THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Ngày 19 tháng 6 năm 1999

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Ngày 19 tháng 6 năm 1999

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang


Ngày 19 tháng 6 năm 1999

Mùa hè năm 1997, gia đình tôi vào nghỉ mát ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Đây là một vùng đất thiêng, nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Đất và người Thanh Hóa có những tính cách riêng, đã trở thành những bài vè dân gian hiện đại, được truyền khẩu sinh động. Song đối với riêng tôi, mỗi lần đi qua hay nhắc tới Thanh Hóa, tôi lại thấy Thanh Hóa gắn liền với tên tuổi anh Phạm Văn Khai, đại đội trưởng đại đội 6, trung đoàn 29, sư đoàn 307.
Anh Khai là người đầu tiên hy sinh ở chiến trường mà tôi được tận mắt chứng kiến.
Sáng hôm đó, 4-1-1979, anh Lê Quỳnh Lang và tôi được phân công đeo máy thông tin 2w cùng hành quân với đại đội 6, đơn vị chủ công, đánh vào sân bay Stung-treng. Buổi sáng chúng tôi hành quân không có gì ăn, đói meo. Khoảng 9 giờ thì được lệnh giải lao. Không được ăn gì, lại uống nhiều nước, bụng tôi cứ sôi ùng ục. Bỗng anh Khai lôi trong túi cóc ra bao cơm sấy khô. Anh bốc một nắm nhai rồi vẫy mọi người lại, dốc cho mỗi người một tý. Tôi là lính phối thuộc, cũng được anh vẫy tới, dốc cho vài hạt. Quá xúc động, tôi hái vội cái lá rừng đựng cơm. Đưa nhanh lên miệng, hớp không còn một hạt. Xong, đá tung cái lá lên trời. Mắt sáng, miệng cười, thấy đời cũng lên hương. Sau đó đến cơn thèm thuốc nhưng không ai có. Anh Khai móc đâu ra một cục nhỏ thuốc lào bằng đầu đũa. Không có điếu cày, hút kiểu lính chiến. Anh xé giấy, cuốn hình sâu kèn, nhét thuốc vào một đầu, ngậm này trong miệng rồi châm lửa hút. Anh hút ngon lành, nhổ nước, say mê nhả khói. Lính tráng đứng xung quanh, thèm rỏ rãi và nhao nhao xin sái. Anh Bùi Văn P. cũng chạy tới xin đầu tiên, nhưng cái sái đó anh Khai đã đưa người khác. Tức giận, anh P. Vừa bỏ đi vừa lẩm bẩm nguyền rủa:
- Nhớ đấy! Bố mày xin mà không cho. Chốc nữa chết đếch thằng nào khiên đâu!
(Anh P. người Mường, quê Hòa Bình, trước ở vận tải tiểu đoàn. Năm ngoái, trong một lần đánh thọc sâu vào vùng sau lưng địch, anh đã tự thương. Những đêm đó, trời tối mịt. Mỗi lần điểm danh, tiểu đoàn trưởng Võ Sỹ Lực phải đi ngược đoàn quân, sờ tay lên đầu đếm từng người. Quân ta đụng địch khắp nơi. Chúng bắn ra như mưa mà ta không dám bắn lại bởi mục đích của chuyến đi này là trinh sát phòng tuyến địch. Trời mưa dầm dề mà không có nước uống, không có cơm ăn, chỉ có gạo sấy và muối rang. Không ai được hỏi, không được nói chuyện. Tất cả chỉ nói bằng ám hiệu và ánh mắt. Một đêm, vào khoảng 4 giờ sáng, đến phiên gác của anh P., mọi người nghe một phát súng AK nổ. Anh P. Khai là súng bị cướp cò, nhưng nhìn bàn tay phải của anh mất ngón trỏ, ai cũng biết là anh tự thương.
Trong mọi hành động tiêu cực của lính tráng ở chiến trường, ông Lực ghét nhất là thói tự thương. Với những ai tự thương, ông ra lệnh cho quân y không được băng và bị ông đánh rất đau. Ông đánh cho đến lúc phải khai ra sự thật mới cho phép băng bó và khi vết thương lành, ông lại bắt phải trở về đơn vị cũ.
Anh P., vốn là lính 74, có nhiều kinh nghiệm để tự thương mà không bị phát hiện. Anh lấy khăn mặt ướt, đặt lên mu bàn tay phải rồi bóp cò để vết thương đỡ bị ám khói thuốc. Nhưng vết đạn phá quá gần khiến âm mưu của anh bị lộ.
Sau đó, anh P. bị khai trừ ra khỏi Đảng. Song, bản chất anh là người tốt, biết nhận khuyết điểm, một phút giao động, tiểu đoàn châm chước, điều anh về đại đội 6).
Nghe anh P. rủa anh Khai, tôi hơi sửng sốt. Không ngờ ở chiến trường họ lại rủa nhau phũ phàng đến thế! Với tôi anh Khai hay anh P., đều được quý trọng. Anh Khai đã tốt nghiệp trường sỹ quan lục quân Sơn Tây, chiến đấu dũng cảm, bị thương vừa ở viện về. Còn anh P. hay kể cho tôi nghe nhiều chuyện thú vị về rừng, về suối, và về quân ta lẫn quân địch. Khoảnh khắc đó, lời nguyền rủa ấy chỉ như cơn gió thoảng nhẹ qua tôi nếu so với bao câu văng tục của lính tráng ở chiến trường và nó cũng sẽ không còn đọng lại trong lòng tôi nếu sau đó ít phút, anh Khai không hy sinh!
Khoảng 11 giờ trưa, tiểu đoàn tôi tiếp cận và bao vây sân bay Stung-treng. Sân bay vắng lặng. Một sự im ắng căng thẳng đầy nguy hiểm bất ngờ. Bên phải, một mũi trinh sát trung đoàn tiến vào trước. Đi đầu là Châu, nhà ở khu tập thể Bách khoa, Hà Nội. Tôi biết Châu do ở trên trán nó có một vết bớt đỏ. Chợt từ trong sân bay, những loại đạn AK bắn ra, xuyên thủng trán Châu. Rồi đạn hai bên dội lên như mưa. Đạn chiu chíu qua đầu. Tôi mở máy thông tin và chạy theo đại đội trưởng Khai. Cành lá rơi rào rào, anh Khai cầm AK thúc giục anh em xung phong. Bỗng phía trước xuất hiện con suối chạy ngang. Anh Khai nhảy xuống. Tôi vội nhảy theo. Bỗng một quả lựu đạn nổ gần ngay trước mặt. Nước bắn tung lên. Anh Khai lùi lại và ngoặt sang hướng khác. Đang còn tức bụng vì sức ép của nước, tôi và anh Lang còn phải bám sát chỉ huy. Bỗng thấy anh Khai hô lên:
- Nó đây rồi! Bắt sống lấy nó!
Trong tiếng đạn nổ ầm ấm vẫn nghe rõ giọng anh Khai. Bờ suối thật rậm rạp. Mấy người vội lao lên. Bỗng thấy anh Khai trúng đạn, gục xuống. Cách chỗ anh Khai nằm mấy bước là hai cái bòng con màu đen, ướt đẫm, chắc của hai thằng lính Pôn Pốt bỏ lại bên gốc cây to. Anh Lang vội gọi điện về tiểu đoàn, báo tin đại đội trưởng Khai bị thương. Trận đánh vẫn tiếp tục. Cổ và gáy anh Khai ra rất nhiều máu. Chúng tôi không có băng. Trên người tôi có mỗi cuộn băng cá nhân, chẳng bõ bèn gì. Không thấy y tá hay vận tải đến. Anh Lang bảo tôi đặt tay lên mũi anh Khai xem còn thở không. Tôi bò lại gần. Anh Khai nằm như người ngủ nghiêng. Mặt trắng lấm đất, mắt nhắm. Tôi đưa ngón tay trỏ lên ngang mũi anh. Im lặng, nín thở theo dõi. Không thấy dấu hiệu gì. Sợ da tay mình dày không cảm nhận được hơi thở yếu ớt của anh, tôi đặt xuống lần nữa.
- Có còn thở không? - Anh Lang bình tĩnh hỏi.
- Em cũng không biết nữa - tôi trả lời.
- Lấy bông đặt lên xem.
Tôi mở túi bông băng làm theo. Mẩu bông băng nằm trước mũi anh Khai, không động đậy. Tôi cứ để nguyên mẩu bông như thế. Anh Lang điện về tiểu đoàn báo tin anh Khai hy sinh.
Khoảng 20 phút sau, trận đánh kết thúc. Mũi chúng tôi vượt suối vào sân bay. Quay lại chỗ anh Khai, lính vận tải tiểu đoàn đang tháo bao đạn của anh ra và đặt anh lên tấm võng đã trải rộng dưới đất. Chúng tôi mở hai cái bòng con chiến lợi phẩm. Mấy vắt cơm đã thiu, ướt nhoét. Hai chiếc võng ni lông màu đen. Một con dao găm Mỹ. Vì tôi và anh Lang có chung một ba lô nên anh Lang bảo tôi lấy cái võng. Tôi vừa cầm lên, cái võng nhẹ tênh, cuộn lại bằng nắm tay, có sợi dây dù màu vàng thẫm. Bỗng anh Lang bảo tôi:
- Thôi bỏ lại. Lấy chiến lợi phẩm xúi lắm!
Tôi vừa bỏ xuống thì may có anh lính đi qua, nhặt ngay.
Riêng con dao găm, anh Lang đeo bên sườn:
- Cái này có nhiều công dụng lắm đây!
Còn khẩu AK của anh Khai, anh Lang bảo tôi nên giữ lại vì hai lính thông tin chúng tôi đều không có súng trường. Có mỗi khẩu súng ngắn lại ít khi sử dụng. Riêng bao đạn AK của anh Khai thấm nhiều máu quá, tôi không dám đeo. Chỉ rút băng đạn, buộc vào dây lưng. Cái bao đạn đó, anh chàng tên Đi đeo vào.
Tối hôm đó, dưới gốc me già bên dòng Mê Kông, tôi ngồi trên võng đọc những dòng lý lịch trích ngang về anh Phạm Xuân Khai. Quê anh ở huyện miền núi Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Bố anh đã 76 tuổi. Mẹ anh cũng đã ngoài 70. Anh Khai có một người anh đã hy sinh từ thời chống Mỹ. Không biết tin con trai nữa hy sinh, ông bà có còn đủ sức chịu đựng không?
Suốt ngày hôm đó đến tận đêm khuya, cả đơn vị chúng tôi đều không có gì vào bụng. Buổi tối, bên dòng Mê Kông, nằm trên võng dưới tán me già, gậm nhấm lại mấy hạt cơm trắng tinh với hương vị thơm ngon mà anh Khai cho tôi buổi sáng. Say mê ngắm nhìn chiếc cầu vồng đỏ rực do pháo ta bắn sang bờ bên kia và pháo địch phản lại sang bờ sông bên này. Một cầu vồng lộng lẫy ngang trời đêm, một cầu vồng lung linh dưới đáy dòng sông đang cuộn xiết. Trong chiến tranh có những hình ảnh thật lãng mạn kinh hoàng và tột cùng khốc liệt.
Trong nhà nghỉ có một tấm bản đồ Thanh Hóa. Tôi tìm huyện Thiệu Sơn. Nhìn vào đó để biết rằng tôi không quên anh Khai. Gần 20 năm qua rồi, chắc cha mẹ anh Khai không ai còn sống nữa. Không biết xác anh có còn ở Đức Lập không? Cái chết của anh Khai thật ngắn gọn.
… Và sau đó tôi cũng không thể không đến anh P… Nhưng lời rủa của anh thì tôi vẫn thấy kinh hãi. Chắc bây giờ anh đã phục viên về Hòa Bình, tôi không nhớ về xã, huyện nào.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com