THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - LỜI THƯA CUỐI SÁCH

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - LỜI THƯA CUỐI SÁCH

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang



LỜI THƯA CUỐI SÁCH

Ngày vào chiến trường, tôi có mang theo cuốn “Chiến Trường - Sống Và Viết” của Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Bản in lần đầu. Tôi nhớ trong đó, một nhà văn Nga đã kể về một số trường hợp hy sinh của mấy nhà văn Nga ở chiến trường. Có nhà thơ linh cảm mình sẽ hy sinh khi bị đạn bắn vào đầu thì ít lâu sau nhà thơ này cũng hy sinh đúng như hoàn cảnh đó. Có nhà văn linh cảm mình bị đạn quân thù bắn trúng tim và sau đó anh cũng hy sinh khi trái tim vỡ nát. Rất tiếc rằng nhiều lần tái bản sau này, bài viết đó bị loại bỏ đi. Tôi mang câu chuyện này nói với nhà thơ Ngô Thế Oanh. Anh cũng công nhận lần in đầu có bài thơ đó.
Cuốn sách này thật khó viết. Hơn mười năm trước, tôi đã thử viết một lần, dưới dạng tiểu thuyết, nói về những cái chết của đồng đội tôi. Nhưng nhiều người chết quá, không thể dựng được nhân vật chính. Được vài chục trang, lại bỏ.
Mấy năm sau, tôi nghĩ ra một cách. Vẫn tiểu thuyết, nhưng dưới dạng những bức điện gửi về trung đoàn. (Vì tôi là lính thông tin). Mỗi bức điện là một cuộc hành quân, một trận đánh và những người hy sinh. Nhưng viết được dăm sáu bức điện, thấy đơn điệu quá, lại thôi. Tôi đã ghi đề từ cho cuốn tiểu thuyết có tên là “Linh Cảm” đó: “Con mèo nhỏ linh cảm cơn động đất/ Ngựa đang phi biết phía trước đầm lầy/ Lính chúng tôi linh cảm mình sẽ chết/ Dù số phận cuốn đi vẫn sống trọn kiếp người”
Chuyện linh cảm về cái chết không những có ở loài người mà còn có ở cỏ cây và các loài sinh vật khác. Trong những năm chiến tranh, thành phố Hà Nội có phát động chiến dịch cấm nuôi chó. Những người dân phòng thường cầm gậy gộc xông vào từng nhà đập chó. Tối tối, những con chó bị đuổi đánh, chạy tứ tung khắp phố. Nhà tôi cũng nuôi một con chó. Buổi sáng hôm ấy, dân phòng rầm rập kéo đến, gậy gộc lăm lăm. Con chó mất hết hồn vía, nằm như con thỏ trong gầm giường. Bố mẹ tôi xin các bác dân phòng tạm tha, đừng đập, sẽ làm thịt nó ngay. Sau khi dân phòng rút đi, đến tận chiều, lôi mãi, con chó mới dám mò ra. Nó không đi được nữa, gục bên bát cơm, những dòng nước mắt ứa ra. Bố mẹ tôi cứ nhìn nó, nát cả cõi lòng mà không làm gì được. Nó không sủa, không ăn, không buồn đi lại. Nó có nói được gì đâu mà cũng biết mình sắp chết.
Và cỏ cây cũng mang tâm hồn, tính cách như con người. Có người luôn vươn lên như cây dương; có người luôn bi quan, buồn như cây liễu, có người ương ngạnh như cây dứa dại nhưng bên trong lại chứa trái tim nhân hậu, như liều thuốc giúp người bệnh đúng lúc… Tôi nhớ những ngày sống nhờ bên nhà bố mẹ vợ, hàng rào trước cửa là mấy lùm cây. Những đêm trăng, nhìn những lùm cây đó, tôi luôn cảm thấy gương mặt bạn bè đã chết hiển hiện, rõ rệt mà lặng im, những đôi mắt trong sáng, lấp lánh nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi nhớ căn hầm ba người của Hoàng An ở An-lung-viêng. Sau khi ba người lần lượt hy sinh, mỗi lần qua đó nhìn vào, tôi cố đi và nhìn thật nhanh, vẫn cảm thấy cái hố đó đen ngòm, đầy khí lạnh thoát ra. Và cái cây nhỏ trước cửa hầm, hàng ngày anh em vẫn phơi khăn, gác đũa bát lên đó, sau này cũng hắt hiu, héo dần, lá tự khô và thân cây cũng tự se lại.
Trong lòng tôi luôn suy nghĩ một điều là những người lính đồng đội tôi, hình như đã linh cảm thấy mình sẽ chết. Nhưng họ hoàn toàn không ý thức được điều này. Định mệnh, số phận và cái chết cuốn họ đi. Chỉ khi họ chết rồi, xâu chuỗi lại những lời nói và hành động của họ, tôi mới nhận ra được những điều họ đã linh cảm. Những ngày học ở Nga, tôi được xem bộ phim “Ngày mai đã có chiến tranh”. Bộ phim gợi cho tôi sự so sánh “Ngày mai chúng mình đã hy sinh”.
Trong những năm tháng chiến tranh, tôi đã được chứng kiến nhiều cái chết của đồng đội. Đã phải chôn và bốc cả một nghĩa trang của tiểu đoàn tôi ở An-lung-viêng. Năm 1982 đã áp tải hơn 40 xác đồng đội về Đức Lập… Khi biết tôi có ý định viết cuốn sách về những đồng đội bị thương hoặc hy sinh, những người còn sống trở về đã giúp tôi rất nhiều tư liệu. Nguyễn Minh Toàn, Trịnh Quốc Tài, Đào Long Đỗ, Nguyễn Văn Minh… đã cung cấp cho tôi rất nhiều nhật ký và ghi chép chiến sự. Song nếu làm cuốn sách như thế quả là công phu. Còn đồng đội ở Quảng Nam, Bình Định, Thuận Hải nữa. Chưa gặp được họ. Còn cả một núi tư liệu khác nữa. Chỉ có cách dần khai thác mà thôi.
Cuốn sách này tôi đã dựng lên rất nhiều chân dung những đồng đội đã chết. Song cuối cùng, để tập trung cho chủ đề cuốn sách, tôi chỉ chọn ra 18 chân dung những đồng đội của tôi - những người đã linh cảm về cái chết của mình. Về hình thức cuốn sách, cũng do sự tình cờ đã giúp tôi trộn cái chết hôm qua với cuộc sống hôm nay. Đó là những sợi dây vô hình nhưng hết sức bền chặt.
Chiến trường mênh mông. Mỗi đơn vị, mỗi người lính phải đánh bao nhiêu trận. Một mình tôi không thể quán xuyến nổi. Xin cảm ơn Tuấn trinh sát, Trường bút thép, Thành run, Toàn lùn, Sơn kép, Tài môi đỏ, Huần, Lê Minh Quốc cùng nhiều chiến hữu khác đã góp công cùng tôi hoàn thành cuốn sách này. Những thư từ nhật ký đó, dẫu có đoạn còn dài dòng tôi vẫn giữ nguyên để tôn trọng tính chân thực của tư liệu.
Xin cảm ơn số phận những ngày ác liệt đó đã đưa tôi từ trong đội thông tin lên làm trợ lý chính trị tiểu đoàn - một công việc cho tôi tiếp xúc với nhiều đau thương.
Xin cảm ơn những đồng đội, đồng hương đã chết, khi còn sống, anh em đã tin cậy tôi, đã tâm sự với tôi, đã gửi gắm ở tôi những điều sâu kín trong lòng, để khi sang thế giới bên kia, hình bóng các bạn vẫn mãi còn bất tử.
Về sự linh cảm của con người trước cái chết, nhiều người đã viết, ở trong nước cũng như trên thế giới. Trong khi viết cuốn sách này, tôi được chứng kiến vụ nổ tại ngầm Kursk của Nga. Và mới đây, Nhà xuất bản Thông tấn cho ra mắt cuốn “Bí Mật Tàu Ngầm Nguyên Tử Kursk”, trong đó có một số trang nói về sự linh cảm của các thủy thủ trước tai họa. Xin trích ra đây để bạn đọc tham khảo.

Bất cứ một sự kiện nào xảy ra trên thế giới, nhất là những sự kiện bi thảm, thường kèm theo những điềm báo trước không rõ ràng. Thật đáng tiếc, mọi người chỉ hiểu ra những ý nghĩa thầm kín đó sau khi tai họa xảy ra. Trước khi tàu ngầm nguyên tử Kurks bị đắm, trước đó cũng diễn ra nhiều điềm báo và linh cảm.
Tàu Kursk đã nhiều lần ra khơi, và chuyến ra đi cuối cùng của con tàu vào tháng 8 lại là chuyến đi buồn tẻ nhất. Không hiểu tại sao lúc đó một làn sóng của những linh cảm không may bao trùm lên các thủy thủ và gia đình họ. Nhiều người trong số họ đã nhìn thấy giấc mộng tiên tri, quanh họ diễn ra những sự việc không thể giải thích nổi.
Chị Natasa, vợ Đại úy quá cố Rachin nhớ lại: Khi chồng chị ra đến cửa, bất chợt quay lại, im lặng nhìn chị hồi lâu.
- Sao anh lại nhìn em im lặng thế?
- A! Chỉ để ghi nhớ em thôi - Anh trả lời chị như vậy.
Hôm đó, lần đầu tiên trong đời anh mang theo những bức ảnh của con gái, anh nói để chúng sẽ luôn luôn bên anh.
Trong gia đình Thượng úy Rednicov, người đầu tiên linh cảm thấy tai họa là cô con gái Dasa, tuy cách xa nơi thảm họa hàng nghìn kilômét. Ngày 12-8, dường như đúng lúc bố cháu hy sinh, một cơn động kinh vô cùng khủng khiếp xảy ra với cháu, và những người trong nhà không hiểu tại sao như vậy.
Chuẩn úy Kadaderov khi sửa soạn đồ dùng đi công tác, chìa vết sẹo trên bắp chân và nói với vợ:
- Em có thể nhận ra anh nhờ có vết sẹo này đấy.
Câu nói của chồng không bình thường đến mức vợ anh nhớ nó suốt đời.
Chuẩn úy Belaev, đầu bếp của tàu, theo vợ anh hồi tưởng lại, ngày hôm trước khi tàu Kursk rời bến, không hiểu tại sao lại nói với vợ:
- Giá như em biết anh chẳng muốn chết ở dưới biển tí nào.
Lúc đó người vợ chẳng để ý gì đến câu nói của chồng, nhưng mấy hôm sau chị mới linh cảm thấy ý nghĩa đáng sợ của câu nói đó.
Thượng úy Dmitri Kolexmicov chính là người ở  khoang số 9 kịp viết lại một mẩu thư để chúng ta biết rõ tiến trình tai họa xẩy ra. Trước lúc ra đi, chuyến đi cuối cùng, không hiểu sao anh lại để ở nhà chiếc thánh giá anh luôn đeo bên mình. Đại úy Hạng nhất Vladimir Barriansev, Tham mưu trưởng Sư đoàn là tác giả của lời chuốc rượu rất lạ lùng ở Hạm đội Phương Bắc. Không hiểu vì sao trong lời chuốc rượu này, anh lại tiên đoán trước được cái chết của mình. Bốn câu thơ của lời chuốc rượu đó như sau:
Nếu trong tương lai có xảy ra một chuyện
Khắp các khoang tàu bão lốc cứ tràn lên
Làm thủy thủ đoàn phải nghỉ yên vĩnh viễn
Tôi xin nâng cốc này chúc họ mãi bình yên
Tại sao anh lại không viết về đám cháy, về tình trạng ngập nước, mà lại chính về việc “các khoang tàu bão lốc cứ tràn lên”? Bởi vì một tiếng nổ với sức mạnh khủng khiếp đã xé toang các bức vách ngăn các khoang, cơn bão lửa bừng bừng trong khoang thiêu cháy tất cả những cơ thể sống. Đây là sự trùng lặp hay linh cảm?

ĐOÀN TUẤN

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com