Tranh khắc gỗ chân dung Anh hùng Trương Định tại Đền thờ của ngài ở Gò Công
Sao hôm nay chưa có nhật ký? Biết trả lời thế nào? Sáng: phở; trưa: cơm; tối: phở. Sáng: đọc sách; trưa: đọc sách; tối: đọc sách. Cả ngày không bước chân ra khỏi nhà. Chỉ đọc sách. Nhật ký cái nỗi gì?
Thì kể chuyện đọc sách vậy.
Vâng, có những quyển sách, người ta tiếc bởi đọc quá sớm hoặc quá chậm. Mấy hôm nay đang đọc hai quyển sách dịch cực hay: Khuyến học của Fukuzawa Yukichi; Người Trung Quốc xấu xí của Bá Dương. Cả hai tập sách này, nhìn ở một góc độ nào đó cùng là sự dũng cảm nhìn nhận, phê phán khiếm khuyết, nhược điểm của một dân tộc. Lòng tự hào dân tộc, thời nào, dưới gầm trời nào, dân tộc nào cũng cần phát huy. Như thế vẫn chưa đủ. Bởi cần phải thấy sự hạn chế của dân tộc mình, phải trả lời cho bằng được câu hỏi vì sao dân tộc mình mãi lẹt đẹt sau lưng thiên hạ. Từ năm 1872, Fukuzawa Yukichi đã nhìn ra hạn chế của dân tộc Nhật: “Cả ngàn năm qua, chính phủ nắm trong tay mọi quyền hành trên khắp đất nước… Nhân dân chỉ còn biết nhắm mắt tuân theo các chỉ thị của chính phủ. Đất nước ta giống như tài sản riêng của chính phủ, còn nhân dân chẳng khác nào người ăn nhờ ở đậu vậy… Và thế thì các quốc gia ấy cũng chỉ như cái nhà trọ, để người dân tạm dừng chân trong cuộc đời họ mà thôi”. Nên nhớ, khi Fukuzawa Yukichi viết những dòng này cảnh tỉnh dân tộc xứ Phù Tang, trước đó ở Việt Nam đã có những bậc tiên phong gieo mầm khai sáng như Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện… Bi kịch dân tộc Việt Nam nửa cuối đầu thế kỷ XIX là nhà cầm quyền lúc ấy không theo kịp tư duy Đổi mới của Kẻ sĩ.
Nếu thuở ấy, có được một minh quân như Minh Trị Thiên Hoàng, đất nước ta đã khác. Kẻ sĩ sẽ không ôm mối hận ngàn thu: “Khêu đèn lên đọc, vỗ sách than dài: Than ôi! Ta sao nhọc nhiều lời, không được dùng đến. Mắt thấy buổi khó, kế chẳng ai làm, mà sự đời lại đổi thay như ta tiên đoán. Thế thì đời ta không mảy may bổ ích, có tội với đời, chẳng nhiều lắm sao?”. Ấy là tâm sự cuối đời của Nguyễn Lộ Trạch viết trong tập Qùy ưu lục (1884). Đặt tựa ấy là ông dẫn theo tích: Trong truyện Liệt Nữ có chép rằng ở ấp Tất Thất nước Lỗ, có người con gái chưa chồng, dựa cột nhà than thở, lo cho vua nước Lỗ đã già mà thái tử còn nhỏ. Người đàn bà hàng xóm bảo: “Đó là việc của vua quan, can gì đến mình mà lo?”. Người con gái trả lời: “Không phải vậy đâu! Năm trước có con ngựa của người khách chạy vào vườn nhà ta, giày xéo cả rau quỳ, khiến ta trọn năm không có rau quỳ mà ăn. Vậy nếu như vua tôi nước Lỗ bị nhục thì bọn phụ nữ ta tránh đâu khỏi điều nhục ấy”. Lan man nhớ đến câu thơ của Nguyễn Thượng Hiền: “Mối hận ngàn năm ngọn gió thu”. Buồn hiu hắt.
Cả hai tập sách Khuyến học, Người Trung Quốc xấu xí , nên đọc. Nói tóm lại một lời, quan điểm của Fukuzawa Yukichi: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”; “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”, ông cảnh báo: “Đa phần các trí thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào che chiều ấy. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng “quan chức”, sa vào sự vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian bằng những việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật… Tôi buộc phải nói rằng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước”.
Từ hàng ngàn nay, Nho giáo bao trùm cả châu Á. Người người hít thở, tồn tại, duy trì trật tự xã hội theo Nho giáo khuôn vàng thước ngọc. Thế nhưng với tinh thần phản biện, Fukuzawa Yukichi chứng minh “Đừng tin những điều nói bậy của Chu Tử”; “Không phải những điều trong Luận Ngữ điều đúng”… Chỉ đưa ra một ví dụ, chẳng hạn, “Từ xa xưa, trong dân gian có vô vàn truyền thuyết giảng giải về chữ Hiếu, nhất là truyện Nhị thập tứ hiếu. Tuy nhiên có thể nói chín phần mười là các ví dụ nhằm rao giảng “thế nào là hiếu thảo”, trong đó đều có kể các hành vi hết sức phi lý, ngớ ngẩn, những việc làm vượt quá khả năng của con người.
Nào là chỉ vì thấy cha mẹ muốn được ăn món cá chép, người con không quản giá buốt ngày đông giá rét, cởi trần nằm đợi trên lớp băng tuyết chờ cho đến khi tan băng để bắt cá. Thử hỏi loại “người trần” bình thường như chúng ta, ai có thể làm được như vậy.
Nào là trong đêm hè oi bức, thương cha mẹ nghèo, lúc ngủ không có lấy tấm màn giăng muỗi, người con bèn cởi bỏ quần áo, ở trần truồng rồi lấy rượu đổ khắp lên người để muỗi nghe bâu tới đốt mình, tránh cho cha mẹ bị đốt. Thật vô lý, nếu có tiền để mua hàng lít rượu sao không lấy tiền đó mua màn?
Chưa hết, lại còn chuyện này nữa. Nhà nọ có nhiều miệng ăn, lại phải nuôi dưỡng cha mẹ già. Không lo đủ gạo, nên người con chạy vạy khắp nơi để vay thóc, vay lúa. Không vay được, cùng đường nên người con quyết định chôn sống đứa con thơ dại để bớt đi một miệng ăn, chứ nhất quyết không để ông bà chết đói. Phải là quỷ dữ hay là rắn độc mới có thể đi rao giảng chữ hiếu như vậy. Thật trái với đạo Trời, trái với tình người đến cực độ.
Trong “thất khứ” ở trên, họ rao giảng rằng sự bất hiếu lớn nhất là vợ chồng không có con cái. Thế mà ở đây họ lại thuyết giảng để có hiếu với cha mẹ, thì có phải chôn sống con mình đứt ruột đẻ ra cũng phải làm. Rặt những chuyện mâu thuẫn”.
Trong văn học Việt Nam, Lý Văn Phức (1785-1849) có dịch Nhị thập tứ hiếu ra quốc âm. Chưa thấy ai bàn rốt ráo vì sao Nho giáo đề cao chữ Hiếu, thậm chí chữ Hiếu đã nâng thành đạo Hiếu, Hiếu kinh của người Trung Quốc. Có phải vì lòng nhân? Xem chữ Hiếu viết theo Hán tự, ta thấy chữ Hiếu do hai chữ “tử” và “lão” hợp thành. Đọc bài viết ngắn của học giả người Mỹ Donald Holzman, Giám đốc Viện Cao đẳng Hán học Paris in tạp chí Thông tin Unesco (11.1986) , ông cho rằng, chưa chắc lời dạy “về đạo hiếu quá cứng ngắt và độc đoán” trong Luận ngữ là của Khổng Tử “tưởng như thốt ra từ miệng một người khác, một môn đệ nào đó cố bám lấy lời văn của đạo Khổng mà bỏ quên mất tinh thần của nó”. Nhận xét này đáng suy nghĩ khi tiếp cận một văn bản đã phổ biến, tưởng chừng như không còn gì phải bàn thêm.
Điều quan trọng nhất, theo Donald Holzman khi đề cao chữ Hiếu là người Trung Quốc nhấn mạnh đến chữ Trung. Có hiếu với cha mẹ, thì tôi phải trung với vua. Cha mẹ đã được thần thành hóa thành Trời. Thì tôn kính cha mẹ không có cách nào cao hơn là tôn kính người làm trung gian của Trời. Ai làm trung gian nếu không là thiên tử (con trời) là vua? Rõ ràng, sự đề cao đạo Hiếu sâu xa vẫn là ở chỗ duy trì quyền lợi của giai cấp cầm quyền. Nó như một công cụ bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Nghĩa là khi giữ được giềng mối cha - con, cũng là một cách gián tiếp duy trì mối quan hệ tôi - vua? Nghĩ như vậy có lý không? Chắc là có, bởi tư duy của nhà người làm chính trị phải cao siêu đến mức ấy, phải thấu nhìn đến hàng vạn đời sau. Cứ tha hồ bàn cãi, nhưng ít ra khi tiếp cận một vấn đề cũ chúng ta cần có nhiều cách nghĩ trái chiều, bao giờ cũng lý thú. Tinh thần phản biện ấy không bao giờ thừa.
Thật ra nhân vật lẫy lừng Fukuzawa Yukichi không xa lạ với dân tộc Việt.
Từ năm 1907, các nhà Nho cấp tiến, các nhà Duy tân thượng thừa, tâm sáng sao Khuê như các cụ Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lê Đại, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Quyền… khi mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục là học tập theo mô hình trường Keio Gijuku (Keio Nghĩa Thục) do Fukuzawa Yukichi thành lập năm 1868 tại Tokyo. Chỉ tiếc, Đông Kinh Nghĩa Thục của ta chỉ tồn tại vài tháng bởi đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp. Nếu tinh thần khai phóng, mục đích học tập của Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn tồn tại và phát huy đến ngày nay, dân trí của quốc dân đã khác. Ít ra, ý thức về học tập mà các nhà Duy tân của ta đã khởi xướng, rằng, học để làm người, để phụng sự xã hội chứ không phải học để ra làm quan; học phải thực học chứ không nhai lại sách thánh hiền như học vẹt; học phải ứng dụng cải tạo xã hội;... được phổ biến sâu rộng thì chúng ta đa có phương pháp giáo dục kiểu khác. Thật ghê gớm, thật cách mạng, thật dũng cảm khi hàng triệu nho sĩ chỉ cắm đầu học nhằm ra làm quan, làm công chức là mãn nguyện thì các cụ đã dạy rằng, họ là để làm người!
Đọc một quyển sách hay bao giờ cũng gợi cho ta nhiều suy nghĩ.
Đọc Người Trung Quốc xấu xí với giọng văn cà rỡn, tiếu táo, lúc cay nghiệt khi hài hước của ông Bá Dương khiến ta phải trầm ngâm. Bá Dương quan niệm: “Một quốc dân hạng ba không thể sinh ra một chính phủ hạng nhất, cũng như một chính phủ hạng ba không thể nào có được một quốc dân hạng nhất”. Tập sách của ông Bá Dương tất nhiên đã tạo ra nhiều cuộc tranh cãi khác nhau. Tuy nhiên, có hai điều đáng chú ý, khi sang Mỹ, từ Mỹ tác giả đã có cái nhìn so sánh giữa người Mỹ và người Trung Quốc; giữa văn hóa Mỹ và văn hóa Trung Quốc. Do văn hóa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, đôi lúc ta phải bật cười bởi tự mình đã thấy nhột và cay đắng. Tưởng chừng như họ đang nói về dân tộc mình.
Nếu người Nhật, tôn vinh Fukizawa Yukichi là “Voltaire của Nhật Bản”, có lẽ chúng ta phải tôn vinh Đặng Huy Trứ là “Voltaire của Việt Nam”. Tiếc rằng, quyển Khuyến học của người ta là sách gối đầu giường của quốc dân Nhật thời kỳ Duy Tân thì hầu hết các sớ điều trần, trước tác của Đặng Huy Trứ đến nay vẫn chưa mấy ai để tâm nghiên cứu thấu đáo. Chỉ riêng bộ sách Từ thụ yếu quy (1865), ông hệ thống lại nạn tham nhũng của quan lại Việt nam và bàn cách hạn chế tham nhũng đã là một tư duy đi trước thời đại. Than ôi! Ít ai biết đến một nhân vật tầm cỡ “Dân tộc ta tự hào có người con Trung Hiếu vẹn toàn như Đặng Huy Trứ; Lịch sử Việt Nam tự hào về nhân vật lỗi lạc như Đặng Huy Trứ; Văn học Việt Nam tự hào về nhà thơ lớn Đặng Huy Trứ” (GS. Vũ Khiêu). Mà riêng gì một Đặng Huy Trứ, còn biết bao nhân vật lỗi lạc khác, hậu thế mấy ai biết đến. Nếu biết, chẳng qua biết cái tên, còn sự nghiệp thế nào chỉ biết loáng thoáng.
Há chẳng phải đáng buồn sao?
Nên chăng trên tờ giấy bạc của ta, ngoài hình Chủ tịch Hồ Chí Minh nên có thêm hình chân dung các danh nhân khác? Nghệ thuật trình bày trên mỗi tờ giấy bạc là văn hóa. Vậy thì, tại sao chúng ta không phổ biến, tuyên truyền văn hóa ngay trên tờ giấy bạc? Chuyện này không mới, Nhật ký 16.8.2013 đã liệt kê một loạt “mỹ hiệu” trên đồng tiền thời vua Minh Mạng. Nghĩ sâu xa, ấy là một cách thường xuyên giáo dục quốc dân về đạo lý cương thường, đạo vui tôi, đạo làm con, đạo thầy trò… Sự nhắc nhở ấy được nhắc nhở mỗi ngày. Mỗi ngày, có ai không một lần cầm lấy đồng tiền? Nói như thế bởi nước Nhật đã chọn hình Fukizawa Yukichi in trên tờ giấy bạc có mệnh giá 10 ngàn yên? Có phải là tờ giấy bạc cao nhất ở Nhật không?
Ngày hôm qua, lang thang về Tiền Giang, Mỹ Tho dự giỗ lần thứ 5 của nhà văn Sơn Nam. Đi cùng N.M. Nhựt, H.Đ. Nguyên và T.H. Nhân. Gặp nhiều văn nghệ sĩ. Đông vui. Gặp ba lão làng Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng, Kiên Giang Hà Huy Hà. Trông đã yếu. Tuy vậy, vẫn hào hứng chén cao chén thấp. Hào sảng. Cái tình dành cho nhau vẫn mặn nồng. Nhà văn Sơn Nam về hậu vận được thế này là vượng. Có nơi chốn để người ái mộ, đồng nghiệp lui tới. Ngồi trên xe hơi vi vút, nghe lại “nhạc vàng”. Ảo não. Bi thảm. Tiếng thở dài lê thê của những kiếp người trong cuộc chiến. Anh em nói đùa rằng, lẽ ra Bộ Văn hóa Thông tin phải... cấp bằng khen cho các nhạc sĩ này? Nghe điếc con ráy chưa? Bởi loại âm nhạc này đã đóng vai trò không khác tiếng sáo Trương Lương. Nghe loại nhạc thở than ấy, rầu rĩ ấy mấy ai còn hăng hái dũng khí ra trận?. “Nếu con không về về chắc mẹ buồn lắm/ mái tranh nghèo không người sửa sang/ Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân/ Đàn trẻ thơ ngây chờ mong/ anh trai sẽ đem về cho tà áo mới/ ba ngày xuân đi khoe phố phường”. Chỉ muốn đào ngũ cho xong! “Đàn theo ta đi qua con suối con khe/ Qua nương rẫy qua bao nhiêu rừng/ Đàn theo ta đi đánh Mỹ đêm ngày/ Giữa rừng xanh xây muôn câu ca./ Ai say sưa diệt Mỹ, ai ra đi diệt Nguỵ ở đất quê này/ Khi đi qua có nhớ, đây quê hương Vân Kiều rộn vang tiếng đàn/ Tình tính tình em dồn chân bước/ Ra chiến trường xuôi ngược khắp rừng/ Đạn súng trên vai vượt ngàn em đi..” Có phải hào hứng hơn không? Nói thì nói đùa vậy thôi. Một thời đã qua. Đã xa. Tâm thế của người nghe thế hệ này đã khác trước...
Từ phải: Nhà báo Lê Minh Quốc (báo Phụ Nữ TP.HCM), Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ, nhà báo Hà Đình Nguyên (báo Thanh Niên), nhà báo Trần Hoàng Nhân (Báo Thể thao & Văn hóa)
Trên đường về, Nhựt "tiết lộ" ở Tiền Giang vẫn còn có tên đường Phan Thanh Giản. Thú vị ở chỗ, con đường này đặt tên đã lâu nhưng sau thăng trầm lịch sử, tên đường vẫn không thay đổi. Độc đáo là chỗ đó. Anh em có chụp tấm hình lưu niệm. Trên đường đi không thể không ghé ngang Gò Công viếng Đền thờ anh hùng Trương Công Định. Phải thắp nén nhang ngưỡng mộ tiền nhân. Chuyến đi này đúng dịp giỗ của cụ, từ ngày 19.8 đến ngày 20.8.2013. Phía ngoài cổng Đền thờ Trương Công Định có câu đối:
Gò Công Trương chánh khí
Gia Thuận Định trung can
Ai cũng biết, Bình Tây Đại Nguyên Soái quê quán Quảng Ngãi, tên gọi Trương Định. Tại sao lót thêm chữ “Công”? Theo N.M.Nhựt thêm chữ “công” do từ tước hiệu ngày trước phân theo “Công, hầu, bá, tử, nam”. Liệu có đúng không? Chỉ nghĩ đơn giản rằng, gọi Trương Công Định là do nhân dân sùng bái, thêm chữ “Công” nhằm tỏ lòng tôn kính. Tình cảm ấy xuất phát từ tấm lòng của người dân. Bước vào trong khu nhà thờ đã thấy nhiều người dân từ nơi xa đến, họ ăn mặc sạch sẽ, nữ áo dài, nam quần áo sơ mi ngồi rải rải trong khuôn viên có lăng mộ cụ để chờ đến lúc làm lễ. Không náo nhiệt. Không ồn ào. Có cảm giác là người dân đến giỗ cụ là một lẽ tự nhiên. Không phải do ai hô hào, kêu gọi cả. Thắp nén nhang trước bàn thờ Trương Công Định, nghĩ rằng, người anh hùng chết vì Nước, hy sinh vì Dân thì danh thơm ấy còn truyền mãi đến muôn đời sau. Chỉ nghĩ vậy đã thấy lòng ấm áp. Chuyến đi càng có ý nghĩa, không đến nổi vô tích sự.
Trên đường về, ghé lại một bến bến sông của Cần Guộc hay Cần Giờ? Chẳng nhớ rõ, bởi y vốn dốt địa lý. Nhớ rằng chỗ ngồi ấy, nguyên là một thuyền đi biển, được cải tạo thành quán lai rai. Bốn bề rợp mát cây bần, cây đước... Cỡi trần cho mát. Như đang ngồi trong nhà mình. Lai rai như vậy mới khoái. Bốn thằng cha đực rựa khoe bốn bộ ngực cà tong cà teo nhưng ăn nói sảng khoái lắm, vô tư lắm. N.M.Nhựt hào hứng đọc ca dao Nam bộ:
Nước chảy cặc bần run lẫy bẫy;
Gió đưa dái mít giẫy tê tê
H.Đ.Nguyên cao hứng nhắc lại hai câu đối, xác định bản quyền của anh: “Đến Cần Giuộc ăn chuột Cần Giờ”. Hay ở chỗ có đến hai chữ “Cần”, rồi vần “uộc” và "uột" sóng đôi quá chừng bảnh, ăn nhịp ngọt xớt. Anh lại khoe thêm câu đối khác cũng độc chiêu không kém: “Qua cầu Đen hỏi kèn đâu?”. Cái hay ở chỗ nói lái "cầu Đen: kèn đâu?" và đắc địa ở chữ “kèn”.
Gió lộng từ khơi xa. Yêu đời quá chừng chừng... Nào, nâng ly cho đời thêm tươi.
Nghĩ đến chữ "kèn", bèn tủm tỉm cười.
L.M.Q
Vài hình ảnh tại Khu Đền thờ
Anh hùng dân tộc Trương Định
Từ phải: Nguyễn Minh Nhựt, Hà Đình Nguyên, Lê Minh Quốc trước cổng Đền thờ Anh hùng Trương Công Định
Toàn cảnh bàn thờ Anh hùng Trương Công Định
Tiểu sử Anh hùng Trương Công Định viết trên sách gỗ tại Đền thờ Trương Công Định
Lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Công Định
Từ phải: Nguyễn Minh Nhựt, Lê Minh Quốc
Phía sau lăng mộ Anh hùng Trương Công Định (ảnh chụp từ Đền thờ Trương Công Định chụp ra)
Bia thờ Anh hùng Trương Công Định tại lăng mộ của ngài.
Ảnh: Lê Minh Quốc & Trần Hoàng Nhân
< Lùi | Tiếp theo > |
---|