LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.4.2017


chu-hoang-tu-1-R

 

“Một con ong chết.

Nắng xế qua triền cửa sổ.

Mùa hè đổi hướng.

Cummings chết: tôi không buồn. Hemingway, Blaise Cendrars, Hermann Hesse, Faulkner chết, tôi không buồn. Một con ong chết: tôi buồn lắm”.

Thuở học lớp 10 A2 tại Trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), đọc câu văn này, y không thể lý giải tại sao Phạm Công Thiện lại có tâm trạng kỳ lạ đến thế. Không thể hiểu nổi. Quyển sách hay nhất của ông, theo y, chỉ có thể là Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Không phải bản in đầu tiên. Phải là bản in năm 1970 của NXB An Tiêm, trang trong có in thêm dòng chữ “Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt”. Sau 10 năm, tác giả có ghi chú, bổ sung thêm một nhiều đoạn, thỉnh thoảng in ital chèn giữa các trang đã viết. Những quyển viết khác của ông có đươc sự uyên bác, sâu sắc triết lý nhưng câu văn không bay bướm, thơ mộng như quyển trên. Chẳng hạn, một câu tầm thường, ai viết cũng được nhưng đọc một lần lại khó quên:

“Nha Trang, tháng 6 năm 1963.

Huy,

Suốt đời tôi chắc chắn không bao giờ tôi quên được đôi mắt ướt lệ của một nàng ca sĩ mà chúng mình đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một phòng trà mờ tối ở Saigon”.

Sao lại không quên? Sự ám ảnh không cùng ấy, từ lẽ gì? Câu văn 40 từ không bị ngắt quãng bởi dấu chấm, dấu phẩy, đọc lên có cảm như đang nghe môt câu nói vội, nói liền mạch, không dừng lại như sợ ai cướp mất. Mà cũng có thể do tâm trạng nôn nóng, vội vã, phải nói ngay tâm sự thầm kín trong lòng vì đang cần sự sẻ chia tin cậy.

Hôm giao lưu mới đây, tại Hội sách Hải Châu, trả lời câu hỏi của bạn đọc, y có nhắc đến nhà văn Lâm Ngữ Đường, đại khái, lúc trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ lá, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên sân thượng. Nay cũng câu văn trên, y vỡ lẽ ra rằng, Phạm Công Thiện lại “buồn lắm” khi một con ong chết, không quên được “đôi mắt ướt lệ” hẳn phải có nguyên cớ của nó. Chỉ ông mới thấu rõ ngọn ngành.

Và nay, với y, có lẽ rất khó quên ánh mắt nhìn và giọng nói ấy.

Rằng, đã từ lâu lắm rồi, y có quen với một người cháu bấy giờ đang là sinh viên, tất nhiên không biết mặt. Ngày nọ, cô báo tin đã ra trường và tìm được việc làm. Từ quê ở Quảng Nam ra Đà Nẵng làm việc, hẳn thu nhập tốt. Bèn gửi lời chúc mừng bằng cách gửi tặng bức tranh do y vẽ. Giao lưu tại Hải Châu lần đầu tiên (2015), cô đi một mình; lần thứ 2, cô đi với chồng vừa cưới. Và bây giờ, gặp nhau, cô bảo: “Cháu đi 2 người đây”. “Ủa, chồng đâu?”. Cô trả lời: “Ảnh bận việc”. Vậy, chỉ 1 chứ sao lại 2? Ngạc nhiên quá. Cô nói khẽ: “Cháu vừa có bầu”. Phải tin cậy, thân thiết lắm một bạn đọc mới thốt ra lời tâm sự đó. Tự nhiên cảm động và thấy vui. Vì lẽ đó, bó hoa tươi thắm của ban tổ chức trao tặng cho nhà văn đã giao lưu cùng bạn đọc, y tặng lại cho cô và không quên chúc mừng: “Mẹ tròn con vuông”.

Làm sao có thể quên những lần ra mắt sách ở Đà Nẵng, cô luôn có mặt; sách của y đã in cô đều tìm mua; thỉnh thoảng lại hỏi như một cách nhắc nhở: “Chú Q sắp in sách mới chưa?”. Với nhà văn, có thể chỉ một hai tình huống đơn giản như thế, đã lấy làm vui. Và cũng có thể, đó là lời động viên để họ tiếp tục bền bĩ cùng trang viết.

Ông Duyên Anh, một nhà văn nổi tiếng trước năm 1975 tại miền Nam,  viết nhiều, lời khen tặng cũng nhiều. Thế nhưng chỉ một lời khen đã khiến ông nhớ mãi. Rằng, thuở mới vào nghề, ông có viết truyện ngắn Con sáo của em tôi và được chọn in. “Nhờ truyện ngắn Con sáo của em tôi mà một số độc giả biết đến tôi và dành cho tôi nhiều cảm tình. Lần đầu tiên tôi nhận được bức thư của độc giả. Bức thư không một lời “ái mộ” chỉ vỏn vẹn một dòng: “Ông Duyên Anh, tôi bắt đền ông đấy, vì Con sáo của em tôi mà Tết năm nay tôi buồn muốn khóc”. Dòng chữ trách móc đó, tôi giữ thật kỹ. Thuở ban đầu mà. Bây giờ nhận được thư độc giả, tôi đọc vẫn còn xao xuyến nhưng không thể xao xuyến như thuở ban đầu”, Duyên Anh kể lại trong hồi ký.

Thuở còn sống, những lúc vui vẽ, hào hứng, họa sĩ Ớt thường khoe lại niềm sung sướng, hạnh phúc của một đời cầm bút. Rằng, dịp Tết về quê, bao giờ anh cũng nhận được câu hỏi của thân sinh: “Chữ ở đâu mà ngày nào con cũng viết được?”. Sự ngạc nhiên của người cha, đối với anh không một lời khen nào có thể sánh bằng. Nhà văn Sơn Nam cũng tương tự, khi sách in ra: “Tôi gửi một quyển về cho bác Hai tôi, ông không biết đọc chữ Hán, chữ Quốc ngữ gì cả, nhờ đứa cháu ngoại đọc lại, năm ấy bác đã khoảng 90 tuổi. Đứa cháu ấy viết lá thư ngắn gửi lên Sài Gòn, tóm tắt ý kiến của bác tôi mà tôi vô cùng trân trọng: “Thằng này nói dóc nghe được quá. Nói dóc mà có căn cứ”. Phải rồi, truyện ngắn, truyện kể gì gì đó đều là loại hư cấu. Nhưng hư cấu phải có căn. Có căn tức là mang cốt lõi hiện thực. Lời nhận xét của bác Hai khiến tôi hãnh diện với thâm tâm mình”.

Với y, mẹ y không biết chữ, chỉ mới thoát nạn mù chữ thời “Chín năm” kháng chiến, vì thế, những gì y đã viết, bà cụ không thể biết rõ. Thế nhưng, lạ thay, lúc y ngồi làm việc cùng chữ nghĩa thì bà cụ tôn trọng tuyệt đối, không khác gì một tín đồ khi nhìn thấy nhà sư đang tham thiền nhập định. Những lúc ấy, bà cụ đi đứng khẽ khàng, hoặc rón rén bước xuống nhà. Những gì y đã viết, dù chỉ con chữ nhì nhằng, lẳng nhẳng, dù chỉ là giấy bỏ đi nhưng đã có chữ của con, bà cụ lại xếp cẩn thận, ve vuốt thẳng thớm. Chắc chắn trong đời y, trước đây, bây giờ và sau này nữa sẽ không có một ai yêu thương, quan tâm đến những gì đã viết bằng tấm lòng của mẹ. Hạnh phúc và niềm sung sướng này, không gì có thể sánh nổi.

Tùy mỗi nhà văn, ai cũng có hạnh phúc và niềm sung sướng đó, và chính điều đó, buộc họ phải có ý thức, tự điều chỉnh lúc cầm bút.

Lâu nay, y từng khoác lác, hênh hoang là đã có nhiều sách. Thật ra một quyển sách mà y quý nhất lại là một bản chép tay. Ngày 23.7.1977, y đi bộ đội đóng quân tại Trung đoàn pháo cao xạ 573 ở Tam Kỳ. Nơi này, y chỉ tạm trú vỏn vẹn dăm tháng trong thời gian huấn luyện tân binh, rồi chuyển qua K. Vậy mà nay đã là một địa danh khó có thể quên. Mới đây, nhớ quá, bèn viết rằng:

Kỳ duyên, kỳ cục, quá kỳ

Bất kỳ đâu cũng Tam Kỳ, lạ chưa?

Thấy trong vạt nắng sợi mưa

Đan xen từng giọt: “Ngày xưa, Tam Kỳ”


Ngày xưa, từ thuở xuân thì

Dép râu, áo lính đang kỳ thư sinh

Mịt mù bụi đỏ trường chinh

Râu ria chớm mọc tân binh thao trường

Tam Kỳ neo giữ yêu thương

Bất kỳ đâu cũng kỳ hương dịu kỳ

Một kỳ tôi dặn chân đi

Kỳ tâm thăm lại Tam Kỳ, nhớ chưa?

Thơ viết tặng, nhắn nhủ đồng đội, cựu chiến binh Võ Đình Chiến nhưng thật ra dành cho chính y. Sở dĩ nhớ, còn vì một phần, tại đây, ngày nọ, y đã nhận được món quà của cô giáo dạy Văn gửi tặng. Hồi hộp, náo nức mở ra xem, đó là quyển sổ tay đã nắn nót chép lại, kể cả tranh minh họa trong tác phẩm Hoàng tử bé (Le Petit Prince) xuất bản năm 1943 của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry. Quyển sổ tay đã theo y đi hết một chặng đường chiến binh. Hơn 5 năm chứ ít ỏi gì. Nay có những trang đã nhòe mực, có chỗ không đọc được nữa nhưng kỷ niệm vẫn tinh khôi như nắng ngọt, thanh khiết đầu mùa.

Chiều nay, lật ra xem lần nữa, lại thấy y có viết đoản văn vào lúc “gần Noel 1982”, tức lúc đang đóng quân tại Anglungveng - khu đông bắc Kampuchia: “Tình cờ, một buổi chiều nào đó. Trời lạnh, mây ảm đạm chập chờn xuống quanh đây. Dường như là sương khói. Dường như là mong manh. Anh lục lại ba lô thấy một quyển sổ. Anh nâng niu. Và đọc. Chữ nhòe. Chữ còn. Chữ mất. Anh đọc chợt nghe hồn lạnh. Tay run run. Và buổi chiều vọng về dư âm. Và sương khói.

Đó là kỷ niệm. Những viên phấn. Những chiếc lá. Những bóng chiều vàng úa ngã trên sân cỏ. Làm sao nhặt lại để cất giữ trong ngăn ký ức? Anh bàng hoàng sửng sốt. Trái tim đập nhịp như con ngựa già gõ móng trong đêm khuya thản thốt. Saint-Exupéry ở một chỗ nào? Cô giáo ở một chỗ nào? Dư âm bây giờ là tiếng khóc của trẻ thơ đói sữa, Những gót giày lang thang đi trong vô cùng. Chẳng biết mình sẽ về đâu. Bóng ngã về chiều đè nặng tậm hồn tôi đến nghẹt thở. Tuyệt vọng”.

Ông Lâm Ngữ Đường nói đúng lắm. Đọc Hoàng tử bé lúc này, tại Sài Gòn bình yên, hoa mộng thế này, làm sao có được cảm xúc như lúc đang ở chiến trường giữa tiếng súng nổ ì ầm, chết chóc từng ngày?

Mà này, tại sao chiều nay, lại nhớ đến quyển Hoàng tử bé. Thưa, chỉ vì rằng, vừa đọc trên báo Tuổi Trẻ ngày 21.4.2017 có in thông tin Hoàng tử bé được dịch nhiều nhất sau kinh Thánh - dịch từ báo Le Figaro:

“Theo Tổ chức Fondation Antoine de Saint-Exupéry, kiệt tác Hoàng tử bé (Le petit prince) của nhà văn Pháp vừa trở thành quyển sách được dịch nhiều nhất trên thế giới sau kinh Thánh nhờ bản dịch sang tiếng Hassanya vào đầu tháng 4-2017. Hassanya là một phương ngữ Ả Rập được sử dụng tại Mauritania, tây Sahara, nam Morocco, sa mạc Algeria, Senegal, bắc Mali, bắc Niger và đặc biệt tại thành phố Tarfaya (Morocco). Đây là nơi Saint-Exupéry (1900-1944) viết tiểu thuyết đầu tay Courrier Sud (Thư miền nam).  

Bầu trời xanh với ánh nắng rực rỡ và bãi cát vàng mênh mông của hoang mạc Tarfaya cũng là nguồn cảm hứng cho những minh họa của Saint-Exupéry trong Hoàng tử bé.

 Là ngoại ngữ thứ 300 chuyển tải tác phẩm Hoàng tử bé, tiếng Hassanya góp phần giúp Saint-Exupéry thực hiện ý tưởng mà ông ấp ủ: “Nghề đẹp nhất của con người là kết nối mọi người”.

Thích nhất câu kết của bài báo này. Quá hay. Thông điệp ấy là sứ mệnh của mỗi nhà văn đấy thôi. Những gì đã viết, đã in, bây giờ và mai sau nữa, bạn đọc có tìm ra một thông điệp gì mà nhà văn đã gửi gắm hay không? Câu hỏi đó không chỉ là chuyện chữ nghĩa nằm trong Sổ tay nhà văn, còn là niềm hy vọng cuối cùng của những ai thật sự sống bằng nghề cầm bút.

“Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” của Nguyễn Du là nằm trong ý nghĩa đó. Bậc thi sĩ thượng thừa quan tâm, đau đáu vẫn là đời sau có hiểu thông điệp cùa mình đã gửi gắm trong tác phẩm, chứ không phải vì có ai nhớ đến cái tên/ cái danh của mình đâu. Nếu chỉ vì thế, sức mấy Nguyễn Du toàn tâm toàn ý đạt đến bút lực tầm cỡ vô tiền khoáng hậu: “dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả tình đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy” (Mộng Liên Đường). Bút lực phi thường ấy, Nguyễn Du đã gửi cho đời sau thông điệp gì?

Mà này, chiều nay, nhắc lại Hoàng tử bé chỉ vì lý do như trên thôi ư? Còn gì nữa không? Còn chứ, vẫn chính là: "không bao giờ tôi quên được đôi mắt ướt lệ" và “Một con ong chết: tôi buồn lắm”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment