Đã cuối tuần. Một tuần qua vèo. Nhanh đến chóng mặt. Một cái ngáp vừa há miệng ra chưa kịp khép lại đã một tuần.
Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc
Chán cả giang hồ, hết cả ngông
(Tản Đà)
Y không ngông. Y hiền lành. Chân chỉ hạt bột. Thật thà như đếm. Chỉ thoảng đếm sai thôi. Lần này, quyết đếm không sai. Thử đếm, tuần qua có mấy sự việc đáng chú ý?
Thứ nhất, phải kể đến Chương trình 1.000 đại sứ góp sách cho trẻ em nông thôn Việt. Nhóm cựu học sinh trường Quốc học Huế niên khóa 1961-1969 đã có sáng kiến này. Ngày nọ, họ sinh hoạt dã ngoại, tình cờ bắt gặp nhóm trẻ em chụm đầu xem chung một quyển sách. Từ đó, ý tưởng xây dựng tủ sách cho trẻ em ra đời. Lâu nay, đã có nhiều chương trình từ thiện cái ăn, đây là từ thiện về cái đọc. Trong buổi họp báo sáng hôm kia tại quán một cà phê nho nhỏ, bác sĩ Hồ Đắc Duy - người cố vấn chương trình cho biết: “Ở hai huyện Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam) chúng tôi đi thực tế vào tháng 4 vừa rồi nhận thấy, giữa dãy núi trùng điệp gần như tách biệt với bên ngoài, 100% bản làng hầu như trong tình trạng “trắng về sách”, không có bất cứ một thư viện hay tủ sách công cộng nào cho người dân, trường học tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn, các em đói và khát sách vô cùng”.
Chúng ta đang sống trong thời buổi nào vậy? Nghe nhói lòng. Thiệt hết biết. Nhà thơ Xuân Diệu có bài thơ “Gánh”, trong đó có câu:
“Trăm dâu đổ đầu tằm,
Trăm trách nhiệm đổ vào người trách nhiệm.
Bàn ghế ở đâu xộc xệch: người ấy phải lo
Đường sá ở đâu bụi bặm: người ấy phải lo
Trẻ con bụng còn giun lãi: người ấy phải lo
Hàng xóm bực mình chửi đổng: người ấy phải lo…”
“Người ấy” lo kiểu gì vậy? Thật ra có lo đấy chứ, bằng cái vốn hiểu biết bé tẹo, y biết Nhà nước có ngân sách hỗ trợ sách cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nhưng mà hiệu quả rất kém. Cơ chế hay con người? Quái đản, có những việc do tư nhân thực hiện đâu ra đó. Minh bạch. Rõ ràng. Hiệu quả. Mà hễ thuộc guồng máy vận hành của cán bộ nhà nước thì cứ ì à ì ạch. Chẳng biết bao giờ có thể thay đổi? Một hệ thống não trạng ấy phải thay đổi. Đến các trại phong, đến những nơi con người phải gánh lấy bệnh tật cùng cực, bất hạnh nhất trần gian mới thấy hết sự vĩ đại của các soeur, các ni cô... Họ chính là hiện thân của Đức Mẹ, Đức Phật Bà Quán Thế Âm. Họ không phấn đấu. Không thi đua. Không kế hoạch. Không chỉ tiêu. Không báo cáo thành tích. Không thống kê dằng dặc những con số. Không mi cờ rô hếnh hoáng. Các Mẹ, các Chị có gì? Chỉ có tấm lòng.
Biết bao giờ quan chức khi làm việc cho Dân, vì Dân chỉ từ tấm lòng?
Vừa rồi, ngày 13.8 giỗ lần thứ 5 ngày mất nhà văn Sơn Nam được tổ chức tại Nghĩa trang hoa viên Chánh Phú Hòa (Bình Dương). Sắp đến, thứ hai tuần tới gia đình nhà văn sẽ tổ chức ở Khu nhà lưu niệm Sơn Nam ở Mỹ Tho. Bạn N.M.Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Sau một thời gian tích lũy, nhuận bút các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam đã gần đủ để tổ chức một giải thưởng văn chương mang tên ông già Nam bộ. Dự kiến, cuối năm 2013 chúng tôi sẽ triển khai giải thưởng này dành cho tất cả các tác phẩm viết về vùng đất Nam bộ mà Sơn Nam đã từng sống và viết”. Thông tin này đáng lưu ý. “Giải thưởng Sơn Nam” cần quá đi chứ. Ừ, con người có số mệnh không? Tại sao có những con người dù khuất núi nhưng ta vẫn thấy họ đồng hành? Tư tưởng họ, tác phẩm họ vẫn đồng hành. Thậm chí, vài thước đất chỗ họ nằm ấy cũng có thể sinh lợi cho người đang sống.
Nói như thế vì những người làm nghĩa trang Bình Dương có cái nhìn xa lắm. Lúc nhà văn Sơn Nam mất, Hội Nhà văn TP.HCM còn đang chần chừ “xin ý kiến”, họ đã hào phóng “mời” đưa về an táng. Miễn phí. Với người nổi tiếng khác, họ cũng vậy, họ có “chính sách” rõ ràng nhằm đưa về chôn ở nghĩa trang của họ. Dần dà, “người của công chúng” quy tụ về đây ngày một đông. Có thể kể đến đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, soạn giả Nhị Kiều, các nhạc sĩ: Phạm Duy, Hoàng Trang, Thanh Sơn, NSƯT Tư Còn (đờn kìm), NSƯT Hồ Kiểng… Người vô danh được chôn gần, nằm gần người nổi tiếng cũng vinh dự. Nói nghe lạ tai, không, không phải họ vinh dự mà con cháu họ. Chết là hết. Nằm đâu cũng được. Còn biết gì nữa đâu mà ý kiến ý cò. Mọi việc con cháu lo, vậy nó lo thế nào? Lo gì thì lo, ít ra chỗ nằm của người đã khuất phải giúp nó “làm sang”, nở mày với thiên hạ. Hiểu tâm lý này, ta có thể lý giải vì sao giá đất nghĩa trang Bình Dương đang nhích dần từng ngày.
Nhà thơ Diệp Minh Tuyền có bài thơ, đại ý, nghĩa trang là một thư viện, cuộc đời người đã khuất là một quyển sách:“Gắng làm sao cho khi ta chấm dứt/ Mỗi cuộc đời thành một quyển sách hay”. Tứ thơ này hay. Sao không nghĩ, nghĩa trang cũng là một khu văn hóa? Nếu nghĩa trang nào cũng dành đất xây dựng một nhà lưu niệm, trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm v.v… của người nổi tiếng đã chôn ở đó, lại càng có ý nghĩa về văn hóa.
Sáng nay, dự kỷ niệm 35 năm thành lập Bảo tàng TP.HCM. Vào một căn nhà, biết lý lịch của nó càng hay. Chơi một người, biết lai lịch họ càng yên tâm. Vì thế, lướt qua vài thông tin về Bảo tàng TP.HCM: Trụ sở 65 Lý Tự Trọng, Q.1 xây dựng năm 1885, hoàn thành năm 1890, tên gọi đầu tiên: Dinh Thống đốc Nam kỳ; thời Bảo Đại (7.1945): Dinh Khâm sai; sau Cách mạng tháng Tám, ngày 25.8.1945: trụ sở của Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ; năm 1947: trụ sở Chính phủ Nam kỳ tự trị; từ ngày 2.6.1948: Dinh Thủ hiến Nam kỳ; sau năm 1954: Dinh Quốc khánh; từ năm 1966 đến 1975: Trụ sở Tối cao Pháp viện. Ngày 12.8.1978: Bảo tàng Cách mạng TP.HCM; ngày 13.12.1999 đổi tên thành Bảo tàng TP.HCM.
Có một điều hiển nhiên, lâu nay khi nhắc đến bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm hầu như những người trẻ ít quan tâm. Một phần do công tác tuyên truyền quá kém. Khi Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi” nhà sư, lập tức các hệ thống truyền thông nháo nhào bu lấy. Như ruồi bấu ghẻ. Không sót một chi tiết nào. Tương tự, một chân dài “khoe hàng” lập tức các nhà báo hăm hở lao tới. Khai thác triệt để. Không xấu hổ. Miễn là “ăn khách”. Gõ goolge sẽ nhận hàng triệu thông tin nhảm nhí ấy. Với não trạng ấy, đừng mong có những sự kiện xứng đáng nằm trang nhất, nhưng rồi cũng chỉ vài dòng cho “phải đạo”. Lại có những loại tin cỡ “xe cán chó” lại trở thành quan trọng, rất quan trọng!
Ấy là đánh lừa công chúng.
Đừng quên, công chúng thời nào, lúc nào cũng thông minh. Các nhà báo đừng tưởng bở, đừng tưởng có thể xỏ mũi họ bằng các ngón nghề về ma mãnh nghiệp vụ. Trưa, nay trên đường về nhà, y nhẩm mấy câu:
Vô số thông tin anh chọn lấy tin nào?
Tin trang nhất lắm lúc cũng tào lao
Tin rao vặt lại nhiều khi cần thiết
Chọn làm sao mọi giá trị nháo nhào?
Sáng nay, lang thang trong Bảo tàng TP.HCM, nhận thấy có nhiều điều hay. Ghi lại, kẻo quên. Bạ đâu xâu đó, không theo lớp lang, thứ tự gì. Ghi ngẫu hứng theo hiện vật lẫn thuyết minh. Rằng, đồng tiền thời xưa làm bằng vàng, đồng, kẽm nhưng lại giới khảo cổ còn tìm thấy... tiền đúc chì! Chuyện này trong thư tịch không thấy ghi chép, nhưng vẫn có. Lý giải thế nào? Đó là sản phẩm được chế đúc lậu bên ngoài (các nhà nghiên cứu đặt tên là “vô khảo phẩm”) mà qua tư liệu cho thấy triều đình nước ta đã từng khuyến cáo đối với hiện tượng đúc tiền lậu và thương buôn Trung Quốc đem tiền giả vào lưu dụng tại Việt Nam.
Ngày nọ, tháng nọ nhờ đọc gia phả của nhiều dòng họ mới biết mỗi dòng tộc đều có “mỹ hiệu” của dòng tộc đó. Đại khái đó là cụm từ mà dòng tộc đó đã chọn từ đời này qua đời nọ nhằm nhắc nhở con cháu phải ghi nhớ, phấn đấu làm theo đặng giữ gìn, phát huy thanh danh của dòng tộc mình. Vậy, thử hỏi đồng tiền có “mỹ hiệu” không? Trước kia nếu có ai hỏi, không dám trả lời. Nay đã dám trả lời rằng thưa là “có”. Tại sao dám quả quyết vậy? Thưa, vì sáng nay đã tham quan ở Bảo tàng TP. HCM. Từ năm 1802, Gia Long lên ngôi lập nhà Nguyễn, chỉ thời Minh Mạng là thịnh trị nhất. Tiền đúc thời vua nào ghi niên hiệu vua đó, chẳng hạn, Minh Mệnh thông bảo, Thiệu Trị thông bảo, Tự Đức thông bảo… Trên các đồng tiền đúc đời vua Minh Mạng, mặt này ghi Minh Mạng thông bảo, mặt kia là các “mỹ hiệu” như sau:
Đế đức quảng vận (Đức của nhà vua rộng lớn)
Tứ phương vi tắc (Bốn phương lấy làm khuôn phép)
Nhất nhân hữu khánh, triệu dân lại chi (Một người có phúc, triệu dân được nhờ)
Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử (Vua giữ đạo vua, tôi giữ đạo tôi, cha giữ đạo cha, con giữ đạo con)
Thân thân, trưởng trưởng, lão lão, ấu ấu (Thân kính người thân, kính người trưởng. trọng người già, yêu trẻ con.
Liễm phúc ích dân ( Thu phúc đem cho dân)
Dụ quốc lợi dân (Giàu nước lợi dân)
Phú thọ đa nam (Giàu có, sống lâu, nhiều con trai)
Phúc như Đông hải, thọ tỉ Nam sơn (Phúc lớn như biển Đông, sống lâu như núi Nam)
Cương kiện trung chính (Cứng rắn, trung thành, ngay thẳng)
Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận (Nước thái bình, dân yên vui, mưa thuận gió hòa)
Còn nhiều nữa. Tự hỏi, có phải đó là văn hóa của đồng tiền? Sẽ trở lại lý giải sau. Nhưng thử hỏi rằng, vì sao sáng nay vào Bảo tàng mà chỉ chăm bẳm quan sát các hiện vật về tiền? Bộ mê tiền lắm à? Tưởng gì chỉ là tay mê tiền. Nghe thế, bèn trả lời rằng: Ai thiếu cái gì thì mê cái ấy. Y mê tiền. Thì đã sao?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|