Chiều nay, lên cư xá Thanh Đa đi viếng nhà văn Nguyễn Quang Thân vừa mất. Lần đầu tiên đi sâu vào trong khu vực này, không ngờ thấy rộng rãi, đâu ra đó, rợp bóng cây xanh. Chiều yên ả đến nhẹ nhàng. Mọi xô bồ là ở ngoài đường lộ, chứ phía trong khu vực này yên tĩnh lắm. Nơi này, món ăn khoái khẩu, nhiều người biết đến nhất vẫn là “cháo vịt Thanh Đa”. Loại vịt cỏ, nhỏ con, ít mỡ. Ăn rất ngon và cũng do nghệ thuật pha chế nước chấm. Nơi này, y cũng đã từng đến cũng vì món thịt heo luộc cuốn bánh tráng, bánh canh Trảng Bàng - ngồi ở quán dọc theo bờ sông Sài Gòn, lồng lộng gió chiều.
Trên đường đi, nhớ đến Nguyễn Quang Thân (1936-2017), trong y lại sống dậy vài suy nghĩ về những thế hệ nhà văn luôn thể hiện ý thức công dân trên từng trang viết. Lật lại lịch sử báo chí nước nhà, có một điều dễ dàng nhận ra: nhà văn không chỉ “sống” với văn chương mà còn phải đau đáu với “thập loại chúng sinh” ngay từ trong đời thường. Nói cách khác, đã nhà văn thì anh không thể đứng ngoài thời cuộc.
Lần cuối cùng gặp Nguyễn Quang Thân là lúc anh đến tòa soạn báo Phụ Nữ TP.HCM ký nhận nhuận bút.
Nhìn thấy vóc dáng to cao, khỏe mạnh, lực lưỡng, nói cười rổn rảnh dù đã gần 80 xuân xanh, ngạc nhiên lắm. Dường như ở con người này, tuổi già không thèm béng mảng tới, dấu vết mệt mỏi không hằn vết trong tâm trí. Như mọi lần, dù ít gặp nhau, nhưng hễ đã gặp thì câu chuyện lại kéo dài. Lúc ấy, y còn nhớ là đã hỏi anh: “Lúc gặp bạn bè cũ, điều gì khiến anh ghét nhất”. Không nghĩ ngợi nhiều, anh nói ngay: “Tớ ghét nhất là lúc gặp bạn bè cùng trang lứa, bằng tuổi tớ nhưng chẳng biết gì về vi tính, email, internet gì cả. Họ như sống ở một cõi khác. Chán nhất lúc gặp nhau, hỏi: “Dạo này, có gì mới không?”. Kể đến đây, anh vỗ vai y cái đét, đau điếng: “Trời, thông tin thay đổi mỗi giờ, mỗi ngày mà hỏi thế, tau biết trả lời thế nào?”.
Trong lý lịch tự khai, anh cho biết: sinh năm 1936, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1952: thiếu sinh quân, học viên trường Quân chính Bộ tư lệnh Liên khu 4. Năm 1962-1964: học viên Trường bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1972: Cán bộ Sở Thủy lợi Hải Phòng. Năm 1996: công tác ở Hội Văn nghệ Hải Phòng. Về hưu sống tại TP.HCM.
Anh vừa mất đột ngột lúc 3g15 ngày 4.3.2017 sau cơn đột quỵ tại nhà riêng thọ 82 tuổi. Sau khi thắp nén nhang, vợ anh - nhà văn Dạ Ngân cho biết anh đột quỵ lúc đang bơi mà xưa nay anh bơi rất giỏi, không thua gì rái cá. Nhân viên hồ bơi xem lại hồ sơ đăng ký bơi của anh, họ tìm thấy có ghi số điện thoại, liền gọi ngay. Không ngờ, đó là số điện thoại của anh mà máy lại để ở nhà. Nghĩ rằng, trên những giấy tờ cần thiết, có lẽ cũng nên ghi thêm số điện thoại của người gần gũi, tin cậy nhất của mình.
Nổi đình nổi đám nhất trong một loạt tác phẩm của anh, có thể kể đến Chú bé có tài mở khóa - Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam (1985), đã tái bản nhiều lần. Ngoài ra còn là các Giải thưởng văn học khác như Cơn bão H - Giải ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn học (1963); Vũ điệu cái bô - Giải nhì truyện ngắn báo Văn nghệ (1991- 1992); Cây bạch đàn vô danh - Giải ba cuộc thi kịch bản phim của báo Văn Nghệ (1994); Hạc về Bồng Lai - Giải nhì cuộc thi Bút ký - Phóng sự của báo Văn Nghệ (1994)… Sau đó, với kịch bản Hội thề, anh lại nhận Giải nhất kịch bản phim truyện 1.000 năm Thăng Long (2005); tiểu thuyết Hội thề - Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam (2006 - 2009).
Vói nhà văn, sự nhạy bén, trăn trở và quan tâm đến số phận con người trong việc dựng lên hình mẫu của nhân vật; nếu có tâm, có tài, nhà văn phải sống trọn vẹn trong khoảnh khắc ấy. Có người chỉ lấy chất liệu ấy đưa vào tác phẩm; có người lại thể hiện bằng phong cách báo chí - một vũ khí sắc bén nhắm chuyển tải kịp thời thông điệp của chính mình đến bạn đọc. Nguyễn Quang Thân thuộc dạng nhà văn thứ hai. Tâm thế ấy của anh rất gần với các bậc tiền bối Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Vũ Bằng, Phan Khôi, Nguyễn An Ninh… của làng báo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Từ năm 1995, lúc vợ chồng anh còn ở Hà Nội, Ban Biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM đã mời anh cộng tác chuyên mục Chợt nghĩ (sau này đổi thành Sổ tay văn nghệ). Do sự phân công của tòa soạn, y là người chịu trách nhiệm trao đổi đề tài cùng anh. Sức viết của anh ghê gớm lắm, tuần nào anh cũng có bài bình luận về mọi vấn đề liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Lúc ấy, suy nghĩ của anh đã bắt đầu ít nhiều “lấn” sang lãnh vực xã hội. Viết đều đặn cho chuyên mục này chừng 3 năm, anh tạm ngưng, bởi lẽ công việc sáng tác tiểu thuyết, kịch bản phim đòi hỏi anh phải dành nhiều thời gian hơn.
Rồi sau này, khi vào ở hẳn tại TP.HCM, anh lại chính thức viết ròng rã nhiều năm liền cho chuyên mục Suy nghĩ cuối tuần (in vào số thứ sáu hàng tuần) - đề cập đến vấn đề rộng và sâu hơn về thời cuộc. Chính từ “diễn đàn” này, tầm vóc và vai trò công dân của nhà văn Nguyễn Quang Thân càng được bạn đọc biết đến rộng rãi hơn. Nhiều lần anh tâm sự, đó vẫn là chuyên mục mà anh hào hứng nhất, vì nơi ấy anh có thể cất lên tiếng nói tự lòng mình - tiếng nói về trách nhiệm Kẻ Sĩ trước thời cuộc. Mà thái độ này, thật ra không xa lạ với các nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp nếu luôn đau đáu, suy tư cùng nhịp thở của dân tộc mình.
Do tự ý thức như vậy nên trong Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nguyễn Quang Thân bộc bạch thẳng thắng: “Văn chương tự cổ vô bằng cớ. Nhưng nhờ công nghệ tin học, văn sách hiện đại còn bền hơn cả bia miệng. Viết ra một câu bẩn thỉu thì dù có vạn pho sách hào nhoáng cũng không chữa nổi. Người đời luôn nghĩ, đống sách kia chẳng qua cũng chỉ để che đậy cái tâm địa thật của anh trong câu văn bẩn thỉu mà thôi”.
Tự bạch này quyết liệt làm sao.
Âu cũng là tính cách của một con dân xứ Nghệ.
Với chuyên mục Suy nghĩ cuối tuần, đã đứng tên chuyên mục thì buộc phải viết, dẫu “cụt hứng” thì cũng phải tìm đề tài, tạo ra cảm hứng mà viết. Viết trối chết. Viết nhẩn nha. Viết cay đắng. Viết sung sướng. Viết như thế nào hoàn toàn phụ thuộc theo dòng thời sự mỗi ngày. Nếu không chuẩn bị tâm thế ấy, khó có thể đi hết một chặng đường dài. Nói như thế, để thấy cái nghề cầm bút nhọc nhằn, bận rộn biết bao.
Mà nghĩ cho cùng, sự nhọc nhằn ấy có là gì đâu, đã họa sĩ thì vẽ, đã nhà văn thì viết, dễ thôi mà, nhưng cái khó nhất là khi đối mặt với thời cuộc.
Ở Nguyễn Quang Thân là một sự rạch ròi, thẳng thắn, không phải uốn éo nói cho có. Đọc lại những bài viết trong chuyên mục Suy nghĩ cuối tuần từ nhiều năm trước, y nhận ra dẫu sự việc cụ thể đã đi qua nhưng suy ngẫm của anh vẫn còn có ý nghĩa thời sự.
Có thể nêu một vài thí dụ, chẳng hạn, bàn về vấn đề nhân tài, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi: “Chọn người tài chớ không chọn người nhà”, từ năm 2011, Nguyễn Quang Thân đã đặt vấn đề Nhân tài, thừa hay thiếu? và anh trả lời: “Nhân tài hiếm nhưng không thiếu nếu có mắt xanh vì dân vì nước cầu hiền chứ không vì lợi ích cục bộ, cá nhân. Và quan trọng hơn là biết người tài cần gì. Nếu không, thảm đỏ chỉ đón được kẻ cơ hội mà thôi” (PN - 9.9.2011).
Với cái ác đã và đang diễn ra ở nhiều lãnh vực, sự trừng phạt người vi phạm là đúng, nhưng theo anh vẫn chưa đủ, phải là “Nhìn thẳng vào sự thật, vào nguyên nhân sâu xa, thừa nhận những bất cập ở tầm vĩ mô để thay đổi căn bản một tình trạng xuống cấp”. Sự thay đổi ấy cụ thể ra làm sao, với tư duy của một nhà văn, anh chỉ nhìn tới đó và thừa nhận “không dễ chút nào” (PN - 28.8.2011). Tuy nhiên, trách nhiệm của Kẻ Sĩ vẫn là dám chỉ ra những điều bất cập nhằm góp phần thay đổi một nhận thức.
Một trong những điều gần như xuyên suốt trong các bài bình luận về thời cuộc, theo y, đáng ghi nhận, đáng quý nhất nhất ở chỗ Nguyễn Quang Thân lấy từ góc nhìn và đau đáu cùng tâm thế người dân nghèo. Nhờ đó, anh đã nhìn ra Sức mạnh tiềm tàng: “Nhiều người tự hỏi: tại sao cũng người dân ấy nhiều khi mất cả nhiều năm trời không chịu di dời ngôi nhà tranh vách đất của mình cho một dự án xây dựng, nay bỗng vui vẻ và bỏ lại nhà cửa, gia tài, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của chính quyền; kỷ cương, niềm tin đã bị lung lay, bị đánh mất đang sống lại? Tại sao mới đây chỉ cần một va quệt nhỏ trên đường người ra sẵn sàng thí mạng. nay bỗng thấy ấm áp trên đường sơ tán hay trong những ngôi nhà đùm bọc dân tránh bão?”
Câu hỏi “Tại sao?” ấy vẫn là bài toán đặt ra mọi lúc, mọi thời mà vẫn không hề lỗi thời, nếu thật sự hướng đến một thể chế “do dân, vì dân”.
Và nhà văn Nguyễn Quang Thân lý giải: “Nhân dân vẫn còn đó. Khi đi cùng nhân dân, thực sự vì dân chứ không vì quyền lợi nhỏ nhen của cá nhân hay của nhóm đặc quyền, khi người dân thấy rõ nhiệm vụ mình phải làm là vì sự sống còn của chính mình và đất nước thì niềm tin và sức mạnh bùng lên mạnh mẽ lạ thường, có thể làm sáng mắt những ai vẫn còn coi dân như cỏ rác hay cái vú sữa để bòn rút” (PN - 15.11.2013).
Và cũng từ phía nhân dân, khi chứng kiến tấm lòng người dân trong tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh đã viết được một câu rất hay: “Khóc ông là khóc cho cả chính mình, nói bằng nước mắt cho quá nhiều những gì nhân dân đang muốn nói. Hãy tin vào nước măt của nhân dân vì nó ít khi nhầm lẫn” (PN - 11.10.2013).
Cũng như nhiều nhà văn khác - những người không tìm sự trú ẩn yên thân, “mũ ni che tai”- nói như nhà văn Thiếu Sơn là chui vào “Tháp ngà văn chương”, Nguyễn Quang Thân đích thực làm người dấn thân. Theo dòng thời sự, anh đã lên tiếng Không thể khiếp nhược trước cái ác; Sân gôn, sân gôn, lại sân gôn; Thủy điện vô can mà không vô can; Thực phẩm sạch: Tương lai của nòi giống; Khi nhà quản lý khoa học chơi bum-mê-răng; Những nhân bản buồn v.v… Khó có thể liệt kê hết các bài báo của anh đã viết ròng rã mười năm trời trên báo Phụ Nữ TP.HCM, đó là chưa kể in ở các báo khác nữa.
Nếu có ai đặt câu hỏi rằng: “Có phải những bài viết cho chuyên mục Suy nghĩ cuối tuần là lúc Nguyễn Quang Thân đã nói thật lòng mình?”.
Đừng ngây thơ nhé. Nhân kỷ niệm sinh nhật 35 năm báo Phụ Nữ TP.HCM chính anh đã tâm sự: “Viết báo (cả viết văn nữa) ở xứ mình, tôi có thể không nói hết được một trăm phần trăm điều mình muốn viết, muốn nói. Nhưng không ai có thể bắt tôi nói ngược lại ý nghĩ của mình. Giữa tôi và Ban Biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM ngoài tình bạn “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” còn có sự sòng phẳng và tôn trọng nhau, ít ra là trong cái nguyên tắc ấy”.
Tôi đồ rằng, với nhiều nhà văn, trong đó có Nguyễn Quang Thân, khi cất lên tiếng nói phản biện, chính là lúc họ làm sống lại lời cảnh báo của văn hào Somerset Maugham (1874-1965): “Điều tồi tệ nhất trong quan hệ con người chính là sự vô cảm, dửng dưng”.
Chiến đấu chống lại sự vô cảm ấy, chỉ là trách nhiệm của mỗi nhà văn? Không đâu. Điều đáng mừng là đồng hành cùng nhiều tầng lớp khác, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã tham dự với tư cách người trong cuộc để cất lên tiếng nói có trách nhiệm. Mà trách nhiệm ấy, thôi thúc từ mệnh lệnh của một ngòi bút luôn hướng đến sự hoàn thiện, tốt đẹp trong xã hội mà chúng ta đang sống.
Vĩnh biệt anh, nhà văn Nguyễn Quang Thân - một nhà văn dấn thân.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|