Chẳng hề có một cảm giác gì cho ngày Giáng sinh. Đêm 24.12 ghé lại quán ăn quen. Lai rai chút đỉnh với anh em. Rồi về. Bia rượu với bạn bè, tự nhiên trong ngày đó cảm thấy lẻ loi. Chẳng ngon lành gì. Gió ngoài đường lành lạnh. Tiếng nhạc rền vang. Rộn ràng. Đêm 25.12 ở nhà ăn cơm nguội. Đêm 26.12 lại cháo. Không bước chân ra khỏi nhà. Từ chối những lời mời hả hê bên chiếu nhậu. Tự nhiên những ngày này thấy chán. Những ngày này, nhàn nhạt. Những ngày này, trống rỗng. Những ngày này, chẳng vui. Mà cũng chẳng buồn. Lại sắp Tết.
Giáng sinh vừa rồi mà được như thế này thì vui quá (từ trái: Nhà văn Nguyễn Đông Thức, Lê Minh Quốc, Đoàn Thạch Biền, MC Quỳnh Như)
Hôm trước có đọc trên TN, Nhà nước nên lại chủ trương “ăn tết lớn” như hiện nay của nhà báo Trần Đình Thu. Có đoạn: “Chúng ta đã qua thời kỳ người nghèo luôn nghĩ đến chuyện ăn rồi. Nhưng phần lớn cũng chỉ mới vượt qua ngưỡng “không nghĩ đến chuyện ăn” thôi, nếu chúng ta “kích” “chuyện chơi” thì hãy coi chừng. Với thu nhập 1,3 triệu đồng/người/tháng hoặc hơn chút đỉnh trong phần lớn cư dân, chúng ta “kích” chuyện chơi thì sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Đã có một bộ phận mất dần tư liệu sản xuất mà nguyên nhân chính theo tôi là do vướng nợ nần bởi các nhu cầu tết nhất, cưới hỏi, ma chay… tức là các nhu cầu tinh thần của con người. Rồi thì lừa đảo, trộm cướp để có tiền chơi, bán thân để có tiền chơi, là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi thu thập tư liệu để viết kịch bản bộ phim truyền hình Lấy chồng Hàn, tôi thực sự ngỡ ngàng với các con số liên quan. Hiện chúng ta đã có đến gần nửa triệu cô dâu Việt kết hôn với người nước ngoài và hằng năm có trung bình 100.000 cô gái khác lên đường ra đi “lấy chồng xa xứ” mà có lẽ nguyên nhân chính cũng là vì sĩ diện hão “thua chị kém em”. Và trong đó gián tiếp là do sự “kích cầu” của chúng ta”.
Suy nghĩ vấn đề này như thế nào?
Chỉ biết rằng, nổi khó khăn nhất phải vượt qua, về tâm lý, chính là những ngày sau Tết. Lúc họp mặt cơ quan đầu năm. Bắt đầu đi làm lại. Chao ôi, bao nhiêu hăm hở, nhiệt tình công việc trước đó đã tắt ngúm. Nhen lại không dễ. Mà đã xong đâu. Phải qua rằm tháng giêng, may ra “mùi Tết” mới phai dần. Cảm xúc Tết mới nguôi ngoai., Ăn Tết dài ngày lãng phí quá, đang ngon trớn, tự nhiên cả xã hội chựng lại. Vậy nên, chuyển sang ăn Tết dương lịch cho tiện? Trước đây, tham gia một vài chương trình truyền hình thảo luận câu hỏi này. Chẳng một ai dám quả quyết.
Tết cổ truyền đâu phải dành cho người sống, còn là của người đã khuất, của tâm linh nữa. Vì thế, thay đổi ư? Không thể. Ông nhà báo lừng danh thuộc chuyên gia phản biện, lật ngược, lật xuôi các vấn đề chính là Phan Khôi. Đọc các bài báo của Phan Khôi bao giờ cũng lý thú bởi ông không nhìn sự việc theo lẽ thường của thiên hạ mà luôn có cái nhìn phản biện. Về chuyện đang bàn, cách đây hơn 70 năm, Phan Khôi đã khẳng định “Cái Tết nguyên đán dù vô vị nhưng chưa bỏ được” (báo Phụ Nữ thời đàm số 22 (11.2.1934). Nghĩa là, vấn đề đang bàn, thế hệ trước đã nhìn ra rồi, có mới mẻ gì đâu.
Suy nghĩ vấn đề này như thế nào?
Chỉ biết rằng, dù nghèo nhưng có lẽ dân tộc Việt “ham vui” nhất trên thế giới. Bất kỳ dịp nào, chuyện nào cũng trở thành cái cớ “vui chơi nhảy múa”, “chơi xả láng sáng về sớm”. Cứ nhìn trong các quán nhậu thì rõ. Ai cũng than thời buổi kinh tế khó khăn, kiếm đồng tiền không dễ nhưng không lúc nào không bia bọt hoành tráng. Mỗi chiều, từ chối lời mời nhậu còn khó hơn “gài độ” nhậu. “Xong việc rồi! Bia thôi”. Ấy là câu slogan một thời của một hãng bia nọ. Ngày bình thường đã thế, huống gì những ngày Noel, Tết nhất? Trên báo TT&VH Cuối tuần, phát hành tuần rồi có bài của tác giả Phạm Tấn (Washington D.C) kể chuyện nước Mỹ: “Giáng sinh Mỹ kém Việt Nam”.
Kém như thế nào?
“Hôm 18/12, phía sân sau Nhà Trắng, một cây thông được dựng lên với ít đèn nháy phủ quanh từ chân lên tới ngọn. Cách đấy không xa, một cây thông khác được dựng trên bãi cỏ phía trước Đồi Capitol. Vài trăm người Mỹ có mặt hò reo chứng kiến cho cái gọi là cột mốc đánh dấu thủ đô Washington chính thức bước vào mùa Giáng sinh. Và chấm hết.
Cả một vòng thủ đô, từ khu Georgetown chật ních các quán bar nhà hàng với các cửa hàng thời trang cao cấp cho tới khu ăn chơi bình dân Adams Mill hay Brentwood chỉ có vài chỗ trang trí Giáng sinh.
New York phồn hoa không ngủ, vào mùa Giáng sinh sớm hơn. Từ đầu tháng 12, một cây thông cao 21m, 75 tuổi được dựng lên ở quảng trường Rockefeller trong một nghi thức đã trở thành truyền thống kéo dài suốt 81 năm qua. 45 ngàn bóng đèn trang trí và một hình sao nhiều cánh bằng pha lê cao cấp được thắp sáng bởi ông thị trưởng tỉ phú Bloomberg. Hàng chục ngôi sao giải trí tham gia lễ hội tổ chức ngay sau nghi lễ đó, bao gồm cả ngôi sao nhạc Pop Mariah Carey hát các bài ca Giáng sinh. Và cũng gần như chấm hết. New York ngày bình thường đã quá nhiều đèn màu nên Giáng sinh khó tạo nên sự khác biệt”.
Lý giải điều này, tác giả cho rằng: “Một nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều, với việc khoảng một nửa người Mỹ ngày nay chỉ coi Giáng sinh là một ngày lễ mang tính văn hóa nhiều hơn là tôn giáo”. Có thuyết phục không? Thử hỏi, người Việt đón giáng sinh bằng cảm hứng gì? Văn hóa hay tôn giáo? Có cả hai đấy chứ. Tuy nhiên, yếu tố văn hóa vẫn nhiều hơn bằng chứng dù không phải người “có đạo” nhưng ai ai cũng hòa mình chung vui, không phân biệt tôn giáo. Họ xem đó là ngày “của mình” và phải chào đón bằng cách “làm một cái gì”. Làm cái gì? Lấy cớ tụ tập bia bọt lai rai, chơi thâu đêm suốt sáng chăng? Thiết nghĩ, dù đón nhận giáng sinh bằng quan niệm nào thì sự khác biệt vẫn là tính cách của mỗi dân tộc. Như đã nói dân tộc Việt vốn “ham chơi” nên có dịp là chơi, không tiết kiệm, chơi trong tâm thế sĩ diện hão không “thua chị kém em”. Quyết không “cù lần” theo lời dặn dò “liệu cơm gắp mắm”. Chơi cho sướng!
Chà, lại nữa, chúng ta đang sống trong thời buổi nào mà các giá trị hiển nhiên được cộng đồng thừa nhận mà nay đã đảo ngược? “…ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”. Một người mẹ đã “bào chữa” cho đứa con phạm tội. Nghe sởn tóc gáy. Tại sao có thể thốt ra câu nói này? Nghĩ cho cùng, nhìn rộng ra chỉ là một cách nói. Có tầng lớp khác chọn cách nói khác, khôn ngoan hơn, đại khái, không bao che, không dung túng, xử đúng người đúng tội, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; sai phạm nghiêm trọng này, sẽ chấn chỉnh ngay, sẽ nghiêm khắc rút kinh nghiệm v.v… Nghe cứ như thiệt. Hoặc mới đây nhất, ông Bùi Việt Hà - Giám đốc Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường (School@net) khi trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động trên số báo ra ngày 25.12 về vụ cho ra đời phần mềm Earth Explorer có in “đường lưỡi bò” của Trung Quốc: “Báo chí cứ nâng quan điểm vấn đề này lên quá mức mà có nhiều vấn đề khủng khiếp khác thì không nhắc đến. Khắp nơi tràn ngập hàng Trung Quốc. Đây đúng là sai lầm nhưng đã được sửa và là vấn đề nhỏ”. Nghe sởn tóc gáy. Tại sao có thể thốt ra câu nói này? Hai cách nói trên về thực chất đâu có khác gì nhau.
Thôi, không bàn nữa. Mệt.
Sáng nay dậy sớm. Phở thôi. Ghé lại Khách sạn Continental tham dự chương trình “thần đồng văn học Nga” Mikhail Samarsky đến Việt Nam. Chiều, đại hội Chi hội Nhà báo, kết thúc một nhiệm kỳ.
Vậy là xong một ngày. Ngày mai, dự ra mắt ba tập sách của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Cũng xong một ngày.
Thời gian trôi qua nhanh quá.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|