“30 năm rồi đó Q”. Đọc tin nhắn của nữ đồng nghiệp đang công tác tại báo Tuổi Trẻ, chợt bàng hoàng. Mới ngày nào, lúc ra trường, năm 1987, cùng về công tác tại tờ báo này. Thoáng đó, lượng thời gian đã chồng chất thế kia rồi ư? Trong dòng đời, con người ta cứ mải miết, lầm lũi, cắm đầu cắm cổ mà đi, lúc giật mình nhìn lại đã mây trắng bay ngang trời. Đã hoàng hôn xế bóng. Hun hút. Vời vợi. Tất cả đã xa. Đã rời khỏi tầm tay. Vì lẽ đó, sững sốt, bàng hoàng và không thể ngờ trong mọi cuộc chơi, chiến thắng cuối cùng chỉ thuộc về thời gian.
Nhịp thời gian nhẫn nại, chậm rãi, liên tục, bền bĩ từng khoảng khắc nhưng thừa sức nghiến nát mọi thân phận. Tất thảy đều quay trở lại với sự rỗng không vô hình tướng. “Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy/ Hãy để đêm đến, giờ đổ / Những ngày trôi qua và anh vẫn còn đây (Apollinaire). Nhịp đi của câu thơ nghe buồn rã rượi. Lập tức, lại vọng lên nhịp sáu tám ngân vang từ thiên thu đến bất tận, muôn năm đến ngàn kiếp cũng không dứt nổi thanh âm xao xuyến đến lạ thường: “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Ngẫm lại mới thấy, ông Tản Đà thấu thị về thời gian, đã thấu hiểu lẽ sinh tồn của kiếp nhân sinh đến cỡ nào: “Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê”.
Một ngày của y thế nào?
“Học thức giữ tên con mọt sách/ Công danh rút lại cái quan tài”. Tâm sự cuối đời của Trương Vĩnh Ký. Câu thơ bình thường nhưng cái hay, đáng nhớ vẫn là cái nhìn, sự cảm nhận rốt ráo của một con người đã thấu hiểu lẽ đời. Câu hỏi nhảm nhất mà cũng sáng giá nhất cho mọi chúng sinh vẫn là đôi khi lẫn thẫn tự hỏi mình là ai và từ đâu đến? Đến rồi đi. Đi về đâu? Mỗi người đều có một câu trả lời cho riêng mình. Nhìn bông hoa đang thắm, nhìn nắng đang ngon, ngắm mưa đã trút, từ trong con mắt, cảm xúc của mỗi người, chẳng ai giống ai. Mỗi con người là một thế giới riêng biệt. Không pha tạp. Không lẫn lộn. Tuy nhiên, cả thẩy đều chỉ là hạt bụi trong vòng quay sinh tử của nhịp thời gian. Nhìn thấy rõ điều này để rồi hãy tự bằng lòng với những gì đang có, đã có. Có và không cũng chỉ là khái niệm tương đối. Nó biến động liên tục. Nhớ chưa? Dạ, nhớ.
Sáng nay, dậy sớm. Và tất nhiên, không thể không tiếp cận với một vài thông tin mới. Chẳng hạn, lần đầu tiên có người Việt Nam là 1 trong 9 ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO. Người đó là ai? Theo báo điện tử Thế giới & Việt Nam: “Ông Phạm Sanh Châu, sinh năm 1961, là một nhà ngoại giao Việt Nam nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực quan hệ đa phương, ngoại giao văn hóa, di sản thế giới… Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO. Năm 1999-2003, ông là người trẻ nhất được bổ nhiệm làm Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đồng thời được cử làm đại diện của Chủ tịch nước tại Cộng đồng Pháp ngữ (2000-2003). Do đó, ông hiểu rõ về UNESCO và có những đóng góp cụ thể vào hoạt động của tổ chức, đặc biệt là các đóng góp mang ý nghĩa lâu dài cho vai trò, vị thế và sự phát triển của UNESCO như soạn thảo Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể, Chủ tịch nhóm soạn thảo Công ước 2005 về đa dạng biểu đạt văn hóa”.
Kết quả ứng cử chưa rõ thế nào, nhưng dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, khi trong phần thi của ông Sanh, họ nhìn thấy trước mặt ông là chai nước Trà xanh Không độ, Trà Thanh nhiệt Dr Thanh của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát. Trong khi đó, trước mặt 8 ứng viên còn lại là chai nước Lavie của Nestle Waters.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã từng nổi đình nổi đám, tai tiếng vì liên quan đến vụ kiện có con ruồi trong chai nước ngọt. Kết quả: người phát hiện bị tống vào tù, ngược lại công ty này bị “gạch đá” tơi bời, dẫn đến sự tẩy chay trên bình diện rộng. Sự việc rõ ràng là vậy. Nào ai thêm bớt làm gì. Thời buổi này, mọi thông tin đã qua đều có thể kiểm chứng rõ ràng. Nếu cần, cứ việc gõ Google là sẽ thấu hiểu nội tình. Vậy hà cớ gì, ông Sanh lại trưng ra sản phẩm của Tân Hiệp Phát trong lúc: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào”?
Theo báo Giao thông - Tiếng nói của Bộ Giao thông Vận tải, An ninh Gia thông Quốc gia: “Giải đáp thắc mắc của khá nhiều người vì sao có chai nước của một doanh nghiệp Việt Nam để trên bàn khi ông thực hiện phần thi, ông Châu cho biết: Ông muốn giới thiệu cái gì đó của Việt Nam trong phần thi nhưng khó chọn quá. Đầu tiên ông định chọn áo dài truyền thống nhưng không được phép vì ban tổ chức cho rằng nó sẽ tạo ra ấn tượng quá nổi bật. Cuối cùng ông chọn 2 chai nước trà xanh và trà thanh nhiệt ông mang theo trong suốt chuyến công tác” (ngày 28.4.2017). Liệu chừng câu trả lời này, có thỏa mãn cho mọi người?
Về chiếc áo dài Việt Nam, có lẽ không phải bàn đến nữa. Sáng nay, đọc báo Tuổi Trẻ mới biết đến một thông tin thú vị: “Trong một lần ra Hà Nội, nhà thiết kế Minh Hạnh thấy nhiều người treo những bức tranh rất đẹp, hỏi ra mới hay là của họa sĩ Huế. Minh Hạnh tìm hiểu và nhận thấy Huế có một nền mỹ thuật đặc sắc, từ cung đình đến dân gian, và một vị trí quan trọng trong lịch sử mỹ thuật VN với những cái tên nổi danh từ thời mỹ thuật Đông Dương như họa sư Lê Văn Miến, họa sĩ Tôn Thất Đào. Tiếp đó là một lớp họa sĩ tài hoa như: Đinh Cường, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Trương Bé..., rồi đến Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải, Võ Xuân Huy, Nguyễn Đăng Sơn... Từ đó, Minh Hạnh nảy ra ý tưởng phải đưa tranh của họa sĩ Huế lên tà áo dài. Ý tưởng này đã nhận được sự hào hứng đồng tình của cả nhà thiết kế lẫn các họa sĩ. Các nhà thiết kế đã đến Huế xem tranh, gặp gỡ các họa sĩ và ra đời 16 “cặp đôi hoàn hảo” họa sĩ - nhà thiết kế với 16 bộ áo dài hội họa Huế rất độc đáo”.
Đưa tranh của các họa sĩ Việt Nam lên tà áo dài, phải thừa nhận rất thông minh. Tinh tế. Từ đây, tác phẩm hội họa lại có thêm một đời sống khác.
Sáng nay, báo Thanh Niên đã in bài thơ Nhớ Đông Ky Sốt - y viết tặng đồng nghiệp Ngô Kinh Luân. Bài thơ này viết tại sảnh cà phê trong Khách sạn Continental vào ngày cận Tết Đinh Dậu (2017). Sở dĩ y vác xác tới đây là do nguyên cớ: Trước đó, có người tự nhận đồng hương Quảng Nam nhưng nghề ngỗng làm gì, thật ra y chẳng rõ lắm, chỉ gặp một lần lúc ra mắt tập sách hồi ký về diễn viên Thương Tín. Hắn ta bảo rằng, có tay giám đốc ngân hàng cấp quốc gia chi nhánh tại TP.HCM mời y viết kịch bản phim 15 phút về hoạt động của ngân hàng này nhân tổng kết cuối năm.
“Bao nhiêu tiền?”, y hỏi. Tay giám đốc trả lời: “Anh yên tâm, thừa sức cho anh tiêu tết”. Người ta đã nói thế, chẳng lẽ y lại hỏi cụ thể nữa sao? Kỳ cục lắm. Có những chương trình này nọ, y nhận lời nhưng khổ nỗi chẳng bao giờ dám hỏi trước thù lao thế nào, có xứng để bỏ công sức ra không? Sau đó, tự nhủ lần sau rút kinh nghiệm, nhưng rồi có “rút” cái quái gì đâu.
Dù cuối năm công việc bề bộn, bận rộn nhưng y cũng tranh thủ đọc mấy trăm trang tài liệu, nắm rõ về hoạt động ngân hàng đó. Lãnh vực này, y không rành rẽ nhưng cũng phải cố gắng thôi. Và sau đó, viết. Theo thỏa thuận, sau khi giao kịch bản, phía ngân hàng trả thù lao. Nào ngờ, khi đã xong xuôi đâu vào đó, tay giám đốc biến mất tiêu. Tổng kết đã xong. Kịch bản đã thực hiện. Tết lại cận kề từng ngày mà nhuận bút lại không thấy trả.
Y nhắn tin đòi, đòi mãi cũng không được, bèn mắng vốn tay môi giới kia. Cuối cùng, tay giám đốc hẹn gặp tại khách sạn trên. Trong lúc ngồi chờ, y viết bài thơ Nhớ Đông Ky Sốt. Nghĩ cho cùng, một kiệt tác tiêu biểu nhất cho tính cách anh hùng mã thượng, hào hiệp nhất mà cũng ngây thơ nhất của nhân loại, với y vẫn là Đông Ky Sốt của văn hào Cervantes (1547-1616). Dù ở gầm trời nào, thời đại nào cũng cần có những chàng Đông Ky Sốt. Câu thơ viết rằng:
Dưỡng chất gì rất cần cho đời sống
Trả lời đi - tôi biết nói thế nào?
Sau nhắm mắt, nhăn mày cùng nhíu trán
Tôi nghĩ rằng cần… ảo tưởng chứ sao?
Thế nhưng khi in, đã thấy biên tập “ảo tưởng” thành “mộng tưởng”. Cần thiết nhất ở đời, kỳ lạ thay vẫn chính là ảo tưởng đấy thôi. Có như thế con người ta mới hành động hào hiệp, bất vụ lợi bởi nghĩ rằng sự việc phải là thế, dù rằng nó không phải là thế, nhưng rồi người ta vẫn hăm hở lao theo bằng mọi giá. Tinh thần này đáng thương ư? Chẳng phải đâu, đáng kính phục lắm. Họ cứ sống và thể hiện hành động theo suy nghĩ của họ, dù rằng, có thể kẻ khác cho rằng chỉ là sự ảo tưởng. Trong đời sống, ta tỉnh táo, ta lường trước đón sau, ta thừa biết rằng, sự việc ấy là không thể nên ngao ngán buông xuôi, mỏi mệt. Nhưng họ thì không. Những lúc ấy, lúc ngao ngán, chán ngán, với y, rất cần trò chuyện cùng Đông Ky Sốt bởi sự ảo tưởng của họ nhiệt thành quá, hào hứng quá cũng là một cách tiếp năng lượng sống cho mình. Những con người truyền lửa, truyền cảm hứng thời nào cũng có. Nghĩ thế và viết thế.
May mà viết xong bài thơ trước lúc nhận nhuận bút của cái kịch bản chế tiệt này, nếu không, không thể còn chút tẹo tèo teo cảm hứng nào, vì thù lao mà tay giám đốc kia trả không đáng dành thời gian viết một bài báo! Câu chuyện lằng nhằng, không vui, chẳng kể thêm làm gì. Chỉ biết rằng, y thường hay rơi vào trường hợp cà chớn tương tự bởi rất ngại khi đòi hỏi số tiền cụ thể. Mãi đến lúc xong việc, y thường giận y sao ngu lâu thế?
Đọc lại hồi ký của nhiều nhà văn đi trước, mới thấy rằng, ông Phan Khôi là người rạch ròi trong chuyện tiền nong, sòng phẳng. Độc giả nào muốn mua quyển sách của ông, ông cho biết rõ giá bán, giá cước phí chứ không đại khái, qua loa này nọ. Lúc cộng tác, viết cho các báo trong Nam ngoài Bắc cũng rõ ràng về các khoản nhuận bút mà chủ báo phải trả cho ông. Nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng thế. Ngày đám cưới, ai tặng quà gì, ông đều ghi chép cẩn trọng trong quyển sổ tay để sau này có dịp trả lại tương xứng, có lần ông bảo, chỗ bạn bè mà tiền bạc xen vào thì mất hết tình bạn. Ngẫm cũng hay.
Sáng nay, vui vui khi đọc trên satus của đồng nghiệp Ngô Kinh Luân. Hay hay. Ngồ ngộ. Bèn há miệng ra cười. Cười rằng: “Mặc dù là nhà thơ nhưng anh Lê Minh Quốc rất đàn ông. Mặc dù rất đàn ông nhưng lại là dân chơi, mặc dù là dân chơi nhưng rất hay buồn, mặc dù rất hay buồn nhưng lại dễ say, mặc dù rất dễ say nhưng lại thường hay uống, mặc dù thường hay uống nhưng lại rất thường nghỉ giữa chừng, mặc dù thường nghỉ giữa chừng nhưng lại rất thích nói to, mặc dù rất thích nói to nhưng lại ưa nghe thì thầm, mặc dù rất ưa nghe thì thầm nhưng lại cô đơn, mặc dù rất cô đơn nhưng lại có nhiều nữ nhân, mặc dù có rất nhiều nữ nhân nhưng lại là nhà thơ…”.
Câu cuối kết lại bằng dòng chữ đột ngột, tréo ngoe, thế mới biết ấy cũng là một thủ pháp gây cười lạc quan. Và thêm rằng, còn nhớ đến những câu thơ hắn ta đã viết, thích hơn cả những bài thơ lâu nay đã “vịnh” về y: “Phong trần nhưng vẫn mặc quần/ Thư sinh dẫu đã cởi trần từ lâu/ Đời vui chấp gì nông sâu/ Tuổi chơi mây trắng ngang đầu cứ bay/ Tàn đêm rồi lại đến ngày/ Để trong đơn lẻ bàn tay rất buồn”.
Có bao giờ, con người ta xòe bàn tay ra và tự hỏi: Năm tháng đã đi qua, tuổi đời một chồng chất, ham hố đã nhiều, hỷ nộ đã bưa… vậy cuối cùng còn giữ được gì trong tay? Hay chỉ là: “Từng ngón ngắn, ngón dài trên bàn tay năm ngón/ Ngẫm tháng ngày cũng từa tựa thế thôi/ Chẳng mới mẻ cũng chẳng gì cũ rích/ Nhịp đồng hồ cứ gõ nhịp buông xuôi”.
Có thật thế không hay lại là gì khác?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|