LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.11.2013



nguyengia-tri

Tranh danh họa Nguyễn Gia Tr1i vẽ nhà văn Nhất Linh, bìa tạp chí Đông Phương số 4 (Sài Sòn -1965)

Mấy hôm nay cảm cúm. Nóng lạnh thất thường. Miệng khô. Sổ mũi. Đã mua thuốc uống nhưng vẫn xìu xìu ểnh ểnh. Chằng ra làm sao. Chiều nay, vào chợ mua lá xông. Trời đất, một bó lá xông chỉ 5 ngàn đồng. Rẻ như bèo. Đôi khi do giá rẻ, mẫu mã không đẹp nên người tiêu dùng xem thường sản phẩm đó. Ngược lại, có những thứ không ra gì nhưng nhờ P.R, gía hô trên trời, giá cao ngất nhưng thiên hạ vẫn nháo nhào tìm cho bằng được. Thuốc Nam là thuốc của con nhà nghèo. Như thế nào gọi là nghèo? Trả lời câu hỏi này không dễ. Đành mượn ca dao:

Đĩa Bát Tràng con tôm càng dựng đứng

Phận anh nghèo, "chỉ cứng" nửa con

Tôn trọng người đọc nên hai từ trong ngoặc khép đã "biên tập". Nguyên văn thế nào, tự nghĩ sẽ ra thôi. Còn phụ nữ than nghèo thì sao?

Gió nam non thổi lòn hang cóc

Phận em nghèo mồng đốc khô rang

Còn có cách nói nào ấn tượng hơn không? Làm nên giá trị của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước 1945 chính là sự miêu tả cái nghèo. Thời buổi này, cứ tưởng chẳng ai còn nghèo nhưng không phải vậy. Còn có những cảnh đời, những số phận quá bi thảm, thậm chí thiếu ăn. Những quán cơm chỉ 2 ngàn đồng một suất đã cho thấy một xã hội không bình thường. Kẻ ăn không hết người lần không ra. Đôi khi, ngẫm nghĩ những gì đã thấy, con người ta chẳng còn có thể tin cậy vào đâu nữa. Khó quá. Dù cố gắng tìm ra một cái gì đó để tin. Nhưng rồi cũng không thể. Lại hỏi, cây nhà lá vườn hiệu quả không? Có câu dao nghịch ngợm:

Thấy người, chết vợ mà ham

Vợ mình, bệnh nặng uống thuốc Nam cũng lành

Đểu nhất chữ “cũng”. Thôi kệ cứ nghĩ rằng:

Phen cảm cúm phải lui

Nồi xông nghi ngút ắt đứt đuôi con chuồn chuồn

Hy vọng là thế. Sáng nay, báo chí đưa tin Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM tổ chức lễ giới thiệu bức tranh Đám rước của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) - sáng tác vào tháng 11.1939. Họa sĩ Nguyễn Lâm đã phục chế thành công, cho biết: “Tôi cùng 3 họa sĩ cử nhân chuyên về sơn mài đã làm việc tỉ mỉ trong 1 tháng để phục hồi tối đa nguyên trạng bức tranh qua các công đoạn lau sạch bụi, cạo sạch phần bong tróc, xử lý mối mọt cho khung gỗ trước khi hom, bó, lót và vẽ tỉa lại màu sắc cho thật chính xác. Trong quá trình này, chúng tôi luôn chú ý tôn trọng tuyệt đối màu sắc, đường nét của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, kể cả “màu” của thời gian”.

Trước đây, nếu nhớ không lầm vào năm 1992, UBND TP.HCM quyết định mua bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí tặng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Giá tiền mua  600 triệu đồng (thời điểm ấy tương đương 100.000 USD). Lập tức, có nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng như thế là lãng phí, trong khi đó số tiền còn phải làm nhiều việc khác hữu ích hơn. Người phê phán hung hăng nhất là bác sĩ N.V.Q.  Mọi việc chỉ lắng xuống khi Ban giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật chính thức thông tin, một nhà sưu tập người Bỉ có ý mua lại bức tranh này với giá 1 triệu USD!

Nguyễn Gia Trí có vẽ bức tranh sơn dầu chân dung Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Bức tranh này chưa hoàn thành, ông Trí muốn vẽ hoàn thành nhưng ông Tam bảo, đời tôi cũng vậy do đó bức tranh không cần gia cố gì thêm nữa.Lại nữa, tầm cỡ như cụ Phan Bội Châu vào lúc cuối đời, đã “tự phán”: “Than ôi! Lịch sử của tôi là lich sử của trăm thất bại mà không có một thành công”. Đành rằng khiêm tốn, tưởng bình thường nhưng chỉ có thể phát ra từ vĩ nhân. Lũ chúng ta, bất quá cũng chỉ có chút ít danh vọng hão, cần gì phải khoe khoan, lớn lối, ồn ào?

Trên đời cũng có nhiều người lạ lùng, mê Phan Bội Châu nhất chỉ có thể là nhà nghiên cứu Chương Thâu, nói lái “Châu Thương”. Và từ đó, ông toàn tâm toàn ý nghiên cứu về cụ Phan. Mê danh họa Vincent Van Gogh chính là em trai của ông - Theo Van Gogh. Toàn bộ thư từ trao đổi giữa hai anh em ông, đó là những quan niệm về nghệ thuật của họa sĩ phi thường của nhân loại: Van Gogh. Nếu không có sự phát hiện, vun trồng, động viên, chia sẻ của Theo có lẽ Van Gogh đã không vĩ đại như chúng ta đã biết. Mê Nguyễn Gia Trí nhất có lẽ là họa sĩ Nguyễn Xuân Việt. Mỗi lần, có dịp trò chuyện với danh họa là ông ghi lại. Và hoàn thành tập sách Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo. Mở đầu là ghi chép ngày 1.6.1975:

“Cứ vẽ, gặp cái gì vẽ cái ấy. Vẽ cho nhanh, cho kịp cảm xúc của mình.

Phải luyện mắt để nhìn thấy cái đẹp. Vẽ làm sao phải tạo được cuộc sống, cuộc sống xanh tươi như hoa cỏ.

Nếu tự mình không cảm xúc, không sáng tạo, thì không ai có thể giúp mình sáng tạo được”.

Ghi chép cuối cùng là ngày 6.5.192:

“Phải tìm chỗ nối của tất cả.

Làm tranh lớn mới phá được thói quen cũ.

Có gì vướng trong bút pháp không? Nếu khô thì trơn hơn. Thanh tịnh cũng chỉ là danh từ.

Khi đi nét thấy thực hay huyễn?

Hỏi: Cái gì cũng xả, đam mê cũng xả thì lấy lực ở đâu?

Đáp: Phải tìn nguồn lực.

Vẽ sơn lúc nó cho nghỉ là lúc mình suy ngẫm.

Phải thấy thì mới làm được cái đẹp”.

Viết dưới ánh đèn dầu do chính danh họa Bùi Xuân Phái ghi chú về nghệ thuật cũng là tập sách hay. Có khi đọc những tập sách này, con người ta vỡ ra nhiều điều cần thiết hơn là đọc những sách ề à lý luận. Nhìn chung, với người sáng tạo chỉ có một quan tâm duy nhất là toàn tâm toàn ý cho công việc. Năm xưa lên Đà Lạt vào tham quan cơ sở thêu tay nổi tiếng. Tác phẩm thêu của cơ sở này có bán ngay tại phòng đợi sân bay; và tại chi nhánh nhiều nơi. Thật lạ, khi thấy có nhiều cô gái trẻ măng, mơn mởn lại có thể từng ngày chỉ biết đến đường kim mũi chỉ. Mặc kệ khách tham quan đi qua, họ không buồn ngẩng mặt lên nhìn. Ta có cảm giác, họ chỉ biết chúi mũi vào công việc đang làm. Tại sao họ lại có được phong cách này? Một cô thổ lộ, khi nhận vào đây, sau khi học thành nghề, bọn em ai cũng như ai phải tự tay thêu cho mình hai sản phẩm đầu tiên. Sản phẩm gì? Một cô ngước nhìn, từ tốn: "Đó là thêu áo cưới cho ngày tân hôn và thêu áo gối sẽ nằm khi về chín suối". Chuyện lớn đời người, họ đã làm xong. Vậy thì, chỉ còn trút hết năng lực công việc để kiếm sống mỗi ngày.

Sáng nay, đã tranh thủ họp với anh em bàn việc kỷ niệm họp lớp. Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp (niên khóa 1983 - 1987). Nhìn con số 30 năm (1983-2013) chợt rùng mình. Thời gian trôi qua nhanh vèo. Chẳng mấy chốc “leo lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân". Vậy thôi. Hôm qua có bàn với mẹ về việc đứa em gần út ở nước ngoài về tổ chức mừng thọ. Mẹ y bảo: “Già thì chết, chết sớm là khỏe cái thân, chứ mừng thọ cái gì hả con?”. Đến một lúc nào đó, chắc chắn con người ta chẳng ham hố gì với cõi tạm nữa. Từng ngày trôi qua. Từng ngày nhọc nhằn. Không phải yêu đời để sống. Mà ông trời buộc phải sống. Ngày anh bạn vong niên là nhà thơ nằm bệnh viện đã chìm vào hôn mê, lúc tỉnh lúc mê, đớn đau tột cùng trong bệnh tật. Có nhiều bạn bè đến an ủi, thăm nom. Khi người bệnh vừa mở mắt nhìn, ai nấy cùng vốn vã, mừng rỡ và chúc anh mau lành bệnh, gắng sống cho vợ con vui. Trong khi đó anh có ý nguyện muốn "ra đi" nhanh bởi không thể chịu đựng nữa. Vậy mà vợ con òa lên khóc lóc, van nài anh cố sống. Ngẫm lại lấy bất nhẫn. Y học đã đầu hàng, không thể chữa trị được nhưng vẫn buộc người bệnh phải cố gắng sống. Sống khổ ải từng giây. Đày đọa từng giờ. Vậy mà cũng phải sống. Sống để làm gì? Để vui lòng người khác? Có phải đòi hỏi ấy thể hiện sự ích kỷ không?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment