LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 9.1.2014

tt-cuoi-30-nam

Cộng tác viên &BBT báo TT nhân kỷ niệm 30 năm TTC

 

Quái quỷ thế giới mạng. Có những lúc gặp thông tin này kia. Bất ngờ. Rồi nó lôi tuột mình đi. Cả ngày hôm nay, chẳng viết được gì. Muốn thanh toán cho xong các bài viết. Dứt điểm. Anh em đang giục. Dành thời gian cho cái khác. Chẳng thể. Vừa viết đôi câu, thấy nản. Bèn sục sạo vào trang web giết thời gian. Chẳng "ma đưa lối quỷ đưa đường" thế nào gặp ngay ông bạn Vương Trí Nhàn. Hôm kia, có hỏi ông Lại Nguyên Ân mới biết: "Vương Trí Nhàn dạo này ít xuất hiện chốn đông người". Ngày trước khi Thế Thanh còn TBT báo PN, anh Nhàn cộng tác đều đặn. Chuyện đó xưa rồi. Gần hai năm rồi còn gì. Còn nhớ, lúc ấy anh bảo, đại khái, thói háo danh của nhà văn Việt Nam nó chật hẹp, nhỏ bé lắm. In tập sách, chỉ ước mong được trao giải thưởng; sau đó, được chọn đưa vào sách giáo khoa là mãn nguyện. Tâm lý này có còn chăng?

Chiều này gặp lại Vương Trí Nhàn là qua trang blog của anh. Ngày 28.11.2010 anh viết: “Có một việc tôi đang muốn dành thời gian để làm - đọc lại sử mình những năm sau chiến tranh. Ví dụ sau khi đánh xong quân Nguyên, nhà Trần ra sao? Sách vở hiện đại ghi về chuyện này hơi ít. Cụ thể là trong các sử gia hiện thời, chỉ có Đào Duy Anh làm, và tôi chỉ mới đọc có ông chứ chưa có dịp đi vào mấy bộ sử cổ, song đã thấy cả một đề tài chưa ai khai phá”. Chẳng rõ, anh đã làm đến đâu? Chúng ta có nhiều nhà khoa học, sử học mà ít thấy công trình nghiên cứu của họ. Suy nghĩ của anh Nhàn lý thú quá.

Sau chiến tranh thắng Nguyên Mông, ông cha ta làm gì? Câu hỏi lớn quá. Thú thật, gần đây, do viết lời thoại cho bộ truyện tranh thiếu nhi nên y có ngấu nghiến bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Trong đó, nhiều, rất nhiều chi tiết hay. Chỉ đề cập một chi tiết về hạng cùng đinh, dân nghèo, nô bộc, gia nô, gia đồng. Vua Trần Nhân Tông bảo các quan cận thần: “Ngày thường, có thị vệ hai bên nhưng khi nước nhà hoạn nạn chỉ có bọn ấy đi theo thôi”. Ôi! Chỉ một câu nói mà đọc xong ngẫm nghĩ nhiều điều. Có được ông vua như Trần Nhân Tông, hồng phúc của dân tộc ấy còn bền.

Lại đọc tiếp ghi chép của anh Nhàn. Ngày 8.5.2010, anh viết: “Hoàng Cầm qua đời. Nhiều báo đăng lại thơ ông, nhân đó tôi cũng đọc theo. Và đây là chuyện buồn cười với tôi: chợt nhận ra trong câu Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng thì lâu nay mình không hiểu cửa võng nghĩa là gì. Tra nhiều từ điển tiếng Việt đang được thông dụng không thấy. Mãi tới cuốn của Khai trí tiến đức 1931, mới có chú cửa võng là cái diềm bằng gỗ chạm. Riêng cuốn của ban biên soạn New Era, do NXb Văn hóa thông tin cho in 2005 thì ghi rõ hơn: “Diềm chạm trổ bằng gỗ, hình cong, nối hai cột giữa ở chùa và đền”. Vẫn còn tù mù quá, thế diềm là gì, nhưng thôi, có khi càng không hiểu mới càng cảm hết cái nhu cầu đi vào phía thần bí của thơ Hoàng Cầm”. Nhân chiều nay rỗi, bèn tra chữ “diềm” xem sao. Cuốn Việt nam từ điển của Hội Khai Trí Đức in năm 1931 giải thích: “Diềm: Đồ thêu thường làm bằng tơ lụa treo ở trên màn, trên cửa cho đẹp: Diềm màn, diềm cửa”. Từ năm 1895, ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Diềm: Đồ thêu có mành mành, để mà treo giăng cho lịch sự”. Rõ ràng câu thơ đã dễ hiểu hơn. Mà đọc thơ chẳng cần phải hiểu đâu. Chỉ cần cảm. Có những câu thơ chẳng vội hiểu, nhưng chỉ nghe âm điệu ngân vang là tâm hồn đã xao xuyến:

Ngõ ban sơ hạnh ngân dài

Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua

(Bùi Giáng)

Cần gì hiểu. Vừa đọc đã thấy hiện lên hình ảnh vàng son. Bùi ngùi thương nhớ. Sắc màu bàng bạc. Gợi cảm gợi tình. Mà cảm về thơ cũng vô cùng. Báo Văn nghệ của Hội nhà văn cách đây vài số, khi viết về Bùi Giáng, nhà thơ Trần Nhuận Minh cho biết anh thích hai câu này:

Sáng nay bao tử mơ mòng

Cà phê bên nọ, cháo lòng bên kia

Y chẳng thích chút nào. Nhiều người khoái câu này cũng của Bùi Giáng:

Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi

Đi lên đi xuống đã đời du côn

Dù thừa nhận hay, “Nhưng bảo là sâu sắc thì mình chịu. Thơ đó mấy ông nhà thơ dân gian Bắc Kì, xứ Nghệ siêu hơn nhiều”. Ấy là cảm của anh Nguyễn Quang Lập.

Vừa đọc tờ Người lao động xuân 2014, anh Nguyễn Nhật Anh trong bài Hồn vía bài chòi, đặt câu hỏi, ở ngoài quê anh người ta gọi trò chơi này là “tôm cua bầu cá” sao người trong Nam lại gọi bầu cua cá cọp”? Trò chơi này có "bàn cái" và chủ cái. "Bàn cái" là tờ giấy đặt dưới đất có hình vẽ nai, cua, tôm, cá, gà và cái bầu, người chơi bâu quanh. Chủ cái ngồi trước "bàn cái" đặt dĩa có thau nhôm úp lên. Trong đó, có ba cái hộp cỡ bằng lóng tay cái, mỗi mặt luân phiên có sáu hình như hình trên "bàn cái". Sau khi người chơi đặt tiền xong, không xê nhích, thay đổi gì nữa, chủ cái lắc vài ba cái. Rồi mở thau nhom. Tất các người chơi trố mắt nhìn vào cái dĩa đó, xem hiện ra hình gì. Kẻ thở dài, người cười rộ, xuýt xoa ầm ĩ. Rõ ràng trên "bàn cái" không hề có hình con cọp, vậy sao Ông ba mươi lại nhảy tọt vào tên gọi của trò chơi này? Không phải, "Có thể nơi nào đó, vẽ con cọp thay cho một con nào đó" mà anh Ánh hồ nghi. Vật dụng trò chơi này trước 1975 hầu hết do người Hoa Chợ Lớn cung cấp nên nó "nhất quán" lắm! Thử lý giải, cọp ở đây không phải con cọp mà chỉ là tiếng lóng. “Xem cọp”, “đọc cọp”, “chơi cọp” nghĩa là “ké” theo người khác. Nói như thế, vì trò chơi này thường đông trẻ con. Ai muốn đặt tiền vào ô có hình vẽ nào cũng được. Trong quá trình chơi, có người hên quá, trúng liên tục nên khi họ đặt tiền vào ô nào, những chơi chung quanh cũng đặt “cọp” theo. Do đó, con cọp mới có dịp nhảy xổm vào và trở thành “danh chính ngôn thuận”  với tư cách "chính chủ"!

Chà, y thông minh quá. Y lý giải quá ngon lành. Vừa tự khen xong, y đã thấy không thuyết phục. Y bèn cãi rằng, nếu "cọp" là tiếng lóng thì tại sao người miền Trung không gọi bầu cua cá cọp” mà lại là  “tôm cua bầu cá” ? Nếu ai đó, hỏi thế, biết trả lời thế nào?  Lại nữa, anh Ánh hỏi vì sao cũng trò chơi này, khi nhắc nhân vật Cô gái Đồ Long trong truyện chưởng Kim Dung, lập tức, chú gà trống bị thiến thành gà mái? Anh nêu bằng chứng câu hát của con nít ngày đó: “Cô gái Đồ Long lắc bầu cua/ Lắc ba cái ra ba con gà mái”. E hèm! Chú gà trống Gô-loa kia nếu biết ắt cũng nhảy đành đạch phản đối. Anh lý giải, cái này nghe hợp lý: “Có thể vì “Cô gái Đồ Long” là phận nữ nhi (hợp với gà mái!?), nhưng cũng có thể từ “gà mái” chỉ để hợp vần với chữ “cái” ở phía trước chứ chẳng phải là cuộc cách mạng gì ghê gớm về hình ảnh”.

Đọc vài hồi ký của các nghệ sĩ cải lương, thường nghe đến loại “vé cá kèo”. Sao lại cá kèo? Dò hỏi nhiều người mới biết con cá kèo bơi đứng, nó thường chúc đầu, loi ngoi lên mặt nước. “Vé cá kèo” là dành cho những người mua hạng bèo, rẻ tiền, đứng phía sau cùng trong rạp diễn nên họ phải luôn nhoi đầu lên, cao hơn người đứng trước thì mới thấy được cảnh quang phía trên sân khấu. Lại nghe chuyện này, cụ Vương Hồng Sển cho biết trong hát bội miền Nam không dùng chữ “nghĩa” mà dùng “ngỡi”. Tại sao? “Chuyện này là do người bạn quá cô Nam Sa Đéc truyền cho biết, như câu Lữ Bố với Điêu Thuyền: “…đây mong kết ngỡi, đó đành vong ân!”, vẫn hát “ngỡi”, kéo dài nghe êm, chớ “nghĩ…ỉa” (nghiĩa) thì thối lắm” (Tạp bút năm Quý Dậu - NXB Trẻ - 2004, tr.259). Đọc sách nghiên cứu phong tục, sinh hoạt miền nam của Sơn Nam, không thấy từ “địa chủ”, thay vào đó là “chủ điền”. Có lần hỏi ông tại sao, ông cười khà khà, không quả quyết, chỉ nói có thể do “địa chủ” nói lái không thanh lịch chăng?

Lan man chuyện chữ nghĩa, thơ thẩn mà lại vui.

 

TTC-300-nam

Từ phải: Bợm - nhân viên TTC, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà báo Lưu Đình Triều, TS Khảo cổ Nguyễn Thị Hậu

 

Chiều qua, họp mặt anh em báo TTC nhân kỷ niệm 30 năm. Được trao Kỷ niệm chương. Oách nhỉ? Lâu rồi mới gặp lại anh Q.H. Nào ngờ, anh đã trở thành con người khác. Vừa bị bệnh gì gì đó về phía não. Nói năng khó khăn. Giọng nhỏ xíu. Đi đứng chậm chạp. Trí nhớ đã quên nhiều. Hỏi, số điện thoại. Anh lật điện thoại phía sau có dán tờ giấy ghi số điện thoại của mình. Bởi anh không thể tự nhớ nổi. Cách đây vài năm anh có viết tập sách về giới dân giang hồ Sài Gòn. Anh viết bằng tư liệu khi ở tù với họ từ Chí Hòa đến Côn Đảo. Sở dĩ anh ở tù vì tham gia vụ ám sát giáo sư N.V.B. Một thời rúng động Sài Gòn.

Viết về giới giang hồ Sài Gòn trước 1975, chỉ có anh Q.H và nhà thơ Đam San - tác giả quyển Đại bàng (NXB Văn nghệ -1987) viết là hay. Vì họ sống cùng thời, cùng chung chạ khi ở tù. Sau này, đọc bài loại đó của các nhà báo trẻ, chỉ xào xáo lại thôi. À, cái đầu con người ta cũng kỳ cục. Đang viết chuyện này, tự nhiên lại nhớ anh T.L - cây bút phóng sự số một của làng báo Sài Gòn thập niên 1990. Khi viết về ma túy, anh thâm nhập thế giới này, cũng hút thử. Lân la nhập bọn. Đồng hội đồng thuyền. Lấy tư liệu. Để viết. Rồi nghiện ngập. Chết trong nghèo túng. Con người dễ thương đó, giọng Bắc 54, mặt dài như mặt ngựa  kết thúc cuộc đời bi đát quá. Có những con người, đời sống của họ dữ dội quá. Khi đọc hồi ký của Tâm Siđa, rồi gặp chị, không thể hình dung ra nổi vì sao trên đời lại có những số phận khốc liệt đến thế?

Vốn sống nhàn nhạt, đời sống tẻ nhạt của một công chức mẫn cán nếu viết tiểu thuyết chẳng qua chỉ là trò tung tẩy chữ nghĩa.

May quá, y chỉ làm thơ. Vậy có thơ gì không? Hỏi thế mà cũng hỏi. Đi hớt tóc thôi. Tóc dài rồi. Đã bạc. Mỗi thời mỗi khác. Thời tóc còn xanh, bước vào tiệm hớt tóc còn vênh vang, vênh váo lắm. Ỷ còn trẻ. Thuở ấy, còn trẻ nên y mới biết được bài thơ Hớt tóc đêm xuân. Nay, đừng hòng. Thơ rằng:

Trên cái sọ dừa mọc ra những tóc

Nửa đêm đốt đuốc dạo chơi xuân

Thì cũng gọn gàng tai với tóc

Cái răng sợi tóc vóc hồng quần

 

Hớt tóc kiểu nào thì cũng được

Buồn tình cạo trọc để đi tu

Chán đời cứ hớt cao chót vót

Yêu em thì cạo xuống thiên thu


Cha chả đêm xuân đi hớt tóc

Tóc rễ tre tua tủa túa như chông

Nhớ cạo mặt ta cho nhẵn nhụi

Râu ria nhột nhạt gái chưa chồng


Nhớ cạo tóc ta cho trọc lóc

Đàn áp sợi trắng ngóc đầu lên

Dẫu biết mai kia tóc lại mọc

Ta còn đốt đuốc dạo chơi đêm


Tóc chỉ trắng khi xong sứ mệnh

Hoàn thành bi kịch sợi tóc đen

Cớ sao không rụng khi nghe lệnh

Mà cứ đua đòi với bon chen?


Mà cứ xếp hàng đen lẫn trắng

Nay ta cạo trọc sạch sành sanh

Ồ biết đêm nay xuân lại đến

Tóc ơi xin hãy mọc cho nhanh


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment