Làm báo còn có cái may, mỗi sáng thong dong trong nhà. Không việc gì phải lật đà lật đật, tất ta tất tưởi, hấp ta hấp tấp. Chỉ kịp khoác cái áo, quên mang giày là đã phóng xe chạy trối chết. Ra khỏi nhà. Không kịp ăn sáng. Có lúc sốt ruột bởi kẹt xe. Đờ đẫn giữa ngã tư đường. Mù mịt khói xe. Thở ngắn than dài. Lòng như lửa đốt. Phải đi. Bằng mọi cách phải đi. Thời gian tính từng giây. Phóng xe chạy trối chết. Phải có mặt tại công ty đúng giờ.
Sáng nào cũng vậy.
Một áp lực ghê gớm.
Chỉ cần nghĩ đến đã hoảng. Công ty đã quy định. Phải chấp hành. Nhờ vậy, công việc mỗi ngày hiệu quả hơn chăng? Chắc gì. Có những lúc đến nơi, vào công ty, chẳng việc gì làm. Đủng đa dủng đỉnh. Buôn dưa lê. Tán ngẫu. Làm báo sướng hơn. Chủ động thời gian và công việc. Thường mỗi ngày, khoảng 9 g mới vác xác ra khỏi nhà. Sáng nay, mới 8 g đã vội vội vàng vàng. Một cuộc họp không thể vắng mặt. Gút lại kết quả cuộc thơ của Trung tâm văn hóa Thành phố. Đã có kết quả. Yên tâm. Đã có thể nhẹ nhõm rồi.
Chiều nhận email của Đông A. Vậy đã viết xong kịch bản truyện tranh các danh nhân Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An. Công việc vẫn tiếp tục. Hào hứng. Ít ra cũng gieo vào đầu các em một chút gì đó về lòng tự hào dân tộc. Dù ít, rất ít nhưng cũng thấy việc làm không đến nỗi vô ích. Bây giờ, có câu nói quen thuộc:
Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết thì tra “gu gồ”
Cũng là một cách để học. Thế nhưng, cầm quyển sách, đọc vẫn lý thú hơn. Trong thư viện của y có tập sách Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội, công trình ra mắt nhân kỷ niệm 1010 - 2010. Ghi nhận lại các sự kiện từng ngày tại Hà Nội. Sài Gòn - TP.HCM chưa có tập sách tương tự.
Muốn biết chuyện từng ngày của Sài Gòn trước 1975, phải đọc bộ sách Việc từng ngày của Đoàn Thêm. Ghi chép công phu, tỉ mỉ. So với các tập Những sự kiện lịch sử Việt Nam, các tập của Đoàn Thêm dễ đọc hơn, lý thú hơn. Tại sao? Những bộ sách Những sự kiện lịch sử Việt Nam biên soạn quá khô khan, hầu hết chỉ là các sự kiện hoạt động của Đảng và Nhà nước. Lấy đó làm mục tiêu chính để ghi nhận,dù đúng nhưng chưa đủ bởi đó chỉ là một phần của đời sống đang vận động. Nhóm biên soạn quên rằng, điều mà bạn đọc còn cần nữa là khi đọc có thể hình dung ra đời sống, xã hội, dân tình v.v… của một thời. Tiếc là họ không quan tâm đến. Trong khi đó, Đoàn Thêm không bỏ qua sự phản ánh từ sinh họat đến sự việc có có liên quan đến người dân, ví dụ giá gạo ngày hôm đó bao nhiêu một ký, giá vàng tăng ra sao? v.v...
Sáng nay, trên báo TN, anh H.Đ.N đã đưa tin: “Cuốn Ve vãn Sài Gòn của tác giả Chị Đẹp được NXB Trẻ phát hành cuối tháng 6.2013 với số lượng 2.000 cuốn đã bán hết vèo nên NXB quyết định tái bản thêm 1.000 cuốn. Cuốn sách đề cập đến khá nhiều góc cạnh của một Sài Gòn bằng cái nhìn rất lạ. Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết đợt tái bản này là do nhu cầu của độc giả phía bắc”. Đọc tin này, lòng đang vui nên lật lại vài trang Việc từng ngày. Đọc cũng là một cách học: “Ngày 17.7.1962: tượng đồng Hai Bà Trưng hôm nay được lên bệ ba chân, thay cho tượng xi măng tạm thời theo nhiều người thì giống hệt bà Nhu và con gái là Lệ Thủy (phí tốn 6 triệu $ VN) “Ngày 2.11.1963: Tượng Hai Bà Trưng, vì giống bà Nhu và con gái, bị kéo đổ và chặt đầu lôi qua nhiều đường”; “Ngày 29.6.1963: Sữa ở Sài Gòn, từ 14 $, 15 $ đã lên đến 21$, 25 $; và rất khó tìm”. Gạo thời điểm giá gạo 585 đồng/ tạ v.v… Thôi thì kể luôn, nhân sự việc này, trên Bách Khoa số tháng 3.1964, nhà thơ Đông Hồ có công bố hai bài thơ “nghe được của một người từ mấy năm trước”. Cách nói khéo chăng? Thơ cỡ này phải là bút lực Đông Hồ chăng?
Tượng ai đâu phải tượng Bà Trưng,
Tóc éo lưng eo kiểu nhố nhăng.
Đón gió lại qua người ưỡn ẹo,
Chờ chim nam bắc gió tung tăng.
Khuynh thành mặt đó y con ả,
Điêu khắc tay ai khéo cái thằng.
Chót vót đứng cao càng ngã nặng,
Có ngày gẫy cổ đứt ngang lưng.
Chắc nhiều người dừng lại với câu: “Điêu khắc tay ai khéo cái thằng”. Ta hiểu, "khéo cái thằng" là cách nói mỉa. Đọc kỹ ghi chép của Đoàn Thêm ta biết, tượng Hai Bà Trưng đó là tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thể - giải Đệ nhị La Mã. Đọc lại Những bức thư đầm ấm, ta có thêm thông tin từ thư của Nguyễn Hiến Lê gửi Quách Tấn: “Thời Pháp thuộc đầu đường Paul Blanchy (nay Hai Bà Trưng) chỗ trông ra sông Sài Gòn, có dựng tượng Rigault de Genouilly, một trung tướng hải quân Pháp đã đánh phá Đà Nẵng, dân Sài Gòn gọi tượng đó là tượng Một hình (một người). Sau Cách mạng 1945, tượng đó bị hạ. Gần cuối đời, Ngô Đình Diệm cho dựng tượng Hai Bà Trưng thay vào”. Vài chi tiết này giúp ta hiểu bài thơ thứ 2 thấu đáo hơn, cũng của Đông Hồ:
Đây một hình xưa nhục nước non,
Thay hai hình mới đứng thon von.
Mình ni lông sát lưng eo thắt,
Ngực xú chiêng nâng vú nở tròn.
Tưởng đúc hiên ngang em với chị,
Hóa ra dìu dắt mẹ cùng con.
Dòng sông Bến Nghé - dòng sông Hát,
Lưu xú lưu hương tiếng để còn.
Những bài thơ này, ghi vào Nhật ký vì đây cũng là thông tin liên quan đến Sài Gòn.
Chiều nay mưa. Chiều qua tầm này, đã nhậu lai rai. Phải thừa nhận rằng, N.M.Nhựt có cách nói chuyện, trình bày vấn đề hết sức lưu loát. Cách nói chỉnh chu, mạch lạc, đâu ra đó gọi "khẩu văn" chăng? Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vậy, ông phát biểu khiến ta có cảm giác như ngữ điệu trầm bổng ấy nhịp nhàng với từng dấu phẩy, chấm... trong một câu văn. Các chính khách, quan chức nếu có cách nói năng, trình bày vấn đề như thế ắt các nhà báo trẻ khỏe re. Chỉ ghi lại là xong một bài báo. Mấy mươi năm theo nghề báo, y nhận ra có quá nhiều quan chức sử dụng cách nói kỳ lạ và khá phổ biến: Nói dông dài, chuyện nọ xọ chuyện kia, lan man đủ mọi chuyện từ Đông sang Tây, lý lẽ không mới không trật, nói vài giờ đồng hồ nhưng cuối cùng chẳng có một nội dung, một thông tin nào. Dưới vẫn vỗ tay rào rào. Độc chưa? Lại có những người bất kỳ sự việc nào khi chỉ đạo cũng chỉ phát biểu như thế, dặn dò như thế, mở đầu như thế, thân bài như thế, kết luận như thế mà chẳng hề có một nôi dung, một thông tin nào. Nghe cũng được, không nghe cũng được. Dưới vẫn vỗ tay rào rào. Độc chưa?
Chiều nay mưa. Ở nhà. Không phải ra phố. Ngồi ở nhà mà hái ra tiền, vậy cần gì phải nháo nhào mỗi ngày xuống phố.
Phải không?
L.M.Q
Vài hình ảnh liên quan đến sự kiện ngày 2.11.1963 tại Sài Gòn:
Tượng "Hai Bà Trưng" khi chưa bị kéo dổ
Tượng sau khi bị kéo đổ
(Nguồn: Internet)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|