kiều tạm trú đối diện Trường Hiệp Tân, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú dụ dỗ bảo đi xe ôm ra Bến xe Miền Tây. Tại đây, Kiều đón sẵn và đưa tới ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, giao cho một người tên Tuyền (tự Trang) là dì ruột của Kiều. Tuyền bán con chị vào động bia ôm H.Y. Cả Kiều và Tuyền đều là đối tượng chăn dắt, dụ dỗ gái cung cấp cho các động mại dâm, có cả đường dây bán gái sang Trung Quốc. Nhờ lần ra địa chỉ, chị đã cứu được con về. Khi vào “động”, chị đã gặp bé N., người trong ảnh mà gia đình trưng ra. Nhận được thông tin này, gia đình ông Dũng đến ngay CA xã An Tịnh đề nghị giúp đỡ. CA xã đã đưa gia đình đến quán H.Y”.

Đọc đến đây, y reo lên, vậy sự đoàn tụ đang trong tầm tay. Như bong bóng xì hơi, uất nghẹt lúc đọc tiếp: “Theo lời ông Dũng, CA không kiểm tra hành chính, chỉ đứng bên ngoài, mình ông vào gõ cửa từng phòng, nhưng chủ quán không chịu mở, nên ông không thể tìm con được. Không nản lòng, gia đình ông đưa ảnh N. dò la các quán, nhà dân ở cạnh quán H.Y. và có người xác nhận là đã từng thấy N. ra vô quán H.Y. Gia đình ông Dũng tiếp tục nhờ bạn bè đóng vai khách vào quán H.Y. để tìm con gái nhưng vì thấy khách đi xe biển số thành phố, lại bị động từ vụ CA đến quán tìm người, chủ quán đã “cảnh giác”.

Quái đản, sao lúc ấy CA “chỉ đứng bên ngoài”? Cuối cùng, sự việc tắc tị. Sự vô cảm này không thể tưởng tượng nổi. Sao không thử đặt trường hợp, nếu đây là con cháu của mình? Nỗi đau đớn nào có thể sánh nổi? Vậy mà người ta lại vô cảm, dửng dưng đứng ngoài cuộc. Nếu không có lòng tốt, nhưng xin đừng quên trách nhiệm của một nhân viên công lực lúc đang thực thi nhiệm vụ. “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Ai nói câu này? Ai thuộc câu này? Tin chắc rằng, bất kỳ một cán bộ nào dù cấp làng xã đến Trung ương đều biết, đều thuộc nằm lòng, vậy mà có lúc người ta lại không thèm đếm xỉa tới. Dân tin vào đâu nữa? Bài báo này kết luận: “Rõ ràng, nếu cơ quan CA địa phương, nơi có thông tin nghi ngờ em N. đang bị “nhốt”, làm hết trách nhiệm, có lẽ sự việc đã sớm sáng tỏ. Cách xử lý của cơ quan chức năng cho thấy họ khá thờ ơ, nên người dân không khỏi bất an” (PN 22.1.2014).

Lòng buồn tênh.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment