THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang

Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997


Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Minh Quốc gửi cho tôi cuốn tình khúc Trịnh Công Sơn khá dày và rất đẹp. Tôi mở ra, không thấy một bài hát mà bài hát ấy gắn liền với hình ảnh anh Bùi Văn Ngườn, người Mường, quê Hòa Bình.
Tháng 5 năm 82, trên đường từ Stung-treng về E29, tôi nghỉ lại ở một đơn vị thuộc trung đoàn 94, gần Đồi Đá. Buổi chiều, tôi ra suối tắm thì gặp một người đang kỳ chân bằng dép cao su. Tôi không nhận ra anh. Nhưng anh lại nhận ra tôi, tươi cười.
- A đồng hương, sao lại đến đây? Mới về đơn vị tớ đấy à?
Tôi chưa hết ngạc nhiên. Giọng anh giả vờ dỗi:
- Chóng quên thật! Không nhớ cái đêm ở Chchép à?
Tôi nhớ ra rồi:
- Anh Ngườn! Xin lỗi, em mệt quá, không nhận ra anh.
Cái đêm dừng chân ở Chchép ấy, năm 79. Đã 3 năm rồi. Cả một rừng quân, dầy đặc, bạt ngàn. Tôi thấy thật hùng vĩ, không hiểu thế nào, tiểu đoàn bộ chúng tôi nghỉ gần chỗ anh Ngườn.
Đêm khuya, khi cả rừng quân đã ngủ, bỗng cất lên giọng hát tha thiết, say sưa:
Người chiến sỹ trong giờ phút xuất chinh
Nhìn người yêu đưa tiễn mình…
Mờ trong đêm bên thềm đá xinh xinh
Lòng lưu luyến anh giã từ
Dưới bóng tối qua ngàn lớp sương mù
Nhìn quê hương anh thẫn thờ
Kìa cô gái đang còn thức trong đêm
Và một bên sông một ánh đèn.
Giọng hát thật âm vang, ấm và quyến rũ. Thấy lạ, tôi mò sang. Thì ra anh Ngườn đang ngả mình bên vệ đường, hát. Anh hát đi hát lại, âm nhạc thật đẹp. Lời ca thật trữ tình. Anh nói:
- Đây là bài hát Nga, tên là “Ánh lửa nhỏ”, mình học được từ hồi ở trường quân chính quân khu.
- Anh chép cho em với. Em rất thích.
Tôi về mở ba lô, lấy đèn pin, sổ tay sang nhờ anh Ngườn chép. Nét chữ anh nhỏ, rời rạc nhưng rõ ràng. Anh ký tên ở dưới hẳn hoi.
Sáng hôm sau, không kịp chia tay nhau. Không biết đơn vị anh Ngườn hành quân từ lúc nào. Mắt nhắm mắt mở, chúng tôi đã phải đi tiếp.
Thế mà đã ba năm trôi qua, không ngờ gặp lại ở đây.
Anh Ngườn bây giờ đã là trung đội trưởng. Buổi tối tôi nghỉ lại ở hầm anh. Có anh Thành chính trị viên người Nghệ Anh Ngườn sang chơi. Bên ấm trà, tôi kể chuyện về con gái Hà Nội. Anh Thành kể chuyện “nhất thủ, nhì vỹ, thứ ba là đĩ Plây-ku”. Anh Thành hồ hởi:
- Này Ngườn, mày đã chơi đàn bà chửa bao giờ chưa? Nghe người ta bảo chơi đàn bà chửa sướng gấp ba gái thường.
- Rồi. - Anh Ngườn khẽ nói.
- Bao giờ?
- Hồi em đi dân công trên huyện. Có một chị bụng chửa. buổi tối, chị ấy cứ kéo vào ngủ cùng.
- Này, coi chừng trúng phong đấy! Lỗ đít mày có lông không?
- Không.
Chuyện nọ xọ chuyện kia, đêm xuống lúc nào không biết.
Lán hầm của trung đội anh Ngườn nằm trên sườn đồi. Có cả võng và sạp. Nằm võng, nửa đêm, hơi đất bốc lên, rất lạnh lưng. Nhưng có cái khoái là sáng dậy, làm vài động tác thể dục, xương cốt kêu răng rắc. Đã vô cùng.
Sáng sớm tôi tỉnh dậy, chợt nghe tiếng hát trên đỉnh đồi. Nghiêng người, ló đầu nhìn. Anh Ngườn đang đứng giữa đỉnh đồi, say sưa hát. Anh mặc chiếc áo bạc màu, rất hợp với nước da trắng hồng dân tộc Mường, chiếc quần sỹ quan màu xanh thẫm tươi, thắt lưng màu mận chín. Hai tay chống sườn, mắt nhìn bầu trời xanh non lúc giao mùa, hát như chim giữa thiên nhiên. Rừng khộp đang bắt đầu xanh thắm lá non. Cỏ trên đồi còn ướt đẫm sương. Anh cứ hát như chỉ có một mình anh trên đời. Lúc nhìn sang đông, khi quay về hướng nam, rồi nhìn về hướng tây, rồi quay về phương bắc. Và lúc nào mặt cũng ngẩng cao nhìn trời. Tôi cũng say mê ngắm nhìn anh Ngườn. Giọng anh thật ấm, thật thiết tha, thật khao khát:


Hòa bình ơi!
Chờ trông nhau như con chờ mẹ
Chờ trông nhau như lúa mùa hè
Chờ trông nhau nắng đẹp tình quê.

Hòa bình ơi! Ơi hòa bình ơi!
Bao nhiêu năm trời khổ đau nhiều rồi
Về đây hỡi người ơi!

Có lẽ đấy là lần tôi được nghe hát hay nhất trong đời. Trước đó, năm 79, khi ở phum Kầm-prạ, một buổi chiều đi gánh nước, bất ngờ tôi được nghe giọng một em gái nhỏ người Khờ-me đang cất cao tiếng hát sau rằng cây bên suối. Tiếng hát lảnh lót theo giai điệu một bài dân ca, dù không hiểu lời, sao cứ ngân âm vang mãi trong tâm hồn tôi? Thấy tôi bất ngờ xuất hiện, em nhìn đầy nghi ngờ, ngừng hát, cúi mặt đi. Và bây giờ, một buổi sáng đầu mùa mưa, giữa chiến trường, bên cái chết rình rập từng khoảnh khắc, tôi có một buổi sáng thật cao đẹp, thật hạnh phúc.
Buổi sáng hôm sau, tôi nhờ anh Ngườn chép cho tôi bài hát mà đêm qua anh hát rất hay. “Tôi nhớ hồi một chiều/ Dừng chân ghé qua/ Thăm miền ước mơ/ Hà Tiên mến yêu/ Đẹp như xứ thơ/ Xa cách tôi còn nhớ/ Nước non mây trời/ Thắm màu biển khơi/…” Cuối bài hát, anh phóng bút: “Chiến trường K. Vĩnh biệt em. Bùi Văn Ngườn”.
Tôi muốn hỏi anh tại sao lại đề hai chữ “Vĩnh biệt” nhưng lúc ấy, anh viết trong tâm trạng rất xúc động, tôi không dám hỏi.
Bài hát ấy, cho đến giờ, tôi không nghe ai hát lại. Tôi cũng không thuộc hết bài, chỉ nhớ mấy câu đầu đôi lúc ngâm nga, nhớ về một miền đất mà mình chưa bao giờ được đến. Ở góc trái, anh Ngườn còn ghi cho tôi địa chỉ quê anh. Nhưng cuốn sổ tay đó, ngày tôi đi Nga, để ở nhà, trên gác xép, đã thất lạc đâu đó. Song tôi vẫn nhớ những dòng chữ mực xanh, nhỏ li ti như kiến bò của anh Ngườn.
Lúc thấy tôi sắp xếp ba lô, chuẩn bị ra đi, bỗng anh Ngườn tròn mắt hỏi tôi:
- Có nhớ tên bà cô Tổ không?
Tôi mỉm cười lắc đầu.
- Lúc nào nó bắn rát quá, cứ bà cô Tổ mà gọi. Không nhớ tên cũng được. Nhưng nhớ gọi.
Ngừng một lát, anh nói tiếp:
- Hai vai cậu, tớ thấy có hai người. Một người nam, một người nữ. Lúc nào cũng che chở cho cậu.
Dù không tin tôi vẫn lạnh cả người. Một mình tôi đi từ Hà Nội sang Cam-pu-chia, qua Gia Lai, Môn-đôn-ki-ri, Rát-ta-raki-ri, Stung-treng, Prếch Vihia. Sắp về đến đơn vị rồi, chả nhẽ lại chết dọc đường?
Khi chia tay, anh Ngườn dặn tôi đi phải hết sức cẩn thận. Vì trước đó mấy ngày, trên đoạn đường này, anh đã tháo được gần 200 quả mìn lá của địch. Và tôi đi được một quãng thì gặp cái hố mìn tăng đã giết chết Hạm và Điệp của tôi.
Mấy tháng sau, khi tôi lên sư đoàn để chụp ảnh làm thẻ Đảng, gặp Kiên ở trung đoàn 94, người cùng tôi đi tập huấn điều lệnh sỹ quan ở Nha Trang. Khi tôi hỏi về anh Ngườn, Kiên trố mắt:
- Ông Ngườn chết rồi. Mẹ, đang hát, bị bọn nó bắn thủng họng, vỡ quai hàm.
Lòng tôi như bờ biển đang có đợt sóng lùi. Hai bàn tay tê lại. Chắc lúc ấy anh Ngườn đang hát “Hòa bình ơi!”
Và sau này, mỗi khi bài hát ấy chợt đến, tôi lại thấy nó như một chuỗi cườm bị đứt, đỏ tươi, thấm máu ròng ròng. Và những lời anh Ngườn nói với tôi, sao tôi nhớ mãi.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com