LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.1.2014

 

NQN-RRn

RRRRRnguyebn-nhat-anh

Sách Việt Nam bán tại nhà sách ở Úc

 

Đọc lại Nhật ký 1.1.2014 thấy chỉ đôi dòng. Phải vậy thôi. Chẳng lẽ lấy toàn bộ Nhật ký vừa post vừa đem in báo? Đồng nghiệp biết, rày rà lắm. Ngày mai, báo đã phát hành, lấy bổ sung thêm vào. chẳng sao. Lên facebook, đọc bài thơ của nhà báo Hà Đình Nguyên. Tựa “Tự trào”. Tự cười mình:

Một năm con rắn quá ngoằn ngoèo

Nay thấy ngựa về tớ sướng reo

Đếm tuổi: đã gần thôi viết báo

Xem tên: e đủ đóng phim heo

Thuốc thang chỉ rặt toa "ngò mực"

Ăn uống dùng toàn món "nhím, cheo"

Thầy bói cò mồi, gà...chim chuột:

- Đố ông Năm Mới chẳng thêm mèo!

Anh đố, trong bài thơ này có mấy con vật? Có ai ngồi đếm thử không? Chỉ hỏi toa "ngò mực" là toa thuốc gì? Lại vào trang facebook của Tân Lê thấy ảnh chụp vài quyển sách của y bán tại nhà sách ở Úc. Chỉ loáng qua thôi. Không sa đà vào đó. Sợ mất thời gian. Thoát ra ngay. Mở inbox, thấy có email của anh Ánh bàn đến Nhật ký 16.12.2013. Trong đó có đoạn: “Lại hỏi, vì sao trong tiếng Việt có các từ như chợ búa, gà qué, heo cúi v.v… Chà, khó trả lời quá. Bỗng nhiên, Trần Hoàng Nhân giải thích cà rỡn: Đã là chợ ắt có mua bán mà “mua bán”, nói lái “mang búa”. Chữ “búa” đi kè kè sau từ “chợ” có nghĩa là thế. Anh em cười cái rần dù biết giải thích chẳng khoa học tí xíu nào”. Anh Ánh viết: “Sáng nay vào trang LMQ, thấy anh em bàn từ "chợ búa". Theo anh được biết, "búa" cũng là một loại chợ, khác với chợ thế nào thì không nhớ rõ (có thể "búa" là một từ cổ chăng, hay phát xuất từ ngôn ngữ dân tộc thiểu số?). Cũng như "chiền" (trong "chùa chiền") là một từ chỉ "chùa", chứ không phải là một từ vô nghĩa. Quốc tra cứu thêm coi sao!”.

Chà, câu gợi ý thú vị nhưng khó quá. Đọc Từ điển từ Việt cổ  (NXB VTTT - 2011) của Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện không thấy giải thích. Tiếng Việt trong thư tịch cổ Việt Nam (NXB VHTT- 2011) của Nguyễn Thạch Giang cũng không có thông tin gì hơn. Đại Nam quốc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, bản in 1895, cho rằng, những từ đó là “tiếng đôi”. Nếu đúng, từ đi theo không có nghĩa, nếu có chỉ bổ trợ cho từ đi trước. “Chiền” bổ trợ cho “chùa”. Tự nó đứng riêng không có nghĩa. Nghe vô lý quá. Hay là ban đầu người Viêt gọi chung “chùa chiền”, “heo cúi”… Dần dà, qua giao tế, từ đi sau biến mất? Mà cái chuyện này hoàn toàn xẩy ra, trong một vài trường hợp. Chẳng hạn, “ngã tư ông Bảy Hiền” thành “ngã tư Bảy Hiền”; “chợ sông Hàn” thành “chợ Hàn” v.v… Ôi! Rắc rối. Chẳng rõ thế nào nữa. Sực nhớ anh Huệ Thiên, tức An Chi chừng mươi năm trước anh cho biết tập trung công sức làm quyển Từ nguyên tiếng Việt. Nay chẳng rõ đã đến đâu rồi?

Thời sinh viên lười học quá, bao nhiêu vốn tiếng Nôm - Hán đã trả hết lại cho thầy. Giờ mới tiếc. Là người Việt, chắc gì chúng ta đã hiểu hết ngữ nghĩa tiếng Việt? Y cũng vậy. Chỉ nội cách xưng hô của vua chúa thời trước cũng khiến nhiều người bí rị. Mới đây, khi xem phim Trần Thủ Độ, những chi tiết như Trần Thị Dung xưng “anh - em” với Trần Thủ Độ, xưng “mày - tao” với đầy tớ gái... PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi - Viện Sử học, cho rằng: "Cách xưng hô của thế kỷ 13 không có “anh - em”, “mày - tao”, vì dân tộc ta hồi đó toàn dùng chữ Hán. Trong các tác phẩm chữ viết thời xưa cũng không thấy có cách xưng hô này. Phiên âm ra “anh - em” mãi sau này theo Quốc ngữ mới có (http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/phim-thai-su-tran-thu-do-dung-noi-lam-phim-lich-su-thieu-tu-lieu-n20131224093627085.htm). Tiếc ý kiến này chẳng thấy ai tranh luận, đồng tình hay phản bác.

Thử hỏi, nếu người Việt không sử dụng chữ Quốc ngữ, chỉ sử dụng Nôm - Hán, ngày nay đất nước đã đi về đâu? Trước đây khá lâu có tham dự buổi tọa đàm khoa học ở Trường Đại học Sư phạm, có nhà nghiên cứu lập luận, sở dĩ Nhật, Trung Quốc… đi xa hơn chúng ta bởi họ sử dụng chữ Hán. Học chữ Hán, chỉ một chữ, người ta cũng thấu hiểu ý nghĩa của nó. Chẳng hạn, học chữ “Quốc”, đại khái cậu học trò sẽ biết: Hình của chữ giống như lấy “qua” (vũ khí) bảo vệ “khẩu” (thành, ấp); xung quanh chữ thêm khung vuông chỉ cương vực tạo thành chữ “quốc”. Do tên y nên y na ná nhớ. Nhớ vậy có đúng không? Thời đi học lại có lúc nhớ rằng, trong cái khung vuông có chữ "khẩu" (miệng"), ngay dưới "khẩu" là chữ "nhất"; đặt nghiêng trên hai chữ đó là "qua" (vũ khí) và phía trên là chữ "ngọc" (châu báu). Tự hiểu, chữ "Quốc" có ý nghĩa là người dân trong một nước, muôn người như một (miệng) cùng cầm vũ khí bảo vệ châu báu trong cương thổ của mình. Trong khi đó, học chữ Quốc theo chữ Quốc ngữ, chỉ đơn thuần là “quốc”. Mà may nhờ có chữ Quốc ngữ, xóa nạn mù chữ mới nhanh chóng hơn. Thời đi học, thày bảo, chữ Hán rắc rối, nhiều nét nên sau này người ta có giản lược bớt nét. Ngày xưa, dù giỏi chữ Hán nhưng không ôn luyện, không đọc, không viết thường xuyên cũng có nguy cơ mù chữ lại như thường. Vậy suy luận ra, “văn ôn võ luyện” là câu cửa miệng đã có từ xửa từ xưa lắm rồi.

Một ngày trôi qua nhanh. Sáng nay, mẹ vẫn dậy sớm như mọi ngày. Vậy là vui. Ngày bình yên. Vẫn phở. Sáng mai, y làm nhân vật chính của chương trình “Đấu trường 100” của VTV 3. Do chưa xem, chưa chơi nên y truy cập mạng  tìm hiểu trước: “Đấu trường 100 là một trò chơi truyền hình được sản xuất theo bản quyền của C.Ty Endemol N.V, Hà Lan. Đây là trò chơi ghi kỷ lục "trò chơi truyền hình đầu tiên có số người tham dự trực tiếp đông nhất tại Việt Nam“ và được Ban tổ chức khẳng định là trò chơi truyền hình có đầu tư lớn nhất và thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất trong tất cả những chương trình.

Cuộc tranh tài trên truyền hình sẽ diễn ra giữa hai bên, một bên là một người chơi chính được lựa chọn ngẫu nhiên từ số 101 người tham dự, một bên là 100 người chơi phụ, dưới hình thức khảo nghiệm kiến thức về đời sống xã hội và kinh nghiệm sống. Điểm gay cấn nhất của trò chơi này là người tham gia không thể dừng bất cứ lúc nào. Muốn chiến thắng, họ phải bảo toàn số điểm đến phút chót và phải vượt qua tất cả 100 người cùng chơi. Máy tính sẽ chọn ngẫu nhiên một người chơi chính trong 101 người tham dự. Có 2 cấp độ cho câu hỏi khó và dễ cho người chơi chính chọn lựa. Người chơi chính phải trả lời đúng câu hỏi đầu tiên mới được quyền tiếp tục cuộc chơi. 

Nếu trả lời sai ở câu hỏi đầu tiên này, người chơi chính sẽ bị loại, máy tính sẽ chọn người chơi chính tiếp theo từ những người chơi phụ có câu trả lời đúng. Số điểm cho những người chơi phụ còn lại cho một câu hỏi luôn là 1.000 điểm, chia đều cho tổng số người chơi phụ còn lại trước mỗi câu hỏi. Số điểm người chơi chính đoạt được sẽ bằng tổng số điểm của những người chơi phụ trả lời sai câu hỏi đó. Nguời chơi phụ chỉ có 6 giây để trả lời cho mỗi câu hỏi. Sau mỗi câu hỏi, những người chơi có câu trả lời sai (biểu hiện đèn đỏ) sẽ bị loại ra.

Khi trả lời sai ở bất kỳ câu nào, người chơi chính sẽ bị loại, máy tính sẽ chọn tiếp một trong số những người chơi phụ có câu trả lời đúng (biểu hiện đèn xanh) còn lại trong cuộc chơi để trở thành người chơi chính tiếp theo”.

Ngày mai, 9 g sáng, y phải có mặt ở trường quay của VTV bên quận 4. Để xem sao. Biết đâu nhận được vài chục triệu ăn Tết thì vui quá. Hy vọng thế. Sáng ngày mốt, 9 g sáng, có mặt ở Thảo Cầm viên tham gia làm giám khảo cuộc thi thơ hài hước trong chương trình Kỷ niệm 30 năm báo TTC.

Chiều rồi. Có cuộc hẹn với bạn bè. Mừng năm mới. Đi thôi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment