Rằng, nên nghĩ về sự tốt đẹp, hướng thiện mỗi ngay vẫn đang hiện diện quanh ta, lấy đó làm niềm vui là lẽ tất nhiên. Nhưng nhố nhăng này nọ, hãy tin rằng chỉ là cá biệt. Riêng lẽ. Không trở thành phổ biến. Nếu không, tính cách người Việt ngày càng xấu đi à? Không đâu. Hãy cứ tin là thế.
Lâu nay, khi bàn về môt vấn đề thời sự, y không có khả năng vì chẳng đầy đủ thông tin. Khó có thể biết nội tình cụ thể nên ít dám “Đánh trống qua cửa nhà sấm”, chỉ lẳng lặng đọc/nghe và không há mồm ra bình luận điều gì. Ừ, cứ thế, cho nó lành. Mối quan tâm của y không ở đó. Mà ở chuyện chữ nghĩa, tìm hiểu tiếng Việt như đã từng mê đắm trong vòng mươi năm trở lại đây.
Sáng hôm nay, có báo đưa tin về kỷ niệm 199 năm ngày sinh của Karl Marx (1818-1883). Trong bài Tinh thần Prometheus của Karl Marx, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Và nói tới Marx, tôi nhớ tới Prometheus, vị thần trong thần thoại Hy Lạp đã lấy lửa của Zeus, chúa tể của các vị thần trên đỉnh Olympus, đem lại cho loài người. Vì hành động đó, Prometheus đã bị Zeus xiềng vào vách núi cho chim ưng mổ ngực ngày ngày. Nhưng Prometheus kiêu hãnh không chịu khuất phục Zeus. Karl Marx thời trẻ đã khâm phục vị anh hùng văn hóa này của loài người. Ông đã đề từ bản luận án tiến sĩ của mình bằng bốn câu thơ trong bi kịch Hy Lạp viết về Prometheus để nói lên chí nguyện đời mình:
Hãy nên biết đừng hòng ta chối đổi
Kiếp nô tỳ để bớt nỗi đau thương
Thà cột ta vào vách đá cùm gông
Còn hơn sống làm tôi trung cho Zeus”.
Đoạn này trích lại từ báo Tuổi Trẻ số ra ngày 5.5.2017. Chi tiết trên có thật hay không, y chưa từng biết đến nên chép lại là vậy. Đọc xong, cảm phục cho ý chí, chí nguyện kiên gan, bền bĩ của một con người. Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 42 năm ngày tờ báo Sài Gòn Giải phóng phát hành số báo đầu tiên. Vốn là cộng tác viên thân tín lâu năm, do đó, Ban viên tập báo đã nhắn y viết đôi lời. Sáng nay, đọc lại bài báo đã in, lập tức y nhìn xuống bàn tay mình và tự hỏi rằng, với mười đầu ngón tay gõ phím, y đã cộng tác bao nhiêu tờ báo - kể từ thời sinh viên đến nay? Thật khó có thể nhớ hết nổi và nhất là chẳng thể biết đã viết, đã in bao nhiêu bài báo? Nghĩ ngợi lẫn thẫn rồi tự cười một mình. Cười một mình cũng là một cách tìm lấy niềm vui cho mình, cần gì phải chờ tác động từ phía bên ngoài.
Trưa về nhà, đường phố vẫn đang nhộn nhịp. Nắng vẫn chói gắt. Trên đường về ghé chợ mua vài ký gạo Nàng thơm chợ Đào. Lâu nay, mẹ y chỉ chọn loại gạo này. Bà cụ luôn giữ trong ví nhỏ cái cacvidit của người bán hàng, khi cần, chỉ biểu con bằng giọng nói phương ngữ Quảng Nam: “Con gụa điện thụa mua cho mẹ vài ký gộ Nèng Hương chợ Đồ”. Y a lô là có người giao ngay tận nhà. Nhờ vậy, y mới biết đến loại gạo này. Biết thì biết vậy, làm sao có thể giải thích “Nàng thơm chợ Đào” cụ thể ra làm sao?
May quá, sáng nay vừa mua tập sách Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ (NXB Văn hóa -Văn nghệ), thật lạ lùng, lật ngẫu nhiên lại đúng ngay trang 125.Trang này, nhà nghiên cứu Hùynh Công Tín giải thích Nàng Thơm: “là giống lúa mùa đặc sản được trồng và làm nên thương hiệu danh tiếng “Chợ Đào” là Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Như vậy địa danh Chợ Đào vốn là một tổ hợp từ ghép chỉ một cái “chợ”, có vị trí nằm bên con kinh “đào”, thuận cho ghe, xuồng đến nơi đây để trao đổi, mua bán. Một danh ngữ “chợ đào” đã trở thành địa danh “Chợ Đào” dùng để định tính cho nông sản, đó là con đường hình thành địa danh “Chợ Đào” và thương hiệu “Nàng thơm chợ Đào”.
Cách giải thích này thuyết phục lắm. Lan man đọc tiếp lại thấy có cách giải thích khác về lý do tại sao trong Nam chỉ gọi anh Hai, chứ không anh Cả như ngoài Bắc? Theo ông Tín: “Có người cho rằng, xuất phát từ hiện tượng Nam tiến của cư dân Việt xưa, nhiều gia đình Bắc Trung bộ để “Cả” ở lại chăm nom phần còn lại của gia đình, nên số những người con tiên phong vào Nam không có “thứ cả”. Từ đó, để ghi nhớ “thứ cả” còn ở lại, hoặc để vinh danh người con tiên phong vào Nam mà họ có thói quen không đặt “thứ cả” cho người con đầu lòng (đầu tiên). Như vậy, anh Hai trong cách nói Nam bộ là anh Cả, còn anh Hai trong cách nói Bác bộ, nếu tính thứ bậc là con thứ hai” (tr.205). Thoạt nghĩ, cách giải thích này, hoàn toàn suy luận/suy diễn khó thuyết phục.
Phải chăng khi xét về cách gọi này phải bắt đầu từ tâm lý kiêng dè con cọp mà cư dân đã tôn lên làm “Ông Cả”? Đọc một quyển sách, đôi lúc “cãi” lại với tác giả cũng là một cách đọc. Đọc rồi tự cãi bằng cách ghi thêm đôi dòng bên trang sách. Những dòng đó, về sau, có lúc đọc lại sẽ gợi nhớ lại khoảng thời gian mà mình đã đọc, âu cũng là một cái thú tao nhã vậy.
Sở sĩ chiều này, nhắc đến Nàng Hương chợ Đào bởi nhớ mẹ. Điều thú với y, còn ở chỗ bà con Nam bộ gọi gạo bằng từ “nàng” nghe ra thân thương, thân mật lắm lắm. Này, thuở nhỏ đi học, ai lại không nhớ câu ca dao: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Lúa chiêm là lúa gì vậy?
Trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết: “Xứ Thuận - Hóa nhiều ruộng chiêm, ít ruộng mùa. Lúa chiêm gọi là mùa chính (lúa mùa), lúa mùa thu gọi mùa trái”; và: “Có thứ lúa được gọi lúa chiên (hay lúa chiêm), hạt thóc thô mà màu sắc đỏ, cứ đến tháng 10 thì cấy, đến tháng 3 năm sau thì thu hoạch”. Như vậy, lúa chiêm là lúa Chiêm/lúa Chăm mà người Việt tiếp cận được trong quá trình mở cõi về phương Nam. Suy luận này không phải tàm xàm, vô căn cứ. Tất nhiên, không chỉ thêm giống lúa mới, người Việt còn học của người Chăm cách là nước mắm. Sự giao thoa văn hóa còn ở lời ăn tiếng nói nữa.
Với nhiều người, khi nâng chén cơm lên là nhớ đến mẹ. Y cũng thế thôi. Bạn thơ Nguyễn Thái Dương lại khác: “Nâng chén cơm lên, đã thấy bóng cha rồi/ Cái hình bóng bên nương còm cõi ấy”. Câu thở mở ra một hình ảnh xa xăm, rười rượi nỗi niềm. Có lẽ bài ca dao hay nhất, tuyệt đỉnh trong tàng văn hóa dân gian Việt Nam nói về nghề làm nông chính là bốn cấu này: “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Nhiều tài liệu đã chứng minh là thơ của một thi nhân đời Đường bên Trung Quốc. Cũng chẳng sao cả, chỉ khi dịch sang thể thơ lục bát của người Việt, bằng tiếng Việt thì nó mới có sức sống tồn tại ngàn đời trong tâm thức người Việt. Truyện Kiều cũng là một thí dụ. Nếu thi hào Nguyễn Du không buồn ghé mắt đến, chắc chắn Thanh tâm tài nhân chỉ là viên gạch thô, mộc đã chìm vào lãng quên từ đời tám hoánh.
Viết đến đây, đã nghe từ không trung vang vọng tiếng sấm sét đùng. Sắp có mưa chăng? Vâng, ngoài trời đã bắt đầu mưa. Lại nhớ đến những ngày xưa, y cũng có đôi có đũa như ai: “Em ngồi nhặt thóc đăm chiêu/ Hạt gạo trắng giữa xiêu xiêu nắng vàng/ Mượt mà mười ngón tay ngoan/ Cũng như em lúc dạo đàn ghi-ta/ Cầm chén cơm gạo trắng ngà/ Dẻo thơm muôn hạt hiết là cậy em/ Làm sao anh có thể quên/ Dáng ngồi của mẹ là em bây giờ?/ Khi anh đắm đuối với thơ/ Đêm đêm cắm bút... mộng mơ với đời/ Thì em chẳng nói nhiều lời/ Chỉ im lặng một chỗ ngồi sau anh/ Mắt sâu thẳm vẫn long lanh/ Thức cùng trang giấy - hoá thành ánh sao/ Là tình yêu của em trao/ Lặng thầm như mẹ bạc đầu lo toan/ Em nghiêng xuống ngọn đèn vàng/ Tóc mai sợi ngắn ngổn ngang sợi dài/ Thủy chung năm tháng hao gầy/ Bao dung như mẹ rót đầy đời anh”. Bài thơ này, y viết vào năm 1987.
Đến một tuổi nào đó, một hoàn cảnh nào đó, lúc đơn độc đối diện với mưa, người ta lại nhớ về năm tháng xa xưa mà nỗi nhớ êm đềm nhất vẫn là bữa cơm chiều quây quần cùng người thương yêu nhất. “Bây giờ, ngoài trời đang mưa rồi đó Q?”. Vâng, đang có một chút bùi ngùi trong khóe mắt…
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|