“Mấy hôm nay trốn biệt đi đâu mà chẳng thấy Nhật ký, hả anh?”
Lại câu hỏi quen thuộc. Trước khi trả lời câu này, hãy đặt câu hỏi khác, chẳng hạn, vì sao người ta nói “mã đáo thành công”? Có lẽ, do ngày xưa phương tiện di chuyển nhanh nhất chỉ có ngựa. Làm gì có máy bay, phi thuyền, ô tô… lúc vận chuyển. Chỉ có ngựa. Đế quốc Mông Cổ thời thế kỷ XIII thống trị cả thế giới, từ Đông sang Tây chính do họ sử dụng ngựa thuần thục. Lịch sử Việt Nam sẽ thay đổi, nếu trong cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần lần nhất vua Trần Thái Tông không nghe theo lời tướng Lê Tần.
Sử chép, năm Năm 1258, khi giặc Mông Cổ đem quân men theo sông Hồng tràn xuống nước Đại Việt, vua Trần Thái Tông dẫn quân lên Bình Lệ Nguyên (nay là vùng tiếp giáp giữa ba tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội) ứng chiến. Giữa chốn sa trường, quân sĩ có phần nao núng nhưng Lê Tần vẫn một mình một ngựa, xông pha đánh giặc mà mặt bình thản như không. Bấy giờ, có người khuyên vua Trần Thái Tông cố bám giữ mặt trận, tiếp tục chỉ huy cuộc chiến, Lê Tần can nhà vua nên rút lui vì nếu tiếp tục “có khác gì dốc hết túi tiền cho một canh bạc mà chẳng rõ thắng thua”. Thuận theo lời khuyên hợp lý, nhà vua cho rút quân về sông Lô, rồi bày binh bố trận lại. Lời khuyên của tướng Lê Tần có thể mỗi lời nói là một nén vàng, bởi giao chiến trên bình địa, quân nhà Trần không thể thắng nổi vó ngựa Mông Cổ. Thế mạnh của người Việt là tác chiến trên sông nước. Đọc lại Đại Việt sử ký toàn thư, thấy rất rõ. Tướng Lê Tần thuộc dòng dõi Lê Hoàn. Về sau, Lê Tần được vua Trần đổi tên Lê Phụ Trần và gả cho vợ cũ là công chúa Chiêu Thánh. Vụ gả vợ này, sử thần Ngô Sĩ Liên phê dữ quá: "Triều Trần vua tôi nhảm nhí trong luân thường vợ chồng lại thấy ở đây".
Ủa! Đang bàn câu “mã đáo thành công”, sao lại nhảy qua lịch sử? Lạc đề rồi đó.
Thì quay lại đây. Chuyện nhỏ thôi mà.
Theo y, sở dĩ, nói “mã đáo thành công” bởi khi tung vó dặm trường, hai mắt ngựa được che lại. Nó chỉ thấy một hướng phía trước. Cứ thế, lao tới. Không phải nhìn ngang ngó dọc. Mất thời gian. Vô ích. Tháng ngày qua, y học tập tính cách ấy của ngựa. Nếu không, sẽ phân tâm với những chuyện chẳng đâu vào đâu.
Chẳng hạn, chuyện hôm kia, ăn phở, anh bạn bảo, cái vụ hôi bia ở Đồng Nai có là gì đâu. Ở quê tôi mới khiếp. Mới đây thôi, do quê ở xã X nên quan chức nọ bằng mọi cách xin huyện, tỉnh rót kinh phí làm đường nhựa nối xã này qua xã nọ. Tốt quá. Một người làm quan cả làng được nhờ. Từ nay đi lại dễ dàng, thuận lợi hơn. Một ngày đẹp trời, xe cơ giới ùn ùn chạy về xã X đổ vật tư. Nào đất đá, nào xi măng v.v… chuẩn bị làm đường Oái! Chỉ trong một đêm, dân trong xã hùa ra, hè nhau vác sạch sành sanh các bao xi măng. Mạnh ai nấy vác. Họ vác về nhà. “Ủa, chính quyền xã đâu?”. “Hỏi thế mà hỏi, mấy ông xã bảo, chuyện làm đường xã không có biết”, rồi anh bạn trầm ngâm bảo, mấy ông xã nói ầu ơ ví dầu bởi trong vụ làm đường mấy ổng có “ăn” gì đâu mà phải ra oai? Đã thế lại mất tình cảm bà con chòm xóm!
Cái vụ này, anh bạn có đưa xem hình ảnh và cho biết cụ thể xã, huyện, tỉnh nọ nhưng y vẫn không tin. Bởi, nhà báo phải nghe từ nhiều nguồn thông tin mà y không kiểm chứng nên ai có đọc đến đây “tin thì tin không tin thì thôi”. Y không có ý kiến, chỉ nói rằng, nếu việc này có thật, dứt khoát ứng vào câu: “Phép vua thua lệ làng” ngàn đời vẫn còn tồn tại đến nay trong lũy tre làng dân tộc Việt.
Lại thêm một chuyện khác.
Hôm nọ, ăn phở, anh bạn bảo, vụ “mẹ mìn” bắt cóctrẻ sơ sinh ở bệnh viên Q.7 chẳng "cái đinh" gì. Cái này mới “kịch tính” hơn nhiều. Chuyện rằng, cô X từ ĐN ra HN buôn bán, ngày qua tháng lại, cô đem lòng yêu anh chàng nọ và có bầu. Có bầu thì đẻ. Đúng rồi. Nhưng khổ nỗi anh này đang có vợ nên mọi chuyện không thể bình thường như các đôi uyên ương khác. Có thể, anh ta lánh mặt; hoặc cũng không thể có mặt từng phút, từng giây được. Thôi cũng được. Miễn là mẹ tròn con vuông. Khi cô đẻ xong, đột nhiên dăm ngày nửa tháng vợ anh chàng này mới bảo, cô nhân tình ấy không phải đẻ con của anh đâu. Trời đất. Đàn bà dễ có mấy tay. Thừa biết chuyện mèo mỡ của chồng nhưng không thèm nói, không thèm ghen. Nay mới nói. Mà nói một câu động trời. “Anh không tin à? Thì thử ADN”. Quả nhiên, không phải con anh. Hoảng quá, cô nhân tình của anh cũng lanh trí thử ADN. Thì ra cũng không phải máu mủ của cô. Vậy con ai đây? Cái bí ẩn chính là chỗ này. Làm sao người ta có thể đánh tráo trẻ sơ sinh như trong phim hành động của Mỹ?
Anh bạn kể vanh vách tên người trong cuộc, bệnh viện phụ sản nhưng y vẫn không tin. Bởi, nhà báo phải nghe từ nhiều nguồn thông tin mà y không kiểm chứng nên ai có đọc đến đây “tin thì tin không tin thì thôi”. Y không có ý kiến, chỉ nói rằng, nếu việc này có thật là ứng vào câu: Ở nước ta “không gì là không thể”.
Nghe những chuyện trái khoáy này, nếu chú tâm tìm hiểu, có phải mất thời gian không? Thời trẻ hăng lắm, cái gì cũng muốn phơi bày lên mặt báo với mong ước xã hội được chấn chỉnh. Cuộc sống tốt hơn. Cuối cùng, y thấy trên đời này vẫn có nhiều gã Đông Ki Sốt đơn độc đánh với cối xay gió. Chi bằng cứ như là ngựa, lầm lũi với công việc hằng ngày, không phân tâm.
Mấy ngày qua, chú tâm viết cho xong mấy thứ. Không còn thời gian để Nhật ký nữa. Xong việc nằm nhai báo Xuân. Truyện ngắn của Ngô Phan Lưu trên TT Xuân, và truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh trên TN xuân hay lắm. Một cái viết về mẹ, một cái viết về cha. Cả hai đều xúc động. Lâu rồi mới đọc được vài truyện có dư vang, sau khi khép lại trang báo. Y thích đọc những truyện viết về mẹ. Sực nhớ, bà mẹ thi sĩ Tản Đà là cô đào hát tài sắc vẹn toàn, tên thật Nhữ Thị Nghiêm, vợ hai của danh sĩ Nguyễn Danh Kế. Bà sinh ra “thi sĩ trích tiên” và đặt tên Nguyễn Khắc Hiếu. Tại sao lại Hiếu, chứ không một cái tên gì khác? Tản Đà cho biết: “Mẹ tôi thường dạy tôi: “Mẹ đặt tên con là Hiếu, là mẹ muốn con giữ mãi chữ “hiếu” với mẹ”. Ấy thế lớn lên tôi nghĩ rằng, có lẽ mẹ tôi mặc cảm là một cô đào hát, nên sợ tôi khinh thường. Nhưng tôi luôn luôn giữ tình mẫu tử chí hiếu với mẹ tôi. Các ông có biết vì sao không?”. Có người trả lời, vì tình mẹ con. Tản Đà đáp: “Đành rằng là như thế, nhưng vì tôi cảm thấy rõ rằng tâm hồn thơ của tôi chính là thừa hưởng tâm hồn nghệ sĩ của mẹ tôi. Không phải mẹ tôi sinh ra Nguyễn Khắc Hiếu, mà mẹ tôi sinh ra thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu”. Lời nói của Tản Đà là một cách tôn vinh mẹ mình đẹp xiết bao. Truyện ngắn của Ngô Phan Lưu viết về người mẹ già, tuổi 92, lẫn lộn mọi chuyện, thường thích con trai chở xe đi thăm bạn bè, dù họ đã chết từ đời tám hoánh. Có đoạn:
“Tôi hỏi anh Phát:
"Bà cụ ngồi xe còn vững không?
“Còn vững chớ. Bà ôm chặt bụng tôi, Không những ngồi vững mà còn ưa tốc độ. Tôi biết ý mẹ tôi muốn tôi té xe một chuyến, để bà kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nữa đấy. Nếu không biết thế, sao tôi dám chở đi?”.
“Úi trời. mẹ anh có một không hai”.
“Mẹ… lúc nào mà chẳng một”.
Đọc đến đây, tự nhiên rưng rưng. Trưa nay, lại ngủ mơ thấy chị Ái, bà chị đã mất hơn một năm. Mỗi lần nhớ lại bùi ngùi. Chị em ruột nhưng kẻ SG, người ĐN mấy khi gặp nhau, trò chuyện nhưng tự dưng trong lòng thương lắm. Trưa nay nằm mơ thấy về quê trong ngày Tết, cũng ở căn nhà cũ, căn nhà Tẹo đang ở bây giờ, lại thấy chị. Lúc ấy, anh em rủ đi nhậu, có nghe nói tên quán nhưng y không biết địa chỉ. Y rời nhà đi sau cùng, mọi người phóng xe trước rồi, rẽ hướng tay trái, đã đi mất hút. Chà gay go. Vậy đi thế nào đây? Lúc ấy, chị của y lại chỉ đi hướng tay phải, hỏi sao mà lạ, trong khi mọi người rẽ hướng trái kia mà, chị bảo, đi hướng nào cũng đến. Bổng một cú điện thoại réo ầm ĩ: “Anh ơi! Qua VTV nhận tiền thưởng Đấu trường 100 đi anh”. Thức dậy. Nhớ chị, tự nhiên buồn. Thúc dậy, ngẫm nghĩ chiêm bao thấy chị là có niềm vui. Trí não con người ta kỳ lạ. Thời đi lính, thỉnh thoảng gặp Phát luôn, con bà dì ruột, bằng tuổi y, chết năm 18 xuân xanh. Mỗi lần mơ thấy Phát, sáng dậy ắt dọc đường hành quân có chuyện. Rồi khi về nhà này, cách đây chừng mươi năm nằm mơ thấy Phát bảo, thèm ăn thịt gà quá. Kể lại cho mẹ. Mẹ làm mâm cơm cúng. Chẳng hiểu sao từ đó, trong giấc mơ chẳng hề gặp lại nữa. Với Tẹo, em trai út, cũng lạ. Trăm lần như một, nếu nằm mơ bao giờ cũng thấy nó mới chập chững lên năm. Cũng dáng đi ấy. Cũng gương mặt ấy. Dù bây giờ em mình đã gần 50 mười, đã ba đứa con đủ nếp tẻ. Vậy mà trong mơ của y, nó mãi mãi nhỏ xíu. Lạ chưa?
Đời người, rồi cũng đi qua.
Sắp Tết rồi đó.
An May - con gái út của Lê Minh Tuấn - em trai út của Lê Minh Quốc
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|