LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.2.2017

Damcuoichuot

 

Đã từ lâu, y rất thích đọc tạp văn của văn hào Lỗ Tấn, bởi lẽ với tâm thế chiến đấu không khoan nhượng, ông đã sử dụng ngòi bút như ngọn roi tiên phong quất vào thói hư tật xấu của chính dân tộc ông - dân tộc Trung Quốc. Thái độ cách mạng quyết liệt ấy là nhằm dẫn đến một sự thức tỉnh.

Dân tộc nào cũng có sự hạn chế, khiếm khuyết, khuyết tật ngay từ trong tính cách, nếp nghĩ. Dân tộc Việt không là ngoại lệ, vì lẽ đó, đầu thế kỷ XX khi nước mất nhà tan, ngọn gió văn minh phương Tây tràn vào nước ta xốc tung mọi nề nếp đã định hình trước đó hàng ngàn năm, bấy giờ, các nhà Nho cấp tiến đã giật mình đau đáu cùng vận mệnh nước nhà. Một trong trong những mối quan tâm hàng đầu của các cụ khi đứng trong đội ngũ của phong trào Duy tân vẫn là tinh thần “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
 

Muốn có được sự “lột xác” đó, trước hết phải dũng cảm nhìn nhận lại thói hư tật xấu của dân tộc mình. Có như thế mới dẫn đến sự thay đổi, sửa chữa triệt để, y nghĩ, đó chính là hiện thân của đổi mới.

Phải nói thật rằng, cho đến nay, vẫn chưa có nhiều công trình khoa học nghiên cứu thấu đáo về hạn chế của người Việt. Dù rằng, ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng rồi chữa trị căn bệnh ấy từ đâu? Câu trả lời không dễ dàng. Chỉ xin nêu một trong nhiều, rất nhiều thói xấu tiêu biểu: vô kỷ luật.

Đừng nhìn đâu xa, hãy nhìn lại từ bản thân mình, bất kỳ ai cũng có dịp “trải nghiệm”. Có thể dẫn chứng từ các cuộc đám cưới, đó là sự ngán ngẫm vì thói quen chung vẫn là sử dụng… “giờ cao su”. Sự co giãn thất thường này, khiến những ai tự giác chấp hành đúng quy định chỉ có nước méo mặt. Dù đến chậm, không đúng giờ nhưng rồi ai cũng có cách bào chữa, đại khái: “Từ từ rồi khoai cũng nhừ”, chậm chút có gì đâu mà cứ nhắng lên (!?). Nghe thế, ắt có người bèn đùa mà rằng: “Dân ta hầu hết là chuyên gia xài giờ dây thun mà dây thun ngâm dầu lửa mới ghê, không phải đi dự đám tiệc mà ngay cả hội họp, làm việc nơi công sở. Bài thuốc gia truyền trị bệnh này quá dễ, hãy thông báo trước rằng: "Ai đến đúng giờ sẽ được nhận phong bì chứa số tiền không nhỏ", bảo đảm họ sẽ nghiêm chỉnh đến sớm hơn giờ qui định” (!?).

Tính vô kỷ luật ấy do ta chủ động tạo ra, miễn cảm thấy hài lòng là được. Còn nếu cho rằng bị áp đặt từ phía khác, ta lại có cách “tiếp thu” khác hẳn, dù “trẻ trâu” không xứng “tầm” chút nào. Chỉ xin nêu một sự việc vừa diễn ra gần đây: Trong một trận đá banh nọ, tỷ số của hai bên đang là 2-2, đội A được được hưởng quả phạt đền ở phút 80. Đội B không đồng tình, phản đối bằng cách “buông súng”, chơi “ầu ơ ví dầu” để mặc cho đối thủ… mặc sức ghi bàn. Sự phản ứng này rất rẻ con, thể hiện sự cù nhầy, bướng bỉnh, dù rằng vẫn có cách giải quyết tích cực hơn, thế nhưng họ vẫn bất chấp miễn sao cho “đã nư” là được, còn hậu quả ra làm sao thì không cần nghĩ đến.

Có nhiều sự việc dù biết sai nhưng người ta vẫn cố tình thực hiện cho bằng được. Chẳng hạn, dư luận phản ứng dữ dội về chuyện dựng biện thự, biệt điện to đùng đoàng trái phép, thậm chí xây ngay khu vực rừng phòng hộ nhưng vẫn “Chuyện nhỏ như con thỏ”. Rồi chuyện lấn chiếm lòng lề đường, tè bậy, đua xe, vượt đèn đỏ v.v… vẫn diễn ra mỗi ngày. Vậy, kỷ cương phép nước loạn thật đấy chứ? Dù thừa biết nhưng rồi từ người dân không một chút quyền lực đến quan chức, kẻ có “máu mặt” cũng bất chấp. Tại sao như thế? Có thể do xuất phát từ suy nghĩ “Phép vua thua lệ làng”; hoặc “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”; hoặc “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”; hoặc “Bó lý không bằng một tí tình” v.v… Nghĩa là dù thế nào đi nữa, vẫn có cách giải quyết ổn thỏa.

Tâm lý này đã hình thành từ rất xa xưa, nay muốn thay đổi không thể một sớm một chiều. Và qua đó, ta thấy rằng, nếu “Thượng bất chính, hạ tất loạn”; nếu luật pháp không nghiêm thì bất kỳ chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Một khi đã xẩy ra rồi, sự sai trái, vi phạm ấy lại có cách để “hợp thức hóa”. Đau đớn là ở chỗ đó chăng? Chưa đâu, lại có chuyện còn đau đớn hơn nhiều. Ấy là dù không vi phạm gì, nhưng rồi kẻ có quyền thế lại áp đặt, “chụp mũ” cho kẻ khác tội lỗi tày trời, tìm cách “xử trảm” nếu thích. Không phải y nói cho sướng miệng đâu, có thật đấy. Chỉ xin nêu ra một thí dụ, chọn lấy trường hợp này, chỉ vì nó liên quan đến lãnh vực mà y quan tâm nhất: thơ.

Rằng, trên trang blogspot của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công, anh có kể lại nỗi oan khuất của thân phụ. Chỉ vì tham gia xướng họa thơ Đường luật mà năm 1984, cha anh bị buộc thôi việc và khai trừ khỏi hội văn học ở địa phương nọ. Tóm tắt như sau: Nhân ngày xuân, lòng người phơi phới, đất trời thanh tân, các văn nghệ sĩ tỉnh nhà đua nhau ngâm nga, múa bút “Xướng họa thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột” do báo của tỉnh tổ chức.

Bài thơ xướng của ông chủ tịch hội văn nghệ:

Năm Tý về đây nhắc chuyện đời

Không coi chừng chuột, chuột sinh sôi!

Chùm nem sơ hở con chù vọc

Đĩa chả thờ ơ lũ cống lôi!

Lạ nhỉ? Chơi không toan gọn lốm,

Ơ kìa! Ngồi rỗi chực ngon xơi!

Hẹn nhau sắm bả phòng năm chuột

Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi!

Bài “Họa” của thân phụ Hoàng Tuấn Công:

Giống chuột làm sao vẫn sống đời?

Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi!

Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu,

Của để tớ thầy hợp sức lôi!

Tiếc lọ chê ai đành chuột phá,

Hoài cơm trách bạn để mèo xơi!

Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc,

Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!

Theo y, bài họa hay hơn. Không cần phải dài dòng bình về hai bài thơ này, chỉ nói rằng, nội dung cả hai đều bình thường, không hề có ngụ ý xỏ xiên, mượn bóng nói hình, dương đông kích tây quái quỷ gì cả. Thế nhưng, tai ách ập đến cho người họa, thế có lạ không chứ?

Cứ như theo anh Hoàng Tuấn Công kể lại: “Họ phân tích như sau: “Con đàn cháu lũ” ở đây ý chỉ “con ông cháu cha” đời nối đời hưởng đặc quyền đặc lợi. “Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu/ Của để tớ thầy hợp sức lôi” ám chỉ chuyện vây bè, kéo cánh, ăn cắp của công, tham ô, hối lộ, móc ngoặc với nhau. Của ít chia nhau ăn, của nhiều hợp sức lôi về nhà làm giàu. Không thể chấp nhận được! Chế độ này là khối "đại đoàn kết", chỉ có quan hệ “đồng chí”, "đồng nghiệp", tại sao lại có từ “bè cánh”, “tớ thầy” ở đây? Tác giả nói “Tiếc lọ”, thì “lọ” cũng là “bình”. Mà “bình” là tên người viết bài “xướng” chứ còn ai vào đây? Hóa ra, cấp trên vì nương tay với “Bình” nên không chống tiêu cực? Thật quá "thâm ý"! “Hoài cơm trách bạn để mèo xơi”, “mèo” đây đích thị là những người nắm pháp luật rồi! Dám nói họ là “hoài cơm” sao? Lại còn định “Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc/ Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!”. Tác giả muốn “diệt” tận gốc, từ “ông to” đến “ông nhỏ” kia ư?”.

Đọc xong lập luận đó, thú thật, y bó tay. Không thốt nên lời.

Sự việc rối rắm, quá hớp này nhùng nhằng, kéo dài mãi. Người bị kết án phải mất mấy năm trày vi tróc vẩy, rồi mới được minh oan. Đèn trời soi xét. Mãi đến năm 1988, thân phụ Hoàng Tuấn Công mới được Hội nghị toàn thể hội viên của Hội văn nghệ tỉnh nọ quyết định phục hồi Hội tịch. Kết thúc có hậu. Nhắc lại chuyện này để thấy rằng, việc chụp mũ người khác cũng là thái độ vô kỷ luật của người có quyền chức, vì họ không tuân theo quy định của luật pháp mà chỉ thực hiện tùy hứng rất chủ quan.

Dù gì đi nữa, nói đi cũng phải nói lại. Phải thừa nhận ra, khi nước nhà xẩy ra nguy biến, lạ thay, thói xấu vô kỷ luật ấy lại không có chỗ dung thân. Nếu không, làm gì có thể hàng trăm, hàng vạn người thời nhà Trần đồng lòng xăm hai chữ “Sát Thát” nhằm thể hiện tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Nguyên - Mông? Chỉ mỗi một thí dụ ấy cho thấy, người Việt không xa lạ với tính kỷ luật. Thậm chí rất kỷ luật, nếu không, vua Quang Trung làm sao có thể chỉ huy cuộc hành quân thần tốc đánh tan tành xác pháo 20 vạn quân Thanh?

Thế nhưng, tính kỷ luật ở người Việt đã khác rồi chăng? Không dám hồ đồ kết luận nhưng ai cũng dễ dàng nhận ra hiện nay, sự vận động trong xã hội có lúc không tuân thủ theo quy định nội tại, chỉ diễn ra theo xu thế tùy nghi, tùy hứng, tùy thuộc vào các mối quan hệ cá nhân hơn là từ kỷ cương phép nước như “Mạnh được yếu thua”, “Hy sinh đời bố củng cố đời con”, “Một người là quan cả họ được nhờ”… Đây chính là cơ hội tốt cho tính vô kỷ luật phát triển bởi luật của nó là “luật rừng”. Bất chấp hết, miễn là được việc trong thời điểm đó.

Lý giải ra làm sao về thói xấu này?

Trong công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai (NXB Văn hóa văn nghệ -2016), GS-TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Thiếu ý thức pháp luật là một trong những chứng bệnh tiêu biểu phát sinh từ tính linh loạt của người Việt Nam. Đây là một biểu hiện tập trung và nghiêm trọng nhất của thói tùy tiện” (tr.403). Không những thế, “còn có nguồn gốc từ đặc trưng của tính cộng đồng. Do tính cộng đồng mạnh nên ý thức về pháp luật của mỗi cá nhân phù thuộc vào ý thức pháp luật của số đông; hễ thấy số đông coi thường pháp luật thì các cá nhân sẽ yên tâm mà hùa theo. Do sức mạnh của tâm lý đám đông, nhiều khi nguyên nhân này còn chi phối mạnh hơn cả tính nguyên nhân tính linh hoạt” (tr.406).

Sự lý giải này rất đáng suy ngẫm, tất nhiên chưa thể dừng lại ở đó.

Vậy, làm sao để thay đổi?

Dám nhìn nhận thói xấu của dân tộc mình, không giấu diếm, che đậy thì may ra mới có thể tự giác sửa chữa triệt đễ, tận gốc. Cần có một tinh thần của Lỗ Tấn. Mà thật ra, tinh thần cách mạng ấy hoàn toàn không xa lạ với các trí thức Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, từ thời các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh… và ngay cả Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam như Nguyễn Văn Cừ cũng đã dũng cảm viết tác phẩm nổi tiếng Tự chỉ trích (1939) v.v…

Y không tin bất kỳ sự thay đổi nào đến từ phong trào rầm rộ “ra quân” nhất thời bằng cách xử phạt hành chánh. Bất quá cũng chỉ là “Bắt cóc bỏ dĩa”, rồi đâu lại vào đó. “Ếch kêu dưới vũng tre ngâm/ Ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre”. Đó chỉ giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề này vẫn là chiến lược nhằm thay đổi ngay từ trong nhận thức. Chiến lược ấy, chỉ có thể bắt đầu từ giáo dục.

Hỡi ôi! Xin gióng lên một tiếng chuông: Đã đến lúc thôi vuốt ve, ru ngủ nhau bằng những mỹ từ rổn rãng, nhàm tai nữa - bởi nội hàm của nó là những giá trị không có thật; hoặc có thật nhưng đã thất lạc, lạc hậu từ lâu lắm rồi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment