Nói tóm lại, rốt cuộc, cuối cùng, sau chót là y vẫn sử dụng cái “cùi bắp”, dù không ít bạn bè chê “củ chuối”. Chẳng sao cả, cái điện thoại di động quan trọng là thế nhưng y vẫn chỉ thích mỗi chức năng nhắn tin. Nếu có ai đó, có thể đọc hết các tin nhắn trên máy điện thoại của hạ? Chuyện gì sẽ xẩy ra?
Sáng nay, tình cờ đọc trên trang mạng nọ, bèn cười với những hình ảnh chụp lại từ tin nhắn. Chỉ có thể là trao đổi giữa mẹ với con gái. Tự dưng có cảm giác vui vẻ và thêm quý trọng tình mẫu tử của họ. Sức mấy, còn lâu, y mới có thể sống trong sự tếu táo, tinh nghịch, vui nhộn này. Mà trước khi chép lại, cần liệt kê ra một vài từ mới, với y chưa thể giai thích rành rọt, dù hiểu nghĩa. Thì ra, cách viết trên mạng của giới trẻ cũng đã khác trước nhiều lắm rồi. Chẳng hạn, cạn lời, quỳ lời, bói chữ, lầy/lầy lội, xì tin, bá đạo, quách tĩnh, bắt bài, troll, chất v.v…
“- Không biết đã bao giờ con nói với mẹ chưa nhỉ? Con yêu mẹ.
- Hôm nay, con định đi đến sáng hả con?
Lời bình: Mẹ vẫn "quách tĩnh" lắm, "bắt bài" nịnh nọt nhanh như một cơn gió!”.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung có nhân vật Quách Tĩnh. Giới trẻ vận dụng luôn bởi từ “tĩnh” hiểu theo nghĩa bình tĩnh/tĩnh táo. Cũng tựa như đã hình thành cụm từ “Yết Kiêu” để chỉ những ai kiêu căng; hoặc lúc uống bia: “Dzô! 1,2, 3 dzô! Bắc Cạn!” là ngầm hiểu nghĩa của nó nằm ở từ “cạn”. Phải uống cạn. Uống 100%, không để lại “long đền”, không còn cặn, không còn một giọt nào trong ly.
“Bắt bài”, Việt Nam tự điển (1970) của Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ giải thích: “Bắt những con bạc đang ăn thua trong sòng: “Bắt bài phải có tiền tang”. Hát đối đáp theo nhịp trống trong tuồng hát bội giữa một đào một kép, chân quỳ chân chống, lưng day lại, ở hai góc sân khấu”. Theo nghĩa thứ nhất, “bắt” là bắt bớ nhưng người đang sát phạt trong sòng bài. Nhưng ở mẩu đối thoại của tin nhắn thì “bắt bài” lại hoàn toàn không liên quan.
“Bài” có nhiều nghĩa, ở đây hiểu theo nghĩa là mưu chước, mưu kế, mánh lới. Trong Truyện Kiều, nhiều lần Nguyễn Du sử dụng “bài” theo nghĩa này: “Chiến hòa sắp sẵn hai bài/ Cậy tay thầy, thợ mượn người dò la”; Nàng rằng: Muôn sự ơn người/ Thế nào xin quyết một bài cho xong” v.v…
Vậy, cụm từ “bắt bài” hiện nay đang sử dụng, ta hiểu là ý định, kế hoạch, mưu chước của người này dù không nói ra, không tiết lộ nhưng người kia đã biết tỏng tòng tong, đã “đi guốc trong bụng”, đố mà giấu mà cãi.
“- Mẹ ơi, hôm qua con mua cho ông xã của mẹ một đôi giày, mẹ nhận được chưa ạ?
- Không nhận, có phải của tôi đâu mà tôi nhận?
- Không phải của mẹ nhưng cũng của nhà mẹ mà?
- Không quan tâm.
Lời bình: “Mua cho ông xã của mẹ chứ có phải mua cho mẹ đâu mà nhờ nhận hộ như đúng rồi!”.
Không rõ, do đâu ông xã/bà xã trở thành tiếng lóng để chỉ người chồng/ vợ. Phải chăng cách gọi tếu táo này là nhại theo chức vụ xã trưởng - người đứng đầu chính quyền trong một xã? Hay do ảnh hưởng từ tên gọi Xã Xệ - một nhân vật ngớ ngẩn, mập ục ịch, tốt bụng cùng cặp kè với Lý Toét ốm cà tong cà teo? Khó có thể quả quyết một cách rành rọt. Cách gọi này thân mật, chan chứa tình cảm yêu thương.
“- Con yêu mẹ.
- Cháu trả điện thoại lại cho con cô đi nhé. Mượn điện thoại bạn rồi nhắn tin linh tinh như thế không hay đâu.
Lời bình: "Đây là giọng ai, không phải giọng con tôi…".
“- Bố bảo mẹ đi mua thuốc cảm cho con đấy.
- Đừng nói chuyện với tôi, cô có biết tôi là người nổi tiếng không?
- Con nhức đầu lắmmmm…
- OK, hy sinh một chút cho fan vậy”.
Lời bình: Mẹ rất ít khi "troll" những một khi đã "troll" thì phải "chất" như này này!
"Troll" là gì? Từ điển wikipedia giải thích: “Troll, người khổng lồ độc ác là nhân vật trong Thần thoại Bắc Ấu được mô tả dưới dạng một loài sinh vật đáng sợ”. Gần đây, bộ phim Trolls của đạo diễn Mike Mitchell (Mỹ) trình chiếu tại Việt Nam, dịch “Quỷ lùn tinh nghịch”. Suy luận ra rằng, “troll” trong mẫu đối thoại trên hiểu theo nghĩa là lúc bà mẹ nghịch đùa, tếu táo, tinh nghịch chứ không hiểu theo nghĩa gốc mà từ điển đã cho biết. Còn “chất” dứt khoát là cách nói gọn của “chất lượng”, là “đâu ra đó”, không chê vào đâu được.
“- Mẹ ơi, hôm nay con đọc được trên báo, người ra bảo hồi bé mà đánh mắng trẻ con để dạy chúng chẳng có tác dụng gì đâu. Giờ mới biết hồi đó mẹ đánh con mất công rồi.
- Mất công gì đâu, hồi đó mẹ đánh mày là để xả cơn tức thôi, liên quan gì đến dạy dỗ.
Lời bình: Cạn lời”.
Trước một sự việc bất ngờ đến độ không thể lường trước, không nghĩ đến thế, vậy mà nó vẫn xẩy ra, vì thế, người ta không còn biết nói/bình luận một câu gì. “Cạn lời” là hiểu theo cái ý đó. Còn nhớ, vừa đọc một cái tựa thế này: “Quỳ lời” trước bài văn quá đỗi “hư cấu” của cậu học sinh cấp 3”. Quỳ lời, hiểu thế nào cho đúng? Có phải là dù không bình luận gì nhưng cũng ngầm thán phục, chứ không bỉ bai như “cạn lời”?
Tạm dừng với mẩu đối thoại đáng yêu trên, hãy đọc bài tập làm văn của cậu học sinh cấp 3. Bài này cô giáo chấm 6,5 điểm với lời phê bằng bút đỏ của: “Sợ anh quá! Anh toàn nói những chuyện không tưởng. Nói quá vừa thôi chứ”. Sau khi được đăng tải trên diễn đàn NUE Confessions bài văn bá đạo này đã nhận được hơn 23 nghìn lượt thích, hơn 3 nghìn lượt chia sẻ và gần 4 nghìn lượt tham gia bình luận. Nguyên văn như sau:
"Hải Phòng ngày 4 tháng 10 năm 2035
Tuyền thân mến!
Khang đây. Vậy là đã hơn 20 năm rồi kể từ lần cuối chúng mình gặp nhau nhỉ? Sao hôm trước lớp mình họp lớp cậu lại không đi, các bạn đến đông đủ lắm, thiếu mỗi cậu thôi. Bây giờ trông ai cũng xinh và sự nghiệp thành đạt lắm, gặp ngoài đường mà không nhận ra luôn. Trường mình cũng khác xưa nhiều rồi. Mình viết thư này để kể cho cậu nghe về sự thay đổi của trường trung học cơ sở 20 năm qua nhé.
20 năm trôi qua, đủ để cho mỗi người gây dựng cho mình một cơ ngơi vững trãi. Mình cũng vậy, ước mơ nhỏ bé thống trị thế giới của mình đang trở thành hiện thực cậu ạ. Hiện tại tớ đang giữ cương vị làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Bộ giáo dục.
Nếu cậu đang thắc mắc sao tớ vừa đẹp trai, thông minh và đa tài như vậy thì đây chính là bí mật mà tớ không thể bật mí. À mà cậu đã lấy chồng chưa? hình như là chưa hả. Tớ thì chủ nhật tuần này lấy vợ thứ 20 rồi, cô ấy 18 tuổi, là người mẫu ảnh, xinh lắm.
À hôm trước ngày 29 tháng 4, Nhi đạp xích lô sang nhà tớ để báo về ngày họp lớp, đang lắm việc nhưng cứ nghĩ đến việc gặp lại các bạn và ôn lại kỷ niệm xưa thì mình gấp luôn quyển sách 'Thôn tính nước Mỹ và cách trở thành bất tử' lại, nhảy lên xích lô để Nhi đèo đến lớp. Ôi, hôm đấy mới có cơ hội để ngắm nhìn con đường đến trường mà ngày xưa mình vẫn đi học.
Đường được làm mới hoàn toàn, những hàng cây phượng vỹ tỏa bóng xanh rờn, bông hoa phượng đỏ tỏa sắc dưới ánh nắng chói chang. Ngắm nhìn mãi mà tự nhiên cái cảm giác nôn nao, bồi hồi của ngày đầu tiên đi học ùa về. Ôi, ngôi trường Hồng Bàng thân yêu gắn bó 3 năm cuối cấp của ta đã thay đổi quá nhiều.
Nhìn từ xa, trường Hồng Bàng trông nổi bật hẳn với những ngôi nhà xây san sát bên cạnh trường, sơn lại màu trắng của hòa bình, của sự to do, bình đẳng, trường được mở rộng lan ra 5.000 m2, trên sân không có một mẩu rác nào cả. Thầy hiệu trưởng cho xây thêm 6 dãy nhà, mỗi dãy có 8 tầng, mỗi tầng được xây 5 phòng học, ở hành lang mỗi phòng học đặt 5 chậu hoa hồng đỏ và trắng, bông hoa nở rộ làm tôn lên vẻ thanh tú của chậu hoa đúc từ bạch kim và đính đá sa-phia đỏ.
Trường còn có sân đá bóng mini đủ rộng cho học sinh chạy vài chục vòng mỗi khi bị phạt, một sân golf với bãi cỏ xanh mướt như trong tác phẩm 'Cảnh ngày xuân' trích từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đặc biệt là bể bơi sâu 25m, thách thức giới hạn của bất cứ vận động viên nào trên thế giới.
Trên mỗi dãy nhà có một khu vui chơi để giải tỏa tâm lý và stress của học sinh mỗi khi bị căng thẳng.
Khu căn tin của trường bây giờ được xây lại, đổi tên thành 'Thiên đường ẩm thực' có từ những món đơn giản như bánh đa, phở cuốn đến những món đặc biệt như thịt sư tử quay và trứng cá hồi và rắc vàng bốn số chín ăn được.
Ở mỗi dãy nhà luôn có thang máy để học sinh leo lên đỡ mỏi chân, trong thang máy luôn có tủ lạnh để thức ăn cho học sinh khi đợi lên lớp và đặc biệt nhất đồ ăn tất cả đều miễn phí.
Ghé tạm vào một phòng học, tớ thấy thiết bị ngày càng hiện đại hơn, phòng có 3 chiếc điều hoà, bàn ghế được làm từ gỗ lim nghìn năm tuổi với chiều rộng chưa từng có và chiều dài chưa từng gặp. Ở cuối lớp là tủ để chứa đồ, mỗi học sinh được phát cho một chiếc Ipad đính chi chít kim cương và một chiếc Ipad 18 được làm từ vàng ròng. Phát triển, hiện đại là vậy nhưng học sinh trong trường vẫn chăm ngoan học hành mà không hề lơ đãng. Ở khuôn viên trường vẫn có những cây xanh tốt, từ cây rau ngót đến cây ăn thịt người thải ra kim cương để giúp học sinh phát triển môn sinh học.
Thấy trường phát triển như vậy tớ cũng thấy vui vì dự án 200 nghìn tỷ đồng cho giáo dục nước nhà mà tớ thực hiện đã giúp trường ta mới, đẹp và có chất lượng tốt như vậy. Mặc dù mọi thứ thay đổi quá nhiều trong 20 năm qua nhưng ngôi trường mà những kỉ niệm khi xưa vẫn ùa về trong tâm trí tớ.
Đang rảo bước trên sân trường lát bạch kim thì bỗng nghe tiếng gọi 'Khang đẹp trai ơi', 'My idol, 'Oppa'… Thoạt đầu cứ tưởng fan hâm mộ của mình nhưng nhìn kỹ thì toàn bọn trong lớp. Trời ơi, thằng Thụ béo ngày xưa giờ đang làm phụ hồ ở trường mầm non nhìn mà mất hết cảm tình.
Thằng Đức, Thịnh, Phùng, Hạnh, Diễm ngày xưa học giỏi nên lúc ra trường bọn nó cùng thành lập công ty hết. Ban đầu phát đạt lắm nhưng về sau cả lũ phải vượt biên chốn nợ. Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ. À, cậu nhớ Nguyệt ngày xưa gầy còm không, bây giờ lớn lắm, 1m70 rồi, làm siêu mẫu cho công ty con của tớ, vẫn dễ thương như ngày nào. Thu thì vừa bay từ Los Angeles về, nghe đồn là tú bà.
À, đúng rồi, còn Nhi nữa. Ngày xưa cao ráo, xinh gái là vậy nhưng do 'ăn mảnh' nên không lớn lên được phân nào. Cường bây giờ nổi tiếng lắm, làm đầu gấu nổi tiếng ở Hải Phòng. Biệt danh là Cường, đi đến đâu người ta cũng kiếng nể.
Đang nói chuyện thì nghe tiếng cô Như: 'Chà! Khang về rồi đấy à, em đi cùng bọn nào đấy'. Quay lại, thấy cô Như mỉm cười rơi nước mắt chạy đến ôm mình. Nghe cô kể Phú và Dũng đều lấy vợ rồi, vợ chúng nó xinh lắm, cô Như cũng được bế cháu rồi. Nói chuyện với cô một lúc mà thấy cô hiền hẳn đi, không như dạo trước. Cả lớp dẫn cô đi chuỗi nhà hàng 18 sao do Hạnh mở. Nói chuyện mãi, đến lúc cô phải về, mọi người đều ứa nước mắt mà tạm biệt cô. Đi đến cổng trường thì gặp cô Hải, cô không khóc mà cô mỉm cười chào đón bọn tớ. Con Bông nhà cô ấy bây giờ lớn rồi, xinh lắm, gần bằng vợ tớ luôn, có con rồi. Bọn tớ về nhà cô ăn bữa trưa rồi đứa nào về nhà đứa ấy.
Thời gian trôi qua nhanh thật đấy. Thấy lâu rồi cậu chưa về. Khi ra tù nhớ về chơi nhé, rồi chúng mình hẹn các bạn vào ngày đẹp trời, lúc đấy chắc chúng mình cũng phải 50 tuổi rồi nhưng tớ sẽ đợi cậu về để thấy sự đổi mới của trường ta. Mong cậu sớm ra tù!
Bạn gần thân,
Khang”.
Y có bình luận gì không? Có chứ. “Quỳ lời”. Thôi thì, đã hết buổi sáng. Đi làm thôi. Lựa nhón thêm một mẩu tin nhắn nữa.
“- Sao?
- Con hỏi mẹ một chuyện nhé?
- Có thắc mắc gì thì hỏi 1080, hỏi tôi làm gì?
- Không phải…
- Có yêu…
- Con chỉ muốn hỏi…
- Hết tiền rồi!
Lời bình: Còn chưa kịp hỏi 2 câu: "Mẹ có yêu con không?" và "Có thể gửi cho con ít tiền” thì đã bị “mẫu hậu” "bắt bài” ngay lập tức!
Đúng chóc. Đọc xong, y bèn cười. Vui một chút nữa cho đời thêm tươi.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|