LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.11.2013

 

nguyen-khuyen-R

Chân dung nhà thơ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến

 

Mấy hôm nay vẫn lai rai cảm cúm. Bỏ hẳn chuyến đi chơi xa, dù đã có kế hoạch. Nằm nhà đọc sách. Đọc chán chê, quay sang đọc báo. Rồi nghĩ ngợi linh tinh.  Ngày y vào làm báo TT, Hoàng Linh còn là giáo viên ở Thạnh Lộc (Hóc Môn). Sau này Linh trở về TT và trở thành cây bút viết phóng sự thuộc loại ác chiến, cuối cùng bị tù trong vụ án Nam Cam. Sau nhiều năm nằm xế hộp, ra tù và bắt đầu đi tìm việc làm, Linh kể lúc ấy, “Đang suy nghĩ xem phải làm gì để kiếm sống thì nhà báo Xuân Lộc ở Bình Dương điện thoại: "Ông mới về hả, lên Bình Dương chơi, ông Dũng kêu tôi kêu ông". Tất cả gặp nhau ở Đại Nam, anh Huỳnh Uy Dũng, chủ đầu tư khu du lịch Đại Nam dẫn tôi qua khu đền và bảo tôi thắp hương sám hối. Tôi thấy nhiều người, nhiều người quan trọng lắm, đang xì xụp khấn vái, tôi cũng thắp hương. Ngẩng đầu lên thì thấy mình đang lạy cái tên… Huỳnh Uy Dũng. Những câu nói của Huỳnh Uy Dũng được khắc lên ở những vị trí khéo léo khiến người ta lạy Phật thì phải lạy luôn nó”.

Chuyện này có thật hay không?

Báo TN sáng nay có thông tin ông Thích Minh Phượng - trụ trì chùa Chân Long - làng Chàng Sơn, Thạch Thất (Hà Nội) đưa tượng mới vào chùa. Theo nhân dân địa phương, tượng Phật đó có gương mặt y chang mặt ông Phượng! Ô hô! Cái sự đời nó tréo cẳng ngỗng đến thế là cùng. Nghĩ cho cùng, do cái thói háo danh mà ra. Có những chuyện tương tự khiến người phải bịt mũi, chẳng hạn, cách đây không lâu nhiều ngôi chùa cổ ở tỉnh Trà Vinh sau khi được ông Trầm Bê đóng góp để trùng tu, sửa chữa thì cổng chùa lập tức mang tên ông, thậm chí hình ảnh gia đình ông còn tràn ngập nơi chánh điện! Tại huyện Trà Cú, có ít nhất ba ngôi chùa cổ là Vàm Ray, Ba Sát và Phnô-đung được nhiều bà con gọi là “chùa ông Trầm Bê” do trước cổng chùa và quanh chánh điện có ghi tên, hình ảnh, tranh vẽ, tượng của ông Trầm Bê và dòng họ của ông.

Điên rồ đến thế ư?

Sử sách còn bia miệng bọn trọc phú háo danh, chẳng hạn, Nguyễn Hữu Độ (1813 - 1888) đậu tiến sĩ năm 1883, làm quan từ Thượng thư đến Phụ Chính đại thần, Cơ mật viện đại thần… Lúc ngất ngưỡng trên danh vọng, Độ đã dùng uy quyền xây dựng Sinh Từ đền nhằm thờ sống mình, đoạn đường này được gọi phố Sinh Từ. Theo Đại Nam thực lục, việc xây dựng diễn ra trong khoảng thời gian 1882 - 1884, lúc Độ làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội-Ninh Bình) tốn hơn một vạn quan tiền. Lúc ấy, nhiều người đến xin nhà thơ Yên Đỗ mấy chữ vàng ngọc để làm hoành phi mừng. Khi người ta đang lên voi, thiên hạ bấu vào là lẽ thường tình. Cụ Yên Đỗ cho 3 chữ “Sinh sự chi”. Ai nấy đều khen hay, bởi 3 chữ này rút từ câu “Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế, chi dĩ lễ” trong Thiên vi chính của sách Luận Ngữ - có nghĩa khi cha mẹ sống thì theo lễ mà phụng sự cha mẹ, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, khi cúng tế cũng phải theo đúng lễ. Nghe thì hay lắm, nhưng đây là thâm ý của bậc đại khoa. “Sinh sự chi” như lời mắng thẳng vào cái mặt  háo danh hợm hĩnh kia! Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Nay người ta nhớ gì đến xú danh Nguyễn Hữu Độ?

Đền miếu thờ ai lộng lẫy thay!

Thờ ông "thứ nhất quận công" đây.

Ông còn, mũ áo hàng năm họp,

Không được dự buồn, được dự may.

Ông mất, mũ áo không họp nữa,

Lửa hương lạnh ngắt, lúa mọc đầy.

Có ông "thứ nhì không tên" đến

Sớm hôm chống gậy vào chốn này.

Trên đời suy thịnh thường như vậy,

Biết nay chín suối ông theo ai?

Đây bài thơ chữ Hán Quá quận công Hữu Độ Sinh Từ hữu cảm (Cảm nghĩ lúc qua Sinh Từ Quận công Nguyễn Hữu Độ) của cụ Yên Đỗ, Nguyễn Văn Tú dịch. Đọc bài thơ này, lại nhớ câu tục ngữ quen thuộc. "Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng". Không phải giải thích gì thêm. Mà cuộc đời cũng lạ. Có những con người cứ tưởng mình là bề trên thiên hạ. Ngược lại cũng có những kẻ hạ mình quá đáng. Vừa ghé xe vào quán ăn, lập tức một tiếng hô dõng dạc: "Đá chân chống, sư phụ cứ để xe đó cho con". Nhìn cái mặt già khú đế lại xưng con, lại tự thấy xấu hổ giùm. Có lần đi taxi, hỏi chuyện linh tinh thì gã tài xế nhủn như con chi chi, cứ một câu "dạ", hai câu "thưa",  xưng con ngọt sớt! Hỏi tuổi ra chênh lệch không bao nhiêu, nên đề nghị đổi cách xưng hô. Nào ngờ, tài xế vẫn 'con" với "cháu", bực quá, bảo dừng xe xuống gấp! Chẳng việc gì phải trò chuyện, đi chuyến xe của một người tự hạ mình đến thế. Biết rằng, có thể cách xưng hô ấy chẳng qua vì miếng cơm manh áo. Chứ chẳng ai điên rồ, ngốc ngếch đến thế. Qua sông đấm buồi vào sóng ngay thôi. Lễ phép gì. Thói đời, khó có thể tin cậy một người mà lúc sơ ngộ người đó vồn vã quá, dù chưa biết gì về nhau mà đã như tri kỷ trăm năm; hoặc người đó nhún mình hèn hạ quá mức cần thiết.

Những ngày này, bạn bè đều đi chơi xa. Người đến Sơn La, người ra Hà Nội, người xuống Đồng Tháp, y lại nằm khèo ở nhà. Và đọc sách báo. Y quan tâm đến chuyện ông Nguyễn Thanh Chấn - sinh năm 1961 ngụ thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, (Bắc Giang) vừa được thả tự do sau mười năm ngồi tù. Trường hợp của ông Chấn xem như tin vui cho nhiều người. Cái tốt, cái thiện phải thắng thế. Cái ác phải đền tội. Thời cởi truồng tắm mưa, đọc chuyện cổ tích ai lại không thấm nhuần điều này? Do bị kết án tội giết người nên khi vào tù, ông Chấn kể: “cán bộ còn dạy tôi tập đâm, tôi phải đâm bên nọ đâm bên kia. Họ cho một tù nhân giả làm cô H., cán bộ đưa tôi cái thìa, cái lược để làm hung khí. Tôi phải tập nhiều lần cho thành thạo, làm đi làm lại đúng ý họ. Sau đó, họ mượn nhà dân, bắt tôi diễn lại và quay phim thực nghiệm hiện trường” (báo ĐS&PL 8.11.2013). Rùng mình. Choáng váng. Còn báo TT ngày 7.11.2013 cũng có thêm thông tin cũng do ông Chấn kể: “cán bộ L. bắt tôi vẽ dao cả đêm, vì tôi không biết vẽ dao gì lại đe dọa là đập cho mày cái búa vào đầu”. Kết án oan, sai thời nào cũng có. Thế nhưng, qua những hành động trên rõ ràng, người lương thiện đã bị đẩy vào tình thế phải tập làm phải kẻ ác, nhập vai kẻ ác. Đây mới chính sự tha hóa cùng cực của người đối với người.

“Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời” là vậy. Nhiều người bảo, nguyên si của câu tục ngữ phải là “đòn đau” mới đúng. Nếu thế, rất xoàng. Vết thương cụ thể không là gì, sẽ lành lặn theo thời gian, chỉ có nỗi ám ảnh từ lời nói mới đeo bám dai dẳng trong trí nhớ đến lúc vùi sâu ba tấc đất vẫn chưa quên. “Lời nói đọi máu” trong tình huống này không sai chút tẹo nào. Trong một  xã hội, nếu giữa cán bộ quản giáo và người tù đối xử với nhau những người có học, tôn trọng nhau thì đó cũng là một biểu hiện của chế độ văn minh.

Mà trời cao có mắt không? Ông bà ta nói. Quả báo nhãn tiền sờ sờ ra đó. Thật lạ, trong vụ ông Chấn có những người “gieo gió” đã lần lượt “gặt bão”. Nói có cách mách có chứng, “Theo thông tin PV báo ĐS&PL tìm hiểu tại địa phương, không lâu sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Chấn bị đưa đi cải tạo tại trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc), đã có ít nhất hai trường hợp phải gánh họa. Trong đó điều tra viên chính của vụ án năm 2003, ông Nguyễn Hữu T., người được ông Chấn nói rằng đã đánh ông nhiều nhất đã chết không toàn thây vì tai nạn giao thông khi đang trên đường về nhà. Người còn lại, thẩm phán Nguyễn Minh N., chủ phiên toàn xét xử sơ thẩm cũng bị tai nạn giao thông vào năm 2010. Tuy may mắn thoát chết nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ông N. vẫn đang phải điều trị những vấn đề về não” (ĐS&PL 8.11.2013).

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment