THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Ngày 21 tháng 8 năm 1998

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Ngày 21 tháng 8 năm 1998

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang

Ngày 21 tháng 8 năm 1998


Hàng năm, cứ đến 21 tháng 8, chúng tôi lại tổ chức gặp mặt để kỷ niệm ngày nhập ngũ.
Năm nay, mùa thư năm 1998, buổi gặp mặt có phần trọng thể hơn, bởi chúng tôi kỷ niệm 20 năm ngày nhập ngũ.
Trong ngày đó, các chiến hữu từ Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tây… cũng đến dự.
Khỏi phải nói vui ra sao. Sau buổi liên hoan, chúng tôi trích quỹ thăm gia đình những đồng đội ở Hà Nội đã nằm lại chiến trường.
Cuộc viếng thăm gia đình Tân “cu lừng” để lại trong lòng tôi những xúc động khó quên.
Nhà Tân nằm ở khu vực chợ Giời. Gọi là nhà nhưng mái vẫn lợp lá gồi. Nhà chỉ kê đủ cái giường con, cái tủ và một khoảng đất rộng chừng hơn ba mét vuông. Hai người đứng cũng chạm nhau.
Lúc đó khoảng 3 giờ chiều. Nghe có khách đến, mẹ Tân cùng bố Tân đang bán bún ốc ở chợ vội chạy về. Bà khóc khóc mếu mếu mời chúng tôi vào nhà. Tôi sững sờ trước căn nhà quá nhỏ. Anh Thơm, người Hải Phòng, chững chạc nhất hội, trao gói quà nhỏ cho mẹ Tân.
Trong nhà không thấy bàn thờ Tân, chúng tôi hỏi, ý muốn thắp cho linh hồn Tân nén nhang. Bà nói không có. Ừ, nóc tủ sát mái nhà thế kia, đặt bàn thờ ở đâu! Song, bà bắc ghế, lấy trên nóc tủ xuống một tấm ảnh chân dung Tân.
Tấm ảnh đã quá cũ. Nước ảnh bong gần hết, lại bị mốc. Dù sao chúng tôi vẫn nhận ra hình ảnh quen thuộc của Tân, cái thời mới vào lính. Quân hàm không sao không gạch.
Bà nhờ chúng tôi làm lại ảnh cho Tân. Biết tôi làm báo chí, bạn bè cử ngay tôi đứng ra nhận. Tất nhiên tôi vui lòng.
Mang ảnh Tân đến hiệu Photocen ở 47 Lý Thường Kiệt, nơi tôi có anh Tiến, bạn học báo chí chuyên nghề ảnh ở Nga về, nhờ chụp lại. Nhìn tấm ảnh quá cũ, anh Tiến lắc đầu, không thể phục hồi được.
Tôi quyết định đến hiệu truyền thần. Trên những phố Hà Nội thường qua lại, tôi biết có hai hiệu truyền thần. Một hiệu ở phố Huế. Hiệu kia ở Hàng Ngang – Hàng Đào. Tôi mang ảnh Tân đến hiệu thứ hai. Chị họa sỹ nhận và hẹn 20 ngày sau quay lại. Tôi đặt làm luôn cả khung và kính.
Tạm yên lòng. Song hình ảnh ngôi nhà của Tân cứ ám ảnh. Hỏi bạn bè, mới biết, hai thằng em Tân nghiện hút. Ông bà già phải bán dần bán mòn căn nhà, chỉ để lại một chỗ để ngủ.
Không biết, nếu còn sống trở về, Tân có để gia đình mình rơi vào hoàn cảnh thế không?
Tôi nhớ Tân. Trận đánh An-lung-viêng lần thứ nhất. Cái chết của Tân mới lẫm liệt làm sao!
Chúng tôi chiếm An-lung-viêng. Bọn địch bỏ chạy. Chuẩn bị nấu cơm trưa thì bọn địch tổ chức phản công. Chúng bao vây, C5, C7, C6, tiểu đoàn bộ… hướng nào cũng có địch.
Tân ở C5. Trước mặt là cánh đồng trống trải. Bọn địch từ hướng đó, nấp sau các ụ mới và cây thốt nốt, bắn vào.
Dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Hà Huy Lan, Tân ôm RBĐ xông lên. Và nó nằm sấp, đặt súng giữa đồng, quét về phía địch. Thật là một hình ảnh phi thường.
Bỗng Tân trúng đạn. Đạn cày nát lưng. Người nó giật lên. Khẩu RBĐ vẫn nhả đạn. Rồi người Tân rung lên lần nữa. Đầu nó gục xuống.
Anh em bò ra lôi xác Tân vào. Tân vẫn sống. Vết thương trên lưng khá lớn, không đủ băng.
Không biết tự bao giờ hàng đàn ruồi nhặng đã bu đen lại. Chúng hút máu và đẻ trứng xuống vết thương.
Bị ngứa khó chịu, Tân quát tháo ầm ỹ. Trinh sát Nuyễn Trần Hải vừa an ủi vừa cúi bốc từng vốc trứng ruồi vứt đi.
An-lung-viêng đúng là xứ sở của ruồi. Đuổi thế nào chúng cũng không đi. Hải phải lấy chiếc áo đông xuân ra, ập lên vết thương của Tân. Vừa băng lại, vừa đuổi ruồi.
Anh em khiêng Tân về phẫu tiểu đoàn ở vườn xoài. Nằm trên võng, Tân còn rên rỉ:
- Thôi, thế là ông bà già tao được chiếc thẻ chen ngang rồi.
Tân nghĩ tới cái thẻ liệt sĩ, khi mua hàng không phải xếp hàng.
Đến đêm, Tân quá đau đớn. Nó cứ kêu:
- Ới đại đội trưởng ơi! Cứu em với!
Anh Lan chạy đến. Nắm tay Tân. Quá quen với những cảnh như thế, anh Lan động viên Tân.
Nửa đêm Tân đi.
Đó là một ngày cuối tháng hai năm 1979.
Tôi nhớ Tân. Trước, tôi và Tân cùng ở trong đội thông tin. Tân ở tiểu đội hữu tuyến. Nhớ những ngày ở biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, Tân đi dải dây dưới rừng lồ ô, không mặc áo lính. Quần bộ đội, áo phông đỏ rực, đầu cạo nhẵn thín, trắng hếu, không mũ mão. Cái bóng hình bướng bỉnh ấy cứ thấp thoáng giữa mầu xanh mênh mông, trùng điệp.
Rồi một đêm bên sông Mê Kông, Tân làm cả tiểu đoàn thức giấc. Đứng gác, nghe tiếng loạt xoạt trong khu vườn trước mặt, Tân lia một phát, cả loạt băng AK bay ra khỏi nòng. Chẳng có thằng địch nào, chỉ có mỗi con trâu đi lạc. Bọ Lực tiểu đoàn trưởng, đang ngon giấc, chửi ầm lên.
Và Tân về C5. Cá tính của nó hợp với đại đội trưởng Hà Huy Lan. Sau khi Tân chết, anh Lan tâm sự với tôi, rằng anh đang có ý định bồi dưỡng Tân thành tiểu đội trưởng. Bởi qua vài trận chiến đấu, Tân đánh rất lỳ.
Tôi nhớ Tân. Cái thằng, thời ở Hòa Bình, xuyên tạc rất bậy lời bài hát “Con kênh ta đào” của Phạm Tuyên. Lạ thay, những lời bậy bạ ấy, thỉnh thoảng tôi vẫn hay ngâm nga một mình. Và buồn cười một mình “Mới đến sân trường ta đã mến yêu nhau. Anh cứ bảo em mặc quần trễ rốn. Mục tiêu số 4. Dới rốn 10 phân. Bắn!”
Tôi nhớ Tân. Cái thằng cùng Khánh xếch, khi mới vào chiến trường, đã cạo hết tóc tai lẫn lông mi, lông mọi, lông… dái, để phản đối những lời nói dối của trung đoàn trưởng E582.
Có gì đâu. Trước khi hành quân vào Nam, trung đoàn trưởng E582 nói răng, chúng tôi vào Nam để bảo vệ cảng Sài Gòn, bổ sung vào sư đoàn 307. Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Khang, người còn bộ khung xương, môi thâm xì vì sốt rét, hai mắt trắng dã, đầu cũng cạo trọc tếu (ông bị thương ở đầu, mới đi viện về, đầu phải cạo trọc để điều trị vết thương), giải thích rằng đơn vị huấn luyện phải nói thế để đảm bảo bí mật trên đường hành quân, tránh bị CIA theo dõi. Lời giải thích khá đơn giản ấy cũng được bọn Tân tin và phấn khởi lao vào cuộc chiến đấu mới.
Tôi nhớ Tân. Cái thằng lúc nào cũng thèm thuốc. Song khi có thuốc, Tân luôn chia cho mọi người. Trong tiểu đội thông tin hữu tuyến, có anh chàng Nguyễn Văn L. Anh này không bao giờ xin thuốc ai và cũng không bao giờ cho ai điếu thuốc nào. Anh ta bao giờ cũng có câu cửa miệng khi mọi người xin: “Còn điếu vét túi”. Có lần trước bữa ăn, Tân xin, L. cũng trả lời như vậy. Nhưng sau bữa ăn, quãng 1-2 giờ chiều, Tân thấy L. đang ngồi trong nhà vệ sinh và đang âm thầm rít thuốc một mình. Tức quá, Tân luồn ra phía sau, bật lửa đốt nhà vệ sinh, L. đang ỉa, được một trận chạy tháo thân.
Tôi nhớ Tân…
Bây giờ Tân đã chết rồi.
Tôi nhớ Tân… và đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao Tân lại có biệt danh là Tân “cu lừng”?
Những ngày vừa vượt qua sông Mê Kông, một buổi trưa, chúng tôi đang ăn cơm độn ngô bên suối. Mấy cô gái Khơ-me đi kín nước ngang qua. Một cô cười hiền lành hỏi: “Bộ đội Việt Nam ăn cơm với gì?” Cả bọn chưa kịp trả lời. Ai cũng xấu hổ vì quân đội tình nguyện mà ăn cơm độn ngô thì yếu lính quá! Bỗng có tiếng trả lời rất to: “Ăn cơm với trứng!” Chúng tôi cùng cười quay lại. Người nói câu thông minh vừa rồi là Tân.
Sau khi Tân chết ít ngày, tôi về C5 phối thuộc. Nhắc đến Tân, đại đội trưởng Hà Huy Lan trầm ngâm: “Cái thằng lạ thật. Hôm trước, trên đường hành quân đến An-lung-viêng, mình thấy nó lúc nào cũng lơ ngơ như bò đội nón. Mặt cứ đần thối ra. Mình đã định cho nó về tuyến sau nhưng không hiểu sao, không kịp ra lệnh. Kinh nghiệm cho thấy, cứ thằng nào đang tinh ranh, bỗng trở nên lừ đừ, khi ra trận thế nào cũng chết!”



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com