THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Ngày 22 tháng 11 năm 1999

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Ngày 22 tháng 11 năm 1999

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang


Ngày 22 tháng 11 năm 1999

Một ngày cuối năm năm 1999, Trịnh Quốc Tài, nhà ở ngõ số 375 phố Bạch Mai đến nhà tôi.
- Tuấn, trưa nay mày có nghe mục “Nhắn tìm đồng đội” không?
- Không. Mãi hơn 12 giờ tao mới về đến nhà. Có chuyện gì thế?
- Gia đình Nhật Minh nhắn tin trên đó. Mày có biết nhà Nhật Minh không? Hôm nào tao với mày đến. Tao vừa về qua thăm trung đoàn cũ của mình đang đóng ở Quảng Ngãi. Có thể cung cấp cho gia đình nó ít thông tin…
Cả tôi và Tài đều chơi thân với Nguyễn Xuân Nhật Minh. Tuy Minh ở tiểu đoàn 7, chúng tôi ở tiểu đoàn 8, mỗi tiểu đoàn đóng cách xa nhau khi thì hàng chục, khi thì hàng trăm cây số, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau. Nhật Minh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ gần tiểu đoàn 9 và xác Nhật Minh chôn tít trên đó, cách xa An-lung-viêng của chúng tôi hơn một ngày đường.
Cứ mỗi lần cạo râu tôi lại thấy xót thương Nhật Minh. Mấy ngày trước lúc hy sinh, trên đường tăng cường lên D9, Minh ở chỗ chúng tôi. Dạo đó những ngày đầu năm 1981, tiểu đoàn chúng tôi đang lâm vào tình trạng thiếu đói ghê gớm. Không có rau, chúng tôi phải đi rất xa, thỉnh thoảng kiếm được ít lá bèo lục bình, về xào với nước mắm. Gọi là nước mắm, chứ thực ra đó là nước được nấu từ một phần ba hộp thịt xay, cho nước lã và muối vào, quấy đều rồi chia cho 60 - 70 người ăn. Ấy thế mà năm thì mười họa mới có một bữa. Thấy Nhật Minh lên, chúng tôi chẳng có gì đãi. Nhật Minh rất thông cảm và chỉ hỏi tôi có dao cạo râu không.
Nhìn bộ râu cằm lởm chởm của Nhật Minh, tôi thấy ái ngại. Quả thực, đã lâu lắm tôi cũng không để ý đến râu ria của mình ra sao. Trong hầm tôi ở, ngoài tôi và Huỳnh Đức Thuận là trẻ, còn có anh Lâm Xuân Liễm đứng tuổi và có râu nhiều hơn. Anh Liễm cũng không còn con dao cạo nào. Chỉ có Thuận giữ lại một lưỡi dao lam để rọc giấy. Thấy Minh tha thiết hỏi, Thuận cũng đưa cho mượn. Lưỡi dao ấy đã cùn lắm, song Minh rất mừng. Minh lồng ngón tay trỏ vào phần thủng giữa dao, đưa lên cằm cạo xoàn xoạt. Thú thực, đó là lần đầu tiên tôi thấy một kiểu cạo râu dã chiến như vậy. Không gương lược, không xà phòng, không bàn cạo, chỉ một lưỡi dao cùn và ngón tay trỏ là xong.
Giữa tôi và Nhật Minh có nhiều kỷ niệm đẹp. Chúng tôi cùng là học sinh trường Lý Tự Trọng, Hà Nội. Minh có gương mặt rất đàn ông, khảng khái, cương nghị. Dạo đi học, Minh là đứa tập xà đẹp nhất. Ngực và eo của Minh nở như hình chữ V, chắc lẳn. Đúng là “đùi ếch, ngực dơi, tay cử tạ”. Mỗi lần Minh tập xà, trên các hành lang, các cô gái đứng nhìn mê ly. Bọn con trai chúng tôi nhìn cơ thể khỏe và đẹp của Minh còn phát thèm nữa là con gái. Mỗi lần Minh tập xà, là một màn trình diễn tuyệt đẹp ở dưới sân trường.
Chúng tôi gặp nhau trên sân bóng, dưới sân trường, trên sân thể dục… Bao giờ tôi và Minh cũng có bao nhiêu chuyện để nói, để cười. Song chuyện tình yêu lại ít khi thổ lộ.
Rồi chúng tôi cũng vào lính một ngày. Khi vào chiến trường, Minh được biên chế về trinh sát trung đoàn. Dạo cuối tháng 12 năm 1978, trên đường vào chiến dịch, tôi đang ngồi trên xe GMC, qua ngã ba trạm phẫu trung đoàn, bỗng có người đứng bên đường gọi to:
- Tuấn ơi, mình bị thương rồi!
Tôi giật mình nhìn xuống. Trời ơi! Nhật Minh của tôi. Đầu quấn băng trắng, tay trái cũng quấn đầy băng, treo trước ngực. Minh cười rất tươi, giơ tay vẫy tôi. Chưa hết bàng hoàng, tôi đã nghe Minh nói to:
- Đồng hương đi trước nhé. Mình sẽ vào sau!
Ôi, một hình ảnh bị thương đẹp tuyệt trần! Thú thực là khi vào lính, tôi chỉ có một ước mong đơn giản, là mình bị thương, ở đầu và ở tay như Minh. Rồi mình sẽ chụp một tấm ảnh, gửi về cho các bạn trong lớp cũ cho oai! Cái hình ảnh mơ ước ấy của tôi giờ lại rơi vào Nhật Minh. Đang hành quân cấp tốc thế này, lấy đâu ra máy ảnh mà chụp? Song cái hình ảnh đó của Nhật Minh mãi sáng ngời trong tâm trí tôi. Đêm ở An-lung-viêng, Nhật Minh kể cho tôi nghe trường hợp mình bị thương lần ấy. Mới vào trinh sát, trong mấy ngày đầu, Nhật Minh được đại đội phân công đi thực tập địa hình, cầm bản đồ và địa  bàn thử đi xem có xác định đúng phương hướng không. Nhóm đi gồm bốn người. Lúc ấy, quân ta và quân địch còn gần nhau lắm. chúng tôi đi tắm còn nghe tiếng quân ta hô xung phong sau quả đồi trước mặt. Tay đang xát xà phòng lên đầu cũng dính mảnh đạn luôn. Đi đứng không theo lối mòn là dẫm mìn như không. Trên các cành cây, các loại lựu đạn treo lủng lẳng. Song đã vào đến đây rồi thì chấp nhận tất cả.
Nhóm trinh sát của Minh đi thế nào mà rơi vào ổ phục kích của địch. Chúng nổ súng. Anh em vừa chạy vừa bắn trả. Vì đều là lính mới cả nên sau một hồi chạy, không ai xác định được phương hướng nữa. Lúc này, Minh đã bị thương ở đầu và tay. Máu ra nhiều mà không có bông băng gì cả. Chiều tối, bọn địch không bắn nữa. Anh em nghỉ lại giữa rừng và phân công mọi người thay nhau gác. Đến phiên của Nguyễn Thanh Tùng. Có lẽ do sợ địch tập kích không kịp phản ứng nên Tùng đã tháo chốt an toàn quả lựu đạn rồi cầm trên tay. Sau một ngày vừa sợ vừa mệt, Tùng thiếp đi lúc nào không biết. Bất ngờ quả lựu đạn trên tay rơi xuống, nổ rầm một tiếng. Tùng hy sinh ngay. Cùng lúc đó bọn địch bắn ra như mưa. Anh em trinh sát mỗi người lại chạy một hướng. Thêm một người lính mới nữa hy sinh. Hình như tên là Dũng. Không ai biết bằng cách nào anh ta lại rơi vào đại đội trinh sát. Một người nữa thì lạc rừng, sau tìm về được hậu cứ của trung đoàn 95 tại Măng giang. Còn Nhật Minh, trong đêm tối đen ấy, Minh vừa chạy vừa nghỉ. Bỗng Minh thấy trước mặt như có một bóng hình của ai đó, cứ thấp tha thấp thoáng. Nghĩ là người của mình nên Minh cứ bám theo. Nhưng cứ bò đến gần thì cái bóng đó lại biến ra xa, lại lúc ẩn lúc hiện trước mặt. Và cả đêm Minh cứ bám theo cái bóng ấy mà Minh không biết là ai. Gần sáng, cái bóng ấy biến mất, Minh cũng mệt lả, thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, cứ nhằm hướng thẳng mà đi. Mãi đến xẩm chiều mới tìm được về đến đơn vị. Quần áo tả tơi. Mừng đến phát khóc.
Sau trận ấy, trong đơn vị, có người khen Minh, song cũng có người chê Minh là bỏ tử sỹ lại trận địa. Rồi từ đó, trong đơn vị, dẫu không nói ra, nhưng Minh như người có “phốt”. Sau, gặp lúc các tiểu đoàn cần bổ sung trinh sát, Minh xin xuống D7.
Câu chuyện của Minh cứ ám ảnh tâm trí tôi. Phải chăng cái bóng hình ấy là hồn vía của một người lính nào đó đã hy sinh, hiển linh để dẫn đường cho Minh trở về. Tuy không nói với Minh điều ấy song tôi cứ nghĩ vậy.
Rồi đầu năm 79, khi đang tiến vào giải phóng Cam-pu-chia, đơn vị tôi cử một tiểu đội tăng cường quay về biên giới để tìm xác đồng đội. Tôi nhớ Nguyễn Thanh Tùng là người lính Hà Nội đầu tiên trong đợt lính chúng tôi hy sinh. Nhà Tùng ở 25 phố Phù Đổng Thiên Vương. Sau một tuần càn đi quét lại, chúng tôi không tìm thấy xác ai cả. Tôi đã viết bài thơ “Tìm bạn” kể lại chuyến đi này.

TÌM BẠN

Chiến dịch kết thúc rồi tôi quay về biên giới
Tìm xác bạn bè trên chốt cũ yêu thương
Hơn hai mươi con người, một trung đội tăng cường,
hơn hai mươi tay súng
Sống lại cùng tôi những bạn đường.
Không thể tìm ra đầy đủ một bộ xương
Đất cháy đen xỉ than
Xương cánh tay lẫn cành khô rơi vãi
Tấm bản đồ không mang lại một điều gì mới
Vệt máu đông rỉ ra nhức nhối mắt nhìn
Từng khoảng thời gian, từng trận đánh, từng người một,
cứ nhớ thế mà tìm
Đồi 328, chốt X.B… chỗ nào cũng gặp bạn bè đang sống
Vẫn nói cười, vẫn thổi mắt cho nhau, ôm súng xông lên
và những loạt Đ.K. dập xuống
Bạn bè tôi hóa trăm mảnh sao trời…
Lòng tôi đau một nỗi khổ không nguôi
Đâu cũng gặp mà tìm không thấy
Đêm ngủ trong những căn hầm còn lại
Nham nhở  những mảnh trăng hình phễu hứng sương trời…

Hơn hai chiếc túi mang theo dồn một túi không đầy
Chiếc gùi nhạ trên vai bao cuộc đời sông núi
Đồng đội tôi nằm đây chưa thể nào ngủ nổi
Những mảnh pháo mảnh mìn đau cấn lắm dưới lưng

Cây cháy vẫn đen thu, chim chưa trở lại rừng
Đi tìm suốt mấy ngày bỗng sáng nay gặp một bông hoa dại
Ánh mặt trời đọng sáng những hạt sương
Những người nằm xuống rồi đều có chung một gương mặt
tươi sáng lạ thường
Tôi bỗng dốc bi đông tưới cho bông hoa nhỏ
Bông hoa nhìn theo mỗi bước tôi đi…


1979-1985

Ít lâu sau, Minh được tăng cường về tiểu đội trinh sát D7. Chiến trường rộng lớn, mỗi tiểu đoàn một ngả, tôi ít gặp Minh hơn. Song mỗi bước trưởng thành của Minh, chúng tôi đều theo dõi. Tôi được biết, trước lúc qua chỗ chúng tôi ít ngày, Nguyễn Xuân Nhật Minh đã vinh dự được kết nạp Đảng. Điều này Minh không nói với tôi, nhưng anh em D7 kể lại. Bản thân tôi rất mừng và khâm phục Minh.
Gặp Minh tôi rất mừng. Nhớ lại một chuyện cười.
- Minh biết không, dạo đó, vào khoảng tháng Mười năm 1979, mình đi phối thuộc với C7, chốt ở phum Cầu Sắt. Một hôm, mình phải đón xe về trung đoàn nhận pin. Vừa trèo lên thùng xe, mình ngạc nhiên thấy một tốp lính Khơ-me đỏ. Có một thằng mặc áo quân Tân, trên ngực in số hiệu đơn vị và có thêu hai chữ “mỗi ngày”. Lại nghe tin D7 vừa đánh trận Xa-vai Đam-lắc…
- Có phải cái thằng tóc xoăn tít không?
- Chính hắn. Nhưng Minh biết thế nào không. Thấy nó mặc áo của đồng đội mình, mình liền táng cho nó một báng AK vào vai. Thằng ôn con nghiêng người né. Mình làm tiếp phát nữa. Nó chúi đầu xuống tránh. Nhưng mình dừng lại vì thấy hai tay nó bị trói chặt vào thành xe…
- Thằng đấy trước thân với mình lắm. Mấy tháng đó mình đi làm công tác dân vận. Nó là một trong những “phần tử tích cực” được bọn mình sử dụng. Song vẫn phải cảnh giác vì bọn này lá mặt lá trái lắm. Hôm đó, bọn mình ngủ trong phum. Nửa đêm, bọn nó dẫn lính Khơ-me đỏ tập kích vào. Nhưng bọn mình rất cảnh giác, đã rời ra bìa phum từ 8 giờ tối. Bọn nó đánh ra, quân mình không đào công sự nên phải rút vào rừng. Bọn nó cướp được mấy cái ba lô, trong đó có cái của mình…
Những ngày ở chỗ tôi, Minh hay giở lá thư của mẹ ra đọc. Có lẽ đó là lá thư mới nhất. Một buổi tối, dưới ánh đèn dầu khộp trong hầm, Minh cho tôi xem thư mẹ: “Nhật Minh con thương yêu”. Nhìn dòng chữ hoạt bát nghiêng nghiêng của người mẹ, lòng tôi dâng một niềm cảm động và cô đơn. Những ngày đó, giữa mùa mưa, trời ướt dầm dề. Cứ đến đêm, trong hầm lại đầy nước. Nước từ mạch dâng lên, theo các rễ cây chảy vào. Chúng tôi phải mắc cao võng lên. Tôi rủ Minh ở lại hầm ngủ chung võng. Song Minh là người rất có kỷ luật. Chơi đến quá khuya, Minh về đơn vị.
Sáng hôm sau Minh sang chỗ tôi xin giấy viết thư. Tối đến Minh lại qua hầm tôi, tâm sự rằng khó viết quá, không có tâm trạng. Song nghe giọng Minh và nhìn gương mặt Minh, tôi hiểu những gì đang diễn ra trong lòng bạn. Tuy bề ngoài vẫn nói cười vui vẻ với Minh, song trong lòng tôi lại thầm thương bạn. Bởi trong tôi cũng đã trải qua những ngày như vậy. Trước khi vào trận, muốn nói rất nhiều. Nhưng nói chuyện gì với ai? Quả là một vấn đề không đơn giản.
Buổi tối, Minh sang hầm tôi gửi tôi lá thư về cho mẹ. Thư không có phong bì, không có tem. Minh bảo:
- Mình đang viết dở, không viết được nữa. Đồng hương viết tiếp hộ mình.
- Thôi, ngồi đây viết tiếp đi. Mình với Thuận đi chỗ khác để Minh viết tiếp đấy!
Thuận cũng trêu Minh vài câu. Song Minh không đồng ý, cứ để lá thư viết dở lên bàn tôi. Ngồi nói chuyện tào lao một lúc, tôi cất lá thư vào trong ba lô cho Minh yên tâm.
Bỗng một chiều, Minh nhận được điện phải hành quân gấp lên D9. tối hôm đó Minh sang chỗ tôi xin chiếc cần câu câu mìn. Dạo đó, quanh An-lung-viêng, hầu như lối nào bọn địch cũng gài mìn. Những sợi dây mìn mỏng manh như sợi chỉ, chúng giăng là là mặt đất, ngang lối đi hẹp, cỏ xùm xòa trùm kín. Lính ta đi không để ý, vướng dây, quả mìn nảy ngang người, nổ tung. Bọn địch còn buộc mìn vào thân cây, tầm ngang ngực người đi, rồi căng dây mìn ngang đường. Ánh mặt trời chiếu lấp lóa, thật khó nhìn thấy dây mìn. Nhiều người đang đi, bỗng nghe tạch một cái, một luồng hơi mát vút qua, rồi một tiếng  nổ tiếp liền. Cái cảm giác về luồng hơi mát chưa kịp nhận ra thì đã gục xuống. Có những nơi bọn địch còn dùng dây hà thủ ô để buộc vào kíp mìn, quân ta đi ngỡ dây rừng, đạp bừa lên, toi mạng như không. Song cái khó không bó cái khôn. Những người lính Việt Nam, xuất thân từ nông dân, đã nghĩ ra cách phát hiện dây mìn. Họ vót tre thành hình cái cần câu, phía đầu hơi mỏng, để lại phần đốt như cái mấu. Khi đi, cầm cần câu ngửa lên, đặt sát mặt đất, thấy vướng thì dừng lại, từ từ nhấc cần lên, xem gốc sợi dây mìn ở đâu rồi ngồi xuống gỡ mìn. Chỉ đến lúc lên D8, Nhật Minh mới biết cách phát hiện mìn của chúng tôi và học. Tôi cho Minh chiếc cần câu mìn. Trước cửa hầm, Minh đứng thử, cần câu phất lên vun vút. Tôi thấy gương mặt thận trọng của Minh ánh lên niềm vui.
Sáng hôm sau, khi tôi đang ăn sáng thì Minh khoác ba lô qua chào tạm biệt. Tôi chỉ biết dặn Minh thận trọng. Minh nhìn tôi tự tin:
- Đồng hương cứ yên tâm.
Rồi Minh dẫn anh em D7 đi lên D9, khoảng một trung đội. Rừng mùa mưa xanh thẫm, cành lá nặng trĩu nước. Mái rừng như sà thấp xuống ngay trên đầu. Tôi nhìn theo đoàn quân đi im lặng. Một chuyện bình thường nhưng lòng se lại.
Ba hôm sau, chúng tôi nhận được điện từ D9 báo về, Nhật Minh đã hy sinh. Mấy ngày đó, tôi cứ nóng ruột chờ mang xác Nhật Minh về. Từ D9 về chỗ chúng tôi mất hai ngày đường rừng. Nửa đường sẽ ngủ lại C6. Chúng tôi đã chuẩn bị quan tài, lọ pê-ni-xi-lin (đựng mảnh giấy ghi tên tuổi, quê quán của Minh, chôn cùng xác Minh, để khi bốc mộ, đỡ nhầm xác các tử sỹ với nhau) và bát cơm quả trứng, điếu văn… để đón Nhật Minh. Dạo đó tôi được tiểu đoàn giao làm công tác khâm liệm và chôn cất tử sỹ. Ngoài tình đồng đội, đồng hương, giữa Nhật Minh và tôi còn có tình cảm thương mến của nhóm bạn học cùng trường.
Nhưng chờ mãi, chờ mãi, không thấy xác Nhật Minh về. Hóa ra, do đường xá xa xôi, đi lại không thuận tiện, thiếu người khiêng và bảo vệ tử sỹ, nên sư đoàn quyết định đặt thêm một nghĩa trang nữa tại D9. Và Nhật Minh là người đầu tiên nằm tại nghĩa trang mới này.
Trường hợp Nhật Minh hy sinh không ai có thể ngờ tới. Ngay hôm đó đơn vị Nhật Minh đi phục. Đến khoảng 4 giờ chiều, không thấy địch, có lệnh rút về. Trước lúc ăn cơm, kiểm tra súng đạn, mọi người phát hiện một anh lính mới thiếu dây đạn M.79. Phải mau quay lại tìm. Trời tối, anh lính mới quay lại. Đến chỗ phục, mọi người không dám vào. Vốn là người ưa thích sự mau lẹ và muốn để mọi người ăn cho xong bữa cơm, dù rất bực, Nhật Minh vẫn xung phong vào ổ phục tìm dây đạn. Sau khi kiếm tìm một hồi, lúc thấy dây đạn, Nhật Minh vừa cầm lên thì một trái mìn nổ tung trời. Anh ngã xuống.
Thì ra, khi quân ta vừa rút đi cũng có thể là lúc địch tới. Phát hiện thấy dây đạn của ta, đoán thế nào quân ta cũng quay lại tìm, bọn địch đã cài mìn vào đó.
Nhật Minh bị thương rất nặng. Đến khoảng nửa đêm thì anh qua đời. Ít lâu sau, tôi nhận được lá thư của bạn tôi là Cù Đăng Hạnh từ D9 gửi về do anh em đi công tác qua chuyển cho.
“Tuấn ơi, thế là thêm một thằng lính mình không được về Hà Nội nữa rồi. Không biết Hà Nội ngày chúng mình về có ai biết thiếu vắng Nhật Minh không? Hà Nội chắc vẫn vui như xưa nhưng Nhật Minh không bao giờ về nữa. Thằng bạn cùng trường chúng mình đã hy sinh hồi… giờ… ngày… tháng… năm…”
Lá thư của Hạnh gây trong lòng tôi chút xao động. Thú thực, lúc đó tôi không hề nghĩ đến Hà Nội, nghĩ đến ngày về. Cuộc chiến đang cực kỳ gay go, ác liệt. Đang mùa mưa, rừng âm u, chúng tôi không biết mình chết lúc nào.
Nhật Minh chết rồi. Thế là lời hẹn của Nhật Minh sẽ cùng tôi về phum Xằng-cung Thơ-mây mãi mãi xa vời. Minh kể ở đó có ngôi chùa rất đẹp. Ngôi chùa lại nằm trên một hòn đảo. Và hòn đảo lại nổi trên một cái hồ rộng mênh mông. Điều kỳ lạ là hòn đảo ấy không bắt chặt vào đất mà nổi trên mặt hồ, khiến ngôi chùa đó buổi sáng ở phía đông, đến buổi chiều lại bị gió thổi dạt về phía tây. Và ban đêm gió lại thổi cho ngôi chùa lặng lẽ, từ từ trôi về phía đông. Minh bảo:
- Mình sẽ chèo thuyền chở đồng hương ra thăm chùa. Đồng hương biết không, trong mỗi pho tượng trong chùa đều có một cục vàng đấy. Trong hồ có nhiều cá sấu lắm. Nhưng nó chỉ nổi từng đợt thôi. Mình biết quy luật của chúng nó rồi.
Dạo đầu năm 1983, khi đi công tác về phum Xằng-cung Thơ-mây, tôi được ghé thăm thắng cảnh độc đáo này. Nhớ lời hẹn xưa, càng thương tiếc bạn. Đêm đó, dân trong phum thức suốt đêm nhảy múa, cúng bái để cầu mưa. Họ hát những bài dân ca, đọc những câu thần chú, những bài cúng đầy bí ẩn. Nửa đêm về sáng, họ vứt gà cùng các đồ cúng khác xuống hồ cho cá sấu ăn. Từng đàn cá sấu đen nhảy lên tranh nhau đớp mồi. Cảnh tượng ngoạn mục như thời nguyên thủy. Nghĩ tới Nhật Minh đang nằm trên biên giới, cảnh đây mà người vời vợi xa bao nhiêu, xa hơn ngôi sao bé nhỏ trên bầu trời mùa khô của miền đông bắc Cam-pu-chia.
Rồi chúng tôi đến nhà Nhật Minh ở khu tập thể Phương Mai. Trước khi đi và trên đường đi, thâm tâm tôi định nói bao lời. Nhưng vừa bước vào căn phòng trên tầng 3, tôi đã bàng hoàng. Đập vào mắt tôi, đập vào ngực tôi là hai tấm chân dung liệt sĩ. Nguyễn Xuân Nhật Minh và người anh của Minh. Người anh này đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài bố mẹ Minh, hôm đó chúng tôi còn được gặp chị em gái và em trai Minh. Bố mẹ Minh còn tương đối khỏe. Ông cụ sinh hoạt ở hội cựu chiến binh và Tổ hưu trí phường. Cứ nghĩ chúng tôi sẽ là người nói nhiều, không ngờ ông bà cụ khá lạc quan, kể cho chúng tôi bao chuyện. Ông đọc cho chúng tôi một số bài thơ do ông sáng tác, nội dung chủ yếu coi sự hy sinh của hai người con trai của mình là đóng góp nhỏ nhoi của gia đình đối với sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Tôi đọc tặng bà mẹ Minh bài thơ “Mẹ và hòm thư con” mà tôi viết trong cái đêm ở An-lung-viêng được Nhật Minh cho đọc chung thư mẹ. Khi đọc, hình ảnh Nhật Minh hiện về. Tôi không thể nào cầm nổi nước mắt.
Trịnh Quốc Tài mới thăm trung đoàn cũ của chúng tôi ở Quảng Ngãi ra, Tài đang lái xe cho công ty TODA của Nhật, xây dựng trường học ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Tài muốn cung cấp cho gia đình Nhật Minh một số thông tin để bố mẹ Minh tiện liên hệ trong việc tìm xác con. Chúng tôi không biết nghĩa trang D9 được bốc đi lúc nào và chuyển về đâu. Đến giờ gia đình Nhật Minh vẫn chưa tìm được xác Nhật Minh.

Trích nhật ký của Nguyễn Minh Toàn, nguyên trung đội trưởng C3, người có mặt lúc Nhật Minh hy sinh, khâm liệm cho Nhật Minh. Hiện Toàn ở E1B khu tập thể dệt 8/3 Hà Nội.

18h45 phút ngày 3-12-1981
Tại biên giới Tây bắc Cam-pu-chia, cách cửa khẩu 2 độ 10km trong một khu rừng xanh thưa. Xé không gian bằng một tiếng mìn. Quả mìn KP2 của quân Pôn Pốt đã cướp đi của tôi một người bạn, một người đồng hương, đồng chí. Nguyễn Xuân Nhật Minh, tiểu đội trưởng trinh sát đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, mới 15 phút trước mình còn nói chuyện với nhau, mà chỉ sau một tiếng nổ Minh không thấy được quê hương nữa. Mình liệm Minh trong chiếc quần của anh Lợi, chiếc võng của Minh cùng chiếc màn trắng, ba ngày sau mới đưa Minh về được D9. Thôi nhé hãy vui lòng an nghỉ. Mong sao thời gian nhanh chóng xóa mờ nỗi đau trong lòng người mẹ đau khổ của Minh. Các đồng hương của Minh sẽ còn mãi mãi nhớ Minh. Cuối cùng xin vĩnh biệt.
15-12-81
Minh Toàn

Trích nhật ký của Nguyễn Xuân Trường, người chứng kiến cái chết của Nhật Minh hiện ở khu tập thể Hoa quả – Hà Nội.


Hai mươi năm viết về đồng đội.
Tôi phải cám ơn thật nhiều Tuấn, đồng hương của năm xưa vì là bạn hữu của hôm nay đã gợi cho tôi thật nhiều kỷ niệm thời khói lửa, những câu chuyện kỷ niệm những đồng đội nằm xuống hy sinh thân mình vì nghĩa vụ quốc tế cao cả mà Tổ quốc giao phó cho mỗi chiến sĩ chúng tôi trên rừng thiêng nước độc của xứ sở láng giềng Cam-pu-chia. Câu chuyện ấy tôi cứ tưởng mới xảy ra từ hôm qua thôi chứ đâu nghĩ đã hơn hai mươi năm rồi, vì cuộc chiến đấu ấy nó vừa bất ngờ, khủng khiếp nhưng lại hết sức thanh thản đến ngẫu nhiên trong tiềm thức quen thuộc của mỗi người lính chúng tôi…
… Chúng tôi là những người lính Hà thành, mỗi người một ngành nghề, hoàn cảnh khác nhau, nhưng theo tiếng gọi lên đường để trở thành người lính bảo vệ Tổ quốc thì tình cảm xa quê hương cùng nhiệm vụ người lính nó giống nhau như mầu xanh lá cây của mỗi người lính trong hoàn cảnh xa nhà, xa quê hương, xa cả đất nước đến ngàn dặm ấy. Tất cả đồng hương chúng tôi đều nhập ngũ tháng 8 năm 1978, đó là năm tháng nhiều kỷ niệm sâu sắc trong mỗi người lính chúng tôi đều ở lứa tuổi trẻ măng. Những kỷ niệm khắc sâu trong lòng tôi nhất là những đồng đội đã anh dũng hy sinh trên mặt trận. Mỗi trận đánh là mỗi vẻ vang để giúp nước bạn, nhưng cũng biết bao xương máu phải đổ xuống một cách thầm lặng trên nước bạn, ngoài những câu chuyện đồng đội đi truy quét tàn quân Pôn Pốt và đi bảo vệ hành lang cho xe chở gạo lên D9 và E95 kể lại, mà trực tiếp tôi còn được chứng kiến thực tế qua những lần truy quét địch cùng đơn vị.
Tôi xin kể kỷ niệm sâu sắc nhất về đồng hương Nhật Minh (Nguyễn Xuân Nhật Minh) là trinh sát tiểu đoàn 7 xuống phối thuộc với C2 chúng tôi đi truy quét 1 tuần ở tây bắc huyện Chom-ka-san tỉnh Prét-Vi-hia Cam-pu-chia. Những tháng đó tôi không còn nhớ lắm chỉ biết rằng thời điểm ấy vào cuối mùa mưa.
… Cả đoàn quân đã vài ngày hành quân tìm địch trong rừng khộp và rừng rậm, do đồng chí Long đại đội trưởng của tôi chỉ huy và đồng hương Minh đi trinh sát theo bản đồ cho đoàn quân đi đúng địa bàn hoạt động. Mấy ngày hành quân đã gần như mệt mỏi cũng không tìm thấy dấu vết nào khả nghi cả, lúc đó vào giữa trưa nắng, đoàn quân sau 15 phút nghỉ giải lao ở giữa rừng rậm, qua một cuộc hành quân dài, đã lấy sức để tiếp tục hành quân trong rừng rậm, thật dễ chịu trước mắt chúng tôi là một bãi tráng rộng vì chúng tôi đang mang vác súng ống đạn dược rất nặng mà phải đi trong rừng rậm, gai góc cào đến rách da, mệt đến chết được. Thật cảm phục tài nghệ băng rừng rậm của hai đồng chí trinh sát nhanh thoăn thoắt chui luồn thật khéo mà không bị sao. Tôi thầm cám ơn đồng hương Minh đã mở đường cho bộ binh chúng tôi đỡ vất vả và nguy hiểm. Nhưng cũng thật không may cho đoàn quân chúng tôi, khi đã qua bãi tráng đến bìa rừng xanh bên kia tưởng như không có chuyện gì xẩy ra, đoàn quân vẫn thẳng hướng đi.
… Bỗng… ầm… tiếng nổ chói tai từ đầu đoàn quân, tôi thoáng nghĩ đã bị địch phát hiện và phục kích bằng hỏa lực, nhưng phán đoán của tôi đã nhầm. Khi đại đội chúng tôi đã tản ra để sẵn sàng chiến đấu thì bỗng nghe khẩu lệnh từ trên đầu hàng quân truyền xuống trung đội tôi chuẩn bị đưa thương binh ra phía sau để sơ cấp cứu. Lúc bấy giờ tôi mới hiểu rằng quân ta đã bị vướng mìn KP2 mà địch mới gài theo đường mòn hoạt động của chúng. Lúc bấy giờ tôi chưa biết ai bị thương cả, một lúc sau, được lệnh rời vị trí chiến đấu để cáng thương binh quay lại đi đường khác để khỏi bị lộ, thì tôi mới biết người đồng chí bị thương nặng đó chính là Nhật Minh, đồng hương trinh sát của tôi. Sự bất ngờ ấy làm tôi không tin được vào mắt mình nữa, vừa mới 20 phút trước đây còn là một con người hoàn chỉnh khỏe mạnh yêu đời hơn cả mọi người mà bây giờ thân hình lại dập nát sũng máu. Lòng tôi quặn đau không gì tả được khi nhìn thấy đồng hương mình đang quằn quại trong cơn đau dưới chiếc cáng bằng bạt xanh mà tôi và đồng đội đang vác tới nơi an toàn để cứu chữa. Dọc đường tôi quên cả gian nan vất vả mà chỉ biết luôn mồm động viên đồng hương thôi, lúc đang cáng, Nhật Minh rất tỉnh táo nói năng như bị thương nhẹ lắm, thậm chí còn muốn nhỏm dậy trên cáng. Theo như kinh nghiệm chiến trường, những người bị thương nặng mà vẫn tỉnh táo là không trường hợp nào có thể cứu sống được, chỉ coi đó là những giây phút trăn trối trước khi nhắm mắt thôi. Có lẽ Nhật Minh đã biết trước sự sống ngắn ngủi của mình nên đã tâm sự với tôi trước những giây phút không thể chịu đựng hơn được nữa:
“Đồng hương Trường ơi… Mình không cố được nữa rồi… Minh nhớ mẹ và Hà Nội (bỗng tôi chẩy nước mắt vì giống ý mình)
“… Minh chỉ tiếc không được học tiếp đại học… Đồng hương ơi cho mình hụm nước” (lúc đó bi đông tôi còn nước nhưng không được phép cho uống vì uống vào máu sẽ chảy nhanh đến không cứu chữa được nên động viên Nhật Minh cố chịu đựng thêm. Khi nhìn vào cáng thấy nửa thân bị hoàn toàn dập nát, từ bụng đổ xuống hàng vài chục mảnh mìn to nhỏ như nghiền nát chiếc quần, đôi chân rắn chắc ấy đang sũng trong máu (lúc chưa qua đoạn đường nguy hiểm để băng bó). Hình như Nhật Minh sức đã yếu dần, toàn thân như bị mềm lại. Tôi lo sợ không biết đồng hương của tôi có chịu đựng nữa được không… Sức khiêng của tôi đã bắt đầu đuối dần, trung đội trưởng thấy vậy đã thay cho hai đồng chí khác trong trung đội tiếp tục cáng cho chúng tôi đưa thương binh về tuyến sau cấp cứu. Đại đội tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ truy quét và tìm bãi mìn của địch thêm hai ngày nữa mới trở về đơn vị. Ngay chiều hôm mìn nổ ấy, tôi biết tin đồng hương Nhật Minh đã hy sinh khi chưa hạ cáng vì bị thương quá nặng. Nỗi đau mất đồng hương và đồng đội ùa vào lòng tôi và cả đơn vị, nhất là những ai người Hà Nội thì nỗi đau càng lớn hơn và tất cả đều im lặng như mặc niệm vài phút. Suốt cả tối hôm ấy, ngoài phiên gác tôi không sao ngủ được, mặc dù cả ngày hành quân và cáng thương binh toàn thân mỏi mệt rã rời, vì hình ảnh Nhật Minh luôn khuấy động trong tâm trí tôi từ khi chúng tôi biết nhau ở trường huấn luyện cho đến lúc đồng hương ấy bị hy sinh. Làm sao tôi quên được thân hình vạm vỡ ấy, duy chỉ hơi thấp một chút. Hồi mới biết nhau tôi cứ nghĩ Nhật Minh là vận động viên thể dục thể thao, về sau mới biết không phải vậy. Điều đặc biệt là Minh sống lạc quan và hòa mình lắm, luôn hay cười với mọi người, dù hoàn cảnh có gian nguy cũng không xua đuổi được nụ cười hiền lành vui vẻ và yêu đời của Nhật Minh. Có lẽ khi học cuối cấp III Minh cũng sống như vậy với bạn bè cùng trường lớp. Trong cuộc sống quân ngũ chúng tôi cũng hay đùa nhau lắm, mỗi người đều có một tên thêm mà đồng hương đặt cho ứng với tính cách dáng vẻ từng người ví dụ tên đồng hương tôi vẫn còn nhớ, như: Dũng “bà già”, Thắng “xã trưởng” vì hay vào phum bản, Thành “giun”, Bình “bớp”, Tuấn “môi đỏ”, Trường F111 tức “phản lực”, còn Nhật Minh bị gắn tên cũng ngộ, Minh “Các Mác”, vì hơi móm khi cười. Đó là những kỷ niệm khói lửa, nhật ký người lính mà tôi với Nhật Minh đã có được trong những tháng sống và chiến đấu bên nhau, kỷ niệm thì nhiều nhưng thời gian 20 năm qua ít nhiều cũng mài mòn trí nhớ của tôi. Để viết được đầy đủ hơn về Nhật Minh, mong các đồng hương khác góp thêm sự nhớ về nhật ký đồng đội hy sinh ở mặt trận.

Nhật Minh chết rồi. Tôi viết thêm mấy dòng báo tin Minh tử trận vào lá thư viết dở dang của Minh gửi cho mẹ. Đêm ấy, tôi không sao ngủ được. Nghĩ tới Minh, nghĩ đến lá thư của mẹ Minh, và lá thư sắp gửi, tôi viết bài thơ “Mẹ và hòm thư con”, để nhớ ngày Minh hy sinh.

MẸ VÀ HÒM THƯ CON


Tưởng nhớ Nhật Minh
Với một chiếc ba lô
Chúng con có ngôi nhà
Hòm thư là biển số
Sáng hai mùa nắng mưa

Chùm chữ số đơn sơ
Như mắt con nhìn mẹ
Con ở xa là thế
Đôi mắt nhìn bình yên

Giọng con trầm như đêm
Dù giữa nơi mặt trận
Tên hòm thư mẹ khắc
Tên cột mốc biên cương

Gập ghềnh bao núi non
Bóng con đi nhỏ bé
Con nhìn nét chữ mẹ
Bao giờ được thảnh thơi

Con biết dáng mẹ ngồi
Mong lá thư biên giới
Con biết mắt mẹ mỏi
Ngóng từng cánh chim qua

Dòng chữ số rất xa
Bé như là con kiến
Bò từng mi-li-mét
Tìm đường về quê hương

Mẹ nhìn theo dáng con
In những dòng số nhỏ
Còn những dòng số đó
Còn xa mẹ, mẹ ơi…

Lúc này con đang ngồi
Nghĩ là thư gửi mẹ
Giấy bút con không có
Hình dung trong nỗi nhớ
Không có gương mặt nào
Đang chịu đựng khổ đau
Như là gương mặt mẹ
Không có địa chỉ nào
Làm mẹ luôn lo lắng
Địa chỉ hòm thư con.

Còn lá thư viết dở của Nhật Minh. Sao Minh lại nhờ tôi viết nốt? Câu hỏi đó ám ảnh tôi suốt hơn 20 năm trời, mãi hôm nay tôi mới viết ra được.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com