Từ trái: Bụng Phệ, Lệ Chi, Lê Minh Quốc
Ngày chủ nhật. Khác mọi lần. Phải đi ra Đường sách. Bởi lẽ đồng nghiệp Lệ Chi ra mắt tập sách đầu tay: Bụng Phệ nhanh chân (NXB Kim Đồng). Với người viết, quyển sách đầu tiên trong đời quan trọng lắm. Không khác gì người nam/nữ lần thứ nhất trong đời se duyên kết tóc. Sau này, có trục trặc đổ vỡ, có “đi bước nữa” dù một hay hơn một lần nữa thì dấu ấn ban đầu của cuộc hôn nhân đó cũng khó quên. Dù rằng, người sau có tốt hơn người trước vạn lần nhưng rồi người đầu tiên, với họ, cũng khó có thể xóa nhòa trong trí nhớ. Suy nghĩ này, áp vào chuyện hôn nhân liệu có đúng? Không rõ. Nhưng với quyển sách đầu tay, y nghĩ đó là điều chắc chắn. Nghĩ thế, đã từng nghĩ thế. Vậy nên, khi bạn bè bồ tèo có tập sách đầu tay, lúc nào y cũng tranh thủ góp thêm một một tiếng vỗ tay là vậy.
Trên đường đi, sực nhớ lại chuyện này: Gần 30 năm kiếm sống chỉ bằng nghề viết báo, được tòa soạn phần công viết về lãnh vực văn hóa văn nghệ, đến nay, có một trường hợp y khó quên. Rằng, ngày nọ, chừng mươi năm trước, có một “tay mơ” nhảy vào làng in ấn - đã làm một cú ngoạn mục khiến các tay lão làng kinh ngạc, thán phục. Đó là lúc hắn ta cho in một quyển sách cực kỳ đơn giản, thế mà bán chạy ầm ầm.
Quyển sách này dịch từ nguyên bản nước ngoài, chỉ là những trang dành cho bà mẹ sinh con đầu lòng. Đại khái, tên tuổi, ngày tháng năm sinh; tuần lễ đầu và tiếp theo, con có những biểu hiện gì; cao bao nhiêu, cân nặng bao nhiêu ký; trang dán hình của con; trong những ngày đó, bố mẹ có những kỷ niệm gì với con; con biết nói ngày nào v.v… Chỉ đơn giản vậy thôi, sách in đẹp, khổ lớn và bất ngờ là lúc đó nó bán rất chạy.
Thì ra, với quyển sách ấy, tựa như những trang dành cho nhật ký mà bất kỳ bà mẹ nào cũng cần sử dụng - như một cách chia sẻ kỷ niệm, tình cảm dành cho con. Và chắc chắn, sau này, một khi đã trưởng thành ắt đây là “báu vật”, là quà tặng của mẹ mà đứa trẻ nhớ nhất trong đời. Ghi lại đôi dòng từ quan sát con thuở nó còn thơ ấu, không chỉ là niềm vui mà cũng là một cách để nhận ra và khắc phục các biểu hiện của trẻ về sức khỏe, tâm lý, tính cách… nữa.
Với phụ nữ Việt Nam, trước đây, hình thức này vẫn chưa quen với nhiều người bởi một phần do cơm áo gạo tiền, chật vật kiếm sống, rồi chiến tranh, thiên tai lũ lụt… biết bao nhiêu chuyện phải lo toan, do đó, họ ít có thời gian thực hiện. Ngày nay, các “bỉm sữa” đã khác trước. Đã có không ít bà mẹ trẻ đã viết/vẽ từ cảm hứng khi quan sát con từng ngày khôn lớn.
Với đồng nghiệp Lệ Chi, lúc ra mắt sách có nhiều bà mẹ trẻ cùng tham dự. Qua trò chuyện, họ bàn về cách viết sách cho con, chia sẻ cách nuôi dạy con... Thú thật, lần thứ nhất trong đời y mới biết, điều khiến họ cảm thấy khó khăn nhất vẫn là lúc con chưa biết nói, mới bi bô bập bẹ. Khó có thể biết nó đang đòi hỏi, đang cần thiết điều gì lúc đang quấy, đang khóc để các bà mẹ có thể chăm sóc, phục vụ kịp thời. Do đó, không phải ngẫu nhiên, khi viết sách, hầu như nhiều người đã ghi lại tâm trạng bối rối này. Thử nghĩ, 20 năm sau, đứa trẻ ấy lớn lên rồi được đọc dòng chữ ấy sẽ cảm thương mẹ mình biết bao.
Và y, khi nghe cô bé lên 5 là nhân vật chính trong Bụng Phệ nhanh chân đọc bài thơ do mẹ tặng, tự dưng thấy xúc động. Lệ Chi viết: “Có lần mama đi công tác nước ngoài, giữa những ngày đó Bụng Phệ bị ốm, sốt cao. Mắt mờ tịt, tay run lẩy bẩy, cô nhóc vẫn nhắn tin cho mama báo rõ tình hình bệnh sốt. Quá sốt ruột cho Bụng Phệ, mama đã viết bài thơ ngắn diễn tả nổi nhớ của cô nhóc, nhắn lại cho Bụng Phệ, động viên cô nhóc chịu khó uống thuốc, nhanh khỏi ốm, Nguyên văn bài thơ như sau: Bụng Phệ mũm mĩm/ Hai má phính hồng/ Nhắn tin se sẽ/ Mẹ nhớ em không?/ Em luôn nhớ mẹ/ Từng ngày, từng giờ/ Mong sao sớm gặp/ Để ôm vào lòng/ Nào bụng nào mông/ Nào cái ti hồng/ Thơm thơm mùi sữa/ Ngọt hơn kẹo hồng” (tr. 70).
Nào chỉ riêng các bà mẹ, đã có những ông bố viết sách cho con đấy chứ. Xưa nay, không chỉ viết về con mà có nhiều nhà văn, nhà thơ đã lấy cảm hứng từ cháu nữa. Vừa rồi một bài thơ của nhà thơ Tú Mỡ khi đưa vào sách giáo khoa gây tranh cãi về cách biên tập, cắt xén nhưng ai cũng “chịu” đó là bài thơ hay, giàu tính giáo dục. Ngày nọ chẳng may, ông bị té, đứa cháu đến an ủi: “Đôi mắt sáng trong/ Việt ta thủ thỉ:/- Khi nào ông đau/ Ông nói mấy câu:/ "Không đau! Không đau!"/ Dù đau đến đâu/ Khỏi ngay lập tức”. Thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đáng yêu quá đi mất.
Y có người bạn vốn là nhà báo chuyên nghiệp đã viết hàng ngàn bài báo, đã in 2 tập sách: Bật một que diêm, Tổ quốc không có nơi xa. Đó là Lưu Đình Triều. Đọc của bạn đã nhiều nhưng vẫn thích nhất cái tạp bút viết về cu Rơm - cậu con trai út. Cảm xúc ấy rất thật, và trìu mến tình nghĩa gia đình.
“Khi lập gia đình rồi, không chỉ ngày nghỉ mà ngay cả những buối tối ngày thường nếu không phải tiếp khách, bù khú bạn bè, tôi cũng hay mon men vào bếp. Với trình độ nấu ăn chưa thoát khỏi diện xóa mù, tôi chịu lép làm anh sai vặt. Bê cái này, lấy cái kia cho vợ. Thỉnh thoảng tôi lại chõ mũi vào cái nồi trên bếp, đang tỏa mùi thơm rất quyến rũ và buông lời khen một cách thật lòng: “Chưa ăn đã thấy ngon”...
Rồi giữa bữa ăn, hai đứa con tôi lúc kể chuyện ở trường, lúc lại chuyện bạn bè, chuyện… đủ thứ. Như cô con gái Nấm Nhỉ tuổi 14 của tôi hay thích trao đổi với bố chuyện bóng đá, về U 23, về những trận đấu mới liên quan đến Gạch Đồng Tâm, đến M.U - hai đội bóng mà nó yêu mến… Những câu chuyện phiếm, không đầu không đũa, thỉnh thoảng sau bữa ăn lại tiếp nối ở khoảng sân nhỏ trước nhà, giữa 2 vợ chồng tôi. Bộ ghế đá nhỏ, cây cau kiểng đang vươn cao như muốn thoát khỏi kiếp kiểng, giàn bông giấy rậm rạp tạo vòm che tự nhiên trước nhà… Tất cả đều đã quá quen thuộc hàng chục năm nay rồi, nhưng sao có những tối ngồi bên chúng, tôi vẫn có cái cảm giác lâng lâng. Cái lâng lâng của một sự yên bình, thanh thản đến dễ chịu…
Sân nhà tôi còn là nơi để cu Rơm đặt công cụ thư giãn. Mới 6 tuổi nhưng Rơm đã có quá trình mê cá được vài năm. Thỏa lòng con, cả hai vợ chồng bỏ cả một buổi sáng lùng mua một chậu gốm cao, giữa đặt một tượng người cầm bình tưới nước… Bên dưới như một cái hồ nhỏ mà cu Rơm bắt bố phải mua lần lượt nhiều loại cá về thả vào. Chiều chiều, ngày nghỉ, cu cậu hay lảng vảng quanh bồn, lúc ngắm nhìn say mê những chú cá lượn lờ, lúc cặm cụi bỏ thức ăn vào cho cá. Những tiếng cười giòn tan, hay ngược lại, những giọt nước mắt cũng lắm khi từ bồn cá mà ra. Ấy là những lúc cá mới sinh con, hoặc có chú cá nào đó bỗng dưng nằm chỏng bụng trắng hếu…
Nói về nước mắt hay nụ cười trẻ con thì bậc làm cha làm mẹ nào cũng đều cảm thấy đôi khi chúng có giá trị gần như nhau - chúng kéo ta lại gần hơn với trẻ, tạo ra trong ta một cảm giác ấm áp, một sự trìu mến da diết.. Một “bồ tèo” của tôi ở Hà Nội - NSƯT Trịnh Lê Văn, thường hay khoe trong bàn nhậu về tiếng cười, tiếng nói của con mình. Anh bảo sau một ngày thừ người với hội họp, nhức mắt với màn hình vi tính, về đến nhà nghe tiếng con - mới lên 3 bi bô là cảm như mọi mệt nhọc trong người đều tan biến... Tôi hoàn toàn chia sẻ với bạn mình về điều này. Thậm chí phải động tay, động chân hơn, đổ mồ hôi vì lăn lê bò toài chơi trò bắn nhau với đối-thủ-con, tôi vẫn xem như một loại lao động chân tay cần có để cân lại lao động trí óc diễn ra thường xuyên trong ngày.
Sân nhà, những bữa ăn, những bộ phim truyền hình, DVD cả nhà cùng xem và nhiều công việc linh tinh, lặt vặt khác mà tôi phải “ra tay”như đóng lại cái mắc áo lên tường chẳng hạn, tôi cho rằng chúng đều ít nhiều chuyển tải một lượng vitamin thư giản. Sâu xa hơn chúng hướng tới một đích đến chung: chia sẻ lẫn nhau, tạo sự gần lại với nhau giữa những thành viên trong gia đình...
Trên một tờ tạp chí mới đây, cô diễn viên 20 tuổi Tăng Thanh Hà có nhận xét rằng những chia sẻ nhỏ nhoi vẫn tạo cho người ta sự hạnh phúc. Vâng! Tôi cũng đã chìm trong cái bể hạnh phúc đó để tìm thấy thêm một giá trị khác: lấy lại được sự cân bằng trong mối quan hệ giữa mình với công việc,với bạn bè,với vợ con về một tuần mới trôi qua hay nghìn ngày như chưa xa”.
Cảm giác ấy là niềm vui của người đàn ông đã làm chồng, làm cha. Còn y? Dám quả quyết rằng, khi các bậc phụ huynh lấy cảm hứng từ con mình để sáng tác thì cũng là lúc từ câu chuyện có tính cách riêng tư ấy, lại mang tính phổ quát dành cho nhiều người. Thật đấy. Với tập thơ Nghệ thuật làm ông của văn hào Victo Huygo là một thí dụ tiêu biểu: “Đẹp sao con trẻ! Với đôi môi chum chúm đáng yêu/ Lòng em dịu hiền tin cậy, giọng em muốn nói muôn điều/ Tiếng khóc em dễ dàng chóng nín/ Đưa mắt khắp nơi nhìn ngạc nhiên thương mến” (Xuân Diệu dịch). Lẩn thẩn nghĩ rằng, những đứa trẻ lên năm như Bụng Phệ, Việt, cháu của Victo Huygo, cu Rơm v.v… sau này lớn lên, đọc/nhìn lại những gì đã được bố mẹ, ông bà ghi/vẽ lại khoảnh khoắc của thời thơ ấu ấy sẽ sung sướng, hạnh phúc biết dường nào?
Vậy thì, tại sao mỗi một chúng ta không thử bắt tay vào ngay trong ngày hôm nay? Tại sao không thực hiện cái điều mà nhiều người đã từng ao ước, như Xuân Diệu chẳng hạn. Ông thủ thỉ, tâm tình: “Tôi ao ước, riêng cho mình, được làm một tập thơ chuyên nói lòng cha mẹ, ông bà, cô, bác, người lớn yêu thương trẻ con; khi mà đã yêu thương chúng thì yêu lạ lùng, yêu đến da diết, thiết tha; tóc chen những sợi bạc rồi, càng thêm tuổi, càng yêu mầm non, măng non, trẻ con, ánh sáng (Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy, NXB Tác phẩm mới - 1978, tr.298).
Lúc tâm tình cùng các bà mẹ trẻ, tác giả Bụng Phệ nhanh chân cho biết: “Cuốn sách như một cuốn nhật ký ghi lại năm tháng trưởng thành của bé, từ hồi bé xíu xiu, cho đến khi đi nhà trẻ rồi vào tiểu học. Bên cạnh những tình huống cười ra nước mắt về sự hồn nhiên của con trẻ, cuốn sách cũng như một lời kêu gọi các bậc phụ huynh nên dành thêm thời gian cho con cái, để quan sát từng ly từng tí những thay đổi về tâm lý của con, cùng chung tay với con trải qua mọi buồn vui trong những ngày đầu bỡ ngỡ khi đến lớp, khi va chạm với bên ngoài”. Cô nói đúng lắm. Y tin rằng nhiều người đồng tình.
Kỷ niệm đầy ắp tình yêu thương ấy, ai cũng có và cũng có thể tạo ra ngay từ trong ký ức của con, cháu mình. Có nhiều cách lắm. Ở đây, y vẫn nghĩ đến phương thức ghi lại nhật ký cho con, từ cái thuở: “Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ/ Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng/ Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân/ Con chưa biết con cò con vạc/ Con chưa biết những cành mềm mẹ hát/ Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân” (Chế Lan Viên). Tình cảm ấy, cuốn sách ấy, sau này trên đường đời vạn dặm sẽ mãi mãi là lửa ấm để đứa trẻ nhớ ơn về đấng sinh thành…
Với y, không hề có được những dòng nhật ký mà ba/mẹ đã ghi lại từ năm tháng tuổi thơ. May quá, như nhiều người khác, y lại có những tấm ảnh chụp từ bé dại. Nhìn mãi mà không chán, có lần cao hứng ư hử ngâm đôi câu thơ vừa vọng đến: “Cái thời thơ dại trôi xa lắc/ Nhìn ảnh, lòng ta gió hóa trầm/ Cái thời hoa mộng trong trẻo quá/ Bao giờ quay lại thuở lên năm?”. Tấm ảnh ấy hoặc nhật ký/ tập sách ấy mà ba mẹ đã dành cho con - món quà ấy, cực kỳ quý báu, vì thế bất kỳ ai nếu có cũng đều trân trọng và gìn giữ mãi mãi.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|