LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.5.2017

 

thi-rieng-NXP-1-R


Chà, ngày trước, dạo đầu năm 2000, y làm việc hào hứng quá. Hỏi đáp Non nước Xứ Quảng, y viết một lèo 4 tập. Hào hứng. Say mê. Sau đó, từ những gì đã viết, y lại triển khai thành chuyên luận Người Quảng Nam. Còn nhớ, lúc đó đã gửi về tặng UBND tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Điều bất ngờ là ông Nguyễn Xuân Phúc - bấy giờ là Chủ tịch tỉnh, nay Thủ tướng Chính phủ - đã hồi âm bằng công văn có đóng dấu treo. Trong đó, câu chót là: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để đồng chí hoàn thành bộ sách”.

Tại sao, sau đó, y không tiếp tục đeo đuổi nữa? Nói ra cũng buồn cười. Rằng, một người con xa quê khi viết về nơi yêu dấu, chôn rau cắt rốn là lúc họ nhớ về quá khứ êm đềm. Nhớ về những tháng ngày hoa niên “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới”. Viết bằng tình yêu chan chứa tự đáy lòng. Không vì mục đích gì ngoài việc thể hiện tình cảm chân thành trên trang viết. Miệt mài. Cần cù. Hào hứng. Và cứ ngỡ như lúc ấy, còn nghe vang vọng bên tai những tiếng nói cười tuổi thơ; còn thấy cả vạt nắng, giọt mưa hiện về trong mắt nhìn; còn nghe mùi biển mặn mơn man trên da thịt…

Vậy, tại sao đề tài này lại không tiếp tục?

Phải nói thật rằng, khi bước ra khỏi trang văn có lúc va chạm với thực tế hằng ngày, tự dưng đâm ra nản quá. Những sự việc tiêu cực, hắc ám đang diễn ra tại quê nhà, cảm thấy bất lực và chán chường. Chẳng hạn, ở quê y có câu: “Quảng Nam ta có đèo Le/ Bà con ta nói cứ đè mà leo’, năm nọ vì thiên tai lũ lụt, màn trời chiếu đất, Nhà nước trợ giúp cho bà con nghèo một số gà để làm vốn, nào ngờ số gà ấy chỉ chạy tọt vào nhà quan chức nọ thuộc xã nọ cùng bà con của ông ta. Rằng, ở quê mẹ của y ở huyện Ái Nghĩa (Đại Lộc), năm nọ có quan chức nọ sinh năm 1967, nhưng chẳng rõ bằng cách nào lại có Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 2 với năm sinh 1956 v.v… và v.v…

Những chuyện thô lậu ấy, mắc dzịch ấy có thể chẳng ghê gớm, to tát lắm, chỉ là "Con sâu làm rầu nồi canh" nhưng lại khiến tâm hồn y chùng xuống. Rồi, bao nhiêu hăm hở về viết về quê nhà đang hào hứng bỗng chìm nghỉm mất tăm. Những vặt vãnh, những vớ vẩn này, tưởng rằng là chuyện của thiên hạ chăng? Y chẳng có liên quan gì sất. Có thể đúng là vậy. Nhưng rồi đối mặt với sự tiêu cực của thời đang sống, nó sẽ tạo ra những gì cho con người ta? Năng lượng vui sống hay tiếng thở dài ngao ngán, bẽ bàng thế thái nhân tình?

Không phải ngẫu nhiên, về cuối đời, sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà trí thức chân chính, với hàng trăm đầu sách hữu ích cho đời sau, ông Nguyễn Hiến Lê cho biết vài suy nghĩ về “Nhân sinh quan”: “Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - NXB Văn Học - 1992 - tr.555). Câu chót, thiết tưởng cũng là tâm niệm, ước mơ của nhiều người cầm bút.

Sáng nay, nghĩ đến một sự kiện liên quan đến quê nhà. Tự dưng lại đâm ra nản thêm một lần nữa. Từ báo chí đến các trang mạng xã hội đồng loạt chia sẻ cấp tập về thông tin của dự án du lịch xâm hại núi Sơn Chà/Sơn Trà. Sự việc này nguy hại nguyên trọng thế nào? Báo chí đã bình luận nát nước rồi. Không nhắc lại.

Trước tình trạng này, cộng đồng người yêu Sơn Trà phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - Green Việt đứng ra kêu gọi mọi người cùng ký tên kiến nghị Thủ tướng xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Bán đảo Sơn Trà theo hướng giải cứu "lá phổi xanh" của Đà Nẵng khỏi bê tông hóa, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân. Tính đến ngày 5.4.2017 đã có hơn 10.000 người ký tên đồng tình.

Báo Tuổi Trẻ ngày 1.5.2017 có đăng tin “Rừng Sơn Trà bị tàn phá qua hình ảnh vệ tinh”. Dù chỉ mấy dòng nhưng lại rất nhiều thông tin: “Hình ảnh Google Map ngày 1.5 cho thấy một khu vực ở phía tây bán đảo Sơn Trà, kế bãi biển Tiên Sa đã 'trụi cây, trơ đất'. Trong khi đó, ảnh chụp từ Google Map trước đó cho thấy khu vực này vẫn còn xanh um. Theo tỉ lệ trên Google Map, phần rừng bị tàn phá chiếm khoảng 1/160 diện tích bán đảo Sơn Trà. Được biết phần rừng bị tàn phá này chính là dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà do Công ty cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư và đơn vị thi công là Công ty TNHH một thành viên 319 Miền Trung (một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng) hiện đang bị đình chỉ”.

Chiều ngày 11.5.2107, trong cuộc họp bàn về vấn đề này, Tổng cục Du lịch thông báo vẫn không thay đổi quy hoạch Sơn Trà, đồng thời khẳng định quy hoạch được làm đúng quy trình. Tuy nhiên, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng không ký tên đồng thuận vì chưa thỏa mãn 4 kiến nghị đã gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 21.3.2017: “1. Tại sao trong bản Quy hoạch Du lịch không tính đến Quy hoạch rừng đặc dụng và đặc biệt là Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học? 2. Trong bản Quy hoạch, vai trò chắn gió bão, phòng chống thiên tai của Sơn Trà là ở đâu, trong khi vai trò này của Sơn Trà là vô cùng quan trọng đối với Đà Nẵng? 3. Tại sao những tác động đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái gần như không được đề cập trong đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch mà vẫn phê duyệt quy hoạch? Trong khi bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát loài voọc chà vá chân nâu ngoài tự nhiên. 4. Tổng cục căn cứ vào tiêu chí nào để xác định các dự án là du lịch sinh thái?”.

Chiều chiều mây phủ Sơn Chà

Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm

Câu ca dao vọng lại nghe rõ mồn một. Vấn đề này sẽ dẫn đến một hồi kết thế nào? Ta hãy chờ xem. Vẫn biết “Ăn theo thuở, ở theo thời”. Đời sống là một sự vận động liên tục, phải có sự thay đổi, không thể cứ khư khư nệ cổ, bám lấy cái cũ dù rằng có lúc đã trở thành truyền thống nhưng nay đã lỗi thời, nếu cần, phải xóa bỏ. Nếu sự xóa bỏ, thay đổi theo chiều hướng tích cực vì cộng đồng, vì môi trường sống thì tốt quá. Đáng vỗ tay hoan nghênh.Nhưng khổ nỗi, có nhiều sự việc lại ngày càng “khác trước” theo chiều hướng xấu đi. Và điều tệ hại này, có ảnh hưởng gì đến mỗi chúng ta không? Chắc chắn rằng có.

Với y, nghĩ về quê nhà, nếu có chăng chỉ là vài ba trang viết, chỉ có thế, chẳng gì to tát, chẳng gì ghê gớm nhưng rồi cũng thấy nản, chứ huống gì những ai nặng lòng cố hương nhiều hơn gấp bội phần. Chẳng lẽ, trước những tiêu cực, nhố nhăng mà cứ bịt tai, nhắm mắt véo von, chìm đắm tâm tưởng về cái thời của nhà thơ Tường Linh đã có? Cái sự có ấy, có thật là còn hay đã mất?

Quê hương tôi bên ni đèo Ải

Nhấp nhô bóng thuyền cửa Đại

Già nua nếp phố Hội An

Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn

Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện

Đêm Đà Nẵng vọng buồn con sóng biển

Bún chợ Chùa, thương nước mắm Nam Ô…

Vì lẽ đó, nghĩ rằng, đã là dân viết lách chuyên nghiệp, cả một đời chỉ kiếm sống duy nhất bằng con chữ, dám nói rằng, viết đề tài gì cũng khó. Nhưng khó nhất vẫn là viết về quê nhà, về nơi nặng nợ kiếp người mà trong lòng còn ngỗn ngang thế sự thì đố ai có thể bình tâm ngồi viết. Khó lắm. Cực khó. Bởi không gì mỉa mai hơn khi nhìn về quá khứ, tự hào với tiền nhân, thiên nhiên vẫn còn thắm tươi đẹp đẽ trong ký ức mà hiện tại đã là một dòng chảy khác. Đã từ lâu, từng tự nhủ, không bàn đến chuyện thời sự nữa. Cho yên thân. Cho nhẹ đầu. Ấy vậy cũng khó nốt. Làm sao có thể dững dưng tìm vui theo trời, trăng, mây, nước... cùng rị mọ chữ nghĩa?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment