Thẻ Bảo hiểm y tế của mẹ Lê Minh Quốc
Sao mấy hôm nay không có Nhật ký hả anh?
Đến phở, chưa kịp ngồi xuống ghế, anh bạn đã hỏi. Thật ra, mấy hôm nay, y cũng đã hỏi y. Đôi khi cảm thấy sự trăn trở, dằn vặt lại trở nên như một trò hề. Mỗi ngày lật trang báo, cảm thấy chữ nghĩa cũng chẳng là gì. Bao nhiêu hăm hở tắt ngúm. Cụt hứng. Chừng mươi năm trước bắt tay viết dài hơi Hỏi đáp Non nước xứ Quảng. Đã in 4 tập. Lúc bắt tay vào viết tập 5, nghe biết vài thông tin ở quê nhà. Cảm thấy chán. Cũng chuyện các quan chức. Tự nhiên lòng yêu mến, tình cảm nơi chôn nhau cắn rốn, đêm thương ngày nhớ rơi tụt mất. Chán. Chẳng muốn viết nữa. Hình đẹp từ trong ký ức với hiện thực đời sống cách xa quá. Mỗi ngày, có những cú va đập của sự việc nào đó, trong lòng hằn lên vết sẹo. Cảm thấy khốc liệt quá. Mà cũng khốn nạn quá. Làm sao có thể tưởng tượng nổi: Nhận được tin báo sắp bị bắt, tay nọ “lót tay” tay kia những 500 ngàn USD. Làm quan kiểu gì mà có thể “chung chi” số tiền lớn như thế? Một số tiền mà người lương thiện có nằm mơ cũng khó thấy nổi. Nếu có, họ phải cật lực ghê gớm. Còn đây, chỉ bằng một cú điện thoại. Là xong. Ăn xong một miếng bánh và lấy khăn mù xoa lau miệng sạch sẽ. Không phải rơi một giọt mồ hôi. Kinh khiếp quá.
Ở nhà y, mỗi chiều có chị bán hột vịt lộn, người Quảng Ngãi đi ngang qua. Mười ngày như một. Tiếng rao lanh lảnh. Hỏi chuyện mới biết, mỗi ngày chị phải đi ròng rã từ sáng đến 6 giờ chiều; sau đó, đi bán vé số đến khuya. Có như thế, may ra mỗi tháng mới để dành vài trăm ngàn gửi về quê nuôi cha mẹ già. Tự nhiên thấy tội nghiệp. Những số phận cần lao ấy đáng yêu lắm. Mỗi ngày ra chợ, thấy người nghèo mua mớ rau, con cá phải trả giá từng xu, chắt chiu từng đồng mới biết thế nào là “tiền sạch”. Đồng “tiền sạch”, nặng lắm, bởi có mồ hôi của sự lương thiện. Chỉ khi xài tiền của kẻ khác, con người ta mới dám vung tay quá trán.
Một vấn đề nổi cộm của nhiều năm qua vẫn là chuyện quan chức đi công tác nước ngoài. Báo Đời sống & pháp luật số 1, tháng 1.2014 - Cơ quan trung ương của Hội Luật gia Việt Nam, lấy thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết: “Năm 2012 tổng số có 3.780 đoàn của các bộ, ngành đi nước ngoài. Sang năm 2013 tuy có giảm nhưng số lượng còn lớn, tới 3.200 đoàn”. Thử hỏi, một người đi công cán "ngốn" bao nhiêu tiền? Cũng trên số báo này, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trả lời: “Tôi lấy ví dụ một cán bộ, công chức đi châu Âu vé thường cũng phải khoảng 2.000 USD (còn vé VIP thì từ 4.000 đến 5.000 USD). Như vậy riêng tiền vé cho một người đã phải tốn từ 50 - 100 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền ở khách sạn, tiền ăn, tiền đi lại ở nước đó, tiền công tác phí và các chi phí khác thì con số chi cho một người đi công tác nước ngoài sẽ là bao nhiêu? Thấp nhất cũng không dưới 70 - 80.000.000/ người, cứ thế mà nhân lên cho một đoàn rồi nhân với con số 3.200 đoàn một năm sẽ cho ta con số hàng ngàn tỷ”. Chà, vấn đề đặt ra ở đây là các chuyến đi đó có hiệu quả gì không? Ngày xưa, các quan lại đi nước ngoài, khi về phải viết sớ tấu trình lên nhà vua. Họ viết rất chi tiết những gì đã làm. Nay, không rõ thế nào.
Trở lại vụ hối lộ liên quan đến nội tình 500 ngàn USD. Mấy hôm nay sực nhớ đến lần được hầu chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Hải Phòng và phu nhân. Lúc đó, vợ chồng ông nhân công tác tại TP.HCM có tổ chức thân mật gặp gỡ lãnh đạo báo chí. Y được sếp Tổng phân công đi dự. Còn nhớ, hôm đó, anh em có đặt câu hỏi với ông Bí thư, đại khái, vì sao khi nói đến Hải Phòng người ta chỉ nhớ đến sự nổi trội vẫn nhất là chuyện giang hồ, xã hội đen, đâm thuê, chém mướn? Nay qua vụ 500 ngàn USD, có thể tìm ra câu trả lời chăng? Báo Đời sống & pháp luật (số 6.1.2014) khẳng định có “Dấu hiệu bắt tay với xã hội đen”. Nếu đúng như thế, liệu cơ quan công an có còn là “nắm đấm thép” không? Cũng số báo này, Thiếu tướng Lê văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) trả lời câu hỏi: “Theo ông, tại sao khi rơi vào vòng vây nợ nần, người dân thường chọn cách giải quyết ngoài pháp luật thay vì kiện ra tòa?”. Câu trả lời như sau: “Chẳng ai muốn thuê xã hội đen hoặc dùng “luật rừng” vào việc đòi nợ bởi sẽ rất dễ dính đến pháp luật, vô tình trở thành kẻ phạm pháp. Nhưng rõ ràng khi cơ quan chức năng đứng ngoài cuộc, họ đành phải dùng các biện pháp ngoài luật. Người ta ưa vào “xã hội đen” vì họ không tin vào hệ thống tư pháp. Bên cạnh đó, phải nhận rằng việc đòi nợ bằng con đường khởi kiện ra TAND mất rất nhiêu thời gian và dù thắng kiện thì thi hành án cũng không dễ”.
Sáng vào cơ quan họp. Trưa, trên đường về nhà vẫn thói quen ghé sạp báo quen lựa vài tờ báo. Anh bán báo lại giới thiệu tờ báo Đời sống & pháp luật hôm nay (8.4.2014). Anh lật trang 4 - 5 chỉ tay vào một cái tít dài. Chà, cái tít dữ dội quá, cỡ gan thỏ đế như y chẳng dám há miệng ra nói bao giờ: “Nhiều người dân bị dồn nén “sau một đêm” trở thành tội phạm?”. Bèn mua. Đọc thấy ý kiến có của đại biểu Quốc hội Trần Thị Khá: “Việc người dân bị đẩy vào tình thế cùng cực rồi phạm tội, trong khi đó, cơ quan ban hành quyết định hành chính sai, tòa án trì hoãn sử lý dẫn đến án hình sự lại không chịu trách nhiệm liên đới như hiện nay là một việc bất công. Theo tôi, xử tội của người vi phạm thì cần thiết phải truy đến cùng nguyên nhân đẩy người dân vào hoàn cảnh cùng cực, dẫn tới phạm pháp. Những hành vi phạm tội như trên đều có nguyên nhân vì quá bức xúc trong tranh chấp một quyết định sai của chính quyền, hoặc tòa án. Tuy nhiên hiện nay, trong luật chưa quy định rõ ràng, chưa cụ thể chuyện trách nhiệm này, dẫn tới để quy trách nhiệm rất khó khăn. Một người gây hậu quả chết một người thì chỉ có một người, trong khi đó ban hành một chủ trương sai, một quyết định hành chánh sai có thể làm sai một vấn đề, gây thiệt hại lớn về kinh tế, quyền lợi của người dân nhưng đến nay không có chế tài nào xử lý là điều phi lý nhất”.
Đoc xong, giấc ngủ trưa không ngon như mọi ngày.
Hôm nay, vào cơ quan đã nhận được Thẻ Bảo hiểm y tế của mẹ từ Đ.N gửi vào. Nhìn một lúc, tính rợ một lúc mới hay mẹ đã 86 tuổi. Chiều, em C.L đòi phải có bài điểm sách gấp. Bèn viết. Rồi lang thang facebook. Tình cờ nhìn thấy hình ảnh bài thơ Mẹ về quê chồng của y in trên báo Dân Việt. Số Xuân phát hành ở Úc. Bài thơ viết đã lâu, đã in trong tập Yêu em, Đà Nẵng. Bìa tờ báo rực rỡ, có câu: "Mừng Tết Quý Tỵ/ Phúc vươn cành lộc”. Chẳng rõ, nếu thọ bằng tuổi mẹ như bây giờ, y còn có thể minh mẫn, đi chợ, nấu cơm, quét nhà, bơm nước, giặt giũ, xem ti vi… như mẹ không?
Nghĩ cũng may, nếu nhân loại không sáng chế ra cái truyền hình, mẹ y sẽ làm gì trong một ngày. Đọc sách? Không thể. Vá áo? Cũng không. Mắt đã mờ làm sao có thể xỏ kim. Lân la trò chuyện hàng xóm? Không thể. Ở Sài Gòn nhà nào biết nhà đó. Bước vào nhà, khóa cổng. Nhà sát cạnh nhau bao nhiêu năm cũng chẳng biết vợ chồng nọ tên gì, làm nghề gì. Nghiệm ra rằng, quảng cáo trên truyền hình là hiệu quả nhất. Các bà nội trợ lúc rảnh rỗi thường có thói quen dán mắt vào màn hình. Vì thế, ở nhà y hễ truyền hình có quảng cáo cái gì liên quan đến nồi, niêu, xoong, chảo, nước mắm, xì dầu, hành, tiêu, ớt, tỏi... nghe lọt tai là mẹ y lại khệ nệ vác về. Đến năm 86 tuổi, y sẽ thế nào? Chẳng ai có thể biết trước điều gì. “Hãy cứ vui chơi cuộc đời. Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau. Còn đây em ngọt ngào. Đứng bên ngày yêu dấu. Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao" (T.C.S). Sống cho mình. Tận hưởng từng ngày. Nghĩ lại, các bậc làm cha mẹ khổ quá. Lúc ấy, chỉ sống cho con. Làm mọi thứ cũng vì con. Mỗi ngày, sau khi y ăn xong, bà cụ lại giở lồng bàn xem y hôm nay ăn uống thế nào? Món ăn nào nó không đụng đũa đến, y như rằng, lần sau chẳng có nữa. Đổi qua món khác. Bởi nghĩ trong đầu, con mình nó không thích. Mỗi ngày, con đi làm về ngồi vào bàn mà ăn nhiều, ăn hết là vui. Bà mẹ nào cũng thương con. Khổ nổi, thằng con mình nó lại mê con gái người khác hơn. Đêm hôm khuya khoắt lại mưa gió chẳng bà mẹ nào sai con đi ra phố mua cho bát phở, cái bánh... Mà có sai bảo, thằng con cũng vùng vằng, càu nhàu. Ấy thế, con vợ hoặc người tình của nó sai bảo là nó chấp hành ngay tắp lự. Thậm chí, trước lúc đi, nó còn huýt sáo hào hứng như đang thực hiện một nhiệm vụ vẻ vang rất đáng tự hào. Rất bản lĩnh. Rất đáng khen. Rất đáng tuyên dương. Đừng nói đâu xa. Chính y đó thôi.
Mấy hôm nay báo xuân đã phát hành lai rai, đọc báo Người lao động số Xuân thấy có tạp bút của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Chi tiết này hay, vào thập niên 1960 của thế kỷ trước: “Ở Đà Nẵng khi đó, đường nào ngắn nhất và chỉ có một số nhà? Đó là đường Lê Văn Duyệt”. Anh cho biết thêm: “Mặt tiền tòa án số 28 Bạch Đằng, đối diện với thương cảng. Một bên hông tòa án là số 1 Lê Văn Duyệt, dài khoảng 300 mét”.
Chiều rồi. Đã đến giờ qua TT họp mặt kỷ niệm 30 năm báo TTC. Đi thôi.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|