LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.11.2013

 

Viết gì bây giờ? Ngày nào cũng viết. Kiếm sống bằng nghề viết có gì thú vị không? Thôi thì, viết để sống nhưng nếu có nhiều tiền thì vẫn tốt hơn. Không phải viết những thứ ba lăng nhăng. Đỡ mất thời gian. Mà nào có thể nhăng cuội được đâu. Viết cái gì cũng toàn tâm toàn ý. Vì thế, không thể núp dưới một cái tên cha căng chú kiết nào đó để có thể viết tầm phào. Mới ngày nào chập chững vào nghề, còn hào hứng thấy bài mình trên báo, đọc thấy vui cả ngày. Nay, niềm vui đó đã không còn. Nhìn qua ngoảnh lại, vài anh em cùng thời đã nghỉ hưu. Thì ra, 60 năm cuộc đời nào có lâu lắc gì. Chỉ như khép, mở bàn tay.

Tự nhiên, chiều nay ngồi nhớ những gương mặt quen, thân quen, thân thiết và chí cốt. Dù có lúc yêu thương, giận hờn nhưng rồi cũng không thể không nhớ đến nhau. Thì ra, đời người chỉ vỏn vẹn vài người bạn chứ không nhiều. Hơn ba mươi năm trước, y đã gặp và bây giờ vẫn gặp. Tình bạn gắn bó như một lẽ tự nhiên. Lần đầu tiên gặp anh Nguyễn Đông Thức tại NVH Thanh Niên. Lúc bấy giờ, đang học năm thứ 2 khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp thì hay tin nhà văn Ngọc trong đá có buổi trò chuyện về sáng tác với anh em thuộc CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn.

Thời đó, giấc mộng văn chương còn sáng lòa trong giấc ngủ. Mỗi lúc gặp nhau chỉ bàn về văn chương chứ không gì khác. Đêm nằm dài trên giường sắt hai tầng, phòng số 6, anh em thi đua nhau viết lách dưới ánh đèn vàng vọt tù mù, đọc cho nghe. Rồi gửi đi các báo. Thấp thỏm từng ngày chờ bài thơ của mình có được chọn in hay không? Một phần vì oách, hãnh diện với bạn bè khi cái tên mình xuất hiện trên báo, một phần cũng vì nhuận bút nữa. Có một ít tiền để cải thiện bữa ăn khốn khó ở ký túc xá. Giấc mộng văn chương còn tươi tốt. Chao ơi, ngày tháng sinh viên. Vì thế, khi hay tin có cuộc nói chuyện của nhà văn  Nguyễn Đông Thức là buổi chiều đó tranh thủ ăn cơm sớm.

Rồi anh em rủ nhau đạp xe về Sài Gòn.

y, Trương Nam Hương, Nguyễn Quốc Chánh, Lê Đại Anh Kiệt và vài anh em khác nữa. Tất cả thong thả trên những con ngựa sắt cà tàng. Đi đoạn đường dài hơn 15 cây số mà chẳng hề mỏi mệt chút tẹo nào. Lúc ấy, cả gian phòng ở NVH Thanh Niên chật kín người. Nếu nhớ không nhầm, lúc đó nhà báo Trần Nhật Vy hoặc nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên làm chủ nhiệm thì phải. Còn nhớ, trong phần bạn đọc đặt câu hỏi, y hỏi rằng: “Thưa anh, đặt tên nhân vật có góp phần làm nên sự thành công của một truyện ngắn hay không? Nếu nhân vật của Nam Cao không đặt tên Chí Phèo mà cái tên khác, thì liệu truyện ngắn đó có nổi tiếng như đã có hay không?”. Thú thật, không nhớ anh Thức trả lời thế nào, chỉ nhớ một cách khiêm tốn là câu hỏi ấy… anh em vỗ tay quá xá! Câu chuyện chưa dừng lại dó, lúc tan cuộc, mấy anh em sinh viên còn đi cùng anh Thức một đoạn dài, vẫn tiếp tục câu chuyện văn chương. Lúc ấy, anh Thức đi xe 67 màu đen thì phải. Không còn nhớ rõ lắm.

Vậy mà vèo một cái, đã đến ngày anh Thức về hưu. Nghe đâu chiều nay báo TT chiêu đãi thì phải. Biết vậy. Tự nhiên, lòng buồn buồn dù vẫn biết, đã anh em thì còn gặp nhau dài dài…

Còn nhớ lúc đầu tiên gặp anh Nguyễn Thái Dương là tại báo Khăn Quàng Đỏ. Do chữ viết láu, chữ Q viết như chữ Z nên bài lần đầu của y in trên báo này sai tên. Nguyễn Thái Dương hầu như lúc bia bọt không hé răng nói lời nào. Chẳng bù cho Đoàn Vị Thượng và y, lúc nào cũng có thể ồn ào thâu đêm đến suốt sáng. Còn nhớ, lúc ra mắt tập thơ Nguyễn Thái Dương tại NVH Lao Động, đêm đó, y và Thượng về ngủ tại nhà anh Dương ở đường Võ Văn Tần. Chuyện đi chơi qua đêm, ngủ lang bạt thời ấy sao mà dễ dàng đến thế. Thoáng đó, anh Nguyễn Thái Dương cũng nghỉ hưu. Anh vừa ra mắt tập thơ  Hạt bụi thơ bầu trời thơ là đánh dấu thời điểm này.

Gặp anh Nguyễn Nhật Ánh lần đầu tiên ở đâu? Có phải tại một chương trình đọc thơ tại NVH Thanh Niên? Khách mời là nhà thơ Chim Trắng, Nguyễn Nhật Ánh và y. Thời đó, anh Ánh còn chọn thơ giúp cho báo TN hàng tuần. Những bài thơ đầu tiên của y in TN là qua “kênh” của anh Ánh. Với anh Đoàn Thạch Biền thời gian gặp thường xuyên nhất vẫn là lúc anh làm tờ AT. "Tòa soạn" lưu động, chủ yếu là ngay lề đường Alexan de Rhode, lúc ấy NXB Trẻ còn đóng tại Thành đoàn. Lật quyển sổ thơ năm 2003 vẫn còn bài thơ viết dở dang: “Học thầy không tày học bạn”:

Học Nguyễn Thái Dương thái độ trầm tĩnh

Nghe chuyện tiếu lâm, hai giờ sau mới há miệng cười khì

Biết lắng nghe. Nghe nhiều hơn. Nói ít

Uốn lưỡi bảy lần trước lúc nói điều chi

 

Học Đoàn Thạch Biền ở chỗ dám sân si

Áo trắng quần đen cũng quay quần chiến hữu

Uống rượu say là gục ngủ trên bàn

Không mượn rượu nói năng nhăng cuội


Học Đỗ Trung Quân tự mê mình đắm đuối

Tự khen mình như thiệt lại như chơi

Lại lý luận lượn lờ lên láu lưỡi

Để làm vui cho tất cả mọi người


Học Nguyễn Đông Thức như ông lão chín mươi

Một câu đùa lại nói như cóc cắn

Tuân thủ châm ngôn chọn bạn mà chơi

Không xuề xòa lẫn lộn rồng với rắn

Không nhớ vì sao, bài thơ này không viết thêm nữa. Lẽ ra phải còn nhiều gương mặt bạn bè khác... Danh sách bạn bè còn có thể kể dài dài nữa. Mà nhìn đi nhìn lại đã thấy vài anh em nghỉ hưu. Thời gian trôi qua cái vèo cứ như câu thơ của Tản Đà: “Cái hạc bay lên vút tận trời”. Chỉ nháy mắt. Sáng nay đi làm tình cờ gặp lại anh Vũ Ân Thy. Vẫn nụ cười tươi rói rói. Vài năm trước, ngày nghỉ hưu, anh về nhà bố mẹ ở Vũng Tàu nghỉ ngơi. Vào chiều đẹp trời, cao hứng leo lên mái nhà sửa sang gì đó. Cứ tưởng còn trẻ. Nào ngở, xẩy chân, té cái đụi và anh nằm bệnh viện mấy tháng liền. Sáng nay, anh cười khà khà: “Tau vẫn làm thơ đó nghe mậy”. Nghe thấy thương bạn bè. Hầu như với người viết lách, chẳng ai chịu già đi, lúc nào cũng thấy họ còn trẻ. Hôm kia, ngồi với bạn bè, y nói thật lòng: “Chẳng bao giờ Q nghĩ là mình đã già. Lạ chưa?”. Mà thật như thế, lúc nào y cũng nghĩ y như cái thuở mười lăm, mười bảy. Cũng trẻ con. Cũng nhìn cuộc đời hồn nhiên. Bạn bè y cũng thế thôi. Có thế, dù nghỉ hưu hay không thì vẫn viết mỗi ngày.

Chiều nay, tự nhiên lại nhớ đến những gương mặt bạn bè. Tình bạn đã lên men. Một thứ rượu đã say. Đã nhớ. Đã là những gương mặt của năm tháng đời người. Làm sao có thể quên?

 

L.M.Q


Vài hình ảnh bạn bè:

NguyendongthucR

Nhà văn Nguyễn Đông Thức thời còn đi học

Anh-R

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

bien-Hien-R

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, nhà văn Đoàn Thạch Biền

DSCN2022RRR

Nhà văn Nguyễn Đông Thức, Bảo Ninh, Đoàn Thạch Biền (tại Hà Nội)

DTQRR

Nhà thơ Đỗ Trung Quân

nha-van-treRRR

Đoàn Thạch Biền và các cây bút Áo Trắng

DSCN2012RRR

Ngồi: Nguyễn Đông Thức, Lê Minh Quốc, Hồ Tĩnh Tâm; đứng: Trần Thanh Giao, Nguyễn Thái Dương, Trần Thị Khánh Hội (tại ĐH nhà văn VN)

Picture-013RRR

Lê Minh Quốc, Vũ Ân Thy, Nguyễn Khắc Phục, Lưu Khánh Thơ


Chia sẻ liên kết này...

Add comment