LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.12.2013


Sáng hôm qua ra mắt sách nhà văn Nguyễn Đông Thức. Nhiều tiếng cười vui vẻ. Thân mật. Nhiều độc giả ái mộ tác giả Ngọc trong đá đến chung vui. Đời sống văn học cần có nhiều cuộc giao lưu giữa nhà văn và bạn đọc. Tác động của văn chương đến tâm hồn con người như thế nào? Đã có nhiều câu trả lời. Có phải con người ngày càng ít đọc sách chăng? Đọc sách là một cách tự học tốt nhất, các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, sân khấu, âm nhạc… chỉ đóng vai trò hỗ trợ thêm. Đi ra nước ngoài, một hình ảnh dễ  cảm tình nhất, nơi công cộng, chốn đông người, nếu ngồi một mình ắt người đó cắm cúi với trang sách. Có lẽ hình ảnh khó quên với nhà văn Sơn Nam là lúc ông cầm kính lúp rọi vào trang sách, lúc đang đọc. Lại thích những hình ảnh lúc các nhà văn cặm cụi viết. Đó là lúc họ tự do nhất, hoàn toàn sống với trang viết mở ra thế giới của riêng mình. Chán nhất là lúc các nhà văn "tuyên ngôn" trong lúc nhậu. Ba voi không được bát nước sáo. Huênh hoang. Sáo rỗng

Thú vị, hồi hộp nhất là lúc cầm quyển sách của mình, từ nhà in mới đem về, đọc lần đầu tiên. Cảm giác này cũng sung sướng như lần thứ nhất trong đời thấy tác phẩm của mình được in trên mặt báo. Sung sướng này còn hơn bội phần lúc ký tên nhận tiền nhuận bút. Từ năm học lớp 9, y đã có cảm giác nhận đồng tiền từ bài thơ in báo, nhận từ bưu điện. Còn nhớ, lúc ấy dẫn Sơn (bây giờ ở Mỹ) bạn học cùng lớp ngang nhiên bước vào quán thịt bò bảy món ở đường Phan Châu Trinh (Đ.N). Thưởng thức món ngon hằng ao ước. Mà vẫn chưa hết tiền. Ấy là tiền nhuận bút từ báo Tin Sáng của nhà báo lừng danh Ngô Công Đức.

Tan buổi giao lưu, về nhà. Do buổi sáng đã dặn mẹ không nấu cơm trưa nên chẳng biết tính thế nào. Trong túi có tiền nhưng tìm quán ăn quá khó.. Đi ngang, đi đọc thấy ghi hai chữ “bình dân” là ái ngại. Chỗ ngồi nhếch nhác. Không hợp khẩu vị. An toàn thực phẩm? Đã lầu rồi mới có cảm giác:

những trưa không một chỗ nghỉ chân

anh phóng xe lang thang

nắng chói chang

mơ về mùa vàng

mà bụng đói

chỉ thèm mong một tiếng ai mời gọi

một hạt dẽo thơm một chỗ để ngồi

chẳng có ai chỉ có mỗi ông trời

bụng anh đói dẫu rằng tiền không đói

Trong văn học Việt Nam trước 1945, nhà văn rành rẽ nhất đời sống thị dân chỉ có thể Vũ Trọng Phụng. Trong khi các đồng nghiệp khai thác về nông thôn, ông đã chạm đến sự nhố nhăng của tầng lớp tư sản đang hình thành. Đọc tác phẩm của ông, ta thấy có điều lạ, thời ấy hai chữ “bình dân” rất oách. Các nhà tư sản, các tai to mặt lớn đều tự nhận “bình dân” như một cách “làm sang” và “mị dân” hợp thời trang nhất. Có phải do ảnh hưởng, tác động của Mặt trận bình dân năm 1936 không? Sau đó, ở Việt Nam dấy lên phong trào đón Godart - đặc sứ của Chính phủ Mặt trận Bình dân Nhân dân Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương. Xoay quanh sự kiện này, có lẽ đã đến lúc cần khẳng định lại một lần nữa vai trò tiên phong của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh trong việc khởi xướng Đông Dương đại hội. Đảng Cộng sản Đông Dương có tham gia, trở nên sáng giá hơn trong tình cảm của giới bình dân, thợ thuyền. Nguyễn An Ninh không phải đảng viên cộng sản. Không chỉ người cộng sản chấp nhận ông mà ngay cả giới “quốc gia” cũng muốn kéo ông đứng chung. Ông Phan Khôi cho biết không thích cộng sản nhưng ông không chống lại họ. Chọn một thế đứng trong đời không dễ dàng.

Đọc lại phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang, rùng mình với bữa ăn bình dân của giới phu phen, thợ thuyền ngày đó:

“Chừng ba giờ sáng.

Chui vào một hàng cơm tối mà thấp như hang chuột, tôi với người bạn dọc đường lúc nẫy cùng ghé ngồi vào một tấm ghế dọc kê sát một chiếc bàn. Cái bàn mộc cáu ghét với mỡ đã lâu năm, trên có một ống đũa tre rỉ nước ròng ròng, hai cái vỏ cút rượu tí con, với một cái vịt đã cụt nửa vòi, chừng là vịt nước mắm.

Tôi thở trong một bầu không khí đầy mùi hôi tanh nồng nặc, cái mùi ấy gọi là mùi thớt cũng chỉ hơi đúng vì ngoài những hơi mỡ ôi, cá ươn, thịt thiu, hành sống và trăm thức đồ ăn khác, nếu phân chất kỹ còn có mùi cứt gián với mùi mồ hôi kinh niên.

Con bé nhà hàng bưng đến cho tôi hai chiếc bát đàn úp một, trong có ba xu cơm.

Tôi lật chiếc bát úp, lấy đôi đũa tre trong ống xẻ đôi chỗ cơm, vừa được đầy hai bát.

Trước mặt tôi, một bát canh sáo bò bốc khói lên ngùn ngụt. Nóng sốt như thế mà tôi đoán chừng nó chẳng ngon lành gì cho lắm, vì trong bát canh đục ngầu như nước cống, mấy khoanh lòng bò lều bều nổi như những xác chết đuối dưới những đám hành răm. Cạnh đấy, một đĩa lòng giá trông cũng chẳng ngon gì hơn.

Ít tiền, làm gì được miếng ngon! Hai xu sáo lòng! Hai xu lòng giá!

Cầm bát cơm, chan nước sáo, và, tôi thấy dạ dày tôi nó đi một mạch từ bụng lên đến cổ. Có lẽ món ruột già nhà hàng làm không kỹ, nên và xong một miếng, tôi tưởng như tôi đã nuốt phải cả một bãi phân bò.

Ngồi đối diện, bạn tôi vẫn chén rượu khề khà:

- Anh không uống được rượu thì ăn đi!

Cầm bát canh húp soàn soạt rầm nhà, anh ta tấm tắc khen:

- Món sáo bò ngon quá!

Tôi đành ngồi chống đũa.

Sáo ấy, lòng ấy, lại thêm cơm thổi bằng thứ gạo hẩm đã hết cả nhựa, nước mắm là thứ nước hàng pha với muối mặn ăn cho đỡ tốn, tôi dù có nuốt rồi cũng phải trả hết ra”.

Thời đó, hai từ "bình dân" do gắn với phong trào chính trị (Mặt trận Bình dân) nên trở thành "sang trọng". Thời buổi này, hai tiếng “bình dân” nghe oải quá. Phải là các tên gọi của một loạt “hàng hiệu” mới là sành điệu chăng? Mỗi thời mỗi khác. Do không thể vào các quán cơm bình dân, đã trưa trầy trưa trật, cũng quay về nhà, nói mẹ nấu cho miếng cơm. Bà cụ vui vẻ dù đang nghỉ trưa. Không cằn nhằn một câu. Lặng lẽ cơm nước như mọi ngày. Như nghĩa vụ. Miễn là con yêu cầu. Những trường hợp này, nếu bảo vợ, liệu có được như thế? Được, chứ sao không?  “Lắm chuyện. Sao không ăn gì qua loa ngoài phố rồi về nhà, có đỡ phiền toái hơn không?”. Nhiều ông chồng bị vợ mắng mỏ câu đó, ức quá, xuống bếp vừa tự nấu mì gói, vừa ăn, vừa tủi thân, vừa sụt sịt, vừa khóc hu hu.

Trưa qua, y sung sướng hơn vừa được ăn cơm vừa đọc qua loa mấy tờ báo. Dừng lại với cái tin rất lá cải:  “Điều tra độc quyền của PV báo Người Đưa tin từ Hải Dương: Kiều nữ Việt kiều cưỡng bức hàng loạt tài xế xe taxi” (số 28.12.2013). Đại khái có một nữ Việt kiều ở Hải Dương “cưỡng dục” hàng loạt tài xế! Câu chuyện giật gân này chẳng rõ hư thực ra sao? Giám đốc hãng taxi đó chưa khẳng định gì, chỉ nửa nạc nửa mỡ; các cơ quan chức năng cho biết không một “nạn nhân” nào đến trình báo. Ấy vậy, có một vài tờ báo đã loan tin ầm ĩ. Công khai in, post từ chân dung (có xóa mặt) đến căn nhà, số nhà của cô Việt kiều này ở Hải Dương, đang cư ngụ tại bang nào ở Mỹ, tên thật là gì,chuyện chồng con thế nào v.v....Chẳng nhẽ phải đợi đến lúc con gái của cô này xấu hổ vì hành vi của mẹ mình, tự tử thì mới dừng lại chăng? Hay lại tiếp tục khai thác chuyện thương tâm đó câu khách?  Tàn nhẫn quá. Bỉ ổi quá. Nghe đâu, từ Mỹ cô này đã lên tiếng phản ứng.

Làm báo? Một cách đưa tin thế nào đó cũng có thể gián tiếp giết một con người. Trước đây, rúng động dư luận là vụ Đường Sơn quán. Con gái của ông T do xấu hổ,  không chịu nổi lời xầm xì, chế giễu của bạn bè đánh giá về ba mình nên đã tự tử. Cái chết đáng thương đó có cảnh tỉnh nhà báo không? Tác giả loạt bài đó vẫn còn sống sờ sờ đó. Chẳng rõ họ nghĩ gì? Có lẽ khi viết, họ không lường đến tình huống này, chỉ nghĩ tệ nạn đó cần phải phơi bày lên mặt báo với ba mục đích: bán báo, khẳng định "chỗ đứng" trong làng báo và chấn chỉnh đạo đức xã hội. Hai yếu tố trước, thời nào cũng có. Yếu tố sau, mới đáng nói. Đáng nói ở chỗ nhà báo ảo tưởng. Cứ tưởng viết thế, phê phán thế xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Ô hô! Nhìn lại vụ Đường Sơn quán, thời buổi này, có là gì? Vâng chẳng là cái “đinh rỉ” gì cả.

Mới đây một đề thi môn Văn lớp 9, học kỳ 1 năm học 2013-2014 của một trường PTTH huyện Sa Thầy, Kom Tum được cộng đồng mạng quan tâm. Đề thi trích  đoạn tin nhắn của một bạn trẻ gửi cho mẹ của mình: “M0ther ui, hum n4i kon hk zia, k0n f4i 0 14i h0k th3m” (Mẹ ơi, hôm naycon không về, con phải ở lại học thêm”. Câu hỏi trong đề nhắc đến việc các bạn trẻ dùng “ngôn ngữ chát”, “ngôn ngữ teen” với mẹ. Yêu cầu học sinh nhận xét về từ ngữ xưng hô và cách sử dụng tiếng Việt, đồng thời rút ra bài học trong giao tiếp sau tình huống trên. Phải thừa nhận, đề thi này lý thú. Báo động hiện tượng tiếng Việt đang bị bóp méo, dị dạng.

Thật ra cũng không có gì đáng lo. Cách viết đó chỉ trong một bộ phận giới trẻ và nếu không có khả năng lan truyền sâu rộng nên tự nó sẽ mất đi. Cảnh báo là cần thiết, nhưng nếu cách viết nào thuận lợi hơn trong cách diễn đạt, tự nó sẽ tồn tại. Bằng không, tự nó sẽ chết. Ngôn ngữ không đứng yên mà vận động theo đời sống. Sực nghĩ, buồn cười khi NXB nọ thu hồi Sát thủ đầu mưng mủ, cho rằng các câu thành ngữ, tục ngữ hiện đại ấy không phù hợp với chuẩn mực tâm lý, đạo đức của người Việt. Đừng quên mỗi thời có mỗi cách nói. Nếu phù hợp, được cộng đồng chấp nhận, sử dụng thì nó mặc nhiên tồn tại. Mà khi nó tự thân tồn tại, chẳng một văn bản pháp lý nào có thể cấm đoán. Bằng không, tự nó sẽ chết. Có như thế vốn từ tiếng Việt, cách diễn đạt tiếng Việt mới phong phú hơn. Tiếng Việt làm gì có “Oản Tà Roằn”, vậy mà qua Nguyễn Công Hoan, nó đã tồn tại như một thành ngữ mới. Biết đâu cụm từ "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của Vũ Trọng Phụng; “Tiên sư anh Tào Tháo” của Nam Cao; “Đen như cái tiền đồ của chị” của Ngô Tất Tố; "Người đi chăn kiến" của Bùi Ngọc Tấn;“Buồn ơi là sầu” của Nguyễn Nhật Ánh; “Đã si đa còn xông pha hiến máu”; “Mặt xấu nhưng kết cấu nó đẹp” v.v… sẽ trở thành câu cửa miệng, đồng hành cùng nhiều thế hệ?

Ngày chủ nhật. Một ngày nghỉ ngơi. Viết linh tinh một chút. Kết thúc sáng nay bằng bức thư của một cậu nhóc. Tình cờ đọc trên mạng. Đọc và cảm động. Tự nhiên thấy cuộc đời này đáng yêu quá. Tâm hồn trẻ con cứu rỗi cho chúng ta nhiều lắm. Nói như  Hoàng tử bé của Saint - Exupéry: “Những người lớn chẳng bao giờ tự mình hiểu được cái gì cả, và trẻ bé nếu cứ phải giải thích đi giải thích lại, mãi mãi, hoài hoài, cho họ hiểu, quả thật là điều mệt mỏi vô cùng” (bản dịch Bùi Giáng). Bức thư của cậu bé Vũ Hoàng Tuấn Kiệt viết như sau: “Gửi ông già Noel. Cháu là Vũ Hoàng Tuấn Kiệt lớp 1B. Mẹ nói bố đang làm ở thiên đường chỗ ông già Noel. Cháu đạt học sinh giỏi, cháu làm lớp trưởng. Cháu xin ông cho bố cháu nghỉ làm để đưa cháu đi coi thú. Cả mẹ cũng được nghỉ, không phải đi quét rác để đi chơi với cháu. Cháu cảm ơn ông ạ. Cháu tặng ông viên bi ba màu của cháu ạ”.

 Còn gì trong trẻo, hồn nhiên, cảm động, đáng yêu hơn?

 

beKietNoel_a8864


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment