ĐOÀN TUẤN: Sài Gòn, nỗi nhớ giản dị

nguyendu

 

Mỗi lần đến Sài Gòn, tôi lại tự hỏi: Thành phố này do ai gây dựng nên? Vừa đi trên những đường phố ngập tràn ánh nắng hay đẫm ướt cơn mưa, tôi vừa tự trả lời, rằng nó không phải được xây dựng trong một thời gian ngắn, mà bởi nhiều thế hệ, bởi những con người cần lao.

Tôi thích ngắm những hàng cây cổ thụ, một bụi hoa, một bờ cỏ... Tất cả như những nhân chứng đôn hậu của thành phố. Chúng dường như thầm thì nói với tôi rằng: Thành phố này sẽ là một phần trong ký ức đẹp của tôi.

Tôi vẫn thích đi dưới nắng Sài Gòn. Ở Hà Nội có một quán cà phê mang tên ‘’Nắng Sài Gòn’’, khá đông khách. Cái nắng Sài Gòn không có độ ẩm cao như nắng Hà Nội, khiến người ta dễ chịu hơn. Cái nắng Sài Gòn bừng lên ban mai, cùng lúc với tiếng chim ríu rít, khiến người ta thích lắng nghe âm thanh của nắng, của ngày.

Cái nắng Sài Gòn thường qua nhanh lúc cuối giờ chiều, để rồi gió từ sông Sài Gòn ùa về, nâng con người lên sau một ngày mệt mỏi. Những bông hoa giấy Sài Gòn càng nắng càng nở tươi. Càng nắng, hoa càng rực rỡ. Những bông hoa giấy mỏng manh mà bền bỉ. Hoa giấy đủ các màu.

Gần 40 năm trước, lần đầu được đến nơi đây, hình ảnh đầu tiên tôi gặp là khóm hoa giấy bên đường ngoại ô đang rập rờn, tung bay. Tôi đã sững sờ trước vẻ đẹp nồng nàn và vô tư của hoa. Hoa bên hè phố, như lời chào đầu tiên tươi tắn, dạt dào. Nơi tôi dừng chân là một ngôi nhà cổ ở quận 3. Trước nhà có cây duối.

Tôi yêu vô cùng loại cây này. Tuổi thơ, mỗi sáng tôi hay hái những trái chín thơm vàng ngọt lịm. Ở đây, tôi đã nhiều lần đi tìm trái duối, nhưng không thấy trái nào. Hỏi những người thân, họ cho biết, gần cây duối có cây bồ đề. Trên cây bồ đề có hai con sóc. Trái duối là thức ăn của chúng. À ra thế! Tôi đã ngây người đứng nhìn hai chú sóc đuổi nhau trên cành cây trước nhà trên đường Lê Quý Đôn. Hai con sóc chạy giữa ban ngày, bên dưới đông người và xe qua lại.

Mưa Sài Gòn không dầm dề như mưa thu Hà Nội. Mưa Sài Gòn thường thoáng qua nhanh. Cô gái Sài Gòn giương dù lên che cho đỡ ướt. Chàng trai Sài Gòn cứ để đầu trần. Tôi nhớ những buổi tối mùa mưa. Sau nhà tôi ở có con tắc kè. Tuổi trẻ tôi thường nghe tiếng tắc kè trong những khu rừng vùng Đông Bắc Campuchia. Xung quanh tôi, ba phía là nhà, một hướng là phố. Con tắc kè kêu trong bóng tối ẩm ướt. Tiếng nó vang lên lạ lẫm giữa Sài Gòn.

Một không gian bình yên. Một lối sống trong lành. Tiếng tắc kè gợi lên trong tâm hồn tôi bao miên man suy tưởng. Lâu lâu nhớ Sài Gòn, tôi vào đây, để chờ nghe tiếng tắc kè. Cái thú vui này, bao năm rồi, tôi không dám nói với ai. Ngộ mọi người cho mình là... không bình thường.

Nỗi nhớ Sài Gòn giản dị thế!

Nhà biên kịch ĐOÀN TUẤN

(nguồn:http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/sai-gon-noi-nho-gian-di/a141170.html)

 

Thông tin liên quan đến nhà biên kịch, nhà thơ Đoàn Tuấn:

Kịch bản ĐI TÌM CHỖ NGỦ (bản 1)

Kịch bản ĐI TÌM CHỖ NGỦ (bản 2)

Ký sự NHỮNG NGƯỜI KHÔNG GẶP LẠI NỮA

Ký sự Nước Nga vẫn bình yên

CÁC TƯỢNG CHÂU PHI Ở BẢO TÀNG LOUVRE (PARIS)

VẺ ĐẸP PHỤ NỮ PHƯƠNG ĐỘNG KHÁC PHƯƠNG TÂY

ĐOÀN TUẤN VIẾNG ĐỒNG ĐỘI CŨ NHÂN 27.7.2014

Thơ MÙA ĐÔNG HÀ NỘI

CÙNG ĐOÀN TUẤN TẠI TẠP CHÍ THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH

ĐOÀN TUẤN VÀI HÌNH ẢNH HỌP MẶT ĐỒNG ĐỘI D8, E 29,F307

Tập thơ ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC (in chung với Lê Minh Quốc)

Truyện dài MÙA THU ĐẾN MUỘN (viết chung với Lê Minh Quốc)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com