LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.12.2013


Sáng nay, nhìn tờ lịch thấy ghi ngày 23.12. Bỗng giật mình. Ủa, hóa ra hôm qua, ngày thành lập Quân đội Nhân dân. Vậy mà không hề nhận được bất kỳ một tin nhắn, cú điện thoại nào của các chiến hữu nhắc lại ngày tháng ở K. Ngay cả y cũng quên.

Trước đây hay đọc trang web của tay giáo sư Việt kiều nọ ở Mỹ. Trang này, mỗi ngày chọn lọc các bài báo trong nước, dẫn đường link, ai thích thì click xem. Xem riết một hồi, thấy này lập đi lặp lại: Hễ bất kỳ có thông tin nào liên quan đến ông N.T.N là lập tức bình luận, khi mỉa mai, lúc giễu cợt, đá giò lái đủ kiểu  như miệt thị, rẻ rúng. Sự việc này diễn ra đều như vắt chanh. Sao mà con người ta thù dai đến thế? Mới hôm qua, trang web này có dẫn đường link bài Phó Thủ tướng vạch ra năm giải pháp để phát triển xã hội học tập (GD 20-12-13). Tay giáo sư này bình luận như sau: “Ở Mỹ có loại sách "... for dummies" ("... cho những người ngu") bán rất chạy.  Chẳng hạn như "Golf for dummies" (dạy người ngu chơi golf), "Cooking for dummies" (dạy người ngu nấu bếp)... Mấy cuốn này dể đọc, dể hiểu vì chúng tóm tắt mọi "bí quyết" dưới dạng những danh sách: "Năm điều cần nhớ khi nấu súp", chẳng hạn.  Hình như ông Phó Thủ tướng đang viết cuốn "xã hội học tập cho những người ngu" (Learning society for dummies)?".

 Đôi khi con người ta cứ tưởng được cái quyền phê phán người khác tất tần tật mọi thứ. Há mồm ra là phê, là rủa, là coi trời bằng vung, là mục hạ vô nhân. Cứ mắng xa xả người khác. Sao không tự hỏi, mình là ai và ai cho mình được cái quyền được đứng trên đầu thiên hạ?Thù nhau thì mắng một lần cho xong. Rồi quên. Không nhắc lại nữa. Có gì mà phải mắng nhiếc người ta hoài vậy? Đàn ông khi gặp chuyện bất bình làm gì? Hoặc trong một cuộc nhậu nói thẳng ra; hoặc đấu kiếm một phen sống mái. Chứ cứ thập thò, chờ người kia làm cái gì là nhảy xổ ra vén váy như đàn bà ngoác mồm giữa chợ thì có nên không>

Xã hội muôn mặt.

Ngược lại cũng có người, khi thấy ai đó, viết cái gì, há mồm nói cái gì là chụp lấy khen. Nhắm mắt khen. Nín thở khen. Khen chín tầng mây xanh. Dù có lúc nghĩ lại, trong bụng không muốn khen nhưng vẫn khen, thể hiện cho thiên hạ thấy mình rất thành ý khi khen. Trước đám đông, quan sát thiên hạ chê cái gì, cũng nhảy vô chê; thiên hạ khen cái gì cũng nhảy vô khen. Khen, chê chẳng cần suy nghĩ. Nghĩ cho cùng khen hoặc chê cái gì đó, điều gì đó không quan trọng  - nếu sự khen, chê ấy thực tâm suy nghĩ của mình, chứ không hùa theo người khác. Ấy là người có chính kiến. Chứ không phải ăn theo nói leo. Chơi với nhau mỗi ngày, có những chuyện chẳng ai nói thật cả. Nói thật ư? Chẳng ai dại. Quan hệ trong cái xã hội gì mà lạ quá.

 

anh-nay-Q-R

Từ phải: Nhà báo Đoàn Xuân Hải, Minh Nhật, Lê Minh Quốc, Dung tại quán Đo Đo

 

Chiều qua, thèm món Quảng Nam đó, cùng với Minh Nhật - người thực hiện trang web Khoinguontrithuc.vn ghé đến Đo Đo. Tình cờ gặp “chủ xị” Đường dây nóng của báo TN cũng đi với một cộng tác viên. Ráp chung bàn. Nghe anh Đ.X.H kể lại buồn vui tháng ngày phụ trách Đường dây nóng. Anh nói, thật lạ, có những người ngày nào cũng gọi điện thoại. Cả tiếng đồng hồ, họ ca thán chuyện trên trời dưới biển. Nghe riết phát điên luôn. Sao không tắt máy? Đâu có được, phải tiếp nhận mọi thông tin từ bạn đọc. Sau anh rút ra kinh nghiệm, lúc gặp giọng nói ấy, hoặc cách nói ấy, anh đặt điện thoại qua một bên, tiếp tục làm việc. Không bận tâm nữa. Trong nghề báo, những người làm công việc tiếp xúc bạn đọc mỗi ngày cũng mệt. Họ phải nghe suốt ngày. Nghe bao nhiêu thứ chuyện. Đã lâu lắm rồi, có lần hỏi kinh nghiệm của chị X ở báo TT, nay đã nghỉ hưu. Chị bảo, lúc ấy, cả hai đang đối diện vẫn tỏ ra chăm chú nhưng tai không nghe gì cả. Mà phải thế thôi. Có những người họ cứ nói, cứ trình bày một vấn đề mà người kia đã hiểu, đã nắm rõ. Chẳng lẽ cắt ngang? Đâu có được vì không thể xem thường bạn đọc của mình? Đ.X.H cười khà khà, nói thì nói vậy, một ngày không nghe ai gọi đến Đường dây nóng là buồn. Có khá nhiều bài vở hấp dẫn trên TN là từ kênh thông tin này. Từ lúc nào, tờ báo nào đi đầu trong việc thiết lập Đường dây nóng?

Tử nhiều năm nay, có thói quen đóng tập lại những tờ báo, tạp chí khổ A4. Lưu trữ lại. Chẳng hạn TTC, PNCN, X&N… và các tập truyện tranh Lucky Luke, Tintin… Bước sang năm mới không đóng tập tờ TTCT nữa, cũng như hai năm trước đã không lưu trữ tờ SGGP thứ 7.

Càng ngày, tìm nơi đóng tập sách báo càng khó, bởi không mấy ai còn có thói quen này. Ngày trước, khi nhận số báo mới, người phát hành có quyền trả lại báo cũ. Do đó, trước năm 1975, làng báo miền Nam có tiếng lóng “đọc báo cọp” là vậy. Có lẽ ông chủ báo đầu tiên nghĩ ra cách chống “đọc báo cọp” là cụ Huỳnh Thúc Kháng, báo Tiếng Dân. Trong Tuấn, chàng trai nước Việt, nhà văn Nguyễn Vỹ kể: “Có lẽ để tránh nạn mướn báo về xem báo cọp, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dùng một biện pháp đặc biệt. Những số báo phát hành ở ngay thành phố Huế, giao cho vài em bé ôm đi bán dạo, đều được gấp 6 theo chiều ngang rồi gấp đôi theo chiều dọc, và dán một rẻo giấy trắng bịt hai đầu, có dấu xanh của Tòa báo đóng một nửa trên rẻo giấy, một nửa trên mặt báo. Như thế, tờ báo bị dán lại, chỉ những người nào trả tiền mua, mới xé rẻo giấy kia ra và mở tờ báo ra xem. Biện pháp đó tránh được những độc giả xem báo cọp vì một khi rẻo giấy bị xe ra rồi, người lãnh báo bán dạo trả lại nhà báo không nhận”Tiếng Dân là tờ báo thọ nhất ở Trung Kỳ trước 1945. Nhân đây nói luôn, quyển Tuấn, chàng trai nước Việt nay đã tái bản nhưng bị biên tập cắt nát. Vì thế, bộ sách này dù in theo cách kéo lụa, chữ hơi mờ vẫn được người mê sách chuộng hơn. Đóng góp của nhà văn Nguyễn Vỹ trong lãnh vực báo chí, nghiên cứu, thậm chí cả trường phái thơ Bạch Nga... rất đáng lưu ý. Chỉ tiếc, đến nay vẫn chưa có cuộc hội thảo nào được tổ chức nhằm đúng giá đúng tầm vóc Nguyễn Vỹ, ngay cả tại Quảng Ngãi, quê hương ông.

Ngày trước, các loại báo, tập chí nếu bán không hết, tòa soạn thu về, cho đóng bộ. Bán lai rai. Nhờ vậy, ngày nay đi mua sách ở các hiệu sách cũ, thỉnh thoảng vẫn tìm mua được nhiều tạp chí đóng bộ. Nay thì khác, các đại lý phát hành báo đăng ký số lượng. Tòa soạn in theo số lượng đó. Nếu bán không hết, các đại lý ôm show. Không được quyền trả lại.

Bây giờ, người ta ít có thói quen lưu trữ. Đã có goolge rồi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment