Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Vợ chồng Đỗ Thúy Hằng đến nhà tôi chơi. Hằng là bạn cũ của vợ chồng tôi, chị đang công tác tại Bộ Tài chính. Khanh, chồng Hằng, là cảnh sát kinh tế huyện Từ Liêm. Trong câu chuyện, chúng tôi nhắc đến những người lớp 10B của Hằng ra trận, nào Đạt “rùa”, Khả Minh, Nhật Minh đã hy sinh. Công “bầu” bị cụt chân. Và Đinh Ngọc Long, tức Long “ghẻ” cũng không trở về. Trường hợp hy sinh của Long “ghẻ” thật đáng tiếc. Anh chết do quân ta bắn nhầm quân mình.
Trong một lần đi phục buổi tối, tiểu đội của Long chạm trán với một tiểu đội khác cùng đại đội 2 thuộc tiểu đoàn 7. Hai bên cứ tưởng nhau là địch. Cùng nổ súng. Khi có người hy sinh rồi, nghe tiếng kêu, mới nhận ra nhau. Hình như đã thành cái “dớp” trong lính, hễ quân ta “đụng nhầm” quân mình, thể nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh.
Hằng kể một chuyện buồn cười. Một người bạn trong lớp cũ của Hằng, tên Q. Khi còn đi học, Q. chơi rất thân với Long “ghẻ”. Sau ra trường, làm nghề kinh doanh, Q. vào cầu trúng quả như điên. Q. đi xem bói, thầy phán Q. làm ăn phát đạt chính là nhờ một người bạn rất thân của Q. nay đã chết ở Căm-pu-chia phù hộ. Q. nghe mà phát hoảng. Vội tìm đến nhà Long “ghẻ” ở khu lắp ghép Trương Định, hỏi phần mộ của Long và sắm lễ đến tạ ơn.
Trích nhật ký của Nguyễn Minh Toàn, nguyên trung đội trưởng của Long. Ngày 2/11/1981 Long hy sinh, khi ấy Minh Toàn đang nằm viện Cầu Cháy.
Đinh Ngọc Long
Không ngờ mày là thằng bạn thứ ba tao phải viết vào đây. Tao tô đậm tên mày với dòng chữ trang trọng để rồi trong đời tao vĩnh viễn xa mày. Long ạ, quả đất vẫn xoay tròn nhưng tao với mày không còn gặp nhau được nữa. Cuộc đời thằng lính là như thế phải không Long? Tao biết mày là đứa còn nhiều mối hận. Nghe tin mày ngã xuống làm tao choáng váng một trăm lần. Không ngờ mày đã ôm trọn mối hận sang thế giới bên kia, xác mày nằm tại trận địa. Không có đứa bạn đồng hương nào được nghe mày trăn trối. Thôi nhé hãy vui lòng yên nghỉ. Những đứa bạn đồng hương của mày chỉ biết gọi tên mày, cất giữ tên mày trong kỷ niệm cuộc đời. Hứa với mày khi trở về tao sẽ đến thăm gia đình mày, mày hãy tin vào lời tao nói, dù ngày còn sống mày cũng chẳng ưa gì tao. Nhưng tao biết mày vẫn nể tao và giúp đỡ tao thầm kín, mày vẫn thường có những lời tâm sự để tao không thể quên mày. Về đến trung đoàn tao sẽ đến viếng mộ mày.
Thôi nhé, vĩnh biệt
5/11/81
Minh Toàn
Trong đầu tôi vẫn mãi không thể quên được hình ảnh Long ghẻ. Cái thằng học lớp 10B ngay bên cạnh lớp tôi. Cả trường Lý Tự Trọng năm đó có mỗi hai lớp 10 làm gì chẳng nhớ. Trong sân trường, trên sân bóng, trên đường đi về… lúc nào chả gặp. Trán rộng, mắt sâu, mặt bướng, mũi cao, tính nóng. Đinh Ngọc Long đấy. Tôi xuống khu lắp ghép Trương Định, tìm gặp Sơn kép, bạn cùng đơn vị với Long ghẻ, hỏi:
- Ông nhớ gì về Long ghẻ không?
- Tôi nhớ nhất là những ngày gần cuối, tự nhiên Long ghẻ phát tướng, to béo mập một cách kỳ lạ. Tôi nghi ngờ: “Quái lạ, thằng này ăn gì mà béo trắng ra như thế nhỉ? Mà ông biết đấy, đơn vị hồi đó ăn thiếu thốn lắm! Đùng một cái, mấy hôm sau nó chết. Cũng lạ thật, đơn vị mình có mấy thằng sau này tự nhiên cũng phát tướng, thế là đều hy sinh. Từ đó mình nghiệm ra rằng, cứ thằng nào phát tướng, chắc chắn sẽ hy sinh”.
Sơn nói trơn tru, như khẳng định. Tôi tin vào linh cảm và kinh nghiệm của Sơn. Trong lớp lính nhập ngũ cùng ngày, Sơn là người ra quân sau cùng khi đã leo đến cấp đại úy, phó trung đoàn trưởng trung đoàn tôi.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|