Một năm. Năm mới đến rồi đó. Mừng không?
Ngày đầu năm cũng như mọi ngày. Sáng phở khu phố 4. Trưa ăn cơm nhà. Chiều phở Hòa. Vậy là xong một ngày. Nhẹ nhàng. Ngày hôm kia mới là ngày đáng nhớ. Ngày 30.12.2013. Cả ngày họp từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Tan họp có cuộc nhau với P.H.Danh và vài người bạn. Vẫn phong cách Tự lực văn đoàn. Một phòng riêng, có hai nữ ca sĩ, một tay chơi đàn gutar. Cứ thế, hát hò. Ca nhạc theo yêu cầu. Gõ đũa và hát. Những tình khúc boléro. Rượu bia nhiều hơn suối. Thức ăn ề hề trên bàn. Vậy lúc tàn cuộc, lại ghé vào quán phở lót dạ ban khuya.
Cả ngày hôm nay, ngồi nhà viết xong về anh hùng tiết nghĩa Trần Bình Trọng. Rút ra điều này: Thời nhà Trần, khi căn cứ vào chữ đứng đầu của tước hiệu là có thể nhận ra dòng dõi của người mang tước hiệu ấy. Chẳng hạn, con vua Trần Thái Tông, chữ “Chiêu” đứng đầu như “Chiêu Minh đại vương” Trần Quang Khải, “Chiêu Văn vương” Trần Nhật Duật…; con trai An Sinh vương Trần Liễu - anh ruột vua Trần Thái Tông, chữ “Hưng” đứng đầu như Hưng Ninh vương Trần Tung, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, rồi các con của Trần Quốc Tuấn cũng có chữ “Hưng” đứng đầu tước hiệu v.v… Trần Bình Trọng tước Bảo Nghĩa vương, Lê Phụ Trần tước Bảo Văn hầu, vậy là có quan hệ ruột thịt. Cả hai cùng họ Lê, dòng dõi vua Lê Đại Hành. 26 tuổi, dám mắng vào mặt kẻ thù: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” há không phải người tầm thường. Trưa tranh thủ đọc qua mấy tờ báo mới. Chẳng nhớ gì.
Tác phẩm được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013
Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 đã công bố. Vừa gọi điện thoại cho Nguyễn Trí, tác giả tập truyện ngắn Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương (NXN Trẻ) vừa được trao giải, cùng với tập bút ký Phút giây huyền diệu của nhà văn Ma Văn Kháng, tập thơ Những nốt sóng ngôn từ của Mã Giang Lân và tác phẩm dịch Nông dân (Wladyslaw Reymont - Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ). Trên trường văn trận bút, Nguyễn Trí là “lính mới”, vừa xuất hiện vài năm trở lại đây. Thế nhưng, tập truyện ngắn của anh đã tạo một ấn tượng riêng biệt. Nguyễn Trí dẫn người đọc vào thế giới của những con người bần cùng, khốn khổ, muốn có miếng cơm phải trả bằng mồ hôi và máu. Các nhân vật của anh là những tay giang hồ khét tiếng, bặm trợn; những người sống bằng nghề đãi vàng sẵn sàng giết nhau nơi rừng thiêng nước độc; những công nhân số phận hẩm hiu; những gái làng chơi… Sự dữ dội trần trụi ấy đã khiến tác phẩm của Nguyễn Trí trở thành “hàng độc”, bởi anh viết từ chính vốn sống đã trải qua. Anh cười khà khà: “Trong tập truyện được giải thưởng, tôi thích nhất truyện ngắn Vô thường. Hồi đó, tôi bị vùi dưới hầm vàng với một đồng nghiệp. Trong giây phút sống chết mong manh, hai chúng tôi, đứa nào cũng tròm trèm chục cây vàng treo lủng lẳng trên cổ. Số vàng ấy có ý nghĩa gì trong lúc đó? Sau hai ngày đêm nằm bẹp trong taluy với sự khao khát thèm sống đến từng giây từng phút, tôi mới cảm nhận thật sâu sắc cái phù vân của kiếp người. Thoát khỏi cái chết, tôi thấy đời phù du quá, của cải là bụi cát. Và phận con người cũng mỏng manh như mây”.
Do chính cảm nhận như thế, anh mới dám đối đầu với nỗi đau tột cùng của người làm cha. Ngày đó, con gái anh bị đâm chết. Hung thủ là cô gái mới 17 tuổi. Khi ra tòa, vợ anh phải ẵm con cho bị cáo. Còn anh ngồi trầm ngâm thầm mong tòa giảm án cho kẻ đã giết con mình. Anh nói: “Khi ta “chấp” thì địa ngục ở trong lòng, khi ta hỷ xả thì lòng ta thanh thản. Nhưng quan trọng nhất là vợ tôi, bà nói: “Thôi, bỏ đi. Tha thứ cho người ta thì linh hồn con mình cũng nhẹ nhàng và siêu thoát”. Phiên tòa kết thúc, hung thủ lặng người, níu chặt tay vợ chồng anh, khóc ngất: “Con đội ơn tấm lòng trời biển của hai bác vì đã tha thứ và xin giảm án cho con. Hai bác đã sinh ra con một lần nữa…”. Nhớ lại chuyện này, anh cười buồn: “Vậy mà, có người cho rằng tôi làm thế là do háo danh. Ngày nay lòng tốt bị xem là mưu cầu một cái gì đó anh ạ. Mặc kệ, tôi chỉ nghĩ đến tình thương”. Gặng hỏi thêm: “Khi xin giảm án cho kẻ giết con của anh, lúc ấy anh nghĩ gì?”. Anh đáp: “Tôi nghĩ đến con trai tôi trong trại cai nghiện. Tôi nghĩ đến lúc bị vùi dưới hầm sâu và nỗi khát thèm sự sống. Tôi nghĩ, buộc làm gì khổ hận vào người. Tôi có đọc qua kinh Phật nên biết tí chút cái hỷ xả”. Tâm sự của anh vô tình đã giúp lý giải câu hỏi, vì sao khi đọc Bãi vàng, đá quý, trầm hương dù dữ dội nhưng ở đó đều toát lên tình người sâu nặng. Dù tranh giành miếng ăn, chém giết để tồn tại nhưng rồi họ “ngộ” ra sống trên đời cần một tấm lòng.
Không giấu giếm, Nguyễn Trí cho biết, trước lúc viết văn, anh rất thích tác phẩm Vàng và máu của Thế Lữ. Anh nheo mắt cười: “Còn ông già Nam bộ Sơn Nam với Bà chúa Hòn thì Trí này chắp hai tay mà vái. Hai ông này ai mà không thần tượng hả anh?”. Đúng quá. Vậy, sau tập truyện này, sẽ viết thêm những gì nữa? Anh đáp: “Vẫn đang viết, chủ yếu đăng báo kiếm tiền mua sữa nuôi cháu nội. Ngoài ra, tôi đang tập trung viết một cái dài hơi kể về đời sống của công nhân khu công nghiệp. Do có ba năm làm thuê cho chủ Đài Loan nên tôi có nhiều chất liệu. Nhiều cảnh đau lòng lắm”.
Giải thưởng văn chương luôn là điều ước mơ của nhiều cây bút mới. Liệu Nguyễn Trí sẽ là nhà văn chuyên nghiệp hay chỉ là người “dạo chơi”? Anh trầm ngâm: “Đến tuổi này, tôi không còn sức để cầm cái bay đi xây tường nữa, nhưng không nhịn ăn được. Do đó, tôi cố viết cho hết cái đang có trong đầu, kiếm tí chút nuôi thân. Còn chuyện có trở thành nhà văn chuyên nghiệp hay không, tôi không nghĩ đến. Còn sức thì viết, hết thì thôi. Tôi cũng không dạo chơi trong khu vườn thiêng liêng có tên văn chương này”.
Nghĩ lại, thấy bà vợ của anh tuyệt vời. Khi ra tòa, lúc vợ của anh là người ẳm con cho bị cáo, anh ngồi trầm ngâm thầm mong viện kiểm sát giảm án cho kẻ đã giết con mình. Ôi! Cuộc đời. Ôi! Lòng nhân ái. Cuộc đời buồn vui lẫn lộn. Thích tâm sự của anh ở doạn này: “Tôi luôn thua vợ tôi trên mọi phương diện. Nhưng có hai lần bà ấy thua tôi, thua tâm phục khẩu phục. Lần thứ nhất tôi tuyên bố bỏ thuốc, bà đã cười mỉa mai. Nhờ nụ cười đó mà tôi bỏ được. Lần thứ hai tôi tuyên bố bỏ rượu, bà không mỉa mai mà bĩu môi. Vì cái bĩu môi này tôi bỏ hẳn rượu cho đến ngày hôm nay. Một giọt, dù là bia tôi cũng không. Ở đời chẳng có gì khó, chỉ cần có một tấm lòng…”.
Năm mới. Ngày đầu năm của năm 2014. Nghĩ gì? Chẳng biết nghĩ gì, khi trong lòng không rộn lên một tiếng cười.
Rồi lại một ngày.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|