Sau ngày lễ, đường phố đã đông người. Không còn càm giác thông thoáng như vài ngày vừa nghỉ lễ. Nhật ký hôm nay, chỉ dành ghi lại một, hai thông tin vừa đăng trên báo Tuổi Trẻ.
Bài thứ nhất, Nghỉ học phổ thông để tự học ở nhà (số ra ngày 2.5.2017): “Đó là trường hợp hai anh em Đặng Thái Anh (sinh 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh 1998) ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Cuối năm 2016, Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi; Nhật Anh IELTS đạt 8.0 năm 2015.
“Chị Lê Thị Thanh: Đây là quyết định từ cha các cháu. Lúc đầu tôi không đồng ý, bởi trẻ ở lứa tuổi học sinh phải đến trường chứ không thể ở nhà. Tuy nhiên qua thời gian trải nghiệm, bản thân tôi cảm thấy quá mệt mỏi với việc học hành của con ở trường. Cả hai con trai tôi đều học tiểu học, trung học ở trường công lập. Có nhiều điều bất cập trong nhà trường mà bản thân là một nhà giáo, tôi cảm thấy rất bức xúc và bế tắc. Một lần con lớn của tôi không thuộc bài, thế là cháu cùng với gần 20 bạn phải đứng trước phòng ban giám hiệu nhà trường trong giờ ra chơi cầm cuốn tập học bài.
Tôi phản đối hình phạt đó, bởi tôi cho rằng nó không hiệu quả. Giờ giải lao là khoảng thời gian học sinh được nghỉ ngơi, giải trí để phục hồi khả năng tiếp thu, chứ bắt đứng học như thế làm sao các em học được. Thấy tôi phản ứng, cô chủ nhiệm của cháu bảo: “Em chỉ cho các cháu đứng như thế một tuần để các cháu sợ mà thôi”.
Tiếp nữa là chương trình học thừa thãi một cách vô lý khiến học sinh học hành quá tải, các thầy cô thì giao quá nhiều bài về nhà. Con lớn của tôi ngày nào cũng miệt mài làm bài tập đến 22h, 23h mới xong, 6h sáng hôm sau đã phải dậy đi học rồi.
Anh Đặng Quốc Anh: Nhà trường xếp lịch học tréo ngoe lắm. Con tôi học chính khóa buổi chiều nhưng có tiết thể dục buổi sáng. Mà mỗi buổi chỉ học một tiết trong 45 phút. Thế là sáng cha hoặc mẹ phải sắp xếp chở con đi, rồi đứng đó chờ đón con về. Cháu lớn học gần hết lớp 10 thì tôi cho nghỉ ở nhà để tự học. Đến cháu nhỏ, hồi học tiểu học cũng có chuyện này chuyện kia nhưng không đến nỗi nào. Khi cháu lên lớp 6 mới thật sự gặp sóng gió. Trong lớp, học sinh có đi học thêm thì không phải truy bài, bạn nào không học thêm như con tôi thì thầy cho đến 10 trang giấy bài tập về nhà. Nếu làm không hết thì bị phạt thụt dầu. Riêng môn tiếng Anh cháu học khá tốt, nhưng bài kiểm tra của cháu làm đúng mà cô giáo chấm sai làm cháu bức xúc.
Chưa hết, cháu thường hay nói chuyện với các bạn về hố đen, phản vật chất, thiên văn... Thế là bạn bè dè bỉu: “Thái Anh không bình thường, có vấn đề về thần kinh, bị khùng...”. Về nhà, Thái Anh đặt vấn đề với cha mẹ: “Sao anh hai được nghỉ học ở trường mà con không được?”.
Tôi quyết định cho hai con ở nhà (năm 2014) để mình đỡ phải lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên với chuyện học hành của con nữa. Mình dạy con thì chắc ăn hơn.
Đặng Nhật Anh: “Em đã thay đổi quan niệm học tập”. Nghỉ học ở trường THPT, em cảm thấy như trút được một gánh nặng vì không phải lo lắng cho những đợt kiểm tra một tiết, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ... và một số áp lực không tên khác. Khi tự học, em đã thay đổi quan niệm học tập: trước đây học để có điểm vì có điểm mới lên lớp được, bây giờ tự học thì học để có kiến thức cho bản thân, học vì mình muốn tìm hiểu, sau đó mới đến điểm số. Thật ra học trong trường phổ thông cũng có cái sướng là thầy cô lo cho nhiều thứ, như chuẩn bị đến kỳ thi đã có sẵn đề cương ôn tập do thầy cô soạn sẵn, còn tự học thì bản thân phải chủ động, phải lên kế hoạch để học theo đúng tiến độ, phải tự chuẩn bị kiến thức để thi...”.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): “Việc không cho trẻ đến trường mà phụ huynh tự dạy con tại nhà có thể còn mới và ít gia đình ở Việt Nam áp dụng nhưng tại Mỹ thì khá phổ biến, nó có tên gọi là home schooling. Đến thời điểm này, luật pháp nước ta vẫn chưa công nhận mô hình home schooling mặc dù nó cũng đang dần dần manh nha. Theo tôi, hiện home schooling ở Việt Nam có nhiều hình thức khác nhau.
Hình thức thứ nhất: trẻ không đến trường học chính khóa mà phụ huynh tự dạy con ở nhà (trong trường hợp này, trẻ đã được định hướng không tham gia thi để lấy bằng do Bộ GD-ĐT Việt Nam cấp hoặc công nhận). Hình thức thứ hai: trẻ vẫn đi học một buổi ở trường chính khóa, buổi còn lại đến trung tâm (tôi được biết trung tâm hoặc trường ngoại khóa này do một nhóm phụ huynh có cùng quan điểm giáo dục, tự mở trung tâm để bổ sung kiến thức, kỹ năng cho con em mình). Hình thức thứ 3: trẻ vẫn có tên trong trường chính khóa, nhưng không học mà hoàn toàn học ở nhà do phụ huynh hướng dẫn.
Ở Mỹ, home schooling thường diễn ra ở những gia đình có điều kiện, phụ huynh có trình độ văn hóa cao hoặc hiểu biết rộng, họ cho rằng chính họ trực tiếp dạy con mình thì tốt hơn các thầy cô. Home schooling cũng có thể do các phụ huynh thường xuyên đi công tác mà phải mang các con của mình theo. Luật pháp ở Mỹ cho phép, công nhận và có những hoạt động hỗ trợ home schooling như cung cấp chương trình cho phụ huynh tự dạy con, cho thêm bài tập để học sinh tự làm ở nhà, hoặc có những chủ đề phụ huynh không tự dạy con được thì lại cho trẻ đến trường học riêng chủ đề ấy...
Vì luật pháp công nhận home schooling nên quy định của họ về thi cử cũng rất thoáng: học sinh được tự do đăng ký và đóng tiền để tham dự những kỳ kiểm tra cuối cấp mà không cần bằng cấp (hay chứng chỉ, học bạ) của cấp dưới. Ở Mỹ, nhiều học sinh học theo hình thức home schooling đạt thành tích rất cao, thậm chí cao hơn cả một số bạn cùng trang lứa có đến trường. Hầu hết học sinh tự học ở nhà có tinh thần tự giác cao. Mà như mọi người biết đấy: khả năng tự giác là chìa khóa của thành công.
Mô hình học tập nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Thực tế đã có nhiều phụ huynh giỏi, có thời gian và điều kiện để tìm hiểu và thực hiện nhiều nội dung giảng dạy đa dạng, phong phú, giúp con mình tiếp thu được nhiều kiến thức tốt. Họ rất tâm lý và có cách cư xử chuẩn mực đối với con cái.
Tuy nhiên khi ra cuộc sống thực tế không phải người nào cũng lý tưởng như cha mẹ, anh em mình nên trẻ dễ bị sốc. Còn nếu học ở trường, trẻ sẽ được tiếp xúc với nhiều bạn khác nhau: có bạn giỏi, bạn dở, bạn tốt, bạn chưa tốt; ngay cả giáo viên cũng có nhiều tính cách và cách ứng xử khác nhau.
Vì vậy, tôi lo ngại rằng trẻ tự học ở nhà nếu không khéo sẽ không biết cách ứng xử (hoặc ứng xử kém) với nhiều tình huống khác nhau, trong cách giao tiếp với những con người khác nhau. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ không có cơ hội học tập, thi đua, vui chơi, giao tiếp... với bạn đồng trang lứa nên rất có thể thiếu một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác...
Tuy nhiên, nếu phụ huynh nhận ra và bổ sung những kỹ năng trên bằng cách cho trẻ học kiến thức ở nhà, song song đó trẻ học những kỹ năng cần thiết khác ở trường, trung tâm thì vẫn ổn”.
Bài báo thứ hai, Còn có sự lựa chọn nào khác? (số ra ngày 3.5.2017):
“Nguyễn Minh Hòa: Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài “Nghỉ học phổ thông để tự học ở nhà", đã có hàng ngàn ý kiến bày tỏ thái độ ở các khía cạnh và cung bậc khác nhau, dù đang là ngày cuối của kỳ nghỉ lễ. Lúc 21h đêm qua, cuộc thăm dò trên Tuổi Trẻ Online đã nhận được 5.056 ý kiến, trong đó số ủng hộ việc để các cháu tự học ở nhà dưới sự hướng dẫn của cha mẹ là 4.282 (84,7%), số không ủng hộ là 469 (9,3%) và số có ý kiến khác là 305 (6%). Như vậy, số ủng hộ cho sự lựa chọn này của cha mẹ và hai đứa trẻ chiếm đến 84,7%.
Tôi cũng đã dành thời gian đọc hết tất cả bình luận, ý kiến của hàng trăm người về câu chuyện này. Tất cả đều nghiêm túc. Phải rồi, với một câu chuyện như vậy, không ai có thể cười cợt và tôi nghĩ các quan chức của Bộ GD-ĐT, của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng không thể dửng dưng.
Là một trong số 4.282 người đã bấm vào mục ủng hộ, tôi hiểu những người khác sẽ nghĩ như tôi ủng hộ một sự lựa chọn dù không có nghĩa là mình có thể làm được, bởi không phải gia đình nào cũng có những điều kiện thuận lợi như anh Quốc Anh và chị Thanh. Nhưng rõ ràng con số 84,7% khiến chúng ta phải suy nghĩ, khiến chúng ta phải cùng nhau bày tỏ thái độ về một nền giáo dục đang có vấn đề.
Tôi dám chắc một điều rằng sự lựa chọn này không dễ dàng với anh Quốc Anh và chị Thanh, đó là lựa chọn đau đớn cuối cùng sau những giày vò và bế tắc. Là nhà giáo, làm sao anh chị lại không hiểu ngoài kiến thức ra, các cháu còn nhận được những thứ khác ở trường học mà gia đình không có được như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, bầu không khí sinh hoạt tập thể và hơn hết là tình đồng môn, nghĩa thầy trò.
Tôi là một giảng viên đại học, có con học lớp 7 và chúng tôi cũng trải qua tất cả cung bậc đau buồn, xót xa, giận dữ, khủng hoảng, căng thẳng, thậm chí “phát khùng” như hai cháu Thái Anh, Nhật Anh cùng cha mẹ phải trải qua. Hơn thế nữa, là một nhà giáo có thâm niên gần 40 năm đứng lớp, tôi đau đớn vì sự bất lực trước các con tôi và sinh viên của tôi, đến độ nhiều lần phải gào lên: “Tại sao lại ra nông nỗi này?”. Tôi và con vừa cùng nhau trải qua một mùa thi với 9 môn, hai cha con đánh vật ngày đêm để học thuộc lòng từng câu từng chữ, mà môn nào cũng từ 4 đến 6 tờ A4 kín đặc chữ. Nhưng tôi đoan chắc rằng ngay sau khi ra khỏi phòng thi, không đứa trẻ nào còn nhớ “lời vàng ý ngọc” mà các thầy cô nhồi nhét vào đầu chúng.
Tôi nghĩ giá như ông bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ cần làm được một chuyện là cho phép các thầy cô giáo giảng cho học sinh hiểu được nội dung của bài học, còn mỗi em được quyền diễn đạt theo cách mà chúng nó muốn, không phải lặp lại như những con vẹt ngô nghê. Chỉ vậy thôi, tôi tin chắc người dân đã rất biết ơn ông.
Tôi đọc được sự trăn trở và cả hoảng sợ của các bậc phụ huynh về tương lai của con em mình, ai cũng biết nền giáo dục nước nhà đang chứa đựng nhiều bất cập, nhưng họ còn có sự lựa chọn nào khác. Và 84,7% những người ủng hộ anh Quốc Anh, chị Thanh như một tâm trạng, một phản ứng mạnh mẽ mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT không thể không biết, không thấy.
Tôi muốn kết bài viết này bằng một dẫn chứng: có rất nhiều lãnh đạo của các trường, của ngành giáo dục luôn nói rằng giáo dục VN ưu việt, thậm chí có thứ hạng trên thế giới, nhưng rốt cuộc đều gửi con cái mình đi học ở nước ngoài, mà không cho chúng thụ hưởng sự ưu việt đó của nền giáo dục nước nhà (!)”.
Từ các ý kiến, mỗi người đã có thể cay đắng rút ra một kết luận. Xin không bình luận gì thêm.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|