Những ngày này, có gì khác lạ? Không. Vẫn thế. Mở mắt ra, nếu đọc báo chí, lướt web thì y như rằng, khó có thể nén tiếng thở dài. Một và nhiều sự kiện đang diễn ra từng ngày, dù có bình tâm, có lạc quan, có yêu đời đến mấy thì con người ta cũng cảm thấy mệt mỏi. Chán chường. Bẽ bàng. Và lại tự nghĩ, phía chân trời có còn ánh sáng? Đừng quá đỗi bi quan. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Những tăm tối, bùng nhùng, lằng nhằng rồi cũng sẽ đi qua. Hãy tin là thế.
Trước một thực tại u ám, bao giờ, con người ta cũng có sự chọn lựa để vui sống. Từ năm 2012, trong trường ca Hành trình của con kiến, y đã có sự lựa chọn: “như chọn một thói quen/ để ảo tưởng về vòm trời xanh/ chim vẫn hót tuyết vẫn rơi hoa vẫn nở/ người vẫn sống vẫn yêu vẫn thở/ nắng vẫn hồng/ người vẫn người huýt sáo thong dong/ ca ngợi rằng cuộc đời vẫn đẹp/ vâng, cuộc đời vẫn đẹp/ vậy buồn làm chi?”.
Đã tự nhủ, nhưng rồi không thể dưng dưng với một vài thông tin đang rất thời sự. Ngày 8.6.2017, báo Tuổi Trẻ có in bài gây chấn động dư luận: “Bên trong sân golf Tân Sơn Nhất có gì?”. Thật ra, từ lâu vấn đề xây dựng sân golf đã từng dấy lên dư luận với rất nhiều tranh cãi. “Năm 2011, Báo Thanh Niên đã có loạt bài phân tích rất kỹ về những hệ lụy của dự án sân golf Tân Sơn Nhất nhưng sau đó, dự án này vẫn được tiến hành xây dựng” - đó là chapeau của bài “Sân golf Tân Sơn Nhất uy hiếp an toàn bay” đăng báo Thanh Niên sáng nay.
Cũng trên số báo này, chuyên mục Chào buổi sáng gọi đó là "Dự án bí ẩn" với thông tin cực kỳ bí ẩn: "Lật lại “lịch sử” dự án sân golf Tân Sơn Nhất, bất cứ ai cũng không khỏi kinh ngạc về sự kín tiếng đến mức bí ẩn của nó. Dự án được nghiên cứu từ năm 2006, phê duyệt năm 2007, nhưng tới năm 2011 mới được công bố. Suốt 5 năm đó, không ai biết về dự án này, kể cả những người làm trong ngành hàng không và những người sống cạnh sân bay, những đối tượng trực tiếp liên quan đến dự án. Ngay khi công bố, dự án vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận nhưng một lần nữa, dự án lại rút vào vòng bí mật. Đến nay, sau 6 năm kể từ khi công bố, rất nhiều hạng mục được xây dựng như nhà hàng, khách sạn, khu tiệc cưới, biệt thự, sân golf... nhưng hầu như không có thông tin nào lọt ra ngoài".
Đọc bài báo trên, suy nghĩ với phát biểu của PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM: “Việc Bộ Quốc phòng cho phép công ty tư nhân hợp đồng kinh doanh trên đất sân bay và việc Bộ GTVT cũng như quy hoạch của Cục Hàng không khi mở rộng sân bay đều nhất quyết “né” sân golf là biểu hiện của những hành vi không ngay ngắn. Đất sân bay là phải làm nhiệm vụ phục vụ sân bay; an ninh quốc phòng cũng phải cho sân bay. Đằng này lại mở ra một khu vui chơi giải trí xa xỉ không phù hợp với đời sống người dân. Khi dân cần, nước cần lại không chịu thu hồi thì lý do ở đâu? Lợi ích ai hưởng? Tất cả thể hiện ý thức kém của các cán bộ thực thi thể chế, tầm nhìn hạn hẹp, đặt quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của dân, của nước”.
Đọc và đau.
Trước đó, trên báo Tuổi Trẻ ngày 11.6.2016, đồng nghiệp Bùi Thanh đã viết sổ tay “Từ chuyện sân bay - sân golf: Cái gì nặng hơn lòng dân?”. Ngắn, gọn, sắc lẹn từng chữ:
“Hơn 4.500 ý kiến bạn đọc dội về tòa soạn Tuổi Trẻ mấy ngày qua. Và rất nhiều cuộc điện thoại gọi vào đường dây nóng của báo. Các ý kiến ấy đều lên tiếng một chuyện thôi: sân golf Tân Sơn Nhất!
Và họ đã bỏ phiếu chống.
Chuyện không phải bây giờ. Câu hỏi cử tri cứ vang lên ngày càng gay gắt mỗi khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM sắp họp, rồi họp xong.
Nhưng câu trả lời hình như vẫn nằm đâu đó trong sân golf mênh mông.
Sân golf mênh mông 157ha đó, chỉ cho vài trăm người chơi. Những biệt thự, cao ốc sắp mọc lên đó, cho mấy trăm người ngụ. Lợi nhuận đó, cho 1, 2, 3, 4 người và lợi ích đó cho những “nhóm lợi ích”…
So được không, hàng ngàn chuyến bay, hàng triệu hành khách, triệu tấn hàng hóa.
So được không, ngoài kia: quá tải, tắc đường, rồi lạ kỳ “giải cứu sân bay”.
Hơn 4.500 ý kiến gửi về Tuổi Trẻ. Đọc mà thấy lòng còn nhói hơn đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc.
Vậy thì, cái gì nặng hơn lòng dân đây?
Xin đừng nói đó là tiền!”.
Đọc và đau.
Trong bài viết này, Bùi Thanh có nhắc đến đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc. Vậy, ông Lộc đã phát biểu câu gì? Ông ấy nói: “Đây là việc mà nếu chúng ta không giải quyết thì lòng dân sẽ bất an” (Báo Tuổi Trẻ ngày 1.6.2017). Ai ai cũng nhận thức như vậy và nếu có phát biểu, họ cũng nói thế thôi. Chẳng gì khác. Vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất một khi “lòng dân sẽ bất an”, nếu không điều chỉnh, thay đổi thì điều gì sẽ xẩy ra?
Y vốn nhát như cáy, do đó, không dám luận bàn gì thêm. Lại lựa chọn bằng cách mũ ni che tai, dù rằng, trong lòng rất thán phục, hoan nghênh những ý kiến phản biện có tính cách xây dựng vì lợi ích chung của cộng đồng. Một khi mình không dám nói, thì hãy ngầm có tiếng vỗ tay tán thưởng. Sự lựa chọn ấy, biết hèn nhát nhưng ít ra nó có tư cách, còn giữ được tư cách và nhất là không nói xằng.
Mới đây thôi, cả nước đang kiến nghị Thủ tướng về trường hợp của bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), nào ngờ, duy chỉ có tay nhà báo nọ lại quả quyết: “Sơn Trà không chỉ “lá phổi” mà còn là “dạ dày”. Anh ta lập luận cỡ như: “Sơn Trà có là kho vàng thì cũng phải khai thác, đưa vào sử dụng bởi nếu chôn dưới đất thì vàng khác gì đất đá. Có là “tiên nữ” thì cũng nên “đánh thức” để tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước chứ không thể để “người đẹp ngủ trong rừng”. Sơn Trà không chỉ là “lá phổi xanh” mà còn phải là “cái dạ dày” để nuôi cơ thể”.
Các trang mạng xã hội đã phãn biện, phê phán ý kiến tréo ngoe, lạc điệu này. Trước đây, y ít nhiều cáo cảm tình với tay nhà báo này qua dăm bài thơ này nọ, dù không xuất sắc lắm. Nhưng nay, đọc qua một bài báo, đã biết tỏng gan ruột, vậy là bao nhiêu thiện cảm đã có, y bèn nhanh chóng đổ béng xuống bùn cho nó xong.
Thế đấy, sống với nghiệp viết thời nào cũng khó. Khó ở chỗ phải giữ mình. Dù đã từng giữ tư cách với ngàn trang viết, hàng triệu con chữ nhưng rồi, có khi chỉ một chữ dù vô ý đi nữa thì thiên hạ cũng hiểu nhầm tấm lòng của mình. Sực nhớ đến trường hợp của Lê Tắc - đời nhà Trần mà ngao ngán cho một con người tài hoa, uyên bác. Nếu Tắc không cố tình viết An Nam chí lược vẫn tốt hơn. Như cây cỏ vô danh, mục nát theo lớp sóng thời gian vẫn còn hơn bị người đời sau nguyền rủa, xếp chung chiếu với bọn Trần Ích Tắc…
Năm 1961, khi An Nam chí lược được Viện Đại học Huế dịch ra tiếng Việt, ông Viện trưởng Cao Văn Luận nhận định: “Lê Tắc quên mình là người Việt Nam, dựa vào lập trường và quan điểm nhà Nguyên để soạn tập. Chẳng hạn những lời nịnh nọt a dua của soạn giả, những đoạn văn kiêu ngạo, tự tôn tự đại trình bày trong các chiếu chỉ nhà Nguyên và trong các bài tựa danh nhân hồi ấy, đều khiến chúng ta vô cùng uất ức và đau đớn” (An Nam chí lược - NXB Thuận Hóa- 2002, tr, 8).
Còn nhắc, chỉ vì Tắc để lại bộ An Nam chí lược, bằng không, đời sau chẳng ai nhớ đến nữa với cái sự xú danh, há chẳng phải Tắc dễ nhẹ nhàng siêu thoát hơn chứ?
Lập thân, có người bằng chữ, có kẻ bằng quyền lực. Chẳng khác gì nhau. Một chữ đã viết, một quyết định đã ký đều có thể trở thành thanh danh hoặc xú danh.
Từng quan niệm, đã nhật ký dù viết cho riêng mình hay số đông thì không thể lãng tránh thời sự trong ngày. Dù tự ý thức, nhưng do hèn nhát nên y có lúc vẫn không dám. Khác với mọi ngày, hôm nay, phát lệ một chút bởi lẽ khi bàn về vấn đề sân golf đã mọc lên trong sân bay Tân Sơn Nhất, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc khẳng định: “Đây là việc mà nếu chúng ta không giải quyết thì lòng dân sẽ bất an”.
Vậy xin hỏi hiện nay, những gì đã và khiến lòng dân bất an?
Báo Tuổi Trẻ ngày 9.6.2017 cho biết trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi: “Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, dành 7 phút phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội để liệt kê những điều đang làm người dân lo lắng thời gian gần đây”. Theo ông Phong là có 6 bất an. Không liệt kê ra, bởi rằng chắc ai cũng đã biết. Chẳng hạn, mà thôi. Nhắc lại làm gì? Y dừng lại với bất an này, “Thực tế rất đau lòng, trong bụng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ. Học phổ thông các cấp, vào đại học cũng phải chạy trường chạy lớp. Rồi chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển. Vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết về dẫn độ tội phạm để an thân”.
Lại nhớ đến câu thơ đã in trong tập Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin:
“đôi khi tôi tự hỏi, làm thế nào để sống vui hơn?
chẳng lẽ bước xuống dòng đời là bịt tai nhắm mắt
quên hết
lố nhố lăng nhăng đang thường trực trong đời?
có những ngày buồn bã ngó mưa rơi
tôi lại hỏi giọt mưa nào chưa hề hoen ố?
có những ngày ngao ngán nắng đang lên
tôi lại hỏi làm sao không hỉ, nộ?
sống với niềm tin là đang chơi vé số
làm sao dự đoán trước điều gì?”
Dấu vết của một thời đang sống đấy ư?
Ô hô.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|