LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.4.2017

Con_duong_xua_em_di_Chau_Ky__Ho_Dinh_Phuong_1

Ngày vẫn ngày. Vẫn thế. Vẫn xuống phố mỗi ngày. Sài Gòn, đường phố thông thoáng hơn. Tạo nên tình yêu sâu đậm, những dấu yêu không thể phai nhạt theo năm tháng, với nhiều người còn là một góc phố nhỏ đã gắn liền với năm tháng hoa niên. Nơi ấy, chẳng có gì ghê gớm lắm đâu, có thể là một vòm cây xanh mát, một gánh hàng rong ăn vặt, một xe bán hủ tiếu, một sạp báo tuềnh toàng…. Bỗng chốc, tất cả được “nhổ/bứng” đi sạch sẽ, trống huơ, trống hoác, dẫu có thoáng đãng hơn nhưng rồi ta lại cảm thấy xa lạ, lạc lõng. Mới đây thôi, trên con đường Lý Chính Thắng có khá nhiều sạp báo. Muốn mua tờ báo nào cũng dễ dàng. Nay, đã mất hút. Nếu còn, chỉ là một chỗ ngồi túm tụm, nhiều tờ báo nhét vào cái thùng nhỏ xíu đặt sát vách tường, không còn bày biện như trước nữa. Đôi lần đi ngang qua, lại nhớ đến câu thơ của Tú Xương:

Cô hàng bán sách lim dim ngủ

Thầy khoa tư lương nhấp nhổm ngồi

Chỉ đúng ở vế sau. Nhốp nhổm bởi sợ bị phạt chiếm lòng lề đường. Sực nghĩ, khác với không gian của miền quê đã cố định với đặc thù cây đa, bến nước, sân đình… thì hồn của một phố thị chính là nơi góc phố nhỏ ấy, dù chật chội, dù chen lấn, dù gì đi nữa thì nó cũng là một phần máu thịt, đã trở thành ký ức của con người đã quen thuộc nơi ấy. Đừng nói đâu xa, với con người Sài Gòn, mỗi góc phố, dù có khác nhau đến đâu thì cũng gắn liền với những tiện ích mà nơi khác khó có được. Tiện ích ấy đã hình thành, đã gắn liền với tính cách văn hóa, nếp sinh hoạt hằng ngày của họ và cũng từ đó, họ có thể kiếm sống mỗi ngày.

Không phải sinh ra tại Sài Gòn nhưng đã gắn bó hơn nửa đời người tại vùng đất này, do đó, y đã nhiễm thói quen: ở góc phố này, trong lúc chờ đèn đường xanh, đỏ chỉ cần í ới một tiếng, ngay lập tức đã có người bán sạp báo gần đó đưa tận tay những tờ báo mới. Nhanh, gọn, lẹ. Không mất thời gian. Nơi góc phố kia, trưa nắng chói gắt, tạt ngay vào lề đường là có ngay ly nước mía mát rười rượi… Đại khái thế. Phong cách sống của người Sài Gòn là thế. Thật ra, bất kỳ thành phố nào trên quả địa cầu này cũng mang nét đặc thù riêng biệt, có như thế mới tạo nên diện mạo/ hồn của thành phố đó. Mà dù có bất cập đi nữa, nhưng cũng khó có thể xóa bỏ theo suy nghĩ chủ quan duy ý chí.

Làm sao có thể thay đổi được hồn của những con phố đã định hình ngay từ trong tập quán, thói quen, nền văn hóa của cư dân bản địa? Nếu muốn, phải bắt đầu từ một sự chuẩn bị khác, trước nhất, không phải bài toán kinh tế cho những số phận kiếm sống gắn liền với góc phố đó, dù là cần, nhưng điều cần hơn vẫn là chuẩn bị một quy hoạch chu đáo về hạ tầng đầy đủ điều kiện nhằm đáp ứng hữu hiệu, hợp lý cho việc thông thoáng đó.

Nghĩ ngợi linh tinh lang tang vẫn là thói quen của mỗi ngày. Nghĩ và viết. Ngày tháng trôi qua, chỉ có thế. Nhưng rồi đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, ngao ngán vì có những vấn đề khó có thể viết cặn kẽ hết mọi ý tứ. Hôm nọ, ăn phở nhắc lại ý kiến này với Ngô Kinh Luân, hắn ta bảo: “Bổn phận của trí thức vì tinh thần xây dựng mà phải nói, dù rằng, tiếng nói ấy chẳng có ai nghe”. Rồi cả hai lại nhớ đến đoạn văn trong tập Việt Nam nghĩa liệt sử, in năm 1918. Tập sách chữ Hán này ghi soạn giả Đặng Đoàn Bằng, tu đính giả Phan Thị Hán, khi dịch ra tiếng Việt nhà nghiên cứu Tôn Quang Phiệt xác định “do nhiều người góp lại, trong đó Phan Bội Châu đã góp phần nhiều (NXB Văn Học -1972, tr.7).

Dù đang phở thơm ngon, nghi ngút khói, tái nạm vè gầu gân thơm nức mũi nhưng cả hai vẫn ngưng đũa, đồng thanh du dương như đứa trẻ mẫu giáo học thuộc lòng: “Ông đi khắp thôn quê thị thành, mưa nắng không nài để nói chuyện với dân chúng. Lúc thì kể chuyện Đông sang Tây, từ nhỏ đến lớn, vạch rõ các tập tục hủ lậu của nước ta, ngu hèn yếu đuối của dân ta và tỏ lòng đau xót. Ông nói như hát như khóc, như cười như mắng. Xét về kết luận thì công kích cựu học, khuyến khích dân tộc, khai thông dân trí đề xướng dân quyền, chỉ mấy việc ấy thôi, lúc đầu ông diễn giải, nhân dân người ta ít vui lòng nghe, có lúc họ cho ông Bất Nhị đã phát điên. Nhưng ông là một ngôi sao trong học giới có danh vọng lúc bấy giờ, một người quân tử, nên càng được quần chúng tín ngưỡng. Ông đã trở thành người chuyên đi tuyên truyền, giải thích không mệt mỏi để mở mang dân trí nên càng ngày nhân dân ta càng hoan nghênh ông. Vì thế các cuộc nói chuyện càng lâu càng đông người nghe. Ông lại càng nỗ lực làm việc. Có lúc đang giữa trưa, đi chân không lún dưới bùn, đứng dưới trời nắng chang chang mà vẫn nói chuyện, thao thao bất tuyệt, mồ hôi đầm đìa mà vẫn không dùng quạt. Nhờ ông diễn giải nhiều nên các danh từ “dân quyền”, “công lý” rộng khắp dân gian, người Pháp rất là căm ghét”. (Bản dịch Tôn Quang Phiệt - NXB Văn Học,1972).

Ấy là đoạn văn viêt về chiến sĩ Duy tân Trần Quý Cáp (1870 - 1908), người làng Bất Nhị ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Đọc sử, còn là một cách noi gương tiền nhân. Thừa biết thế, nhưng y còn lâu, không đáng xách dép cho cụ Trần. Nói như thế, bởi có nhiều thông tin hằng ngày cần ghi lại như rồi y cũng nhắm mắt, bịt tai, làm lơ cho nó xong, cho nhẹ nhàng tâm trí. Sức mấy dám nói.

Mấy hôm nay, lãnh vực văn hóa nghệ thuật có gì đáng quan tâm không? Thoáng đó, đã một tuần trôi qua cái vèo. Hôm nọ, Đoàn Tuấn nhắn tin đã vào Sài Gòn vì giải thưởng Cánh diều vàng. Hắn ta bảo, mỗi ngày phải ngồi xem phim ròng rã đến mỏi mắt, nay mọi việc đã kết thúc. Điều gì còn đọng lại? Y chẳng rõ vì không quan tâm lắm đến chuyện giải thưởng, còn  anh em đồng nghiệp lại hay “tám” chuyện ngoài lề: đạo diễn của bộ phim Cha cõng con trả lại Giấy khen cho ban giám khảo, chỉ vì không đồng ý với kết quả. Trong khi đó, giải thưởng cụ thể ra làm sao, tác phẩm nào đoạt giải chính thức, nội dung, thủ pháp nghệ thuật, bút pháp có gì mới v.v… chẳng nghe ai bàn tán đến. Các giải thưởng thường niên nói chung của các hội, đoàn ngày càng nhạt từ trong sự quan tâm của công chúng.

Lại sực nghĩ, ở trên đời những gì thuộc về xì can đan, giai thoại, việc làm có tính cách khác thường… thì mọi người hay bàn tán nhiều hơn chăng? Nói như thế, vì mới đây có 5 ca khúc bỗng dưng được nhắc đến với tần số chóng mặt trên các mạng xã hội, báo chí. Ca từ, giai điệu hay, dở thế nào, chưa bàn đến nhưng rõ ràng, đã có nhiều người biết đến, nhớ lại chỉ vì một lệnh cấm khôi hài. Các ca khúc bị Cục Nghệ thuật biểu diễn (Cục NTBD) tạm dừng lưu hành bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Lý do cấm chỉ vì “những ca khúc này đều bị sai lời, thậm chí có những ca khúc bị thay lời khác”.

Vấn đề đặt ra một cách nghiêm túc, làm sao có thể tìm cho được bản gốc của tác phẩm, với chữ ký của tác giả? Đồng nghiệp trên báo Lao Động  ngày 5.4.2017 đặt câu hỏi: “Nhiều độc giả bày tỏ sự hoang mang, vì trong khi Cục NTBD đưa ra lý do “cấm” là vì các ca khúc này bị sửa lời, sai tên tác giả, vi phạm nghiêm trọng các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, nhưng lại không công bố bản gốc để khán giả so sánh, đối chiếu và phân biệt với dị bản. Trong trường hợp không tìm được bản gốc thì chẳng lẽ khán giả, người nghe sẽ mãi mãi không được thưởng thức ca khúc này trên sân khấu ca nhạc trong nước?”.

Với lý do cùi bắp, không tưởng của Cục đưa ra, dư luận đã phản ứng dữ dội, nếu thế, ngay cả Dạ cổ hoài lang và hàng loạt ca khúc khác cũng bị cấm nốt. Cứ cái đà này, ngay cả Truyện Kiều, ca dao, tục ngữ cũng cấm tiệt vì không chấp nhận một tồn tại hiển nhiên đó là dị bản của nó. Ối dào, vấn đề trầm trọng này, thiên hạ bàn tán nát nước, y không nhắc lại và biết chắc chắc rằng, với quyết định ngớ ngẩn trên Cục Nghệ thuật biểu diễn đã bị “ném đá” tơi bời. Chưa dừng lại đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại cho rằng, ca khúc Nối vòng tay lớn muốn hát phải xin phép, vì nó chưa được đưa vào dnah mục các bài hát được phép phổ biến.

Giọt nước đã tràn ly.

Ca khúc trên, theo báo chí cho biết đã từ lâu đã được chọn đưa vào sách giáo khoa âm nhạc lớp 9 (tập 1). Và ghi nhận rất rõ: “Bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tiếng nói tình cảm của những người VN yêu nước, mong muốn cùng nắm tay, kề vai sát cánh bên nhau để tạo dựng cuộc sống yên vui, thanh bình vươn tới mục tiêu cao cả vì một đất nước VN thống nhất, độc lập, hòa bình, hạnh phúc”. Vậy đó. Không phải ngẫu nhiên, trên báo chí gần đây đã có nhiều ý kiến, bài viết tâp trung phân tích các quyết định của Cục.

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, tính đến nay, chỉ mới có 2.586 bài hát được phép phổ biến! Con số ấy, nói lên điều gì? Việc cho phổ biến lại các ca khúc sáng tác tại miền Nam trước năm 1975 nên thực hiện như thế nào? Câu hỏi này, từ hơn 10 năm trước đã đặt ra và nay vẫn còn lặp lại lần nữa. Nó còn kéo dài đến bao giờ? Tự dưng lại nhớ về một kỷ niệm đã cũ có liên quan đến nhà thơ Vũ Hữu Định. Câu thơ anh viết: “Mai xa lắc trên đồn biên giới”, Phạm Duy giữ nguyên khi phổ nhạc. Thế nhưng cũng vì chữ “đồn” mà nó bị ách lại. Lúc ấy, bạn thơ Đông Ky Rét có quyên tiền thân hữu in tập thơ gồm cả di cảo của Vũ Hữu Định, từ chữ “đồn” đã được biên tập thành “đồi” để sách có thể xuất bản. Thật ra, phải thừa nhận rằng, với văn hóa không thể chấn chỉnh, điều hành, định hướng bằng các biện pháp hành chánh. Cấm hoặc không, tự nhu cần thẩm mỹ của bản thân người thưởng thức, tiếp nhận đã là câu trả lời thuyết phục nhất.

Trưa nay, nằm đọc tập san Áo Trắng số tháng 3.2017. Dừng lại với truyện ngắn Nấm mồ côi của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Tưởng rằng ấy là một cách chơi chữ. Không phải, nhân vật Long cho biết: “Độc và đẹp thường đi chung với nhau. Ông thấy cây nấm nào bụ bẫm, to hơn bình thường, mũ nấm phớt hồng xin đẹp chứ không có màu xám tro, đó là nấm độc. Cây nấm độc thường mọc một mình, chung quanh nó không có cây nấm nào khác, có lẽ chính bọn nấm lành cũng sợ bị lây độc”. Chi tiết này có thật hay không? Chưa bàn gì sâu vào nội dung, với chi tiết là lạ này (ít ra với y) cũng là sự hấp dẫn.

Với ý kiến trên, nhân vật xưng tôi phát biểu: “Tôi muốn gọi nấm độc là nấm “cô đơn”, vì nó phải đứng lẻ loi một mình”. Với người Việt, từ “mồ côi”, “cô đơn” luôn gợi lại cho ta sự cảm thông và thương xót. “Nước chảy bon bon/ Con vượn bồng con lên non hái trái/ Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi”. Ai lại không động lòng? “Mồ côi tội lắm ai ơi/ Đói cơm khát nước biết người nào lo”. Ai lại không cảm thương trắc ẩn? Ấy thế, lại sử dụng cho tên gọi loại nấm độc, xem ra chưa “ngon” lắm.

Trời đã chiều. Ông sư trụ trì của ngôi chùa đối diện nhà vừa mất. Vì thế, những ngày này không còn nghe tiếng chuông, tụng kinh đều đặn như trước nữa. Nhìn thoáng ra ngoài sân, hàng cau vẫn thảnh thơi trong sắc chiều. “Trước cau sau chuối/ Chuối sau cau trước” - câu thành ngữ này nhằm nói lên sự thẩm mỹ của người Việt trong việc bố trí không gian nhà ở? Có người bảo thuở sinh thời GS-TS Trần Văn Khê từng giải thích: “Người ta thường chỉ trồng cây chuối ở sau nhà, vì "chuối" nói theo giọng Nam bộ là "chúi", trước nhà mà trồng chuối (chúi) sợ xui xẻo. Còn "cau" nói theo giọng Nam bộ là "cao", cao đẹp, cái gì cao đẹp thì người Việt bày ra phía trước, cho nên trước nhà thường trồng cau”.

Nghe ra cũng có lý đấy chứ?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment