Phải thế chứ. Phải thay đổi, con người ta mới dễ thở. Bằng không, ngột ngạt lắm đây. Có những ngày, từ sâu thẳm con người y đã hiện diện nhân vật Thứ của nhà văn Nam Cao. Thứ mải mê đọc sách, nhưng rồi: “Những cái ấy có nghĩa lý gì bên cạnh cuộc sống sôi nổi, rất ồn ào, rất chật vật, rất đau thương ở quanh ta? Những cái ấy có nghĩa lý gì, bên cạnh ngay chính những lo lắng, những băn khoăn, những tủi hờn ở trong ta? Lúc này mà bình tĩnh nằm đọc sách, Thứ thấy mỉa mai quá!”.
Vâng ạ, nhưng biết làm sao? Chỉ nghĩ, rồi đến một lúc nào đó mọi việc cũng phải thay đổi. Nhanh hay chậm? Không rõ nhưng phải thay đổi. Có lẽ Sống mòn vẫn tác phẩm hay nhất viết về tâm trạng của trí thức miền Bắc trong những ngày sắp diễn ra Cách mạng tháng Tám (1945). Sự nhùng nhằng, ngắc ngoải, vướng víu, ù lì, ngột ngạt, oi bức của đêm trước nổ ra cơn giông thật khủng khiếp. Từng ngày Sống mòn và mòn dần. Biết đâu chưa kịp đón nắng mai lên, có người đã buông xuôi, đã bất lực. "Trong trường dạ tối tăm trời đất/ Có khôn thiêng phảng phất u minh/ Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người". May quá, việc nào cũng có thể thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhìn thấy và chấp nhận yếu tố tích cực của nó cũng là một cách vui sống.
Cái gì cũng có hai mặt của nó, khi mạng xã hội được nhiều người sử dụng, đã xuất hiện câu vè mỉa mai hài hước:
Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ
Chí anh hùng click chuột định giang sơn
Một loạt từ mới hội nhập vào lời ăn tiếng nói hằng ngày: cúng phây, anh hùng bàn phím, ném đá, bán hàng qua phây v.v… Nhưng phải thừa nhận rằng, hiện nay chính các trang mạng xã hội đã góp phần định hướng dư luận xã hội. Nhiều đồng nghiệp cho biết, mỗi ngày không thể không lướt facebook vì họ cần tìm thông tin, tìm đề tài... Và cộng đồng ấy, tạo nên môt sự gắn kết và có sức lan tỏa ghê gớm.
Nói như thế, bởi sực nhớ đến vụ việc cấm vĩnh viễn 5 ca khúc sáng tác tại miền Nam trước năm 1975. Nay, số phận của nó thế nào? Thật bất ngờ, sáng nay “gió đã xoay chiều”. Dẫn đến tác động thay đổi đó là vai trò của truyền thông. Ròng rã nhiều ngày liền trên các trang mạng xã hội đã có nhiều ý kiến phê phán, chỉ trích gay gắt về quyết định vội vàng, không cân nhắc của Cục nghệ thuật biểu diễn. Sự lên tiếng này, tất nhiên báo chí chính thống không đứng ngoài và đã tạo ra một “hợp đồng tác chiến” ngoạn mục. Những ai dù dửng dưng nhất cũng không thể thờ ơ, vô cảm trước sự cấm đoán trật chìa trên. Nói thật, quyết định của Cục lấy cớ do quy định cấp phép đã tạo ra rối rắm, quậy bùn dưới ao, tung hỏa mù chỉ có thể xuất phát từ cơ chế “xin-cho” mà thôi.
Sáng nay, thông tin từ báo chí, chẳng hạn bản tin trên Saigongiaiphong online cho biết: “Ngày 15.4, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho biết vừa ra văn bản yêu cầu thu hồi văn bản tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975. Văn bản do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên ký nói rõ: Vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành văn bản tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được phép phổ biến gồm "Cánh thiệp đầu xuân", tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ; "Rừng xưa", tác giả Lam Phương; "Chuyện buồn ngày xuân", tác giả Lam Phương; "Con đường xưa em đi", tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương và "Đừng gọi anh bằng chú", ghi tên tác giả là Diên An, trên cơ sở văn bản đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM là chưa đủ căn cứ, gây phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội". Vì thế, "Yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hồi Quyết định số 20/QĐ-NTBD ngày 22-3-2017 của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Bộ đề nghị tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được phép phổ biến nêu trên”.
Ít ra phải thế chứ. Nếu các vụ việc trì trệ đã và đang tồn tại, lại được “chốt hạ” nhanh chóng thế này, dân tình đỡ khổ biết bao nhiêu.
Có những sự việc oái oăm diễn ra mỗi ngày, đôi khi y có cảm tưởng như đang đọc tiểu phẩm trào phúng. Trí tưởng tượng của nhà văn còn kém xa, đi sau hiện thực của đời sống nhiều lắm. Hãy thử đọc các câu hỏi: “Có hút thuốc lá, lào không?”, “Uống rượu bia thường xuyên không?”, “Sử dụng ma túy không?”; “Biện pháp tránh thai đang dùng?”, “Kỳ có thai cuối cùng?”, “Số lần có thai?”, “Số lần sẩy thai?”… Các câu hỏi này đành cho những nam thanh nữ tú đã trưởng thành, chuẩn bị kết hôn? Không, dành cho… học sinh tiểu học tại một trường học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Liệu chừng khi diễn tuồng tại nhà hát Quảng Lạc, Kép Tư Bền có nghĩ ra tình tiết gây cười đến thế không?
Có lẽ trong thơ Việt Nam, chỉ mỗi Hồ Xuân Hương có bài thơ viết về nói ngọng:
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,
Chúng bảo nhau rằng: “Ấy ái uông”.
Hãy thử đọc bảng thông báo tại sân bay quốc gia: “Những hành khách có chuyến bay lối tiếp, để chánh hành lý bị kẹt lại, xin xuất trình thẻ hành lý để làm thủ tục chuyển tiếp”. Dòng chữ này in vi tính rõ ràng ràng, chứ không phải viết tay. Đọc xong, bèn cười. Những chữ bắt đầu bằng “l/n”, “tr/ch”… nhiều người mắc phải. Ngay cả vị “tư lệnh” đứng đầu một ngành nọ cũng phát ngôn ngọng nghịu, do đó, đã có một lúc bị thiên hạ phàn nàn dữ quá. Có người bảo, chẳng rõ đùa hay thật, nếu muốn khắc phục nhầm lẫn trên, mỗi ngày nên tập đọc, đọc thật to, đọc chậm rãi từng chữ một: “Nếu nói lầm lẫn lần này nữa thì lại nói lại. Nói cho đến luôn luôn lưu loát hết lầm lẫn mới thôi”.
Sực nghĩ, sống trong một xã hội thế nào, sự quan tâm của con người ta thế ấy, Trong lúc ta quan tâm những chuyện vặt vãnh mưu sinh hằng ngày, chuyện rất đỗi sát sườn với miếng cơm manh áo, trong khi đó con người ở xã hội khác lại quan tâm đến những vấn đề lớn lao hơn nhiều. Chẳng rõ, có ai quan tâm, đồng cảm với thông tin này không? Y vừa đọc trên báo Thanh Niên (số ra ngày 11.4.2017).
Rằng, một ngày nào đó, nếu xẩy ra “thảm họa tận thế” do biến đổi khí hậu hoặc chiến tranh hạt nhân thì các giống cây trồng, di sản văn hóa và lịch sử quan trọng của nhân loại sẽ như thế nào? Xin thưa, hiện nay, tại quần đảo Svalbard quanh năm băng giá của Na Uy đã có một căn hầm khổng lồ. “Theo chuyên trang Wired, khoảng 940.000 loại hạt giống của tổng cộng gần 3.800 loài từ nhiều quốc gia trên thế giới đang được lưu trữ tại đây. Mỗi loại được đóng gói cẩn thận vào từng túi riêng biệt, sau đó được niêm phong vào những chiếc thùng kín đặt trong căn hầm luôn giữ ở nhiệt độ không đổi để duy trì chất lượng hạt giống suốt nhiều thập niên”.
Chưa hết, "Kho lưu trữ thế giới cũng đang được xây dựng dưới lớp băng vĩnh cửu tại Svalbard, cách Bắc cực khoảng 1.000 km với nhiệt độ luôn ở mức dưới 0°C. Thay vì trữ lương thực, Kho lưu trữ thế giới sẽ vận hành như một thư viện để chính phủ các nước, tổ chức khoa học, cũng như các cá nhân có thể lưu giữ những dữ liệu quan trọng về văn hóa, lịch sử... một cách an toàn”. Cách thức lưu trữ ra làm sao?
Hãy đọc: “Đặc biệt, trong Kho lưu trữ thế giới sẽ không chứa sách cổ, phim, CD hay ổ cứng mà Công ty Piql của Na Uy sẽ phụ trách chuyển đổi mọi thông tin được gửi đến thành một tín hiệu đặc biệt in lên những tấm phim cảm quang làm từ vật liệu đặc biệt không bị ăn mòn. Live Science dẫn lời ông Rune Bjerkestrand, người sáng lập Piql, cho hay quá trình này tương tự như việc biến dữ liệu thành “các mã QR lớn trên tấm phim” hoặc chữ được khắc lên đá. Với kỹ thuật này, các dữ liệu sẽ tồn tại nguyên dạng, không bị hư hại và cũng không thể chỉnh sửa. Các tấm phim sẽ được cho vào hộp an toàn và đặt trong căn hầm. Piql tuyên bố mỗi tấm phim đặc biệt như vậy có tuổi thọ 500 - 1.000 năm. Mặt khác, cách tồn trữ này không đòi hỏi phải có thiết bị giải mã phức tạp khi cần truy xuất”.
Thông tin này thú vị quá phải không? Nếu tham gia vào hai kho dự trữ toàn cầu này, Việt Nam ta sẽ gửi gì? Hạt giống rau muống và kiệt tác Truyện Kiều chăng?
Mấy hôm nay, công việc nhà xem như tạm ổn. Căn nhà, y đang ở, mua vào năm bao nhiêu? Lật lại hồ sơ mua bán nhà ắt rõ. Hồi đó, chỉ mua 4 cây vàng. Vàng 5 triệu đồng một lượng. Tiền của gia đình. Sau đó, nhờ có công ăn việc làm ổn định, mua tiếp căn thứ hai, 25 cây vàng, sát vách nhà. Đập vách nối thông qua. Và căn nhà này cũng đã sửa chữa dăm ba lần. Lần này, lại mệt mỏi vì sự nhiêu khê của giấy tờ, thủ tục hành chánh. Rồi cũng ổn thôi. Trong thời gian này, rất cảm động với bài viết của đồng nghiệp Ngô Kinh Luân. Hắn ta viết gì? In trên báo đàng hoàng đấy. Cần ghi lại nhằm yêu dấu một cái tình. Hắn ta viết rằng:
“Tuần nào cũng gặp nhau đôi lần, không sáng thì khuya. Tuần nào cũng nhắn tin một lần, nói chuyện công việc. Thoắt cái hai tuần liền không thấy nhắn, bài vẫn đọc trên nhật báo lớn hằng ngày, biết là không có chuyện gì bất trắc. Vậy thì là làm sao lại không nhắn? Dân chơi này không nhắn thì dân chơi kia nhắn.
"Nếu không có chuyện gì thì gặp nhau chút, có phải đi kinh tế mới đâu mà mười ngày rồi không thấy mặt nhau". "Chưa được, chưa được, đang bận quá, L. ơi". "Ok, fine. Ai mà không bận, tóm lại là không thể gặp chứ gì?". "Gặp, gặp, qua tuần gặp L. ơi, đang sửa nhà". "Cái gì chứ, sửa nhà thôi mà, có cần phải bận vậy không?". Nhắn xong lại thấy thương.
Người anh em thân một mình, chữ nghĩa làm vui, nữ nhân đến rồi đi biết ai tri kỷ. Mẹ già xót con trai vào ở cùng, nay mẹ già mệt phải về lại cố hương. Xa mẹ phút chốc lâm cảnh bụi đời ngay. Có mẹ thì về nhà cơm nóng canh ngọt, xa mẹ thì cơm hàng cháo chợ. Có mẹ thì rượu say về được ăn chè đậu xanh, xa mẹ thì nhậu say về trùm chăn ôm bụng đói ngủ. Có mẹ thì về nhà xoa đầu con mèo nghịch đùa, xa mẹ thì ăn gì cũng phải tranh thủ xin bịch nilon mang thức ăn về cho con mèo kẻo nó đói. Có mẹ thì kê cao chân mà đọc sách, không có mẹ thì loay hoa loay hoay. Lại thêm bây giờ sửa nhà, đến chỗ chợp mắt ba mươi phút buổi trưa theo thói quen cũng không có.
Dân chơi mất chất hẳn, không ngủ trưa được, không uống rượu được thì mất hẳn khí chất dân chơi. Thời may cái máy tính để bàn còn gõ chữ được nên tranh thủ viết đều, chứ không mất số má giang hồ luôn.
Đang họp với lãnh đạo thì người anh em gọi: "Đi ăn phở, nhất định phải đi, anh có chuyện muốn nói". "Dân chơi đang họp với lãnh đạo, không đùa được". "Ok. vậy thì họp xong phải đi nha, nhất định phải gặp".
Nắng gay gắt trên đầu, đến nơi đã thấy người anh em ngồi chờ sẵn. Phở như vẫn như, ăn như vẫn như, cà phê đá như vẫn như. Người anh giúi vào tay ba quyển sách mới vừa in, quyển Tình ta đang nhảy rock, Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên và quyển thơ Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin... Lâu lắm mới được đọc thơ của người anh em một cách trọn vẹn thế này, thơ tài hoa hơn hẳn nét dân chơi mà người anh em sẵn có.
Nhưng có gì đó hơi ngộ ngộ, là làm sao, là một năm ra hơn mười đầu sách hay sao? Là làm sao, cũng phải để cho người ta có thời gian để đọc nữa chứ. Là làm sao, ai nói gì thì nói, còn chỗ chịu in thì mình in thôi. Là làm sao, còn chưa kể đến sách tái bản đấy, nhé. Rồi, đồng ý. In thì trả nhuận bút, mưu sinh bằng nghề chữ có chỗ in thì còn ra sách, người ta còn mua thì còn viết thôi".
Đúng thế, ngày viết mỗi ngày. Viết như một thói quen. Một nghĩa vụ. Không cần đợi cảm hứng. Mỗi ngày lại đọc. Rồi lại viết. Dù có lúc tự mỉa mai như nhân vật Thứ của Nam Cao, nhưng cũng không thể không tìm lấy sự lãng quên, tìm vui từ trong những trang sách, đành rằng những gì đang đọc chẳng hề ăn nhập gì với hiện thực của đời sống. Nên chăng?
Hỏi đấy, trả lời đi?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|