BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Tiểu thuyết mới nhất của NGUYỂN ĐÔNG THỨC

LÊ MINH QUỐC: Tiểu thuyết mới nhất của NGUYỂN ĐÔNG THỨC

bia-sach-nguyen-dong-thuc

Chuẩn bị cho lúc “rửa tay gác kiếm” ở lứa tuổi “sáu mươi năm cuộc đời, nhà văn Nguyễn Đông Thức bắt tay vào viết Không có gì và không một ai. Trong buổi ra mắt tập sách này, anh cho biết đã viết đi sửa lại đến cả bốn lần: “Cuốn sách hóa ra quá khó viết. Chỉ có ba nhân vật chính, nhưng ai cũng có một cuộc đời chìm nổi, lại trong một thời kỳ đầy biến động. Ba người bạn thân, cũng có một cuộc tình tay ba, từng thề nguyền “không có gì và không một ai” có thể thay đổi tình bạn tụi mình”, sẽ sống như thế nào trước bao biến cố cuộc đời?”. Đây cũng chính là câu hỏi của bạn đọc khi tiếp cận với tác phẩm mới nhất của anh.

 

Ba nhân vật Thương, Phong, Tiềm là bạn học của nhau. Trong cơn lốc của năm 1975 đã thay đổi số phận một dân tộc, tình bạn ấy không đứng ngoài ngọn gió của thời cuộc. Họ đã có những thay đổi khác nhau. Cũng như bao thanh niên thời đó, có người đi TNXP, có người thành cô giáo, có người đi bộ đội… Ở đây, nhân vật của Nguyễn Đông Thức lại đi làm báo. Từ đây, thông qua những chuyện tình vừa đau đớn, vừa lãng mạn và cũng có lúc vừa vụng trộm… tác giả dẫn người đọc đi vào ngóc ngách của làng báo từ sau ngày giải phóng. Ở tiểu thuyết này, Nguyễn Đông Thức đã phát huy triệt để thế mạnh của anh: vốn sống của tháng ngày sống ở tuyến lửa TNXP; và chất liệu của ngày tháng làm báo. Không những thế, những đồng đồng đội cũ của anh như Phạm Quang Đẩu, Đỗ Đình Hòa, Trần Viết Thu, Phan Quan Hùng, Phạm Tuấn Khanh, Đoàn Ngọc Hùng…; đồng nghiệp cũ như nhà báo Nam Đồng v.v… đã tận tình giúp đỡ anh khá nhiều về mặt tư liệu.

Có lẽ đây là quyển tiểu thuyết trước nhất khắc họa lại thăng trầm của làng báo miền Nam. Thông qua nội tình của tờ báo Vì Dân, Nguyễn Đông Thức viết lại rất hấp dẫn những đổi thay cần thiết về quan niệm làm báo, qua nhiều thời kỳ. Có những đấu tranh gay gắt, có những dằn vặt trong từng số phận cũng không ngoài mục đích thay đổi quan niệm về nghề báo. Chẳng hạn, “Báo chí phải sống được bằng sự chi trả của người đọc” (tr.196) - như nhân vật Ba tuyên bố và chấp nhận rời khỏi làng báo sau khi nhận hết “sai sót” về mình... Hoặc có những tình tiết mà tôi tin là khi đọc xong, bạn đọc ngoài nghề cho rằng… bịa. Nhưng với tôi, xin cam đoan là thật - vì thế chi tiết ấy lại càng đắc giá. Đó là lúc cán bộ lãnh đạo xuống cơ quan báo chí nhậu lai rai, sau đó cao hứng cho tờ báo được... tăng kỳ! Chuyện quản lý báo chí trong cơ chế “xin-cho” cứ như chuyện gia đình! Hoặc có những huống thu hồi báo cũng bi hài không kém: “Họa sĩ trình bày vô ý tấm phim chụp hình sếp lớn, báo in xong mới thấy ông cầm bút tay trái”, thế là lập tức có ý kiến: “Sao để lãnh đạo cầm viết ngược? Ông là người ngược ngạo à? Bất kính! Đề nghị thu hồi báo ngay!” (tr.94) v.v...
Đọc đi, tôi cam đoan bạn đọc sẽ bị cuốn hút ngay lập tức. Trước hết do chất liệu ngồn ngộn về nghề báo, bởi  khi sự kiện của đời sống lọt vào quan sát của nhà báo chỉ là thông tin. Với nhà văn lại khác, nó còn là chất liệu quý báu khi xây dựng một tác phẩm văn chương. Ở tiểu thuyết Không có gì và không một ai, ta thấy rất rõ điều này.

Bên cạnh đó, sự hấp dẫn còn là những mâu thuẫn, ngậm ngùi về tình bạn khi họ sống xa nhau mà vẫn gắn bó với nhau. Tại sao? Theo nhận xét của nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Đấy là nhờ ca khúc họ từng say mê hát, giúp họ nhớ lại những kỷ niệm ngọt ngào trong cuộc sống có nhiều cay đắng…”. Mà hầu như chỉ là sự cay đắng ở ba nhân vật làm nền cho mạch truyện của Nguyễn Đông Thức. Đôi bạn Tiềm và Phong cùng yêu Thương bằng mối tình đầu trong trẻo, thánh thiện. Vậy mà… Đọc xong, tôi tặc lưỡi: “Chẳng ra làm sao!”. Bởi số phận của họ chẳng xuôi chèo mát mái mà gập ghềnh đến phiền muộn. Thương được nhiều người săn đón nhưng cuối cùng phẩm hạnh trong sạch nhất là bị thổ phỉ cưỡng hiếp. Tiềm từ chối tình yêu đơn phương của Mai, để rồi đến lấy cô gái từng nghiện ngập. Phong cưới sếp của mình rồi chia tay… Sự đổ vỡ trong hôn nhân với những cuộc đan chéo nhau, thú thật, nếu dựng thành phim thì sẽ hết sức lôi cuốn…

Khép lại Không có gì và không một ai, tôi nhận ra các nhân vật đều có số phận khác nhau. Họ có những hoài vọng về nghề nghiệp, về tình yêu… Thế rồi dòng chảy của đời sống, của nhân tình thế thái qua nhiều tình huống khiến họ thay đổi. Các tình huống ấy đã buộc người đọc phải dừng lại suy ngẫm. Rồi lại đọc. Đọc và hằn trong trí nhớ những đớn đau thăm thẳm…

Đọc, và ta vẫn thấy nhà văn Nguyễn Đông Thức vẫn là một cây bút sung sức của thời viết tiểu thuyết Ngọc trong đá, Ngôi sao cô đơn, Vĩnh biệt mùa hè, Như núi như mây…Chính vì thế, NXB Trẻ đã chọn in và phát hành Không có gì và không một ai đúng vào dịp Ngày Báo chí Cách mạng VN năm nay.

LÊ MINH QUỐC

20.6.2012

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120623/khong-co-gi-va-khong-mot-ai.aspx)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com