LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.1.2014

 

Sáng nay, dậy sớm. Nôn nao với Tết. Chẳng việc gì phải chìm trong giấc ngủ. Hồi mới đi bộ đội về, còn cà nhỏng, chưa công ăn việc làm. Cả ngày đợi đến tối. Tối, đi học bổ túc văn hóa lớp 12 ở Trường PTTH PCT. Sau đó, mới có thể thi đại học. Rảnh rỗi quá, bèn kèm con chị Ái học. Trong sách giáo khoa tiểu học của chúng có bài thơ, nay còn thuộc mấy câu: “Ai dậy sớm/ Chạy ra đồng/ Có mùi hương/ Đang chào đón”. Vèo một cái, chúng nó đã đến tuổi sắp có vợ. Y dậy sớm, có nhang trầm thơm từ bàn thờ của ba từ phía sau lưng. Dậy sớm, nghe tiếng kinh từ chùa vọng sang. Dậy sớm, nhìn từng giọt cà phê lặng lẽ rơi  xuống nền đường cát trắng dưới đáy ly. Dậy sớm, mỗi một việc gõ phím. Từng ngày. Ngày nào cũng thế. Nếu sống trong một nơi không có bàn phím, máy tính thì lúc dậy sớm, y sẽ làm gì? Ghét nhất đàn đúm cà phê buổi sáng. Những câu chuyện ấy. Những gương mặt ấy. Bạn bè ấy. Từng ngày, lặp lại từng ngày. Thoáng nghĩ, đã ngao ngán.

Sáng vào cơ quan, không khí vui vẻ. Chan hòa. Anh em. Đã sắp Tết. Ai nấy cũng hân hoan cười nói. Câu “Nhất rún chị sui, nhì đuôi rắn hổ” được bàn tán rôm rả. Mỗi người một ý. Ai cũng quả quyết giải thích của mình là đúng. Nghĩ lại, y thích câu trên do có từ “rún”. Nếu thay bằng từ khác, sự hài hước sẽ không còn. Hoặc thô kệch, hoăc thô tục. Đọc lại Tục ngữ, phong dao của cụ Nguyễn Văn Ngọc không tìm ra câu này. Trong bài chòi miền Trung có nhắc đến rún. Con Ngũ Rún:

Rủ nhau đi đánh bài chòi

Để con nó khóc tới lòi rún ra

Uớ Ngũ Rún!

Chẳng biết nói thế nào. Chiều nay, có cuộc hẹn làm việc về chương trình Cám ơn cuộc đời: Cuộc đời chỉ có một với VTV 6. Sẽ diễn ra vào lúc 20 g ngày 22.1.2014 tại nhà hát Hòa Bình. Y là khách mời. MC là Đặng Diễm Quỳnh. Thời buổi nhố nhăng này, vậy mà, lòng tốt vẫn còn đây. Chẳng hạn, trên đường đi học về, em Bùi Duy Nhất, 12 tuổi, học sinh lớp 6C trường THCS Đoàn Lập nhặt được chiếc ví dày. Em đứng gần 2 tiếng đồng hồ, đợi người đánh rơi ví quay lại. Đợi mãi không thấy, em mang ví về nhà đưa cho bố mẹ, kể rõ sự tình. Bố mẹ Nhất mở chiếc ví và sững người trước 1.500 USD và 1,3 triệu đồng (tổng cộng hơn 30 triệu đồng) cùng giấy tờ tùy thân mang tên Trần Ngọc Tin, thôn Đông Xuyên Ngoại, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Bố mẹ Nhất đưa con đến tận nhà anh Tin trả lại tiền. Cậu bé nhất định không nhận số tiền anh Tin tặng để cảm ơn. Từ bé đến lớn, em đã được dạy không tham lam của rơi nên em phải trả bằng được số tiền, không thì sẽ rất áy náy.

Tại xóm lao động nghèo của ông Vũ Xuân Ngân (quê Nam Định, ngụ P12, quận Bình Thạnh, TpHCM) xôn xao suốt mấy ngày vì câu chuyện chiếc ví của ông Ngân trở về từ miền Tây Nam Bộ. Khi đánh rơi chiếc ví rách, ngoài 710 nghìn đồng và giấy tờ tùy thân, thì tài sản đáng giá nhất là 3 chiếc vé tàu Tết. Vợ ông Ngân phải vay mượn tiền để mua lại 3 chiếc vé khác với giá 3,3 triệu đồng. Những ngày tiếp theo, dù buồn, hai vợ chồng vẫn phải mưu sinh, ông Ngân đẩy xe đi bán cháo lòng, bà Hiền đạp xe đi bán xôi dạo. Trước đó, hai ông bà cũng từng nhặt được ví bị đánh rơi nhưng họ đều trả lại người đã mất. Rồi chuyện cổ tích cũng xảy ra. Nguyễn Thị Nữ Sinh, 26 tuổi, nhân viên một công ty du lịch đã tìm đủ mọi cách để chiếc ví và những chiếc vé tàu Tết về với vợ chồng ông Ngân...

Lại có chuyện Phước "khùng" và tổ ấm người điên như sau: Một lần tình cờ chứng kiến cảnh người đàn ông bị xích lại vì mắc bệnh tâm thần, anh Hà Tư Phước (thôn Ia Rok, xã Chư H'Drong, Pleiku, Gia Lai) suy nghĩ và quyết định đưa người đàn ông điên dở đó về nhà chăm sóc. Sóng gió gia đình nổi lên, vợ anh, chị Huỳnh Thị Hạc không thể hiểu nổi chồng, thậm chí, chị còn cho rằng anh đang có biểu hiện tâm thần. Nhưng từng bước, từng bước một, anh đã thuyết phục cả gia đình đồng tình với quyết định rất nhân văn của mình. Hơn 10 năm qua, vợ chồng anh đã đón những người mắc bệnh tâm thần lang thang về nuôi dưỡng, kệ cho mọi người xung quanh coi anh là "rỗi hơi", là "bị khùng". Anh Tư Phước không nhớ có bao nhiêu người tâm thần đến với mình rồi trở về nhà. Với anh, "những điều không cần nhớ thì nhớ làm gì. Đầu còn lo nhiều việc khác. Nhớ mình đã cưu mang bao nhiêu người mệt lắm, ngủ chẳng ngon".

Lại chuyện em học sinh Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12T7 THPT Đô Lương 1 đã cứu được 4 học sinh khi bị đuối nước dưới sông. Khi đẩy được em thứ 5 vào bờ thì Nam kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi. Nam mới học và biết bơi được 20 ngày và chỉ còn 31 ngày nữa, Nam sẽ thi tốt nghiệp PTTH. Nam được Chủ tịch Nước truy tặng Huân chương Dũng cảm.

Xoay quanh với nhiều câu chuyện cổ tích khác trong đời thường, y sẽ nói gì? Có phải “nhân chi sơ, tính bổn thiện”? Những người làm việc tốt ấy có phải “khùng” hay không? v.v… Thật ra, y không đủ giỏi giang, thông minh để bàn luận, lý giải các câu chuyện này. Nếu có những người bạn tốt, có thể đặt vấn đề cùng tranh luận, phản biện thì tốt quá. Mà cuối năm rồi. Ai cũng bận. Chẳng ai rỗi hơi ngồi bàn cho ra ngô ra khoai. Dù đã rủ. Ngồi một chút, trao đổi thêm với Quỳnh. Vậy mà không.

Tự nhiên lại nhớ đến vài người bạn tốt cỡ như anh Nguyễn Tôn Nhan, An Chi… khi cần hỏi điều gì, chỉ nhắc điện thoại là sau đó có ngay câu trả lời chu đáo. “Q à? Chờ chút. Tra cứu xong sẽ gọi lại ngay”. Giây lát sau, đâu vào đó. Mà cũng lạ, có những người tốt thật. Cả đời chẳng mấy khi khề khà chén rượu ly bia, đến nhà thăm nhau nhưng khi cần, họ giúp ngay. Giúp vô tư như một trách nhiệm. Lý giải thế nào? Nghĩ lại, cảm động. Tình cảm này cũng tựa như nhà sử học Nguyễn Thiệu Lâu dành cho cụ Nguyễn Văn Tố. Thập niên 1930, thế kỷ trước ở miền Bắc có câu “Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố”. Đó là bốn trí thức giỏi tiếng Pháp, uyên bác: Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn (bố Phạm Duy) và Nguyễn Văn Tố. Khi nhớ lại cụ Tố, người đã chu đáo từng sửa từng lỗi chính tả, câu cú giúp mình, ông Lâu viết một câu ngắn, ấn tượng: “Bây giờ tôi viết bài, phải tự chữa lấy, thật là buồn…”.

Bây giờ, y tiếp cận đề tài này, phải tự lý giải lấy, thật là buồn.

Làm thế nào để biết, lúc cần kíp mình sẽ cần ai nhất? Chiều nọ, cách đây mươi năm, lần đầu tiên, bước một mình vào bệnh viện tiểu phẩu một cái u sau cổ. Anh Phan Kim Thịnh - chủ bút báo Văn Học tại Sài Gòn trước 1975 cũng bị tương tự. Do lười, sợ, không mổ nên khối u ấy ngày càng to. Nhìn thấy anh, y rút kinh nghiệm ngay. Cái u chỉ bằng lóng tay. Sờ vào không đau. Anh Thịnh bảo: “Q đi mổ đi. Đừng chủ quan như tôi”. Sau khi vào bệnh viện làm xong thủ tục, bác sĩ hỏi câu chót: "Khi cần thiết báo tin cho ai?". Tự nhiên hoảng quá. Thì cũng phải mổ. Lúc đó, trong tờ khám bệnh, y đã điền tên và số điện thoại của ai?

Trời đã chiều. Ghi lại đôi dòng về thông tin này: Sau sự cố chiều ngày 20.1.2014, tàu cánh ngầm SG 6003 của Công ty dịch vụ hàng hải VinaExpress bất ngờ bốc cháy trên sông Sài Gòn, sực nhớ lại những vụ tai nạn tàu thủy kinh hoàng: chìm tàu Cần Giờ, lật nhà hàng nổi ở Dìn Ký, chìm tàu trên Vịnh Hạ Long … đã xảy ra trước đó. Lập tức, các cơ quan chức năng đã có cuộc kiểm định toàn bộ tàu cánh ngầm. Họ đã kiểm định thế nào? Không rõ. Theo trang Vn Epress: “Một cảnh sát PCCC cho biết, chiếc tàu cánh ngầm SG 6003 này vừa được kiểm định đủ tiêu chuẩn an toàn vào ngày 17/1” (http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giay-phut-hon-80-nguoi-nhay-khoi-tau-canh-ngam-boc-chay-2942627.html). Tù ngày 17.1 đến ngày 20.1 là mấy ngày? Bó tay. Tin này không vui chút nào. Không bình luận.

Tìn này vui hơn. Báo PL TP.HCM số phát hành ngày chủ nhật vừa rồi có đăng tin: “Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2013 Việt Nam đã tiêu thụ hết 3 tỉ lít bia, tương đương 3 tỉ USD. Như vậy trung bình mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 32 lít bia một năm. Với mức tiêu thụ này Việt Nam nằm trong tốp 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới, đứng thứ ba ở châu Á chỉ sau Trung Quốc, Nhật và đứng đầu khu vực Đông Nam Á”.

Đọc xong, ưỡn ngực tự khen, y là một trong những đệ tử Lưu Linh đã góp phần làm nên kỷ lục vẻ vang này. Vậy không vui là gì?

 

L.M.Q

dvvulichxuan2014

Chia sẻ liên kết này...

Add comment