LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.6.2017

18739927_1554458074599632_3690166915815592033_n

 

Những ngày này, có gì khác lạ? Không. Vẫn thế. Mở mắt ra, nếu đọc báo chí, lướt web thì y như rằng, khó có thể nén tiếng thở dài. Một và nhiều sự kiện đang diễn ra từng ngày, dù có bình tâm, có lạc quan, có yêu đời đến mấy thì con người ta cũng cảm thấy mệt mỏi. Chán chường. Bẽ bàng. Và lại tự nghĩ, phía chân trời có còn ánh sáng? Đừng quá đỗi bi quan. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Những tăm tối, bùng nhùng, lằng nhằng rồi cũng sẽ đi qua. Hãy tin là thế.

Trước một thực tại u ám, bao giờ, con người ta cũng có sự chọn lựa để vui sống. Từ năm 2012, trong trường ca Hành trình của con kiến, y đã có sự lựa chọn:  “như chọn một thói quen/ để ảo tưởng về vòm trời xanh/ chim vẫn hót tuyết vẫn rơi hoa vẫn nở/ người vẫn sống vẫn yêu vẫn thở/ nắng vẫn hồng/ người vẫn người huýt sáo thong dong/ ca ngợi rằng cuộc đời vẫn đẹp/ vâng, cuộc đời vẫn đẹp/ vậy buồn làm chi?”.

Đã tự nhủ, nhưng rồi không thể dưng dưng với một vài thông tin đang rất thời sự. Ngày 8.6.2017, báo Tuổi Trẻ có in bài gây chấn động dư luận: “Bên trong sân golf Tân Sơn Nhất có gì?”. Thật ra, từ lâu vấn đề xây dựng sân golf đã từng dấy lên dư luận với rất nhiều tranh cãi. “Năm 2011, Báo Thanh Niên đã có loạt bài phân tích rất kỹ về những hệ lụy của dự án sân golf Tân Sơn Nhất nhưng sau đó, dự án này vẫn được tiến hành xây dựng” - đó là chapeau của bài “Sân golf Tân Sơn Nhất uy hiếp an toàn bay” đăng báo Thanh Niên sáng nay.

Cũng trên số báo này, chuyên mục Chào buổi sáng gọi đó là "Dự án bí ẩn" với thông tin cực kỳ bí ẩn: "Lật lại “lịch sử” dự án sân golf Tân Sơn Nhất, bất cứ ai cũng không khỏi kinh ngạc về sự kín tiếng đến mức bí ẩn của nó. Dự án được nghiên cứu từ năm 2006, phê duyệt năm 2007, nhưng tới năm 2011 mới được công bố. Suốt 5 năm đó, không ai biết về dự án này, kể cả những người làm trong ngành hàng không và những người sống cạnh sân bay, những đối tượng trực tiếp liên quan đến dự án. Ngay khi công bố, dự án vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận nhưng một lần nữa, dự án lại rút vào vòng bí mật. Đến nay, sau 6 năm kể từ khi công bố, rất nhiều hạng mục được xây dựng như nhà hàng, khách sạn, khu tiệc cưới, biệt thự, sân golf... nhưng hầu như không có thông tin nào lọt ra ngoài".

Đọc bài báo trên, suy nghĩ với phát biểu của PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM: “Việc Bộ Quốc phòng cho phép công ty tư nhân hợp đồng kinh doanh trên đất sân bay và việc Bộ GTVT cũng như quy hoạch của Cục Hàng không khi mở rộng sân bay đều nhất quyết “né” sân golf là biểu hiện của những hành vi không ngay ngắn. Đất sân bay là phải làm nhiệm vụ phục vụ sân bay; an ninh quốc phòng cũng phải cho sân bay. Đằng này lại mở ra một khu vui chơi giải trí xa xỉ không phù hợp với đời sống người dân. Khi dân cần, nước cần lại không chịu thu hồi thì lý do ở đâu? Lợi ích ai hưởng? Tất cả thể hiện ý thức kém của các cán bộ thực thi thể chế, tầm nhìn hạn hẹp, đặt quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của dân, của nước”.

Đọc và đau.

Trước đó, trên báo Tuổi Trẻ ngày 11.6.2016, đồng nghiệp Bùi Thanh đã viết sổ tay “Từ chuyện sân bay - sân golf: Cái gì nặng hơn lòng dân?”. Ngắn, gọn, sắc lẹn từng chữ:

“Hơn 4.500 ý kiến bạn đọc dội về tòa soạn Tuổi Trẻ mấy ngày qua. Và rất nhiều cuộc điện thoại gọi vào đường dây nóng của báo. Các ý kiến ấy đều lên tiếng một chuyện thôi: sân golf Tân Sơn Nhất!

Và họ đã bỏ phiếu chống.

Chuyện không phải bây giờ. Câu hỏi cử tri cứ vang lên ngày càng gay gắt mỗi khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM sắp họp, rồi họp xong.

Nhưng câu trả lời hình như vẫn nằm đâu đó trong sân golf mênh mông.

Sân golf mênh mông 157ha đó, chỉ cho vài trăm người chơi. Những biệt thự, cao ốc sắp mọc lên đó, cho mấy trăm người ngụ. Lợi nhuận đó, cho 1, 2, 3, 4 người và lợi ích đó cho những “nhóm lợi ích”…

So được không, hàng ngàn chuyến bay, hàng triệu hành khách, triệu tấn hàng hóa.
So được không, ngoài kia: quá tải, tắc đường, rồi lạ kỳ “giải cứu sân bay”.

Hơn 4.500 ý kiến gửi về Tuổi Trẻ. Đọc mà thấy lòng còn nhói hơn đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc.

Vậy thì, cái gì nặng hơn lòng dân đây?

Xin đừng nói đó là tiền!”.

Đọc và đau.

Trong bài viết này, Bùi Thanh có nhắc đến đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc. Vậy, ông Lộc đã phát biểu câu gì? Ông ấy nói: “Đây là việc mà nếu chúng ta không giải quyết thì lòng dân sẽ bất an” (Báo Tuổi Trẻ ngày 1.6.2017). Ai ai cũng nhận thức như vậy và nếu có phát biểu,  họ cũng nói thế thôi. Chẳng gì khác. Vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất một khi “lòng dân sẽ bất an”, nếu không điều chỉnh, thay đổi thì điều gì sẽ xẩy ra?

Y vốn nhát như cáy, do đó, không dám luận bàn gì thêm. Lại lựa chọn bằng cách mũ ni che tai, dù rằng, trong lòng rất thán phục, hoan nghênh những ý kiến phản biện có tính cách xây dựng vì lợi ích chung của cộng đồng. Một khi mình không dám nói, thì hãy ngầm có tiếng vỗ tay tán thưởng. Sự lựa chọn ấy, biết hèn nhát nhưng ít ra nó có tư cách, còn giữ được tư cách và nhất là không nói xằng.

Mới đây thôi, cả nước đang kiến nghị Thủ tướng về trường hợp của bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), nào ngờ, duy chỉ có tay nhà báo nọ lại quả quyết: “Sơn Trà không chỉ “lá phổi” mà còn là “dạ dày”. Anh ta lập luận cỡ như: “Sơn Trà có là kho vàng thì cũng phải khai thác, đưa vào sử dụng bởi nếu chôn dưới đất thì vàng khác gì đất đá. Có là “tiên nữ” thì cũng nên “đánh thức” để tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước chứ không thể để “người đẹp ngủ trong rừng”. Sơn Trà không chỉ là “lá phổi xanh” mà còn phải là “cái dạ dày” để nuôi cơ thể”.

Các trang mạng xã hội đã phãn biện, phê phán ý kiến tréo ngoe, lạc điệu này. Trước đây, y ít nhiều cáo cảm tình với tay nhà báo này qua dăm bài thơ này nọ, dù không xuất sắc lắm. Nhưng nay, đọc qua một bài báo, đã biết tỏng gan ruột, vậy là bao nhiêu thiện cảm đã có, y bèn nhanh chóng đổ béng xuống bùn cho nó xong.

Thế đấy, sống với nghiệp viết thời nào cũng khó. Khó ở chỗ phải giữ mình. Dù đã từng giữ tư cách với ngàn trang viết, hàng triệu con chữ nhưng rồi, có khi chỉ một chữ dù vô ý đi nữa thì thiên hạ cũng hiểu nhầm tấm lòng của mình. Sực nhớ đến trường hợp của Lê Tắc - đời nhà Trần mà ngao ngán cho một con người tài hoa, uyên bác. Nếu Tắc không cố tình viết An Nam chí lược vẫn tốt hơn. Như cây cỏ vô danh, mục nát theo lớp sóng thời gian vẫn còn hơn bị người đời sau nguyền rủa, xếp chung chiếu với bọn Trần Ích Tắc…

Năm 1961, khi An Nam chí lược được Viện Đại học Huế dịch ra tiếng Việt, ông Viện trưởng Cao Văn Luận nhận định: “Lê Tắc quên mình là người Việt Nam, dựa vào lập trường và quan điểm nhà Nguyên để soạn tập. Chẳng hạn những lời nịnh nọt a dua của soạn giả, những đoạn văn kiêu ngạo, tự tôn tự đại trình bày trong các chiếu chỉ nhà Nguyên và trong các bài tựa danh nhân hồi ấy, đều khiến chúng ta vô cùng uất ức và đau đớn” (An Nam chí lược - NXB Thuận Hóa- 2002, tr, 8).

Còn nhắc, chỉ vì Tắc để lại bộ An Nam chí lược, bằng không, đời sau chẳng ai nhớ đến nữa với cái sự xú danh, há chẳng phải Tắc dễ nhẹ nhàng siêu thoát hơn chứ?

Lập thân, có người bằng chữ, có kẻ bằng quyền lực. Chẳng khác gì nhau. Một chữ đã viết, một quyết định đã ký đều có thể trở thành thanh danh hoặc xú danh.

Từng quan niệm, đã nhật ký dù viết cho riêng mình hay số đông thì không thể lãng tránh thời sự trong ngày. Dù tự ý thức, nhưng do hèn nhát nên y có lúc vẫn không dám. Khác với mọi ngày, hôm nay, phát lệ một chút bởi lẽ khi bàn về vấn đề sân golf đã mọc lên trong sân bay Tân Sơn Nhất, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc khẳng định: “Đây là việc mà nếu chúng ta không giải quyết thì lòng dân sẽ bất an”.

Vậy xin hỏi hiện nay, những gì đã và khiến lòng dân bất an?

Báo Tuổi Trẻ ngày 9.6.2017 cho biết trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi: “Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, dành 7 phút phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội để liệt kê những điều đang làm người dân lo lắng thời gian gần đây”. Theo ông Phong là có 6 bất an. Không liệt kê ra, bởi rằng chắc ai cũng đã biết. Chẳng hạn, mà thôi. Nhắc lại làm gì? Y dừng lại với bất an này, “Thực tế rất đau lòng, trong bụng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ. Học phổ thông các cấp, vào đại học cũng phải chạy trường chạy lớp. Rồi chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển. Vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết về dẫn độ tội phạm để an thân”.

Lại nhớ đến câu thơ đã in trong tập Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin:

“đôi khi tôi tự hỏi, làm thế nào để sống vui hơn?

chẳng lẽ bước xuống dòng đời là bịt tai nhắm mắt

quên hết

lố nhố lăng nhăng đang thường trực trong đời?

có những ngày buồn bã ngó mưa rơi

tôi lại hỏi giọt mưa nào chưa hề hoen ố?

có những ngày ngao ngán nắng đang lên

tôi lại hỏi làm sao không hỉ, nộ?

sống với niềm tin là đang chơi vé số

làm sao dự đoán trước điều gì?”

Dấu vết của một thời đang sống đấy ư?

Ô hô.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.6.2017

 

giao-luu-bungphe65-1RTừ trái: Bụng Phệ, Lệ Chi, Lê Minh Quốc

 

Ngày chủ nhật. Khác mọi lần. Phải đi ra Đường sách. Bởi lẽ đồng nghiệp Lệ Chi ra mắt tập sách đầu tay: Bụng Phệ nhanh chân (NXB Kim Đồng). Với người viết, quyển sách đầu tiên trong đời quan trọng lắm. Không khác gì người nam/nữ lần thứ nhất trong đời se duyên kết tóc. Sau này, có trục trặc đổ vỡ, có “đi bước nữa” dù một hay hơn một lần nữa thì dấu ấn ban đầu của cuộc hôn nhân đó cũng khó quên. Dù rằng, người sau có tốt hơn người trước vạn lần nhưng rồi người đầu tiên, với họ, cũng khó có thể xóa nhòa trong trí nhớ. Suy nghĩ này, áp vào chuyện hôn nhân liệu có đúng? Không rõ. Nhưng với quyển sách đầu tay, y nghĩ đó là điều chắc chắn. Nghĩ thế, đã từng nghĩ thế. Vậy nên, khi bạn bè bồ tèo có tập sách đầu tay, lúc nào y cũng tranh thủ góp thêm một một tiếng vỗ tay là vậy.

Trên đường đi, sực nhớ lại chuyện này: Gần 30 năm kiếm sống chỉ bằng nghề viết báo, được tòa soạn phần công viết về lãnh vực văn hóa văn nghệ, đến nay, có một trường hợp y khó quên. Rằng, ngày nọ, chừng mươi năm trước, có một “tay mơ” nhảy vào làng in ấn - đã làm một cú ngoạn mục khiến các tay lão làng kinh ngạc, thán phục. Đó là lúc hắn ta cho in một quyển sách cực kỳ đơn giản, thế mà bán chạy ầm ầm.

Quyển sách này dịch từ nguyên bản nước ngoài, chỉ là những trang dành cho bà mẹ sinh con đầu lòng. Đại khái, tên tuổi, ngày tháng năm sinh; tuần lễ đầu và tiếp theo, con có những biểu hiện gì; cao bao nhiêu, cân nặng bao nhiêu ký; trang dán hình của con; trong những ngày đó, bố mẹ có những kỷ niệm gì với con; con biết nói ngày nào v.v… Chỉ đơn giản vậy thôi, sách in đẹp, khổ lớn và bất ngờ là lúc đó nó bán rất chạy.    

Thì ra, với quyển sách ấy, tựa như những trang dành cho nhật ký mà bất kỳ bà mẹ nào cũng cần sử dụng - như một cách chia sẻ kỷ niệm, tình cảm dành cho con. Và chắc chắn, sau này, một khi đã trưởng thành ắt đây là “báu vật”, là quà tặng của mẹ mà đứa trẻ nhớ nhất trong đời. Ghi lại đôi dòng từ quan sát con thuở nó còn thơ ấu, không chỉ là niềm vui mà cũng là một cách để nhận ra và khắc phục các biểu hiện của trẻ về sức khỏe, tâm lý, tính cách… nữa.

Với phụ nữ Việt Nam, trước đây, hình thức này vẫn chưa quen với nhiều người bởi một phần do cơm áo gạo tiền, chật vật kiếm sống, rồi chiến tranh, thiên tai lũ lụt… biết bao nhiêu chuyện phải lo toan, do đó, họ ít có thời gian thực hiện. Ngày nay, các “bỉm sữa” đã khác trước. Đã có không ít bà mẹ trẻ đã viết/vẽ từ cảm hứng khi quan sát con từng ngày khôn lớn.

Với đồng nghiệp Lệ Chi, lúc ra mắt sách có nhiều bà mẹ trẻ cùng tham dự. Qua trò chuyện, họ bàn về cách viết sách cho con, chia sẻ cách nuôi dạy con... Thú thật, lần thứ nhất trong đời y mới biết, điều khiến họ cảm thấy khó khăn nhất vẫn là lúc con chưa biết nói, mới bi bô bập bẹ. Khó có thể biết nó đang đòi hỏi, đang cần thiết điều gì lúc đang quấy, đang khóc để các bà mẹ có thể chăm sóc, phục vụ kịp thời. Do đó, không phải ngẫu nhiên, khi viết sách, hầu như nhiều người đã ghi lại tâm trạng bối rối này. Thử nghĩ, 20 năm sau, đứa trẻ ấy lớn lên rồi được đọc dòng chữ ấy sẽ cảm thương mẹ mình biết bao.

Và y, khi nghe cô bé lên 5 là nhân vật chính trong Bụng Phệ nhanh chân đọc bài thơ do mẹ tặng, tự dưng thấy xúc động. Lệ Chi viết: “Có lần mama đi công tác nước ngoài, giữa những ngày đó Bụng Phệ bị ốm, sốt cao. Mắt mờ tịt, tay run lẩy bẩy, cô nhóc vẫn nhắn tin cho mama báo rõ tình hình bệnh sốt. Quá sốt ruột cho Bụng Phệ, mama đã viết bài thơ ngắn diễn tả nổi nhớ của cô nhóc, nhắn lại cho Bụng Phệ, động viên cô nhóc chịu khó uống thuốc, nhanh khỏi ốm, Nguyên văn bài thơ như sau: Bụng Phệ mũm mĩm/ Hai má phính hồng/ Nhắn tin se sẽ/ Mẹ nhớ em không?/ Em luôn nhớ mẹ/ Từng ngày, từng giờ/ Mong sao sớm gặp/ Để ôm vào lòng/ Nào bụng nào mông/ Nào cái ti hồng/ Thơm thơm mùi sữa/ Ngọt hơn kẹo hồng” (tr. 70).

Nào chỉ riêng các bà mẹ, đã có những ông bố viết sách cho con đấy chứ. Xưa nay, không chỉ viết về con mà có nhiều nhà văn, nhà thơ đã lấy cảm hứng từ cháu nữa. Vừa rồi một bài thơ của nhà thơ Tú Mỡ khi đưa vào sách giáo khoa gây tranh cãi về cách biên tập, cắt xén nhưng ai cũng “chịu” đó là bài thơ hay, giàu tính giáo dục. Ngày nọ chẳng may, ông bị té, đứa cháu đến an ủi: “Đôi mắt sáng trong/ Việt ta thủ thỉ:/- Khi nào ông đau/ Ông nói mấy câu:/ "Không đau! Không đau!"/ Dù đau đến đâu/ Khỏi ngay lập tức”. Thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đáng yêu quá đi mất.

Y có người bạn vốn là nhà báo chuyên nghiệp đã viết hàng ngàn bài báo, đã in 2 tập sách: Bật một que diêm, Tổ quốc không có nơi xa. Đó là Lưu Đình Triều. Đọc của bạn đã nhiều nhưng vẫn thích nhất cái tạp bút viết về cu Rơm - cậu con trai út. Cảm xúc ấy rất thật, và trìu mến tình nghĩa gia đình.

“Khi lập gia đình rồi, không chỉ ngày nghỉ mà ngay cả những buối tối ngày thường nếu không phải tiếp khách, bù khú bạn bè, tôi cũng hay mon men vào bếp. Với trình độ nấu ăn chưa thoát khỏi diện xóa mù, tôi chịu lép làm anh sai vặt. Bê cái này, lấy cái kia cho vợ. Thỉnh thoảng tôi lại chõ mũi vào cái nồi trên bếp, đang tỏa mùi thơm rất quyến rũ và buông lời khen một cách thật lòng:  “Chưa ăn đã thấy ngon”...

Rồi giữa bữa ăn, hai đứa con tôi lúc kể chuyện ở trường, lúc lại chuyện bạn bè, chuyện… đủ thứ. Như cô con gái Nấm Nhỉ tuổi 14 của tôi hay thích trao đổi với bố chuyện bóng đá, về U 23, về những trận đấu mới liên quan đến Gạch Đồng Tâm, đến M.U - hai đội bóng mà nó yêu mến… Những câu chuyện phiếm, không đầu không đũa, thỉnh thoảng sau bữa ăn lại tiếp nối ở khoảng sân nhỏ trước nhà, giữa 2 vợ chồng tôi. Bộ ghế đá nhỏ, cây cau kiểng đang vươn cao như muốn thoát khỏi kiếp kiểng, giàn bông giấy rậm rạp tạo vòm che tự nhiên trước nhà… Tất cả đều đã quá quen thuộc hàng chục năm nay rồi, nhưng sao có những tối ngồi bên chúng, tôi vẫn có cái cảm giác lâng lâng. Cái lâng lâng của một sự yên bình, thanh thản đến dễ chịu…

Sân nhà tôi còn là nơi để cu Rơm đặt công cụ thư giãn. Mới 6 tuổi nhưng Rơm đã có quá trình mê cá được vài năm. Thỏa lòng con, cả hai vợ chồng bỏ cả một buổi sáng lùng mua một chậu gốm cao, giữa đặt một tượng người cầm bình tưới nước… Bên dưới như một cái hồ nhỏ mà cu Rơm bắt bố phải mua lần lượt nhiều loại cá về thả vào. Chiều chiều, ngày nghỉ, cu cậu hay lảng vảng quanh bồn, lúc ngắm nhìn say mê những chú cá lượn lờ, lúc cặm cụi bỏ thức ăn vào cho  cá. Những tiếng cười giòn tan, hay ngược lại, những giọt nước mắt cũng lắm khi từ bồn cá mà ra. Ấy là những lúc cá mới sinh con, hoặc có chú cá nào đó bỗng dưng nằm chỏng bụng trắng hếu…

Nói về nước mắt hay nụ cười trẻ con thì bậc làm cha làm mẹ nào cũng đều cảm thấy đôi khi chúng có giá trị gần như nhau - chúng kéo ta lại gần hơn với trẻ, tạo ra trong  ta  một cảm giác ấm áp, một sự trìu mến da diết.. Một “bồ tèo” của tôi ở Hà Nội -  NSƯT Trịnh Lê Văn, thường hay khoe trong bàn nhậu về tiếng cười, tiếng nói của con mình. Anh bảo sau một ngày thừ người với hội họp, nhức mắt với màn hình vi tính, về đến nhà nghe tiếng con - mới lên 3 bi bô là cảm như mọi mệt nhọc trong người đều tan biến... Tôi hoàn toàn chia sẻ với bạn mình về điều này. Thậm chí phải động tay, động chân hơn, đổ mồ hôi vì lăn lê bò toài chơi trò bắn nhau với đối-thủ-con, tôi vẫn xem như một loại lao động chân tay cần có để cân  lại lao động trí óc diễn ra thường xuyên trong ngày.

Sân nhà, những bữa ăn, những bộ phim truyền hình, DVD cả nhà cùng xem và nhiều công việc linh tinh, lặt vặt khác mà tôi phải “ra tay”như đóng lại cái mắc áo lên tường chẳng hạn, tôi cho rằng chúng đều ít nhiều chuyển tải một lượng vitamin thư giản. Sâu xa hơn chúng hướng tới một đích đến chung: chia sẻ lẫn nhau, tạo sự gần lại với nhau giữa những thành viên trong gia đình...

Trên một tờ tạp chí mới đây, cô diễn viên 20 tuổi Tăng Thanh Hà có nhận xét  rằng những chia sẻ nhỏ nhoi vẫn tạo cho người ta sự hạnh phúc. Vâng! Tôi cũng đã chìm trong cái bể hạnh phúc đó để tìm thấy  thêm một giá trị khác: lấy lại được sự cân bằng trong mối quan hệ giữa mình với công việc,với bạn bè,với vợ con về một tuần mới trôi qua hay nghìn ngày như chưa xa”.

Cảm giác ấy là niềm vui của người đàn ông đã làm chồng, làm cha. Còn y? Dám quả quyết rằng, khi các bậc phụ huynh lấy cảm hứng từ con mình để sáng tác thì cũng là lúc từ câu chuyện có tính cách riêng tư ấy, lại mang tính phổ quát dành cho nhiều người. Thật đấy. Với tập thơ Nghệ thuật làm ông của văn hào Victo Huygo là một thí dụ tiêu biểu: “Đẹp sao con trẻ! Với đôi môi chum chúm đáng yêu/ Lòng em dịu hiền tin cậy, giọng em muốn nói muôn điều/ Tiếng khóc em dễ dàng chóng nín/ Đưa mắt khắp nơi nhìn ngạc nhiên thương mến” (Xuân Diệu dịch). Lẩn thẩn nghĩ rằng, những đứa trẻ lên năm như Bụng Phệ, Việt, cháu của Victo Huygo, cu Rơm v.v… sau này lớn lên, đọc/nhìn lại những gì đã được bố mẹ, ông bà ghi/vẽ lại khoảnh khoắc của thời thơ ấu ấy sẽ sung sướng, hạnh phúc biết dường nào?

Vậy thì, tại sao mỗi một chúng ta không thử bắt tay vào ngay trong ngày hôm nay? Tại sao không thực hiện cái điều mà nhiều người đã từng ao ước, như Xuân Diệu chẳng hạn. Ông thủ thỉ, tâm tình: “Tôi ao ước, riêng cho mình, được làm một tập thơ chuyên nói lòng cha mẹ, ông bà, cô, bác, người lớn yêu thương trẻ con; khi mà đã yêu thương chúng thì yêu lạ lùng, yêu đến da diết, thiết tha; tóc chen những sợi bạc rồi, càng thêm tuổi, càng yêu mầm non, măng non, trẻ con, ánh sáng (Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy, NXB Tác phẩm mới - 1978, tr.298).

Lúc tâm tình cùng các bà mẹ trẻ, tác giả Bụng Phệ nhanh chân cho biết: “Cuốn sách như một cuốn nhật ký ghi lại năm tháng trưởng thành của bé, từ hồi bé xíu xiu, cho đến khi đi nhà trẻ rồi vào tiểu học. Bên cạnh những tình huống cười ra nước mắt về sự hồn nhiên của con trẻ, cuốn sách cũng như một lời kêu gọi các bậc phụ huynh nên dành thêm thời gian cho con cái, để quan sát từng ly từng tí những thay đổi về tâm lý của con, cùng chung tay với con trải qua mọi buồn vui trong những ngày đầu bỡ ngỡ khi đến lớp, khi va chạm với bên ngoài”. Cô nói đúng lắm. Y tin rằng nhiều người đồng tình.

Kỷ niệm đầy ắp tình yêu thương ấy, ai cũng có và cũng có thể tạo ra ngay từ trong ký ức của con, cháu mình. Có nhiều cách lắm. Ở đây, y vẫn nghĩ đến phương thức ghi lại nhật ký cho con, từ cái thuở: “Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ/ Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng/ Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân/ Con chưa biết con cò con vạc/ Con chưa biết những cành mềm mẹ hát/ Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân” (Chế Lan Viên). Tình cảm ấy, cuốn sách ấy, sau này trên đường đời vạn dặm sẽ mãi mãi là lửa ấm để đứa trẻ nhớ ơn về đấng sinh thành…

Với y, không hề có được những dòng nhật ký mà ba/mẹ đã ghi lại từ năm tháng tuổi thơ. May quá, như nhiều người khác, y lại có những tấm ảnh chụp từ bé dại. Nhìn mãi mà không chán, có lần cao hứng ư hử ngâm đôi câu thơ vừa vọng đến: “Cái thời thơ dại trôi xa lắc/ Nhìn ảnh, lòng ta gió hóa trầm/ Cái thời hoa mộng trong trẻo quá/ Bao giờ quay lại thuở lên năm?”. Tấm ảnh ấy hoặc nhật ký/ tập sách ấy mà ba mẹ đã dành cho con - món quà ấy, cực kỳ quý báu, vì thế bất kỳ ai nếu có cũng đều trân trọng và gìn giữ mãi mãi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.6.2017


TN_CN_GN_Paulus_Cua

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.5.2017

images1811317_1

 

Chiều. Trời mưa. Rồi tạnh. Ngồi nghĩ vẩn vơ. Nghĩ rằng, giá trị vật chất cụ thể có tính khái quát, tiêu biểu cho văn hóa người Việt, trước nhất cần phải kể đến cái đình.

Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu

Trong tác phẩm Triết lý cái đình (NXB Hội Nhà văn - 2017), nhà văn hóa Kim Định cho rằng: “Cái đình có thể coi là đỉnh chót vót của nền văn minh Viêm Việt. Nền văn minh này đặt nền tảng trên gia đình, nhiều gia đình họp thành khu, xóm, ấp và đợt cuối cùng là làng. Nhà của làng là đình” (tr.29); “Đình là nơi hội tụ nhiều gia đình. Nói khác, đời sống cái đình cũng một loại với đời sống gia đình, nếu ở gia đình có ăn uống thì ở đình cũng có đình đám tức cũng là ăn uống, khác hẳn với việc làm khi người ta đến chùa cầu kinh chứ không phải để ăn uống như có thể xảy ra ở đình. Như vậy đình là nơi tụ họp của dân làng trong những ngày tư, ngày tết, ngày lễ lạt, ta quen gọi chung là đình đám. Chữ đám gắn liền với chữ đình làm tỏa ra cho các giác quan khứu, thị, thính, cảm một vẻ tưng bừng thơm ngát với những nét hân hoan tràn đầy sinh thú, những khuôn mặt say sưa” (tr.32).

Đình làng - nơi gắn kết các cư dân trong làng, sự gắn kết ấy được bao bọc bằng lũy tre làng, nó bền vững đến độ “Phép vua thua lệ làng”. Có thể dẫn chứng được không ? Tất nhiên là có. Hãy chọn lấy một chi tiết mà nhà thơ Hoàng Cầm đã kể lại. Với các nhà nghiên cứu, khi dẫn chứng một điều gì cần phải có nguồn trích dẫn từ tài liệu nào, bản in năm nào, nhà xuất bản nào, trang nào, tác giả nào v.v… vì khi cần, bạn đọc có thể kiểm chứng mức độ chính xác của thông tin đó. Với thông tin của nhà thơ Lá diêu bông lại không có những động tác đó, có thể ông đã từng nghe các cụ trong làng kể lại.

Câu chuyện kể - ký ức của cư dân trong cộng đồng cũng là một phần của lịch sử, dù rằng, sự kiện đó có thật nhưng sau đó cũng có thể đã được/bị thêm bớt qua thời gian, qua nhiều thế hệ sau. Mỗi người kể lại, dẫu từ cốt lõi đó nhưng nó đã “gia cố” qua lăng kính của họ. Vì thế, không ít sự kiện lịch sử đã nhuốm màu huyền thoại, giai thoại là vậy. Ký ức của cộng đồng còn sót lại trong các gia phả của mỗi nhà, trong câu chuyện kể từ đời này qua đời nọ tại mỗi địa phương, trong các bản hương ước do mỗi làng, xã quy định… Nhờ vậy, khi tìm hiểu về phong tục Việt Nam, ta mới thấy hiện rõ nhiều thông tin cực kỳ lý thú mà chưa chắc chính sử đã ghi chép.

Hãy trở lại với Hoàng Cầm. Ông cho biết: “Phép vua thua lệ làng”. Triều đình lắm khi thua cái đình. Ví dụ như thời chúa Trịnh, lính triều đình về bắt lính, cả đến người 50 tuổi, nhưng lệ làng đã định ra cái lệ “lên lão” ngay từ cái tuổi 45, lại ví dụ quân chúa Trịnh về bắt gái đẹp làm hầu trong phủ chúa, đến làng Chè (Hà Bắc) thì lệ làng đã định rằng con gái có nhan sắc từ 17 đến 25 tuổi đều đã là tì thiếp của thành hoàng rồi. Ai cướp đi một người thì thành hoàng bắt mất mùa một năm, bắt ba người thì mất mùa liền ba năm. Bô lão bảo vệ các cháu gái, lính nhà chúa đành rút lui” (Kiến thức ngày nay - số 15.2.1994).

Đình làng đã tồn tại hàng ngàn năm, ghi dấu ấn sâu đậm trong suy nghĩ, ý thức của mỗi con người. Sự tích cực của nó, xưa nay đã có nhiều công trình nghiên cứu, không nhắc lại. Nhưng bên cạnh đó, “văn hóa cái đình” có kéo theo sự tệ hại gì?

Mỗi làng có một luật lệ riêng, dẫn đến sự cát cứ của địa phương. Lắm khi chính sách của trung ương hiệu lực trên cả nước nhưng lại vướng ở các vùng. Tư duy “Phép vua thua lệ làng” sẽ phá hỏng kỷ cương phép nước. Những lễ hội bị chỉ trích là dã man, mông muội như kiểu đâm trâu, chém lợn được đề nghị bỏ đi nhưng vẫn không thể bỏ vì “làng” không chịu, chính quyền cũng bất lực.

Dân gian đã đúc kết: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Sự tệ hại ấy đã dần dần thay đổi, trước kia, các vua chúa thời quân chủ đã ra “luật hồi tị” và nay từ các nghị định, văn bản hành chánh của chính phủ đã ban hành, nhưng rồi làm sao có thể giải quyết triệt để? Vẫn còn nhiều, khá nhiều trường hợp ở địa phương nọ có cả dòng họ nọ nắm hết cương vị chóp bu trong làng, huyện, xã... Ngoài chuyện “một người làm quan” còn là suy nghĩ “Miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”, vì thế, một khi đã nắm quyền lực, họ lại càng tìm mọi thủ đoạn chia phần “miếng” đó cho con cháu, dòng tộc nhà mình.

Ở nhiều ban ngành, đoàn thể hiện nay vẫn có tư duy “đình làng” đó. Nếu không làm sao họ có thể ban hành những văn bản quản lý đứng trên cả luật, thậm chí trên cả hiến pháp? Mới đây, khi Cục Nghệ thuật biểu diễn nổi hứng cấp phép phổ biến Quốc ca, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: “Quốc ca đã được Quốc hội thông qua, ghi rất rõ trong điều 13 của Hiến pháp. Vậy nên một khi cấp phép cho “Quốc ca” thì cái giấy phép ấy đã "trèo" lên quy định của Hiến pháp, là một sự vi phạm pháp luật” (Báo Người Lao động ngày 24.5.2017).

Một thời dư luận xã hội rộ lên những đàm tiếu, cười cợt với dự thảo của Bộ Y tế, quy định tiêu chuẩn người dân muốn đủ điều kiện lái ôtô và xe máy phải đáp ứng được 83 tiêu chuẩn về sức khỏe. Trong đó, tiếu lâm nhất vẫn là “phải có vòng ngực trung bình không dưới 72 cm”! Nghe ra quá khôi hài.

Những tưởng những văn bản ấy chỉ xẩy ra một, đôi lần và sẽ chấm dứt khi “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”. Nào ngờ, nó vẫn tiếp tục tái diễn ở các ban ngành khác. Các nhà bình luận khẳng định nguyên nhân nằm ở  trình độ, nhận thức của tầng lớp lãnh đạo mà ra. Y lại không nghĩ thế. Những người đứng đầu ban ngành đó có thể vẫn thừa biết không đúng, không phù hợp trong bối cảnh chung của xã hội, thậm chí là vô cùng ngớ ngẩn; nhưng rồi, họ vẫn cứ ung dung đặt bút ký như không.

Suy nghĩ ấy là do ảnh hưởng từ tiêu cực của “văn hóa cái đình”. “Làng” của mình tức ban ngành của mình là nhất, là một cõi đặc thù riêng biệt, là có quyền cát cứ một lãnh địa cụ thể. Do đó, họ cứ ra quy định - những quy định có lợi nhất cho “làng” của mình, bất chấp các quy định chung của Nhà nước. “Phép vua thua lệ làng”. Cùng lắm, “Liệu công mất một buổi quỳ mà thôi!” (Truyện Kiều); bằng không, các văn bản đó cũng thể hiện được quyền lực của cái quyền đang nắm trong tay.

Sự tệ hại hại này, theo y mới là then chốt dẫn đến sự việc ấm ớ đã xẩy ra. Và đã đến lúc cần phải thay đổi từ trong nhận thức. Thay đổi ở chỗ một khi làm việc nước tức làm chung cho sự vận hành chung của một đất nước, cho lợi ích của toàn dân, chứ không phải riêng biệt cho mỗi “làng” mình.

Nghĩ vẩn vơ đến đây, có thể dừng bút rồi chăng?

Tất nhiên. Nào có ai bắt buộc. Mà thôi, cứ nhẩn nha thêm đôi dòng nữa, cho hết một buổi chiều. Âu cũng là cái thú người thích viết. “Vậy, viết thêm gì nữa hả Q?”. Chưa rõ nữa. Thôi thì, thử nghe lại ca khúc Làng tôi của Văn Cao: “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung/ Đời đang vui đồng quê yêu dấu/ Bóng cau với con thuyền, một dòng sông…”. Ai nghe cũng cứ nghĩ người nhạc sĩ tài hoa viết cho làng của mình. Hễ trong nghệ thuật xuất hiện hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình, tiếng chuông chùa/nhà thờ, giếng/ao làng… và nhất là bóng tre xanh, lập tức thấy hiện lên rõ mồn một không gian làng quê ở Việt Nam.

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ là thi sĩ của làng quê ngày Tết, bởi lẽ hễ đọc bài thơ Chợ Tết dù ở độ tuổi nào, ngay lập tức trong lòng người ta vẫn dậy men nỗi xốn xang như thuở còn trẻ nhỏ nắm áo mẹ đòi theo ra chợ. Y thích nhất câu: “Con gà trống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”. Câu thơ tả thực đến độ dẫu không phải nhà thơ đi nữa thì ai cũng buột miệng kể lại vậy thôi. Câu thơ giản dị, thô mộc nhưng lại giàu sức sống. Khó quên trong trí nhớ.

Đọc thơ Đoàn Văn Cừ, lúc nào y cũng cảm động với những câu như: “U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân/ Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần/ Lại dẫn chúng tôi về nhận họ/ Bên miền quê ngoại của hai thân“. Phải đến một tuổi nào đó, khi đọc những câu thơ bình dị này, người ta mới thấm thía, mới thấy nhịp thời gian trôi qua chóng vánh, khốc liệt trên mỗi phần đời. Không gì níu kéo lại nổi. Ngày mẹ còn son trẻ. Ngày mình còn thơ dại. Ngày Tết theo mẹ về quê. Ký ức thiêng liêng ấy đã là một phần máu thịt của ký ức. Mỗi lần nhớ lại, ai ai cũng bùi ngùi vì một lẽ tự nhiên, rồi lại thốt lên từ sâu thẳm của lòng mình: “Ngày ấy, còn có mẹ“.

Được mẹ dẫn về ngoại, ngày thơ bé, y cũng có nỗi sung sướng, hân hoan ấy, có điều, về thăm ông bà ngoại chỉ một đọan đường ngắn, nằm trong kiệt 7 đường Hoàng Diệu, không thể mở ra một tầm mắt, một cái nhìn: “Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng/ Đoàn người về ấp gánh khoai lang/ Trời xanh, cò trắng bay từng lớp/ Xóm chợ lều phơi xác lá bàng“. Còn nhớ, đầu ngõ vào nhà ngoại thuở ấy là bãi tha ma. Bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ với các trò chơi thả diều, trốn tìm... cũng là từ nơi đó. Nay, đã là dãy nhà ngang dọc của nhiều căn hộ. Dấu vết xưa không còn nữa. Ngay cả cái giếng nhà ông ngoại cũng không còn nữa. “quay về tuổi thơ không gặp ai/ chỉ gặp trên mái ngói tiếng chim lăn dài/ hàm răng nghiến chặt/ em đi qua vườn bàn chân dè dặt/ bước khẽ thôi lá rụng buồn tênh/ ngôi nhà mới mọc lên/ ai cũng có một đời sống riêng/ với nhiều lo toan với nhiều mệt mỏi…”. Những câu thơ đã viết từ năm 1999, đọc lại vẫn bùi ngùi thương nhớ…

Bấy giờ, khu vực nhà ông ngoại của y, làng xóm vẫn còn trồng tre xanh. Các lũy tre ấy, nay, không còn nữa. Những đình làng Nam Dương, Hải Châu, nay, cũng đã tàn tạ theo thời gian hoặc đã “chuyển đổi công năng”. Nếu học trò thành phố cùng thế hệ các cháu của y, cô giáo ra tập làm văn: “Hãy tả lũy tre làng mà em đã thấy”, các cô cậu sẽ bí rị, tha hồ ngồi cắn bút chăng? Chưa chắc. Biết đâu, từ hình ảnh đã thấy trên internet, các cháu sẽ tả ngon lành? Nhưng cô giáo bảo tả “ngòi bút lá tre” ắt các cháu sẽ botay.com.

“Làng tôi xanh bóng tre”. Có lúc tự hỏi, tại sao làng quê Việt Nam phải có lũy tre làng? Có ai giải thích giúp? Câu hỏi ấy, đã tìm ra câu trả lời từ một sử gia người Pháp, ông Pierre Gourou (1900-1999), tác giả quyển Người nông dân châu thổ Bắc kỳ - nghiên cứu địa lý nhân văn, in năm 1936 tại Paris. Công trình nghiên cứu giá trị này, mới đây thôi, năm 2015, NXB Trẻ, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp và tạp chí Xưa và Nay đã phối hợp ấn hành bản tiếng Việt.

Hãy đọc: “Làng được bao bọc bằng một lũy tre mà các cành dày đặc và có gai tạo thành một lũy bảo vệ có hiệu quả chống trộm cướp. Làng hết sức chú trọng đến bờ lũy đó, nhiều hình phạt được quy định đối với những ai chặt tre không có phép, ngay cả những búp măng; trong những khoản phạt do làng quy định bao giờ cũng nói đến tiền thưởng đối với những người tố giác. Cũng với việc chống những tai họa đến từ bên ngoài, lũy tre con là một thứ ranh giới thiêng liêng của cộng đồng làng xã, dấu hiệu của cá tính và tính độc lập của làng. Vào thời loạn lạc, một làng đã tham gia vào cuộc nổi dậy hay cho những  kẻ phiến loạn trú ẩn, hình phạt đầu tiên là bắt phá bỏ lũy tre. Đấy là một vết thương lớn đối với lòng tự trọng, một dấu hiệu nhục nhã; làng đó cảm thấy như một con người bị lột quần áo và bỏ truồng giữa một đám đông đang mặc quần áo” (tr.282).

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.5.2017


Trang_sch1R

 

Ngồi dưới một vòm lá xanh

Tháng giêng bước đến tôi thành trẻ thơ

Tay không vướng chút bụi mờ

Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan

Tôi ngồi đọc sách hân hoan

Bao nhiêu ý tưởng rộn ràng vây quanh

Tưởng chừng như chiếc lá xanh

Và tôi phút chốc hóa thành tháng giêng

Ấy là cảm giác, một hình ảnh khó quên trong ký ức. Mỗi lần nhớ lại, y vẫn còn giữ nguyên sự cảm phục: Một buổi trưa, vừa bước ra ngoài hiên đứng ngó đất nhìn trời, bất ngờ, thấy một chiếc xích lô dừng lại trước cửa nhà. Từ trên xa bước xuống là chị gái của y, ối dào, trên tay chị kệ nệ là sách, được gói cẩn thận, có cả nơ xanh, đỏ đính theo.

Sau khi chị bước vào nhà, y mới biết đó là phần thưởng của nhà trường dành cho học sinh giỏi. Những quyển sách ấy, chị cho mượn đọc, với y, từ năm tháng tuổi thơ là “bè bạn” chân tình. Y đã đọc ngấu nghiến, đọc từng trang và ước mơ sau này cũng được thầy cô tặng phần thưởng là sách. Bấy giờ, phần thưởng nhà trường dành cho học trò chỉ là sách.

Suôt năm tháng tiểu học, rồi sau này lên bậc trung học, thế hệ y đã bước đầu làm quen với sách từ niềm vui trong trẻo như thế.

Ngoảnh lại với thời gian, chẳng ngờ, bây giờ không phải đứa trẻ nào cũng có niềm vui ấy. Đơn giản chỉ là, do không có nhiều thời gian đưa con đi nhà sách, tự tay lựa sách cho con; vì thế, lúc con ngoan, đạt điểm cao hoặc nhân sinh nhật, dịp vui nào đó, bố mẹ chỉ chọn cách “nhanh, gọn, lẹ” bằng câu hỏi: “Con thích gì, ba mẹ mua cho con”. Câu hỏi ấy, đơn giản nghĩ rằng, cho con chọn tức đã khiến con hài lòng, thích thú với món quà đó. Mà ở đứa trẻ, sự yêu thích sách không phải ngẫu nhiên mà có. Nó còn cần được sự tác động, định hướng, hướng dẫn từ các bậc phụ huynh nữa.

Làm thế nào để thay đổi một quan niệm về cách tặng quà? Khó lắm. Khó ở chỗ hiện nay, thói quen tặng sách cho con, tặng cho người thân hầu như không còn mấy ai chú trọng. Nghĩ rằng, một khi đã tặng thì phải tặng vật gì đó đắc giá, “đáng đồng tiền bát gạo”, không “đụng hàng” càng tốt ắt mới đẳng cấp, sang trọng và người nhận mới hài lòng. Dần dần mọi người mặc nhiên thừa nhận phải là vậy. Tặng sách à? Dễ quá. Giá tiền chẳng bõ bèn gì, ai cũng có thì có gì là “độc”?

Nghĩ thế là sai lầm.

Khi tặng một/nhiều quyển sách cho ai đó, tức bản thân ta đã biểu lộ sự tôn trọng về tri thức, nhân cách, sự am tường của người đó. Rồi sau này, có dịp, ta cùng người đó tranh luận, trao đổi, chia sẻ về những câu chuyện, triết lý, vấn đề trong những quyển sách đó, há chẳng phải là tri kỷ, tri âm cùng có chung thú vui tao nhã đó sao?

Thuở sinh thời, khi đến thăm chung cư cao cấp của người dân, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng phàn nàn là ông không thấy ở đó có sách, tranh nghệ thuật. Sự đáng tiếc đó, ở nước Nam ta cũng đang dần xẩy ra trường hợp tương tự. Y đố ai vào các chung cư hiện nay mà thấy chủ đầu tư có bố trí phòng đọc sách dành cho cư dân nơi đó. Hầu như không có. Ngày kia, có một bạn văn đã làm một điều khiến y cảm động và thán phục: Sau nhiều năm công tác tại nhà xuất bản, được sở hữu một số lượng sách không nhỏ, lúc về hưu chị đã dành tặng toàn bộ cho khu chung cư đang ở. Chị mong muốn rằng, nơi này, phải có thư viện mi ni dành chung cho mọi người. Việc làm này, sau đo đã được nhiều người chung tay tiếp sức.

Y nghĩ, để hình thành một thói quen, trước hết, phải có người thắp lên ngọn lửa từ những việc làm tốt đẹp. Dần dần, nó mới có sức lan tỏa từ sự kết nối của nhiều nơi, nhiều chốn.

Vấn đề tặng quà là sách cũng vậy thôi. Hãy bắt đầu từ mỗi chúng ta, ngay từ trong gia đình mình. Và chắc chắn những quyền sách đó sẽ là bạn đồng hành cùng người được tặng. Rồi lúc nhìn sách, họ sẽ nhớ đến người đã tặng. Đành rằng, các món quà khác cũng vậy nhưng quà là sách thì không chỉ là sách mà ở đó là những con chữ mở ra biết bao điều cần nói mà người tặng muốn gửi gắm.

Không phải ngẫu nhiên, có những người nhờ đọc sách mà thay đổi cuộc đời của mình. Y mạo muội nghĩ thêm rằng, một khi thay đổi thói quen là tặng sách cho nhau, có lẽ, từ đó sẽ nẩy sinh ra một mối quan hệ bền vững hơn mà cũng tri thức hơn. Còn nhớ, nhà văn Vũ Trọng Phụng từng chia sẻ với đồng nghiệp về sự tệ hại của gia đình nước Nam ta, đó là sự khoe mẽ. Bởi khi bước vào một căn nhà, chỗ trân trọng nhất lẽ ra phải là kệ sách/tủ sách thì người ta lại trưng bày một tủ rượu Tây!

Nói đi cũng phải nói lại. Trách làm sao được, bởi do mối quan hệ lâu nay, họ chẳng hề được tặng sách mà chỉ được tặng rượu thì sao? Thế thì, gia chủ cần xem lại chính mình. Cả đời không đọc sách, không yêu quý sách thì hà cớ gì người ta phải tặng sách? Một khi mình có yêu, có thích thì người ta mới biết mà “gãi đúng chỗ ngứa” chứ?  

Đúng lắm. Y có chị bạn đang làm ở HTV, hễ đến ngày sinh nhật của chị, luôn có món quà mà chị yêu thích nhất: Những quyển sách do cô con gái chọn mua tặng mẹ. Biết mẹ thích sách, cô nhóc đem lại niềm vui cho mẹ bằng cách đó. Hơn nữa, bản thân cô nhóc cũng thích sách bởi ngay từ lúc còn bé, người mẹ cũng đã từng tặng sách, tập thói quen thích đọc sách cho con.

Nhân đây, y ghi lại kinh nghiệm của bạn Nguyễn Hà (Vĩnh Phúc) đã “hiến kế” tạo thói quen đọc sách cho con - mà chị bạn ở HTV của y chắc cũng từng thực hiện: “Mỗi ngày đọc được 1 quyển sách thì cuối tháng bọn trẻ được chọn 1 món quà. Có thể là đồ chơi, đi chơi công viên hay ăn bún, cơm rang ở nhà hàng chúng thích. Một vài tháng tổ chức một bữa tiệc sách tại nhà. Sẽ có 5-7 bạn con bạn thân bố mẹ hoặc bạn học đến nhà cùng đọc sách và đánh chén pizza, mỳ Ý hay cơm cuộn. Rồi cả bọn sẽ thi nhau kể chuyện, ai được nhiều người bầu nhất sẽ có quà là dụng cụ học tập. Vậy mà rất hiệu nghiệm. Lũ trẻ coi đọc sách là trò chơi thú vị, có cạnh tranh, có thưởng và nhất là biết nhiều câu chuyện mới thú vị”.

Hãy bắt đầu từ một thói quen tốt, phải là từ gia đình của chính mình. Và y nghĩ, một khi xã hội hình thành thói quen thích đọc sách, tặng sách cho nhau, chính điều này sẽ góp phần thay thế cho một định lượng về giá trị của đẳng cấp mà lâu nay đã định hình trong cộng đồng.

Trở lại với kỷ niệm cũ từ năm tháng tuổi thơ, y nghĩ gì? Rằng, bà chị ruột đã mất, đã về suối vàng, những quyển sách mà chị nhận phần thưởng ngày xa xưa ấy cũng đả mất. Vậy nhưng, những gì đã đọc, những dòng chữ từ trang sách ấy vẫn còn, vậy chị y vẫn còn chứ nào đâu đã mất. Đúng không nào?

Tay không vướng chút bụi mờ

Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan

Tôi ngồi đọc sách hân hoan

Bao nhiêu ý tưởng rộn ràng vây quanh

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.5.2017

unnamedcabn_loi

 

Nói tóm lại, rốt cuộc, cuối cùng, sau chót là y vẫn sử dụng cái “cùi bắp”, dù không ít bạn bè chê “củ chuối”. Chẳng sao cả, cái điện thoại di động quan trọng là thế nhưng y vẫn chỉ thích mỗi chức năng nhắn tin. Nếu có ai đó, có thể đọc hết các tin nhắn trên máy điện thoại của hạ? Chuyện gì sẽ xẩy ra?

Sáng nay, tình cờ đọc trên trang mạng nọ, bèn cười với những hình ảnh chụp lại từ tin nhắn. Chỉ có thể là trao đổi giữa mẹ với con gái. Tự dưng có cảm giác vui vẻ và thêm quý trọng tình mẫu tử của họ. Sức mấy, còn lâu, y mới có thể sống trong sự tếu táo, tinh nghịch, vui nhộn này. Mà trước khi chép lại, cần liệt kê ra một vài từ mới, với y chưa thể giai thích rành rọt, dù hiểu nghĩa. Thì ra, cách viết trên mạng của giới trẻ cũng đã khác trước nhiều lắm rồi. Chẳng hạn, cạn lời, quỳ lời, bói chữ, lầy/lầy lội, xì tin, bá đạo, quách tĩnh, bắt bài, troll, chất v.v…

“- Không biết đã bao giờ con nói với mẹ chưa nhỉ? Con yêu mẹ.

- Hôm nay, con định đi đến sáng hả con?

Lời bình: Mẹ vẫn "quách tĩnh" lắm, "bắt bài" nịnh nọt nhanh như một cơn gió!”.

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung có nhân vật Quách Tĩnh. Giới trẻ vận dụng luôn bởi từ “tĩnh” hiểu theo nghĩa bình tĩnh/tĩnh táo. Cũng tựa như đã hình thành cụm từ “Yết Kiêu” để chỉ những ai kiêu căng; hoặc lúc uống bia: “Dzô! 1,2, 3 dzô! Bắc Cạn!” là ngầm hiểu nghĩa của nó nằm ở từ “cạn”. Phải uống cạn. Uống 100%, không để lại “long đền”, không còn cặn, không còn một giọt nào trong ly.

“Bắt bài”, Việt Nam tự điển (1970) của Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ giải thích: “Bắt những con bạc đang ăn thua trong sòng: “Bắt bài phải có tiền tang”. Hát đối đáp theo nhịp trống trong tuồng hát bội giữa một đào một kép, chân quỳ chân chống, lưng day lại, ở hai góc sân khấu”. Theo nghĩa thứ nhất, “bắt” là bắt bớ nhưng người đang sát phạt trong sòng bài. Nhưng ở  mẩu đối thoại của tin nhắn thì “bắt bài” lại hoàn toàn không liên quan.

“Bài” có nhiều nghĩa, ở đây hiểu theo nghĩa là mưu chước, mưu kế, mánh lới. Trong Truyện Kiều, nhiều lần Nguyễn Du sử dụng “bài” theo nghĩa này: “Chiến hòa sắp sẵn hai bài/ Cậy tay thầy, thợ mượn người dò la”; Nàng rằng: Muôn sự ơn người/ Thế nào xin quyết một bài cho xong” v.v…

Vậy, cụm từ “bắt bài” hiện nay đang sử dụng, ta hiểu là ý định, kế hoạch, mưu chước của người này dù không nói ra, không tiết lộ nhưng người kia đã biết tỏng tòng tong, đã “đi guốc trong bụng”, đố mà giấu mà cãi.

“- Mẹ ơi, hôm qua con mua cho ông xã của mẹ một đôi giày, mẹ nhận được chưa ạ?

- Không nhận, có phải của tôi đâu mà tôi nhận?

- Không phải của mẹ nhưng cũng của nhà mẹ mà?

- Không quan tâm.

Lời bình: “Mua cho ông xã của mẹ chứ có phải mua cho mẹ đâu mà nhờ nhận hộ như đúng rồi!”.

Không rõ, do đâu ông xã/bà xã trở thành tiếng lóng để chỉ người chồng/ vợ. Phải chăng cách gọi tếu táo này là nhại theo chức vụ xã trưởng - người đứng đầu chính quyền trong một xã? Hay do ảnh hưởng từ tên gọi Xã Xệ - một nhân vật ngớ ngẩn, mập ục ịch, tốt bụng cùng cặp kè với Lý Toét ốm cà tong cà teo? Khó có thể quả quyết một cách rành rọt. Cách gọi này thân mật, chan chứa tình cảm yêu thương.

“- Con yêu mẹ.

- Cháu trả điện thoại lại cho con cô đi nhé. Mượn điện thoại bạn rồi nhắn tin linh tinh như thế không hay đâu.

Lời bình: "Đây là giọng ai, không phải giọng con tôi…".

“- Bố bảo mẹ đi mua thuốc cảm cho con đấy.

- Đừng nói chuyện với tôi, cô có biết tôi là người nổi tiếng không?

- Con nhức đầu lắmmmm…

- OK, hy sinh một chút cho fan vậy”.

Lời bình: Mẹ rất ít khi "troll" những một khi đã "troll" thì phải "chất" như này này!  

"Troll" là gì? Từ điển wikipedia giải thích: “Troll, người khổng lồ độc ác là nhân vật trong Thần thoại Bắc Ấu được mô tả dưới dạng một loài sinh vật đáng sợ”. Gần đây, bộ phim Trolls của đạo diễn Mike Mitchell (Mỹ) trình chiếu tại Việt Nam, dịch “Quỷ lùn tinh nghịch”. Suy luận ra rằng, “troll” trong mẫu đối thoại trên hiểu theo nghĩa là lúc bà mẹ nghịch đùa, tếu táo, tinh nghịch chứ không hiểu theo nghĩa gốc mà từ điển đã cho biết. Còn “chất” dứt khoát là cách nói gọn của “chất lượng”, là “đâu ra đó”, không chê vào đâu được.

“- Mẹ ơi, hôm nay con đọc được trên báo, người ra bảo hồi bé mà đánh mắng trẻ con để dạy chúng chẳng có tác dụng gì đâu. Giờ mới biết hồi đó mẹ đánh con  mất công rồi.

- Mất công gì đâu, hồi đó mẹ đánh mày là để xả cơn tức thôi, liên quan gì đến dạy dỗ.

Lời bình: Cạn lời”.

Trước một sự việc bất ngờ đến độ không thể lường trước, không nghĩ đến thế, vậy mà nó vẫn xẩy ra, vì thế, người ta không còn biết nói/bình luận một câu gì. “Cạn lời” là hiểu theo cái ý đó. Còn nhớ, vừa đọc một cái tựa thế này: “Quỳ lời” trước bài văn quá đỗi “hư cấu” của cậu học sinh cấp 3”. Quỳ lời, hiểu thế nào cho đúng? Có phải là dù không bình luận gì nhưng cũng ngầm thán phục, chứ không bỉ bai như “cạn lời”?

Tạm dừng với mẩu đối thoại đáng yêu trên, hãy đọc bài tập làm văn của cậu học sinh cấp 3. Bài này cô giáo chấm 6,5 điểm với lời phê bằng bút đỏ của: “Sợ anh quá! Anh toàn nói những chuyện không tưởng. Nói quá vừa thôi chứ”. Sau khi được đăng tải trên diễn đàn NUE Confessions bài văn bá đạo này đã nhận được hơn 23 nghìn lượt thích, hơn 3 nghìn lượt chia sẻ và gần 4 nghìn lượt tham gia bình luận. Nguyên văn như sau:
 

"Hải Phòng ngày 4 tháng 10 năm 2035

Tuyền thân mến!

Khang đây. Vậy là đã hơn 20 năm rồi kể từ lần cuối chúng mình gặp nhau nhỉ? Sao hôm trước lớp mình họp lớp cậu lại không đi, các bạn đến đông đủ lắm, thiếu mỗi cậu thôi. Bây giờ trông ai cũng xinh và sự nghiệp thành đạt lắm, gặp ngoài đường mà không nhận ra luôn. Trường mình cũng khác xưa nhiều rồi. Mình viết thư này để kể cho cậu nghe về sự thay đổi của trường trung học cơ sở 20 năm qua nhé.

20 năm trôi qua, đủ để cho mỗi người gây dựng cho mình một cơ ngơi vững trãi. Mình cũng vậy, ước mơ nhỏ bé thống trị thế giới của mình đang trở thành hiện thực cậu ạ. Hiện tại tớ đang giữ cương vị làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Bộ giáo dục.
 

Nếu cậu đang thắc mắc sao tớ vừa đẹp trai, thông minh và đa tài như vậy thì đây chính là bí mật mà tớ không thể bật mí. À mà cậu đã lấy chồng chưa? hình như là chưa hả. Tớ thì chủ nhật tuần này lấy vợ thứ 20 rồi, cô ấy 18 tuổi, là người mẫu ảnh, xinh lắm.

À hôm trước ngày 29 tháng 4, Nhi đạp xích lô sang nhà tớ để báo về ngày họp lớp, đang lắm việc nhưng cứ nghĩ đến việc gặp lại các bạn và ôn lại kỷ niệm xưa thì mình gấp luôn quyển sách 'Thôn tính nước Mỹ và cách trở thành bất tử' lại, nhảy lên xích lô để Nhi đèo đến lớp. Ôi, hôm đấy mới có cơ hội để ngắm nhìn con đường đến trường mà ngày xưa mình vẫn đi học.

Đường được làm mới hoàn toàn, những hàng cây phượng vỹ tỏa bóng xanh rờn, bông hoa phượng đỏ tỏa sắc dưới ánh nắng chói chang. Ngắm nhìn mãi mà tự nhiên cái cảm giác nôn nao, bồi hồi của ngày đầu tiên đi học ùa về. Ôi, ngôi trường Hồng Bàng thân yêu gắn bó 3 năm cuối cấp của ta đã thay đổi quá nhiều.

Nhìn từ xa, trường Hồng Bàng trông nổi bật hẳn với những ngôi nhà xây san sát bên cạnh trường, sơn lại màu trắng của hòa bình, của sự to do, bình đẳng, trường được mở rộng lan ra 5.000 m2, trên sân không có một mẩu rác nào cả. Thầy hiệu trưởng cho xây thêm 6 dãy nhà, mỗi dãy có 8 tầng, mỗi tầng được xây 5 phòng học, ở hành lang mỗi phòng học đặt 5 chậu hoa hồng đỏ và trắng, bông hoa nở rộ làm tôn lên vẻ thanh tú của chậu hoa đúc từ bạch kim và đính đá sa-phia đỏ.

Trường còn có sân đá bóng mini đủ rộng cho học sinh chạy vài chục vòng mỗi khi bị phạt, một sân golf với bãi cỏ xanh mướt như trong tác phẩm 'Cảnh ngày xuân' trích từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đặc biệt là bể bơi sâu 25m, thách thức giới hạn của bất cứ vận động viên nào trên thế giới.

Trên mỗi dãy nhà có một khu vui chơi để giải tỏa tâm lý và stress của học sinh mỗi khi bị căng thẳng.

Khu căn tin của trường bây giờ được xây lại, đổi tên thành 'Thiên đường ẩm thực' có từ những món đơn giản như bánh đa, phở cuốn đến những món đặc biệt như thịt sư tử quay và trứng cá hồi và rắc vàng bốn số chín ăn được.

Ở mỗi dãy nhà luôn có thang máy để học sinh leo lên đỡ mỏi chân, trong thang máy luôn có tủ lạnh để thức ăn cho học sinh khi đợi lên lớp và đặc biệt nhất đồ ăn tất cả đều miễn phí.

Ghé tạm vào một phòng học, tớ thấy thiết bị ngày càng hiện đại hơn, phòng có 3 chiếc điều hoà, bàn ghế được làm từ gỗ lim nghìn năm tuổi với chiều rộng chưa từng có và chiều dài chưa từng gặp. Ở cuối lớp là tủ để chứa đồ, mỗi học sinh được phát cho một chiếc Ipad đính chi chít kim cương và một chiếc Ipad 18 được làm từ vàng ròng. Phát triển, hiện đại là vậy nhưng học sinh trong trường vẫn chăm ngoan học hành mà không hề lơ đãng. Ở khuôn viên trường vẫn có những cây xanh tốt, từ cây rau ngót đến cây ăn thịt người thải ra kim cương để giúp học sinh phát triển môn sinh học.

Thấy trường phát triển như vậy tớ cũng thấy vui vì dự án 200 nghìn tỷ đồng cho giáo dục nước nhà mà tớ thực hiện đã giúp trường ta mới, đẹp và có chất lượng tốt như vậy. Mặc dù mọi thứ thay đổi quá nhiều trong 20 năm qua nhưng ngôi trường mà những kỉ niệm khi xưa vẫn ùa về trong tâm trí tớ.

Đang rảo bước trên sân trường lát bạch kim thì bỗng nghe tiếng gọi 'Khang đẹp trai ơi', 'My idol, 'Oppa'… Thoạt đầu cứ tưởng fan hâm mộ của mình nhưng nhìn kỹ thì toàn bọn trong lớp. Trời ơi, thằng Thụ béo ngày xưa giờ đang làm phụ hồ ở trường mầm non nhìn mà mất hết cảm tình.

Thằng Đức, Thịnh, Phùng, Hạnh, Diễm ngày xưa học giỏi nên lúc ra trường bọn nó cùng thành lập công ty hết. Ban đầu phát đạt lắm nhưng về sau cả lũ phải vượt biên chốn nợ. Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ. À, cậu nhớ Nguyệt ngày xưa gầy còm không, bây giờ lớn lắm, 1m70 rồi, làm siêu mẫu cho công ty con của tớ, vẫn dễ thương như ngày nào. Thu thì vừa bay từ Los Angeles về, nghe đồn là tú bà.

À, đúng rồi, còn Nhi nữa. Ngày xưa cao ráo, xinh gái là vậy nhưng do 'ăn mảnh' nên không lớn lên được phân nào. Cường bây giờ nổi tiếng lắm, làm đầu gấu nổi tiếng ở Hải Phòng. Biệt danh là Cường, đi đến đâu người ta cũng kiếng nể.

Đang nói chuyện thì nghe tiếng cô Như: 'Chà! Khang về rồi đấy à, em đi cùng bọn nào đấy'. Quay lại, thấy cô Như mỉm cười rơi nước mắt chạy đến ôm mình. Nghe cô kể Phú và Dũng đều lấy vợ rồi, vợ chúng nó xinh lắm, cô Như cũng được bế cháu rồi. Nói chuyện với cô một lúc mà thấy cô hiền hẳn đi, không như dạo trước. Cả lớp dẫn cô đi chuỗi nhà hàng 18 sao do Hạnh mở. Nói chuyện mãi, đến lúc cô phải về, mọi người đều ứa nước mắt mà tạm biệt cô. Đi đến cổng trường thì gặp cô Hải, cô không khóc mà cô mỉm cười chào đón bọn tớ. Con Bông nhà cô ấy bây giờ lớn rồi, xinh lắm, gần bằng vợ tớ luôn, có con rồi. Bọn tớ về nhà cô ăn bữa trưa rồi đứa nào về nhà đứa ấy.

Thời gian trôi qua nhanh thật đấy. Thấy lâu rồi cậu chưa về. Khi ra tù nhớ về chơi nhé, rồi chúng mình hẹn các bạn vào ngày đẹp trời, lúc đấy chắc chúng mình cũng phải 50 tuổi rồi nhưng tớ sẽ đợi cậu về để thấy sự đổi mới của trường ta. Mong cậu sớm ra tù!

Bạn gần thân,

Khang”.

Y có bình luận gì không? Có chứ. “Quỳ lời”. Thôi thì, đã hết buổi sáng. Đi làm thôi. Lựa nhón thêm một mẩu tin nhắn nữa.

“- Sao?

- Con hỏi mẹ một chuyện nhé?

- Có thắc mắc gì thì hỏi 1080, hỏi tôi làm gì?

- Không phải…

- Có yêu…

- Con chỉ muốn hỏi…

- Hết tiền rồi!

Lời bình: Còn chưa kịp hỏi 2 câu: "Mẹ có yêu con không?""Có thể gửi cho con ít tiền” thì đã bị “mẫu hậu” "bắt bài” ngay lập tức!

Đúng chóc. Đọc xong, y bèn cười. Vui một chút nữa cho đời thêm tươi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.5.2017

 

thi-rieng-NXP-1-R


Chà, ngày trước, dạo đầu năm 2000, y làm việc hào hứng quá. Hỏi đáp Non nước Xứ Quảng, y viết một lèo 4 tập. Hào hứng. Say mê. Sau đó, từ những gì đã viết, y lại triển khai thành chuyên luận Người Quảng Nam. Còn nhớ, lúc đó đã gửi về tặng UBND tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Điều bất ngờ là ông Nguyễn Xuân Phúc - bấy giờ là Chủ tịch tỉnh, nay Thủ tướng Chính phủ - đã hồi âm bằng công văn có đóng dấu treo. Trong đó, câu chót là: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để đồng chí hoàn thành bộ sách”.

Tại sao, sau đó, y không tiếp tục đeo đuổi nữa? Nói ra cũng buồn cười. Rằng, một người con xa quê khi viết về nơi yêu dấu, chôn rau cắt rốn là lúc họ nhớ về quá khứ êm đềm. Nhớ về những tháng ngày hoa niên “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới”. Viết bằng tình yêu chan chứa tự đáy lòng. Không vì mục đích gì ngoài việc thể hiện tình cảm chân thành trên trang viết. Miệt mài. Cần cù. Hào hứng. Và cứ ngỡ như lúc ấy, còn nghe vang vọng bên tai những tiếng nói cười tuổi thơ; còn thấy cả vạt nắng, giọt mưa hiện về trong mắt nhìn; còn nghe mùi biển mặn mơn man trên da thịt…

Vậy, tại sao đề tài này lại không tiếp tục?

Phải nói thật rằng, khi bước ra khỏi trang văn có lúc va chạm với thực tế hằng ngày, tự dưng đâm ra nản quá. Những sự việc tiêu cực, hắc ám đang diễn ra tại quê nhà, cảm thấy bất lực và chán chường. Chẳng hạn, ở quê y có câu: “Quảng Nam ta có đèo Le/ Bà con ta nói cứ đè mà leo’, năm nọ vì thiên tai lũ lụt, màn trời chiếu đất, Nhà nước trợ giúp cho bà con nghèo một số gà để làm vốn, nào ngờ số gà ấy chỉ chạy tọt vào nhà quan chức nọ thuộc xã nọ cùng bà con của ông ta. Rằng, ở quê mẹ của y ở huyện Ái Nghĩa (Đại Lộc), năm nọ có quan chức nọ sinh năm 1967, nhưng chẳng rõ bằng cách nào lại có Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 2 với năm sinh 1956 v.v… và v.v…

Những chuyện thô lậu ấy, mắc dzịch ấy có thể chẳng ghê gớm, to tát lắm, chỉ là "Con sâu làm rầu nồi canh" nhưng lại khiến tâm hồn y chùng xuống. Rồi, bao nhiêu hăm hở về viết về quê nhà đang hào hứng bỗng chìm nghỉm mất tăm. Những vặt vãnh, những vớ vẩn này, tưởng rằng là chuyện của thiên hạ chăng? Y chẳng có liên quan gì sất. Có thể đúng là vậy. Nhưng rồi đối mặt với sự tiêu cực của thời đang sống, nó sẽ tạo ra những gì cho con người ta? Năng lượng vui sống hay tiếng thở dài ngao ngán, bẽ bàng thế thái nhân tình?

Không phải ngẫu nhiên, về cuối đời, sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà trí thức chân chính, với hàng trăm đầu sách hữu ích cho đời sau, ông Nguyễn Hiến Lê cho biết vài suy nghĩ về “Nhân sinh quan”: “Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - NXB Văn Học - 1992 - tr.555). Câu chót, thiết tưởng cũng là tâm niệm, ước mơ của nhiều người cầm bút.

Sáng nay, nghĩ đến một sự kiện liên quan đến quê nhà. Tự dưng lại đâm ra nản thêm một lần nữa. Từ báo chí đến các trang mạng xã hội đồng loạt chia sẻ cấp tập về thông tin của dự án du lịch xâm hại núi Sơn Chà/Sơn Trà. Sự việc này nguy hại nguyên trọng thế nào? Báo chí đã bình luận nát nước rồi. Không nhắc lại.

Trước tình trạng này, cộng đồng người yêu Sơn Trà phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - Green Việt đứng ra kêu gọi mọi người cùng ký tên kiến nghị Thủ tướng xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Bán đảo Sơn Trà theo hướng giải cứu "lá phổi xanh" của Đà Nẵng khỏi bê tông hóa, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân. Tính đến ngày 5.4.2017 đã có hơn 10.000 người ký tên đồng tình.

Báo Tuổi Trẻ ngày 1.5.2017 có đăng tin “Rừng Sơn Trà bị tàn phá qua hình ảnh vệ tinh”. Dù chỉ mấy dòng nhưng lại rất nhiều thông tin: “Hình ảnh Google Map ngày 1.5 cho thấy một khu vực ở phía tây bán đảo Sơn Trà, kế bãi biển Tiên Sa đã 'trụi cây, trơ đất'. Trong khi đó, ảnh chụp từ Google Map trước đó cho thấy khu vực này vẫn còn xanh um. Theo tỉ lệ trên Google Map, phần rừng bị tàn phá chiếm khoảng 1/160 diện tích bán đảo Sơn Trà. Được biết phần rừng bị tàn phá này chính là dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà do Công ty cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư và đơn vị thi công là Công ty TNHH một thành viên 319 Miền Trung (một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng) hiện đang bị đình chỉ”.

Chiều ngày 11.5.2107, trong cuộc họp bàn về vấn đề này, Tổng cục Du lịch thông báo vẫn không thay đổi quy hoạch Sơn Trà, đồng thời khẳng định quy hoạch được làm đúng quy trình. Tuy nhiên, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng không ký tên đồng thuận vì chưa thỏa mãn 4 kiến nghị đã gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 21.3.2017: “1. Tại sao trong bản Quy hoạch Du lịch không tính đến Quy hoạch rừng đặc dụng và đặc biệt là Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học? 2. Trong bản Quy hoạch, vai trò chắn gió bão, phòng chống thiên tai của Sơn Trà là ở đâu, trong khi vai trò này của Sơn Trà là vô cùng quan trọng đối với Đà Nẵng? 3. Tại sao những tác động đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái gần như không được đề cập trong đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch mà vẫn phê duyệt quy hoạch? Trong khi bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát loài voọc chà vá chân nâu ngoài tự nhiên. 4. Tổng cục căn cứ vào tiêu chí nào để xác định các dự án là du lịch sinh thái?”.

Chiều chiều mây phủ Sơn Chà

Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm

Câu ca dao vọng lại nghe rõ mồn một. Vấn đề này sẽ dẫn đến một hồi kết thế nào? Ta hãy chờ xem. Vẫn biết “Ăn theo thuở, ở theo thời”. Đời sống là một sự vận động liên tục, phải có sự thay đổi, không thể cứ khư khư nệ cổ, bám lấy cái cũ dù rằng có lúc đã trở thành truyền thống nhưng nay đã lỗi thời, nếu cần, phải xóa bỏ. Nếu sự xóa bỏ, thay đổi theo chiều hướng tích cực vì cộng đồng, vì môi trường sống thì tốt quá. Đáng vỗ tay hoan nghênh.Nhưng khổ nỗi, có nhiều sự việc lại ngày càng “khác trước” theo chiều hướng xấu đi. Và điều tệ hại này, có ảnh hưởng gì đến mỗi chúng ta không? Chắc chắn rằng có.

Với y, nghĩ về quê nhà, nếu có chăng chỉ là vài ba trang viết, chỉ có thế, chẳng gì to tát, chẳng gì ghê gớm nhưng rồi cũng thấy nản, chứ huống gì những ai nặng lòng cố hương nhiều hơn gấp bội phần. Chẳng lẽ, trước những tiêu cực, nhố nhăng mà cứ bịt tai, nhắm mắt véo von, chìm đắm tâm tưởng về cái thời của nhà thơ Tường Linh đã có? Cái sự có ấy, có thật là còn hay đã mất?

Quê hương tôi bên ni đèo Ải

Nhấp nhô bóng thuyền cửa Đại

Già nua nếp phố Hội An

Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn

Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện

Đêm Đà Nẵng vọng buồn con sóng biển

Bún chợ Chùa, thương nước mắm Nam Ô…

Vì lẽ đó, nghĩ rằng, đã là dân viết lách chuyên nghiệp, cả một đời chỉ kiếm sống duy nhất bằng con chữ, dám nói rằng, viết đề tài gì cũng khó. Nhưng khó nhất vẫn là viết về quê nhà, về nơi nặng nợ kiếp người mà trong lòng còn ngỗn ngang thế sự thì đố ai có thể bình tâm ngồi viết. Khó lắm. Cực khó. Bởi không gì mỉa mai hơn khi nhìn về quá khứ, tự hào với tiền nhân, thiên nhiên vẫn còn thắm tươi đẹp đẽ trong ký ức mà hiện tại đã là một dòng chảy khác. Đã từ lâu, từng tự nhủ, không bàn đến chuyện thời sự nữa. Cho yên thân. Cho nhẹ đầu. Ấy vậy cũng khó nốt. Làm sao có thể dững dưng tìm vui theo trời, trăng, mây, nước... cùng rị mọ chữ nghĩa?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.5.2017

 


truyn-Kiu-2truen_kiedu

 

“Vô phúc đáo tụng đình”, không chỉ tâm lý của người Việt, câu cửa miệng này có tính khái quát dành cho mọi sắc tộc, mọi thể chế chính trị. Bởi vì rằng, bên cạnh những vị quan tòa thanh liêm, cần cân nẩy mực, trắng đen phân định rõ ràng, thời nào cũng có “Con sâu làm rầu nồi canh”, “Xui nguyên giục bị”. Ngày trước, khi vịnh Truyện Kiều, cụ Nguyễn Khuyến hạ bút chua chát, cay đắng: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?/ Thời trước làm quan cũng thế a?”.

Một khi cầm bút, dù là thể loại, đề tài nào đi nữa, người ta cũng gửi gắm tâm sự, tình cảm, ý nguyện của mình trong đó. Có thể nó lồ lộ trên dòng chữ, lại có lúc ẩn náu giữa khoảng trắng của mỗi dòng chữ.

Mấy hôm nay, thú thật, chẳng thiết đọc gì cả. Mọi thông tin trên báo chí, chỉ lướt theo đôi dòng thời sự. Thời gian còn lại, y lại chúi mũi vào Truyện Kiều. Nhẫn nha. Chậm rãi. Đọc như một cách tìm về sự trong sáng của tiếng Việt. Và qua đó, lấy làm ngạc nhiên không rõ vì sao thi hào Nguyễn Du đồng tình về tính cách một vị quan phủ lúc xử án lại có hành vi “chịu chơi” đến thế? Phải chăng cụ gửi gắm lòng tin, ước mơ về lẽ công bằng: “Bên ngoài lý, bên trong là tình” qua nhân vật này?

Rằng, ta hãy quay về lúc ông bố của Thúc Sinh phát hiện ra cậu con trai mình đã mèo mèo mỡ mỡ, chung chung chạ với Thúy Kiều. Trước tình huống này, sự bực mình, bực tức, bực bội ngùn ngụt dâng trào trong tâm trí những người làm cha, làm mẹ là phải thôi. “Phong lôi nổi trận bời bời/ Nặng lòng e ấp, tính bài phân chia”. E ấp trong ngữ cảnh này là e dè, rụt rè, có ý ngần ngại, chưa biết phải quả quyết làm sao cho hợp lý, do đó, Thúc Ông mới “tính bài phân chia”. Không rõ, Thúc Ông suy tính trong bao lâu, câu thơ tiếp nối lại là: “Quyết ngay biện bạch một  bề:/ Dạy cho má phấn lại về lầu xanh”.

Quyết định cứng rắn chia uyên rẽ thúy khác gì bom nguyên tử nổ trên đầu. Đưa Thúy Kiều về lại cái chốn hắc ám mà chàng vừa chuộc nàng ra khỏi? Lập tức, chàng hoảng hốt: “Đánh lời, Sinh mới lấy tình nài thêm”. Dù năn nỉ ỉ ôi, cắn cỏ ngậm vành nhưng ông bố vẫn không thèm nghe, bỏ mặc ngoài tai. Thấy con cứ lải nhải mãi bằng những “lời sắt đá tri tri”, bực lắm, khó có thể nói gì thêm. Vậy nên, “Sốt gan, ông mới cáo quỳ cửa công”. Ông đâm đơn ra công đường, nhờ quan phủ phân xử. Xét ra, giềng mối gia đình, xã hội ngày ấy vẫn đâu ra đó; nay, thời buổi này, có thể Thúc Sinh dẫn Kiều lánh đi chỗ khác chăng? Nếu thế, làm gì nhau?

“Trông lên mặt sắt đen sì”, ấy là hình ảnh nghiêm minh của quan phủ. Sự nghiêm minh, chính trực ấy, khó gì có thể mua chuộc nổi? Có phải thê chăng? Chưa chắc đâu. Lại nhớ đến lúc Hồ Tốn Hiến sau này gặp Kiều: “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Còn điều kiện gì nữa không? Hãy nhớ lại câu thơ của cụ  Nguyễn Khuyến vừa nêu trên. Ở đây, cả hai yếu tố trên đều không xẩy ra. Lúc Trúc Sinh và Thúc Kiều vừa dẫn xác vào, lập tức là một trận mắng phủ đầu: “Gã kia dại nết chơi bời/ Mà con người thế là người đong đưa!”. Thế nào là người “đong đưa” - hiểu theo nghĩa tráo trác, lẳng lơ? Thì đây: “Tuồng gì hoa thải hương thừa/ Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”. Nhớ lại đi, trong Truyện Kiều còn có câu: “Nước vỏ lựu, máu mào gà/ Mượn điều chiêu tập gọi là còn nguyên/ Mập mờ đánh lận con đen/ Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền tiếc chi”.

Hầu hết các bản Kiều trước đây, giải thích con đen, đại khái là dân đầu đen, dân thường, “dân khu khu đen” thật ra, “con đen” ở đây là “con ngươi”. Đánh lừa con mắt nhìn của thiên hạ, chứ không cứ gì dân đen. Mắng mỏ chán chê, phân tích phải quấy, quan tòa bèn xử rằng: “Một là cứ phép gia hình/ Một là lại cứ lầu xanh phó về!”.

Câu thơ trên, không việc gì phải giải thích, rườm tai người khác. Y thích từ “phó”, nay chẳng mấy ai sử dụng nữa. Phó có nghĩa là giao về, ủy cho, trả về, nói rộng ra là chuyển/ trả một vật từ nơi này đến nơi khác; hoặc ủy cho người khác việc gì đó. Có giai thoại, lần nọ, chồng đi vắng, ra chốn công đường gặp lúc có người mang đơn kiện đến, chưa tìm hiểu thấu ngọn ngành, nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quang phê luôn: “Phó cho con Nguyễn Thị Đào/ Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai/ Chữ rằng: “Xuân bất tái lai/ Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!”. Bút phê bằng thơ khiến ta phì cười còn bởi từ “kiếm chút” - tức là cho phép cô Đào được quyền kiếm mụn con để ẵm bồng, nói cách khác, cô được phép ly dị chồng ngon ơ.

Hãy trở lại với Thúc Sinh - Thúy Kiều. Khi nghe quan tòa xử như trên, sức mấy Thúy Kiều chọn “phương án” trở lại cái nơi “Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần”. Nàng quyết không trở lại lầu xanh. Hỡi ôi, lập tức, nàng phải hứng lấy trận đòn ghê gớm. không bút lực nào tả xiết. Thi hào Nguyễn Du không thể đành lòng miêu tả chi tiết, chỉ tóm gọn trong 8 từ: “Đào hoen quện má, liễu tan tác mày”. Tuy nhiên, trận đòn này, so lúc nàng bị Tú Bà ra tay vẫn chưa là “cái đinh” gì: “Uốn lưng máu đổ, giật đầu máu sa”. Còn kinh khiếp hơn nhiều.

Nhìn thấy cảnh tra tấn ấy, đau lòng quá, Thúc Sinh làm gì?

Chàng khóc, nhận lỗi là do mình nên mới xẩy ra cớ sự. Quan phủ động lòng, mới gặng hỏi chi tiết cụ thể ra làm sao v.v… Câu tỉ tê này mới quan trọng, quan trọng nhất của Thúc Sinh, nhờ nó mà chàng đã xoay chuyển tình thế ngoạn mục, bất ngờ: “Sinh rằng: “Chút phận bọt bèo/ Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên”. Ý chàng muốn nói, dù gì đi nữa Kiều cũng là người có học, biết chữ nghĩa, chứ không phải "hoa thải hương thừa". Thoạt nghe, quan tòa đổi thái độ: “Cười rằng: đã thế thì nên/ Mộc già hãy thử một thiên trình nghề”. Hay thật, ngài ra ngay đầu đề là vịnh bài thơ về cái gông (Mộc già).

Lập tức, chỉ trong nháy mắt cô Kiều đã phóng bút cái vèo. Bài thơ làm xong và dâng lên, ngài đọc xong: “Khen rằng: “Giá lướt Thịnh Đường/ Tài này, sắc ấy, nghìn vàng chưa cân”. Lời khen tót vời này, chứng tỏ với ngài, bài thơ của Kiều là tuyệt bút. Nhận xét ấy có thiên lệch không? Còn nhớ, có giai thoại, vua Tự Đức từng khen: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”. Nhận xét ấy có “quá hớp” không? Âu cũng là tâm lý thường tình của con người ta, một khi đã thích, đã mến nhau vì cái tình thì họ có thể dùng những từ cao vời vợi để tụng ca; ngược lại khi đã ghét thì “Ghét cả tông chi họ hàng”. Sự yêu ghét này cảm tính quá đi mất. Cũng chẳng sao cả. Điều này cho thấy vị quan phủ có phẩm chất rất gần với người nghệ sĩ.

Vì lẽ đó, ngài vừa mắng: “Gã kia dại nết chơi bời/ Mà con người thế là người đong đưa”, thế mà ngộ thay, vừa đọc xong bài thơ của Kiều, ngài liền đổi giọng ngọt xớt: “Thật là tài tử, giai nhân/ Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn”. Ngài khen cuộc nhân duyên của họ rất xứng đôi. Rồi quay sang bảo Thúc Ông: “Ðã đưa đến trước cửa công/ Ngoài thì là lý, song trong là tình/ Dâu con trong đạo gia đình/ Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong!”. Rõ ràng, “Miệng nhà quan có gang có thép”, chỉ một, hai câu nói mà sự việc đã xoay chuyển hoàn toàn trái ngược.

Nếu chỉ dừng lại ở đây, vị quan này cũng như bao người cầm cân nẫy mực khác, y dài dòng nhắc đến làm chi. Nào ngờ, ngài xứng danh là “dân chơi” thứ thiệt, thuộc hạng vô tiền khoáng hậu bởi lẽ: “Kíp truyền sắm sửa lễ công/ Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao/ Bày hàng cổ xúy xôn xao/ Song song đưa tới trướng đào sánh đôi”. Ngài truyền lệnh sắm sửa lễ vật, cho kết kiệu hoa, có đánh trống, thổi sáo, rước dâu đi nhanh trong đêm…

Kết quả tốt đẹp, bất ngờ này có được cũng từ tài thơ của Kiều mà ra. Vinh dự thay cho sứ mệnh của thơ. Liệu trên đời này, có vị quan phủ nào tốt tính và mê thơ đến thế không?

Chẳng nên đặt câu hỏi ấy, biết đâu là ước mơ, sự khao khát thầm kín mà thi hào Nguyễn Du đã gửi gắm qua nhân vật này thì sao? Suy luận rằng, sau khi đã trải qua bao thăng trầm, chênh vênh ghềnh thác, đã từng “Khi xưa phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”… bậc thi hào càng thấm thía, cay đắng thốt lên tiếng kêu uất nghẹn từ trong cổ họng: “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Nỗi sợ hãi, ám ảnh còn là “Vô phúc đáo tụng đình” nào của riêng ai, nhất là những kẻ thấp cổ bé miệng. Không thể tìm trong đời thật một vị quan: “Ngoài thì là lý, song trong là tình” nên khi đọc Thanh tâm tài nhân, lấy cảm hứng viết thành Truyện Kiều, bậc thi hào vẫn cố tình giữ lại chi tiết trên?

Xưa nay, nhiều người đã nghiên cứu Truyện Kiều, hầu như ít ai thắc mắc, duy có nhà thơ Tản Đà ứ chịu, quyết cãi cho bằng được: “Như quan phủ có rộng lượng thời tha cho đã là tốt; không lẽ lại vì những kẻ bị kiện mà làm lễ cưới hộ cho? Huống “phủ đường” đó, một ông quan “mặt sắt” đâu có “kíp truyền” nhảm như thế? Mà theo lẽ cũng không truyền cho nha thuộc “sắm lễ” như thế được. Cho nên theo ngu ý riêng nghĩ, bốn câu này (“Kíp truyền sắm sửa lễ công/ Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao/ Bày hàng cổ xúy xôn xao/ Song song đưa tới trướng đào sánh đôi) chỉ riêng cắt bỏ…”.

À, nếu cắt bỏ 4 câu thơ trên, từ câu thơ: “Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong” làm sao nối vần vơi câu kế tiếp: “Thương vì hạnh trọng vì tài”? Thi sĩ Tản Đà đề xuất “phương án” đổi chữ “xong” ra chữ “xuôi”, sẽ nối đúng nhịp với chữ “tài” ngay câu kế. Kể ra cũng là cái thú lúc đọc những bài viết của các nhà thơ bình thơ, dịch thơ… Họ có cái nhìn khác biệt, dù liều lĩnh nhưng vẫn là một sự phá cách hơn cách nhìn mô phạm, chỉnh chu của các nhà nghiên cứu phê bình. Đọc như thế mới thích, mới thấy được sự tri âm, tri kỷ của những con người chung nghiệp chướng: làm thơ.

Có lẽ cũng nên lan man thêm một chút về chữ nghĩa, qua lời bình của Tản Đà. Câu thơ Kiều: "Giọt sương treo nặng, cành xuân la đà”. Có bản ghi “Giọt sương tríu/đeo/gieo nặng”. Vậy chọn từ nào đắc giá hơn? Thật bất ngờ, Tản Đà tán thành “Giọt sương chíu nặng” và bình: “Chíu có nghĩa là treo bám váo đó mà làm cho ra nặng. Chữ này các bản để là “gieo” hay “đeo” đều không sành nghĩa; duy bản của ông Hồ Đắc Hàm để “chíu” thực tình đúng hơn. Nhân đây xin phụ ghi một câu cũng nói về chữ “chíu”. Trong bài Trường hận ca có câu: “Lê hoa nhất chi xuân đới vũ”, tôi có dịch là: “Cành lê hoa chíu, giọt mưa xuân đầm”, thường riêng lấy chữ “chíu” làm đắc ý; nay được coi thấy chữ này ở trong bản của cụ Hồ, khôn xiết vui mừng trong việc văn”.    

Sự khoái trá này của Tản Đà, tưởng chừng như vẫn còn nghe văng văng tai mà dứt câu có lẽ kèm theo tiếng “khà” bởi người xưa vừa tợp xong một ngụm rượu cuốc lũi đó chăng?

Trời đang ngã dần về chiều. Lại một một ngày chóng vánh đi qua. Chẳng lẽ cứ giết thời gian bằng cách gõ phím mãi sao? “Gió lùa gian gác xép/ Đời tàn trong ngõ hẹp”. Câu thơ Vũ Hoàng Chương vọng về một tiếng thở dài buồn não ruột. Không dám đọc nữa, sợ cái nỗi u ám, bi quan ấy ám vào người thì khốn. Chi bằng, đọc lại câu thơ lúc Thúc Sinh và Thúy Kiều rời phủ đường về chung sống, có phải tốt hơn không: “Huệ lan sực nức một nhà/ Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa/ Mảng vui rượu sớm trà trưa/ Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh”.

Sống trên đời, ai lại không mơ ước có được hạnh phúc bình dị đó?
 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.5.2017

 

20170207150529-thu-uyen-le-minh-quoc-ghe

 

Rằng, nên nghĩ về sự tốt đẹp, hướng thiện mỗi ngay vẫn đang hiện diện quanh ta, lấy đó làm niềm vui là lẽ tất nhiên. Nhưng nhố nhăng này nọ, hãy tin rằng chỉ là cá biệt. Riêng lẽ. Không trở thành phổ biến. Nếu không, tính cách người Việt ngày càng xấu đi à? Không đâu. Hãy cứ tin là thế.

Lâu nay, khi bàn về môt vấn đề thời sự, y không có khả năng vì chẳng đầy đủ thông tin. Khó có thể biết nội tình cụ thể nên ít dám “Đánh trống qua cửa nhà sấm”, chỉ lẳng lặng đọc/nghe và không há mồm ra bình luận điều gì. Ừ, cứ thế, cho nó lành. Mối quan tâm của y không ở đó. Mà ở chuyện chữ nghĩa, tìm hiểu tiếng Việt như đã từng mê đắm trong vòng mươi năm trở lại đây.

Sáng hôm nay, có báo đưa tin về kỷ niệm 199 năm ngày sinh của Karl Marx (1818-1883). Trong bài Tinh thần Prometheus của Karl Marx, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Và nói tới Marx, tôi nhớ tới Prometheus, vị thần trong thần thoại Hy Lạp đã lấy lửa của Zeus, chúa tể của các vị thần trên đỉnh Olympus, đem lại cho loài người. Vì hành động đó, Prometheus đã bị Zeus xiềng vào vách núi cho chim ưng mổ ngực ngày ngày. Nhưng Prometheus kiêu hãnh không chịu khuất phục Zeus. Karl Marx thời trẻ đã khâm phục vị anh hùng văn hóa này của loài người. Ông đã đề từ bản luận án tiến sĩ của mình bằng bốn câu thơ trong bi kịch Hy Lạp viết về Prometheus để nói lên chí nguyện đời mình:

Hãy nên biết đừng hòng ta chối đổi

Kiếp nô tỳ để bớt nỗi đau thương

Thà cột ta vào vách đá cùm gông

Còn hơn sống làm tôi trung cho Zeus”.

Đoạn này trích lại từ báo Tuổi Trẻ số ra ngày 5.5.2017. Chi tiết trên có thật hay không, y chưa từng biết đến nên chép lại là vậy. Đọc xong, cảm phục cho ý chí, chí nguyện kiên gan, bền bĩ của một con người. Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 42 năm ngày tờ báo Sài Gòn Giải phóng phát hành số báo đầu tiên. Vốn là cộng tác viên thân tín lâu năm, do đó, Ban viên tập báo đã nhắn y viết đôi lời. Sáng nay, đọc lại bài báo đã in, lập tức y nhìn xuống bàn tay mình và tự hỏi rằng, với mười đầu ngón tay gõ phím, y đã cộng tác bao nhiêu tờ báo - kể từ thời sinh viên đến nay? Thật khó có thể nhớ hết nổi và nhất là chẳng thể biết đã viết, đã in bao nhiêu bài báo? Nghĩ ngợi lẫn thẫn rồi tự cười một mình. Cười một mình cũng là một cách tìm lấy niềm vui cho mình, cần gì phải chờ tác động từ phía bên ngoài.

Trưa về nhà, đường phố vẫn đang nhộn nhịp. Nắng vẫn chói gắt. Trên đường về ghé chợ mua vài ký gạo Nàng thơm chợ Đào. Lâu nay, mẹ y chỉ chọn loại gạo này. Bà cụ luôn giữ trong ví nhỏ cái cacvidit của người bán hàng, khi cần, chỉ biểu con bằng giọng nói phương ngữ Quảng Nam: “Con gụa điện thụa mua cho mẹ vài ký gộ Nèng Hương chợ Đồ”. Y a lô là có người giao ngay tận nhà. Nhờ vậy, y mới biết đến loại gạo này. Biết thì biết vậy, làm sao có thể giải thích “Nàng thơm chợ Đào” cụ thể ra làm sao?

May quá, sáng nay vừa mua tập sách Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ (NXB Văn hóa -Văn nghệ), thật lạ lùng, lật ngẫu nhiên lại đúng ngay trang 125.Trang này, nhà nghiên cứu Hùynh Công Tín giải thích Nàng Thơm: “là giống lúa mùa đặc sản được trồng và làm nên thương hiệu danh tiếng “Chợ Đào” là Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Như vậy địa danh Chợ Đào vốn là một tổ hợp từ ghép chỉ một cái “chợ”, có vị trí nằm bên con kinh “đào”, thuận cho ghe, xuồng đến nơi đây để trao đổi, mua bán. Một danh ngữ “chợ đào” đã trở thành địa danh “Chợ Đào” dùng để định tính cho nông sản, đó là con đường hình thành địa danh “Chợ Đào” và thương hiệu “Nàng thơm chợ Đào”.

Cách giải thích này thuyết phục lắm. Lan man đọc tiếp lại thấy có cách giải thích khác về lý do tại sao trong Nam chỉ gọi anh Hai, chứ không anh Cả như ngoài Bắc? Theo ông Tín: “Có người cho rằng, xuất phát từ hiện tượng Nam tiến của cư dân Việt xưa, nhiều gia đình Bắc Trung bộ để “Cả” ở lại chăm nom phần còn lại của gia đình, nên số những người con tiên phong vào Nam không có “thứ cả”. Từ đó, để ghi nhớ “thứ cả” còn ở lại, hoặc để vinh danh người con tiên phong vào Nam mà họ có thói quen không đặt “thứ cả” cho người con đầu lòng (đầu tiên). Như vậy, anh Hai trong cách nói Nam bộ là anh Cả, còn anh Hai trong cách nói Bác bộ, nếu tính thứ bậc là con thứ hai” (tr.205). Thoạt nghĩ, cách giải thích này, hoàn toàn suy luận/suy diễn khó thuyết phục.

Phải chăng khi xét về cách gọi này phải bắt đầu từ tâm lý kiêng dè con cọp mà cư dân đã tôn lên làm “Ông Cả”? Đọc một quyển sách, đôi lúc “cãi” lại với tác giả cũng là một cách đọc. Đọc rồi tự cãi bằng cách ghi thêm đôi dòng bên trang sách. Những dòng đó, về sau, có lúc đọc lại sẽ gợi nhớ lại khoảng thời gian mà mình đã đọc, âu cũng là một cái thú tao nhã vậy.

Sở sĩ chiều này, nhắc đến Nàng Hương chợ Đào bởi nhớ mẹ. Điều thú với y, còn ở chỗ bà con Nam bộ gọi gạo bằng từ “nàng” nghe ra thân thương, thân mật lắm lắm. Này, thuở nhỏ đi học, ai lại không nhớ câu ca dao: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Lúa chiêm là lúa gì vậy?

Trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết: “Xứ Thuận - Hóa nhiều ruộng chiêm, ít ruộng mùa. Lúa chiêm gọi là mùa chính (lúa mùa), lúa mùa thu gọi mùa trái”; và: “Có thứ lúa được gọi lúa chiên (hay lúa chiêm), hạt thóc thô mà màu sắc đỏ, cứ đến tháng 10 thì cấy, đến tháng 3 năm sau thì thu hoạch”. Như vậy, lúa chiêm là lúa Chiêm/lúa Chăm mà người Việt tiếp cận được trong quá trình mở cõi về phương Nam.    Suy luận này không phải tàm xàm, vô căn cứ. Tất nhiên, không chỉ thêm giống lúa mới, người Việt còn học của người Chăm cách là nước mắm. Sự giao thoa văn hóa còn ở lời ăn tiếng nói nữa.

Với nhiều người, khi nâng chén cơm lên là nhớ đến mẹ. Y cũng thế thôi. Bạn thơ Nguyễn Thái Dương lại khác: “Nâng chén cơm lên, đã thấy bóng cha rồi/ Cái hình bóng bên nương còm cõi ấy”. Câu thở mở ra một hình ảnh xa xăm, rười rượi nỗi niềm. Có lẽ bài ca dao hay nhất, tuyệt đỉnh trong tàng văn hóa dân gian Việt Nam nói về nghề làm nông chính là bốn cấu này: “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Nhiều tài liệu đã chứng minh là thơ của một thi nhân đời Đường bên Trung Quốc. Cũng chẳng sao cả, chỉ khi dịch sang thể thơ lục bát của người Việt, bằng tiếng Việt thì nó mới có sức sống tồn tại ngàn đời trong tâm thức người Việt. Truyện Kiều cũng là một thí dụ. Nếu thi hào Nguyễn Du không buồn ghé mắt đến, chắc chắn Thanh tâm tài nhân chỉ là viên gạch thô, mộc đã chìm vào lãng quên từ đời tám hoánh.

Viết đến đây, đã nghe từ không trung vang vọng tiếng sấm sét đùng. Sắp có mưa chăng? Vâng, ngoài trời đã bắt đầu mưa. Lại nhớ đến những ngày xưa, y cũng có đôi có đũa như ai: “Em ngồi nhặt thóc đăm chiêu/ Hạt gạo trắng giữa xiêu xiêu nắng vàng/ Mượt mà mười ngón tay ngoan/ Cũng như em lúc dạo đàn ghi-ta/ Cầm chén cơm gạo trắng ngà/ Dẻo thơm muôn hạt hiết là cậy em/ Làm sao anh có thể quên/ Dáng ngồi của mẹ là em bây giờ?/ Khi anh đắm đuối với thơ/ Đêm đêm cắm bút... mộng mơ với đời/ Thì em chẳng nói nhiều lời/ Chỉ im lặng một chỗ ngồi sau anh/ Mắt sâu thẳm vẫn long lanh/ Thức cùng trang giấy - hoá thành ánh sao/ Là tình yêu của em trao/ Lặng thầm như mẹ bạc đầu lo toan/ Em nghiêng xuống ngọn đèn vàng/ Tóc mai sợi ngắn ngổn ngang sợi dài/ Thủy chung năm tháng hao gầy/ Bao dung như mẹ rót đầy đời anh”. Bài thơ này, y viết vào năm 1987.

Đến một tuổi nào đó, một hoàn cảnh nào đó, lúc đơn độc đối diện với mưa, người ta lại nhớ về năm tháng xa xưa mà nỗi nhớ êm đềm nhất vẫn là bữa cơm chiều quây quần cùng người thương yêu nhất. “Bây giờ, ngoài trời đang mưa rồi đó Q?”. Vâng, đang có một chút bùi ngùi trong khóe mắt…

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.5.2017

 

cac-em-hoc-sinh-than-men


Người Việt nặng về cái tình. Lấy đó mà cư xử trong nhiều mối quan hệ, dẫu rằng, đôi lúc phải là lý nhưng rồi cái tình lại chen ngang chi phối. “Một bó lý không bằng một tí tình”. Ưu cũng đấy mà khuyết cũng đấy. Do đó, không phải ngẫu nhiên, khi phán xét một tác phẩm nghệ thuật, người ta phê bình về chuyên môn nhưng lại nhìn từ phía cái tình đã đối đãi với nhau. Từ điểm xuất phát đó, sự khen chê khó có thể chính xác.   

“Ủa, sao hôm nay lại bàn về chuyện này hả Q?”.

Nghe y hỏi, y bèn trả lời rằng, vì mới đây nhận được mấy trăm câu thơ lục bát của nhà thơ nọ bình về 320 văn thi sĩ Việt Nam. Nhìn qua email cùng “cc” đã thấy thiên hạ khen ngợi ngất trời, vỗ tay tán thưởng ầm ĩ cả lên. Người viết là nhà thơ ở phía Bắc, tương đối có tên tuổi. Đọc xong bèn, nhận ra rằng, ngay cả những người sống bằng chữ nghĩa thanh cao là thế nhưng rồi cũng… ganh ghét, tị hiềm như ai.

Lạ chưa? Không có gì lạ.

Phải nói thật rằng, bên cạnh nhiều tính tốt, người Việt còn có không ít tính xấu. “Trâu buộc ghét trâu ăn” là một thí dụ. Thấy người khác thành công hơn, giàu có hơn mình bội phần, lập tức ganh ghét, quyết tìm cách “dìm hàng” cho bằng được. Thành ngữ có câu: “Giàu điếc, sang đui”, nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích: “Hễ giàu lên thì ai cũng hay mắc chứng điếc lác (cho dễ bề bỏ ngoài tai mọi lời nài xin cứu giúp); hễ sang lên thì ai cũng  hay mắc chứng đui mù (để dễ bề làm ngơ trước mọi lời cầu xin” (Từ điển tục ngữ Việt - NXB TH.TP.HCM - 2010, tr.399). Suy nghĩ lệch lạc này là một sự hồ đồ nhảm nhí. Nó hình thành từ sự tị nạnh, ganh ghét mà ra. Nhìn ở một góc độ khác, theo y, câu thành ngữ trên còn là lời nguyền rủa: Hễ ai giàu (thì) điếc, sang (thì) đui. Hậm hực rủa thầm cho bỏ ghét. Rủa như thế để rồi tự an ủi, đại khái rằng thì là mà dù nghèo kiết xác, nghèo rớt mồng tơi, nghèo te tua xơ mướp  nhưng vẫn còn phúc hơn kẻ giàu sang đó vạn lần!

Tâm lý này đã ăn sâu vào máu thịt người Việt hàng ngàn năm rồi, đến lúc nào đó cũng phải tẩy/gột sạch đi thôi. Không phải ngẫu nhiên có chuyện hài hước là lúc dăm người cùng bị té xuống hố sâu, thay vì cồng kênh cho kẻ khác đứng trên vai mình leo lên miệng hố, sau khi leo lên được, kẻ đó tìm  cách kéo mình lên thì người ta chọn cách khác. Cách gì? Hễ ai cố gắng leo lên thì những kẻ còn lại cố sức níu xuống, té oạch luôn cho bõ ghét để cuối cùng... chết chùm cả lũ!

Khi tập thơ vịnh Chân dung nhà văn của nhà thơ Xuân Sách ra đời, nhiều người xúm vào khen và mạnh dạn cho rằng, đó mới là tác phẩm “để đời” của ông. Thật ra, cái sự khen ấy không đáng tin cậy, bởi lẽ nó xuất phát từ sự yêu ghét cá nhân mà ra. Có thể do tác giả cà khịa nhà thơ X, nện nhà văn Y, báng bổ nhà viết kịch Z mà nhiều người ghét X, Y, Z quá, thấy nói đúng ý, thế nên họ lại xúm vào khen không tiếc lời. Thật ra, khi vịnh/bình về một nhân vật nào cũng chỉ là góc nhìn riêng tư của tác giả đó. Góc nhìn đó được khen/ chê còn tùy thuộc vào sự yêu thích rất cảm tính của người tiếp nhận. Vậy sự bình phẩm một tác phẩm nếu xuất phát từ tâm thế đó, có đáng tin cậy? Quyết là không.

Sở dĩ nói rạch ròi vì y rất quý, kính trọng nhà thơ Xuân Sách, ông đã mất, đã từng có thời hàn huyên với nhau tâm đắc. Tuy nhiên, mỗi người một cảm nhận và đều bình đẳng lúc tiếp cận một văn bản là vậy.

Nhật ký hôm nay dông dài chuyện này, bởi lẽ, nếu một loạt chân dung nhà thơ đương đại của nhà thơ nọ phổ biến rộng rãi, e rằng, không ít bạn đọc có cái nhìn méo mó về các nhà thơ mà họ đã từng yêu mến. Việc làm này ích gì cho văn học? Qua vụ việc này, và nhiều vụ việc khác, dễ dàng nhận ra một tâm lý chung hiện nay, đã dần dần hình thành cái thói là cho mình được quyền trịch thượng phán xét, chê bai người khác. Lạ lùng cho cái thời buổi rất hiếm tiếng vỗ tay, lời khen ngợi chân thành, chúc mừng vì sự thành công của người khác. Do đâu?

Mà thôi không bàn chuyện này nữa. Đọc vè có phải hay hơn không? Đọc gì? Đọc rằng:

Vân Tiên cõng mẹ đi ra

Gặp phải cột nhà cõng mẹ đi vô

Vân Tiên cõng mẹ đi vô

Gặp phải cái bồ cõng mẹ đi ra

Đây là một cách nhại theo lối thể hiện của ca dao: “Con  kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cộc leo ra leo vào/ Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cộc leo vào leo ra”. Do sự nối vần, bắt vần của thể thơ 6/8 người ta có thể đọc đi đọc lại rất nhiều lần vẫn không trật nhịp. Dù đọc một hoặc nhiều lần đi nữa, ta thấy hiện lên rất rõ sự tù túng, lúng túng, quẩn quanh, cù nhầy chẳng ra đâu vào đâu, cứ lộn vòng lộn vèo rồi trở lại điểm xuất phát ban đầu. Thế có chán không? Sao lại không?

Vân Tiên cõng mẹ đi ra

Gặp phải cái bồ cõng mẹ đi ra

Ngày nay, mấy ai còn nhìn thấy cái bồ, nếu không sống ở nông thôn. Cái từ “bồ” này nghe thân thiện lắm. Thử khảo sát từ ca dao, tục ngữ chăng? Nên lắm vì ít ra cũng là một cách tìm về di sản của cha ông: Bảy bồ cám, tám bồ bèo; Em khôn em ở trong bồ/ Chị dại chị ở kinh đô chị về; Mẹ đẻ em ở trong bồ/ Anh nghĩ con chuột anh vồ đứt đuôi; Dốc bồ thương kẻ ăn đong/ Vắng chồng thương kẻ nằm không một mình; Bố chồng là lông chim phượng/ Mẹ chồng là tượng mới tô/ Nàng dâu là bồ chịu chửi; Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm… Nói tắt một lời, bồ là dụng cụ đan bằng tre, bằng nừa để chứa đựng vật liệu gì đó.

Lâu nay cứ tài lanh, cứ nghĩ đã hiểu lắm về tiếng “bồ” lắm. Vì thế mới quả quyết, từ “bịch” trong cụm từ “bồ bịch” mới có sau này thôi, chứ trước đó, chưa xuất hiện. “Bồ bịch” là chỉ người yêu người thương cùng yêu dấu nồng nàn; lại có thêm “bồ tèo” là chỉ bè bạn thân thiết, thân mật, bằng vai phải lứa, bù khú cùng nhau. “Bồ nhà” là củng phe, cùng nhóm.

Có thật bồ bịch chỉ mới xuất hiện chừng nửa thế kỷ nay? Nhầm rồi đó cưng. Bằng chứng ca dao có câu: “Bởi anh mới chăm việc canh nông/ Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài”. Hơn nữa, bồ cũng na ná bịch - một thứ bồ to nên gọi chung bồ bịch là vậy. Thế là hết cãi nhé. Mà từ bồ này, nào ngờ trước kia còn chỉ con voi, ban đầu ngờ ngợ nhưng  sực nhớ có con bồ tượng mà lâu nay đã quên. Ngày xưa, vật dụng ăn uống thường ngày của người việt còn có “bát chơn tượng”, tức loại bát to, lớn bằng chân voi. Thớt tượng là thớt voi.

Vân Tiên cõng mẹ đi ra

Gặp phải cái bồ cõng mẹ đi ra

Tại sao cứ mãi lòng vòng, lèo vèo với hai câu này? Đơn giản chỉ vì trưa nay đọc bài Chương trình mới: Lớp 1 sẽ học thế nào? trên báo Tuổi Trẻ. Cứ theo như bài báo này: “Nếu đề xuất của GS Nguyễn Minh Thuyết (tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới) và ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được chấp thuận, thì chỉ còn hơn một năm nữa 100% học sinh vào lớp 1 năm học 2018-2019 sẽ học chương trình mới”. Các em sẽ học 2 buổi/ ngày. Xin hỏi, phương pháp học có gì thay đổi?

capture-jpg-1493864021

“Hệ thống môn học theo dự kiến điều chỉnh: Toán (105 tiết); Tiếng Việt (420 tiết); Giáo dục lối sống (70 tiết), Cuộc sống quanh ta (70), Giáo dục thể chất (70 tiết); Nghệ thuật (70 tiết), Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (105 tiết), Tự học có hướng dẫn (140 tiết), Tiếng dân tộc, nội dung giáo dục địa phương - tự chọn (62 tiết); Thế giới công nghệ (35 tiết). Hướng điều chỉnh: bỏ môn Thế giới công nghệ, tổng số tiết học còn dưới 30 tiết/ tuần”.

Thoáng nghĩ, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo rất gần với nhau, nói nôm na đó là trang bị kỹ năng sống cho trẻ. Sao lại phân chia ra làm gì chi li đến thế, bởi làn ranh của nó mong manh lắm. Có nên chăng? Để xem “cải cách” lần này sẽ thế nào đây? Cũng trên số báo này, có bài Tiếp tục câu chuyện "Nghỉ học phổ thông để tự học ở nhà": Trường học và bài giảng vẫn là lý tưởng nhất!

Đành rằng là thế, nhưng không khéo lại tiếp tục diễn ra Sự phản ứng với nền giáo dục nước nhà - như lời cảnh báo của cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp (nguyên tổ trưởng tổ văn Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM): Câu chuyện “Nghỉ học ở trường phổ thông, tự học ở nhà” cho thấy quan niệm về tầm quan trọng của trường lớp giờ đã phai nhạt dần. Cách chọn lựa của gia đình em Thái Anh và Nhật Anh như một sự phản ứng với những bất cập của nền giáo dục nước nhà.

Là một giáo viên, tôi cũng thừa nhận là việc học của học sinh hiện nay nặng nề quá, vất vả quá. Học sinh phải “khổ học”, nên thiếu đi niềm vui cũng như sự đam mê trong học tập. Tôi có một học sinh cũ, hiện em đã du học nước ngoài, em đã nhiều lần than thở với tôi rằng: “Khi du học, em mới thấy mình thiếu nhiều kỹ năng: từ kỹ năng hợp tác đến kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phát biểu trước đám đông...”.
Nếu nền giáo dục nước nhà không có sự chuyển mình thì việc cho con tự học ở nhà sẽ thành trào lưu chứ chẳng chơi”.

Trời đã chiều. Một ngày đang cạn dần. Thôi thì gõ thêm vài dòng nữa, chọn từ sách giáo khoa Tập đọc lớp Nhất in năm 1966, đặng nhớ về thuở y là học trò lớp 1, đã từng học trường Nam Tiểu học (nay trường Kim Đồng) ở Đà Nẵng. Thời ấy, trong sách giáo khoa do Bộ Giáo dục miền Nam biên soạn, in ấn luôn có dòng chữ khó quên. Trẻ em như tờ giấy trắng. Dấu nhớ đầu đời, định hình nhân cách, tình yêu sách/sách giáo khoa cũng từ đây mà ra:

“Các em học sinh thân mến,

Chắc các em thấy quyển sách này được in đẹp đẽ, tranh vẽ và bài soạn công phu, khiến các em vui thích ham học. Các em hãy nâng niu nó:

- Tay các em có sạch sẽ, các trang sách mới không bị các vết bẩn cả mực, bụi bặm hoặc mồ hôi.

- Nên lật mở các trang cho thong thả, đừng để sách bị ai giằng co làm rách nát hoặc cuốn góc. Nếu cần đánh dấu trang thì dùng một miếng giấy cứng nhỏ hoặc một cái tăm sạch; đừng gấp nát trang giấy.

- Sách này còn dùng cho các niên học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy bạ. Các em đừng ghi chú gì vào sách. Nếu cần lắm chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau đó tẩy đi (ví dụ như trong sách Toán).
Trong nhà, các em nên có chỗ để sách cho ngăn nắp, đừng vứt bừa bãi, cũng đừng ấn nhét bừa đầy cặp khi đi học, mà phải để cho ngay ngắn, tươm tất như thế sách mới lâu hỏng.

Giữ sách được sạch sẽ, nguyên lành, các em sẽ tự hào là học sinh ngoan, làm vui lòng thầy, cô, và nhất là tránh được cho các em dùng sau khỏi bực mình vì sách bẩn hoặc hư, rách”.

Năm tháng đã xa. Xa lắm rồi. Nay, trong nhà đã có hàng ngàn quyển sách. Hãy nhớ lời dặn dò này nhé cưng?

Dạ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 12 trong tổng số 58