LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.6.2013

 

Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam. Tin nhắn từ khắp bốn phương trời nằm chen chúc trong điện thoại di động. Có những tin nhắn trung tính, không một cảm xúc gì. Chỉ là những lời sáo rỗng, rỗng tuếch, nhấn một nút send đến hàng loạt nhà báo. Đọc và xóa luôn. Không việc gì phải trả lời. Ngao ngán quá chừng với những tin nhắn, đại loại, lời chúc dao to búa lớn cỡ như “tiếp tục hăng say chiến đấu”, “luôn luôn sắc bén ngòi bút”, “mãi mãi đấu tranh kiên cường”, “xông pha không mệt mỏi”… Vớ vẩn. Chẳng lẽ mọi ngày các nhà báo không được như thế chăng?

Mà, cần gì với lời chúc ấm ớ, công thức, khuôn mẫu đến sáo mòn và không hề có một chút sắc thái tình cảm dành cho cá nhân người nhận? May quá, do vừa bị hư sim điện thoại nên hoàn toàn không rõ tin nhắn ấy của ai. Đỡ phải nghĩ gì thêm.

Thoáng đó mà đã tròm trèm gần 30 năm theo nghề.

 

dac-san-1968

Đặc san của người làm báo miền Nam, chủ nhiệm kiêm chủ bút: Nguyễn Ngọc Linh. Bộ biên tập: Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Vũ Bằng, Hoàng Phố, Nguyễn Doản Vượng v.v... Viện Đại học Đà Lạt "bảo trợ tinh thần". Tòa soạn: 116 Hồng Thập Tự, Saigon. (Tư liệu L.M.Q)

 

Lúc đang sinh viên, từ năm 1985, y đã có tin “xe cán chó” đăng trên báo TT. Nhuận bút lai rai. Sau, nhờ nhà văn Nguyễn Đông Thức, y đầu quân cho báo này. Thời gian làm việc không dài. Còn nhớ, lúc họp giao ban hằng tuần vào mỗi sáng thứ hai, nhà báo Kim Hạnh lúc đó là TBT có kể câu chuyện, đại khái, một nhà báo Pháp hỏi chị: “Ở Việt Nam có chế độ kiểm duyệt báo chí không?”. Một câu hỏi dễ hay khó? Câu trả lời của chị khôn ngoan: “Ở Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt bởi chúng tôi đã đặt “kiểm duyệt” trong đầu”. Ăn cơm bằng đồng tiền nhuận bút của nghề báo đến mòn răng, nghiệm ra thấy đúng quá.

Nhắc đến chị, vẫn còn nhớ đến vụ câu đối của KTNN: “Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi” mà anh A.C khi trả lời có liên quan đến chị. Thế là ầm ĩ cả lên. Bấy giờ, y đã về PN. Chị TBT Thế Thanh bảo, Q quen thân với KTNN nên để chị nhờ người khác viết bài phê phán sai trái đó. Người viết là một đạo diễn tiếng tăm hiện nay. Sau KTNN phải xin lỗi chị Kim Hạnh vì lỗi sơ suất câu chữ. Sơ suất thôi, y biết, anh A.C - “tự điển sống” mà y ngưỡng mộ chẳng có ý “đá giò lái" gì đâu. Lúc nào rảnh, tìm lại tài liệu cũ sẽ viết kỹ hơn.

Kỷ niệm làm báo nào của y đáng nhớ nhất? Có nhiều. Lần đầu tiên của ngày đi "tác nghiệp" viết về phong trào văn nghệ quần chúng của cơ sở thuốc lá nọ. Làm việc xong, giám đốc có nhã ý tặng nguyên một cây thuốc lá nhưng y không dám nhận, dù ngày đó phải mua lẻ từng điếu thuốc lá. Chẳng phải “trong sạch” gì, chỉ sợ báo TT biết là kỷ luật ngay. Chẳng dại. Rồi sau này, hỡi ôi, khi đi cơ sở không thấy quà cáp là mặt mày buồn xo. Thế đấy! Giấu giếm làm gì. Ai là người nghĩ ra độc chiêu tặng “bao thư” cho nhà báo? Sáng kiến này có thể xem là một “thành tựu” to lớn nhất của việc làm tha hóa nhà báo. Đến nay đã trở thành luật bất thành văn: Họp báo phải có bao thư. Thiếu cái gì cũng được nhưng cái này thì dứt khoát phải có.

“Tự kiểm” về ngày nhà báo của y đã đăng trên Tạp chí Tài Hoa Trẻ  số 529 (18.6.2008) nay có gì khác hay vẫn thế? Y viết:

"Ngày 21.6, không phải là dịp chúng ta ngồi lại “kể công” - mà ý nghĩa đích thực nhất, theo tôi vẫn là lúc “tự kiểm” một cách nghiêm túc để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà nhân dân đã tin cậy, gửi gắm niềm tin cho mình. Tôi tự kiểm về một số nhà báo (NB) hạn chế trong bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp như sau:

Không biết nói: Ai đời giữa “bá quan  văn võ” của một cuộc họp báo, không ít nhà báo (NB) hiên ngang đứa lên, cầm “micro” sau khi tằng hắng lấy giọng thì bắt đầu: “Thưa Ban tổ chức, em là PV báo X, em xin…”. Trời đất! Khi tác nghiệp, anh là người phát ngôn đại diện cho một cơ quan ngôn luận, chứ nào phải do quan hệ cá nhân đâu mà lại tự “hạ mình” xưng em một cách lãng xẹt như vậy? Lại có những NB trong lúc tác nghiệp gặp nghệ sĩ, ca sĩ nào đó tuổi nhỏ hơn mình bèn gọi bằng… em theo cảm tính một cách ngọt sớt! Xin đừng quên, trong bối cảnh “quan trên trông xuống, người ta trông vào” chứ không phải tâm sự riêng tư, thì không thể suồng sã gọi người được phỏng vấn như vậy.

Không biết hỏi: Còn nhớ khi Công ty Phương Nam tổ chức ký kết mua bản quyền với nhà văn lão thành Tô Hoài tại Hội Nhà báo TP.HCM, có NB đứng lên hỏi BTC một cách dõng dạc: “Ông cho biết tình hình… sách lậu bày bán ngoài lề đường hiện nay như thế nào” (!?). Câu hỏi không ăn nhập gì với nội dung cuộc họp báo đang diễn ra, hơn nữa BTC không đủ thẩm quyền trả lời nên đã từ chối. Quyết không thua, anh NB này hỏi lần nữa và lần này là… tiếng cười ồ của các đồng nghiệp! Lại có NB, sau khi nhận tài liệu báo chí, nhưng không chịu đọc kỹ nên cứ hỏi những điều mà trong đó đã giải thích khiến mọi người nghĩ đến… sự ngớ ngẩn!

Không biết ngồi: Cuộc họp báo của ca sĩ, diễn viên Bi Rain - ngôi sao làng công nghệ giải trí Hàn Quốc - là một ví dụ. Có lẽ do quá nôn nóng tác nghiệp nên có nhiều NB đã đồng loạt nhốn nháo đứng lên một cách hào hứng! Thôi thì cũng dễ thông cảm. Nhưng phía sau lưng họ là ai? Là các… quan chức và đồng nghiệp của họ! Lại có trường hợp, tan cuộc họp báo, các NB quyết “chen vai sát cánh”, giành nhau để được… chụp ảnh chung với ngôi sao. Cũng được thôi, nhưng đừng quên lúc này anh là NB, đại diện cho một cơ quan báo chí chứ không phải lúc làm khán giả hay là fan bày tỏ sự ái mộ “thần tượng”! Lại có nhiều chương trình ca nhạc, vị trí đầu tiên là vé mời dành cho quan chức đã sắp xếp trước nhưng có NB quyết tâm “bám trụ” vì chỉ ở vị trí đó thì gương mặt mình có cơ may… xuất hiện trên sóng truyền hình!

Không biết ăn: Có NB đã khiến nhiều đơn vị cơ sở “lúng ta lúng túng” đến tội nghiệp trong dịp lễ lạt, hội hè. NB “kiên cường” đòi cho bằng được rượu hoặc bia lọai A,B nào đó chứ nhất quyết không “cụng ly” thức uống đang được chiêu đãi! Đã thế, đến lúc tàn cuộc, nhiều NB vì quá “tình thương mến thương” nên… không chịu ra về, cứ ngồi ì ra đó, tiếp tục gọi bia, rượu và tiếp tục…”trăm phần trăm” với nhau”!

Y giễu ai đó? Không, "bản tự kiểm" của y đó thôi. Nói trước đỡ phiền lòng đồng nghiệp vậy.

Đêm qua, lai rai một chút. Ngất ngư. Say một chút. Nhìn xuống dòng kênh Nhiêu Lộc. Thấy đời vui. Mọi việc chuẩn bị cho ngày ra mắt sách của Chị Đẹp đã xong. Báo chí cũng đã giới thiệu, đưa tin lai rai. Chung tay vỗ nên kêu. Anh Triều đã gửi tặng một chai rượu cho cuộc nhậu sau khi kết thúc ra mắt sách. Chỗ ăn đã đặt rồi. Cũng là vài anh em bạn bè và nhà báo thân tình.

Sáng nay mở Inbox  - Outlook Express. Ngáp dài. Chơi Facebook cũng phải chấp nhận có lúc hộp thư cá nhân của mình phải chứa tin rác.Hàng trăm comment lung tung của ai đó cứ đổ vào. Đơn giản chỉ là cuộc “chém gió” của bạn bè họ mà mà mình phải nhận. Xóa đến mỏi tay. Thời giờ đâu mà đọc?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment