Tượng GS - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa bằng đá hoa cương do nghệ sĩ, nhà điêu khắc Tô Sanh thực hiện năm 1992
Thủ bút GS - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa gửi nhà điêu khắc Tô Sanh
Thủ bút nhà điêu khắc Tô Sanh gửi Lê Minh Quốc
Chiều qua, thực hiện lời hứa của hơn 20 năm trước: Đi thăm nghệ sĩ, nhà điêu khắc Tô Sanh. Suốt một đời, ông nặn rất nhiều tượng danh nhân và đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam ghi nhận. Ngày ấy, y còn trẻ, ông có đến báo PN trò chuyện. Y hẹn sẽ đến thăm ông nhưng rồi từ đó, quên béng luôn. Hôm nọ lần đầu nhậu ở quán của nhà báo V.L.Hằng, nào ngờ đây là nhà của ông Tô Sanh cho thuê. Còn ông đã đơn thân độc mã vào Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Ôi! Ông bạn già. Phòng số 1. Bước vào phòng bề bộn như một nhà kho. Tự nhiên thấy tội nghiệp.
Hiện nay, tại nhà ông Tô Sanh, trước sân vẫn còn bức tượng bằng đá hoa cương khắc chân dung GS - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ai đời quán nhậu lại để bức tượng này? Tủi hổ vong linh người đã khuất quá. Nghe đâu hôm trước bạn thơ Phạm Hồng Danh, giám đốc một trung tâm luyện thi đại học muốn “thỉnh” tượng về đó. Hôm qua, trao đổi chuyện này, ông đồng ý và giao cho y toàn quyền quyết định. Tất nhiên nơi nhận phải có ít nhiều thù lao giúp ông dưỡng già. Để xem mọi việc ra sao. Cũng hôm qua, ngồi đọc lại những gì ông đã viết. Những tập giấy dán các bài báo, những chữ viết bằng bút bic. Thương quá, bèn điện thoại trao đổi nhà văn Bích Ngân của NXB Văn hóa Văn nghệ. Nếu được, hãy in cho ông. Chắc chắn những trang viết của ông có ích cho người trẻ. Ích nhất là một tinh thần lao động bền bĩ. Sáng nay, NXB đã lên lấy bản thảo. Hỏi, “con cái đâu mà phải vào đây?”. Ông bị điếc, phải nói to mới nghe được, “đi bộ đội chết hết rồi”. Ông là người Cà Mau, tập kết ra Bắc, đi đông đi tây và cuối cùng một nằm bệnh một mình. Bệnh phổi nên thở khò khè. Khi đã bước qua tuổi 90, khỏe cái nỗi gì nữa? Nếu mọi việc suôn sẻ, ông bạn già cũng có được ít tiền. Được vậy thì vui quá.
Đã nhận lời mời làm giám khảo cho cuộc thi sáng tác văn học nhân kỷ niệm 10 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Bên thơ có nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Lê Thị Kim và y; bên văn có Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền... Đã nhận 10 tập thơ do Hội Nhà văn TP.HCM chuyển để đọc xét giải thưởng thơ năm 2013. Nhiều tên tuổi lạ. Chất lượng không cao. Nếu thế, năm nay không có giải thưởng thơ cũng được chứ sao? Việc gì phải "đến hẹn lại lên"? Đã ký hợp đồng với Đông A về 10 danh nhân họ Trần. Bắt đầu bận rộn rồi đây.
Mấy hôm nay, hầu như chẳng có mấy tờ báo thông tin về kỷ niệm 40 năm ngày mất nữ sĩ Tương Phố (1973 - 2013) tại Đà Lạt. Bà tên thật Đỗ Thị Đàm, sinh năm 1896 tại Bắc Giang. Năm 1915 bà se duyên vợ chồng với ông Thái Văn Du, sinh người con là Thái Văn Châu. Cưới nhau được một thời gian, chồng mất, bà viết Giọt lệ thu (1923), Tái tiếu sầu ngâm (thơ 1930), Khúc thu hận (1931)... Bà có người em cũng làm thơ, ký tên Song Khê. Hiện nay, tại Đà Lạt có con đường mang tên Tương Phố. Về bút danh của bà, nhà văn Vũ Bằng giải thích là do lấy từ mấy câu thơ:
Ngã tại Tương giang đầu,
Quân tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
(Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không thấy
Cùng uống nước sông Tương)
Giải thích như vậy có hợp lý không? Có lẽ là không. Như ta biết, bà Tương Phố sinh ở Bắc Giang. Địa danh này trải qua nhiều đời gắn liền với Hà Bắc, Bắc Ninh, do đó, bà lấy con sông Tương quê mình vẫn hợp lý hơn. Tương tự, “Ai có về bên bến sông Tương, nhắn người duyên dáng tôi thương, bao ngày ôm mối tơ vương. Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương, tâm hồn mơ bóng em luôn, mong vài lời em ngập hương…”. Đừng lầm tưởng con sông nào đó bên Trung Quốc, thật ra nhạc sĩ Thông Đạt lấy cảm hứng từ con sông Tương ở một vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh. Đó là vùng đất mà trong Địa dư chí, Phan Huy Chú viết: “Có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phía Bắc Hà, Lạng Giang đẹp hơn. Văn học thì phủ Từ Sơn, phủ Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy sinh ra nhiều danh thần, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp. Vì khí tốt tự nhiên ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”.
Trước 1975, tạp chí Văn Học tại miền Nam có làm số báo đặc biệt về nữ sĩ Tương Phố, trong đó có thủ bút của bà:
Trời dài đất rộng bao la hận,
Năm tháng còn đây ngấn lệ châu.
Vì tình yêu với Trương Quỳnh Như, Phạm Thái có được áng văn bất hủ Sơ kính tân trang; vì khóc vợ, Đông Hồ có lệ ký Linh Phượng; vì khóc chồng, Tương Phố có Giọt lệ thu… Có lẽ thế hệ ngày nay không thể biết từ năm 1929, tại Hà Tiên, Đông Hồ có viết bài thơ gửi Tương Phố:
Giọt lệ thu kia vẫn đượm sầu,
Cánh chim Linh Phượng biết về đâu?
Đài gương bụi lấp pha đôi nét,
Viện sách tàn hương lạnh lẽo mầu.
Kẻ Bắc người Nam hai giọt lệ,
Đông Hồ, Tương Phố một dòng châu.
Đoạn trường gặp gỡ năm canh mộng,
Một hội thương tâm, một nhịp cầu.
Tình cảm người xưa dành cho nhau chân tình biết bao nhiêu. Cái sự cảm thông, chia sẻ bây giờ giữa người viết với nhau hầu như đã khác trước. Tác phẩm mới của bạn bè ra đời, cũng ít có lời nhắn tin cho nhau. Chỉ dưng dưng. Chờ tặng. Mà dẫu có tặng, chắc gì đã đọc. Chứ nói gì đến phát biểu cảm xúc về sách mới của bạn. Lật lại sổ tay thơ, có thấy ngày 25.6.2000 y viết bài thơ này, chưa đặt tựa:
Mỗi lần được tặng sách
Chẳng rõ vui hay buồn
Lật từng trang vội vã
Thấy nét mực còn run
Chao ôi là cảm hứng
Bạn viết lúc trăng mờ
Lúc ngày lên nắn nót
Vật vã một hồn thơ
Thơ hay không ai biết
Thời kinh tế thị trường
Nhện giăng qua trang sách
Ấy là chuyện văn chương
Tôi dặn tôi như vậy
Cầm quyển sách trên tay
Cố gắng đọc vài chữ
Như ngắm nhìn mây bay
Thương bạn đêm ngày viết
Thương mình viết ngày đêm
Chữ hao gầy trang giấy
Còn ai nhớ ai quên?
Hôm nay là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Kêu gọi tinh thần tôn sư trọng đạo? Đúng rồi. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là dịp này, nhà giáo cần nhìn nhận, đánh giá, kiểm điểm lại vai trò và trách nhiệm của mình. Có như thế mới tự trả lời được câu hỏi, vì sao thầy không ra ra thầy, trò không ra trò. Theo thông tin từ trang web Giáo dục thuộc Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng VN: “Từ năm 1976 đến năm 2013, sau 37 năm tổng số giáo sư, phó giáo sư đã được công nhận ở nước ta là 10.453, trong đó 1.569 giáo sư và hơn 8.000 phó giáo sư. Cũng theo thống kê, hiện nay chúng ta chỉ có xấp xỉ 1 giáo sư hoặc phó giáo sư/2 vạn dân, không quá 5% giảng viên đại học là giáo sư hoặc phó giáo sư, có 560 sinh viên/1 giáo sư hoặc phó giáo sư. Nhìn ra các nước phát triển như CHLB Đức thì 1 vạn dân có 3 giáo sư và cứ 59 sinh viên lại có 1 giáo sư.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã kí Nghị định số 141 quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GDĐH. Trong đó, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác ở các cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc (10 hoặc 7 hoặc 5 năm tương ứng) kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học”.
Có lẽ, thông tin gây chấn động nhất thuộc lãnh vực giáo dục trong những ngày này là vụ ông Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng (ĐH Kinh tế Quốc dân) đã nộp đơn ra TAND Thành phố Hà Nội khởi kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận. Đọc báo thấy lằng nhằng cũng là cái vụ đạo công trình người này người nọ. Sư nói phải vãi nói hay. Chẳng ra làm sao cả. Không bình luận gì sự việc bi hài này. Mất thời gian. Vô ích. Đọc thông tin này vui hơn. Chẳng hạn, từ “tự sướng” vừa được đưa vào Từ điển Oxford là 'selfie'. Oxford Dictionaries - nhà xuất bản từ điển nổi tiếng thế giới của Anh - định nghĩa selfie là một bức ảnh tự chụp, đặc biệt là bằng điện thoại thông minh hoặc webcam, và đăng tải lên mạng xã hội.
Ngoài trời đang mưa. Đã chiều. Một ngày đi qua.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|