LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.1.2014

 

Sáng dậy sớm. Mua tờ A.T. Nội dung đã khác. Hy vọng sống được. Mấy sạp báo nói giá hơi cao. 30.000 đồng. 100 trang cả bìa. Khen bìa và ruột trình bày đẹp. Vậy, chúc mừng lão huấn luyện viên trưởng vẫn sung. Già còn gân. Khi viết những dòng này, tiếng cầu kinh bên chùa vẫn vọng sang. Nghe hoài. Nghe mỗi ngày. Chẳng nhập tâm được câu nào. Bởi lòng y còn sân si lắm. Hôm kia, nghe anh bạn Hà Đình Nguyên cao hứng buộc miệng nói câu thành ngữ thật hay. Ghi lại kẻo quên: “Nhất rún chị sui, nhì đuôi rắn hổ”. Nếu không sân si, sao y lại ôm bụng cười ngất?

À, cách đây chừng hai năm, cũng dịp này, anh Nguyễn Tôn Nhan mất vì tai nạn giao thông. Anh tuổi Đinh Hợi, con rể nhà văn Tô Kiều Ngân. Ngày đó, thỉnh thoảng y vẫn ghé nhà chơi. Nhờ anh viết, đọc giúp vài câu chữ Hán. Ngày anh mất, muốn thắp nén nhang nhưng cuối cùng tìm nhà không ra. Ngõ hẻm Sài Gòn lắt léo, ngoắc ngéo, ngoằn ngoèo, ngủn ngoẳn, loằng ngoằng, ngoặt ngoẹo nên chịu thua. Sở dĩ chiều nay nhớ, bởi đọc tờ báo Pháp luật Hôn nhân thứ 7 (18.1.2014) có thông tin liên quan đến anh.

Đó là vụ “đạo văn” đang gây chấn động ở Viện Văn hóa  - Trường Đại học Văn Hóa. Báo trên cho biết bà Nguyễn Thùy Vân, cán bộ Ban Văn hóa thế giới, từ năm 2006 đến 2013 đã thực hiện 17 đề tài khoa học, trong đó có 14 đề tài dịch từ chữ Hán sang Việt, 1 đề tài từ tiếng Anh sang Việt và 2 đề tài nghiên cứu. “Quy mô mỗi đề tài khoa học tối thiểu là 200 - 300 trang, đề tài có số trang hơn 1.000 khá phổ biến. Tính bình quân đề tài mà bà Vân thực hiện có độ dày khoảng 500 trang. Với số trang như vậy, thì 7 năm qua Vân đã chuyển ngữ khoảng 7.000 trang từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt với hơn 3 triệu chữ”. Một người có thể làm được như vậy không? Chỉ biết rằng, theo tờ báo trên, bà Vân đã chép nguyên si nhiều công trình khác, “chẳng hạn, năm 2008 Vân dịch cuốn “Văn hóa cổ điển Trung Hoa”, ở ngoài bìa Vân ghi chủ biên là Nguyễn Tôn Nhan (một học giả người Việt đã mất). Thực tế đây là cuốn sách tiếng Việt do ông viết có tên “Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc”.

Quyển sách này có trong tủ sách, y xem lại thì biết để biên soạn, trong phần thư mục anh Nhan tham khảo hơn 30 đầu sách của Trung Quốc. Ngoài ra anh còn biên soạn Tự điển thành ngữ điển tích Trung Hoa, Từ điển Hán - Việt văn ngôn dẫn chứng… Có lần anh tâm sự: “Tôi cho tiếng Hán dễ học hơn bất cứ thứ chữ nào tôi đã “nếm” qua. Điều ấy có lẽ là do cái “tạng” của tôi so với nhiều người không giống nhau. Hồi trước năm 1975, giữa những năm của thập niên 60, lúc tôi mới 17, 18 tuổi, thời kỳ người Mỹ đổ qua Sài Gòn, thiên hạ đua nhau học tiếng Anh, tiếng Mỹ để dễ giao dịch, thuận tiện trên đường học vấn thì tôi chịu, dính chết với chữ Hán, tự học và say mê. Thấy thế ai cũng cho rằng tôi học tiếng Hán thời buổi ấy là “bơi ngược dòng” có mà “húp cháo”. Song tôi vẫn thích học, thích đọc và dịch sách chữ Hán”. Cách học của anh cũng lạ. Ngồi đâu là ghi đó. Ghi riết cho nhớ mặt chữ. Bất kể ghi trên giấy hay trên cát, trên mặt bàn... Để có thể toàn tâm toàn ý biên soạn các bộ sách trên, anh bảo, chính anh L.N.Đ đã đầu tư tiền đủ sống hằng tháng. Cứ làm miệt mài, từ năm này qua năm nọ, khi nào xong bản thảo thì đưa in. Chà, tư nhân tham gia vào thị trường sách năng động quá đi chứ. Thời ấy, anh chẳng giàu có gì, chỉ đủ sống. Chị vợ chuyên viết sách dạy nấu ăn, bán bản thảo cho các nhà xuất bản. Đời sống lương thiện. Đáng quý quá. Nay, nghe tin mãi đâu tận HN ở cái Viện Văn hóa rất danh giá kia, người ta lại “đạo văn” của anh để rút tiền Nhà nước. Tiền cấp phục vụ cho các công trình nghiên cứu khoa học!

Đọc tin này choáng quá.

Lại choáng tiếp với cái tin này. Sáng nay, lang thang tên facebook, thấy có bạn chụp tấm hình tờ lịch ngày Mồng 1 Tết năm nay. Phía dưới là dòng chữ (nguyên văn): “Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết rùa thần đòi gươm. Một hôm nhà Vua dạo chơi bằng thuyền trên hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”. Viết thế này, dám in thế này là bạo gan quá chừng chừng. Chỉ tiếc, bạn đó chụp lại tờ lịch này mà không cho biết nhà xuất bản nào đã ấn hành, tự nó, không có giá trị phê phán. Đành rằng, có hình ảnh hẳn hòi, nhưng người xem phải biết chính xác đơn vị xuất bản nào chịu chịu trách nhiệm cho ra lò loại lịch cà chớn này? Chỉ mỗi tấm hình, không một thông tin nào thêm, thật đáng tiếc. Đáng tiếc bởi người tiếp nhận, không có cơ sở kiểm chứng lại.

Trước đây, nhà nhiên cứu Văn Tâm làm tập sách Đoàn Phú Tứ, con người và tác phẩm (NXB Văn Học-1995), có người cung cấp nhiều tư liệu. Thế nhưng ông phân vân bởi các tư liệu đó cắt ra từ báo, tạp chí thời trước 1945, nhưng lại không ghi “nguồn”. Do đó, không thể biết bài báo đó, in báo nào, phát hành ngày tháng nào? Khó có thể gọi là chứng cứ đáng tin cậy, chỉ dành tham khảo. Thật đáng tiếc. Điều này cũng bình thường, người sưu tập không có tư duy của nhà nghiên cứu.

Tờ lịch công bố trên facebook cũng vậy thôi. Mà sáng Mồng Một Tết, vô phước cho ai lật phải loại lịch đó, đọc dòng chữ đó, xem như “rông” cả năm!

 

tolihc-ca-choon

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment