ANH THƯ: Nỗi buồn thượng lưu

son-nu-thatRR-a

Tác giả ANH THƯ

 

1.

Chị không đẹp nhưng phúc hậu dịu dàng, đặc biệt rất có duyên. Cái duyên toả ra từ nụ cười tươi cùng nét buồn phảng phất. Vậy nên không ít người đàn ông phải lòng chị. Cũng không ít người băn khoăn tự hỏi, hoặc tin cậy hỏi tôi, rằng tại sao nét mặt chị buồn đến thế, chị có điều gì không vui, hay hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn trắc trở.

Tôi nhanh chóng rà soát lại tất cả những hiểu biết về chị rồi mạnh dạn trả lời rằng không, cuộc sống riêng tư của chị rất tốt, rất hạnh phúc. Chồng chị là mẫu hình lý tưởng, thành đạt trong xã hội mà vẫn dành thời chăm sóc con cái và yêu chiều vợ. Họ như đôi chim câu lúc nào cũng quấn quýt bên tổ ấm của mình. Gia đình là thế. Còn ở cơ quan, chị có một ví trí nhất định, được đề bạt, được mọi người nể trọng và yêu mến.

Nhớ một vài lần cà phê cà pháo, chị em vui vẻ nói chuyện với nhau, chị khen tôi hồn nhiên lúc nào cũng có thể cười đùa được. “Vậy còn chị, tại sao  gương mặt chị luôn buồn?”. “Ừ, chị cũng chẳng biết vì sao như thế. Nhiều lúc ở giữa chồng con mà mình vẫn thấy buồn. Có lẽ mỗi con người là một khối thống nhất. Từ khi sinh ra người ta đã cô đơn rồi em ạ”.

Câu nói của chị khiến tôi ngẫm ngợi. Nỗi buồn của chị không giống nỗi buồn mà nhiều người nghi hoặc.

Tôi vui miệng gọi đó là “nỗi buồn thượng lưu”.

 

2.

Tôi quen một nhà thơ. Ông yêu nhạc Trịnh Công Sơn, yêu Thơ Mới. Ông có thể ngồi say sưa hàng giờ đồng hồ để đọc, bình và gọi ra cái chất riêng của từng nhà thơ mới. Ông yêu cái mơ màng của Lưu Trọng Lư, cái rạo rực sôi nổi của Xuân Diệu, nét sầu vũ trụ của Huy Cận, và đặc biệt yêu vô cùng Hàn Mặc Tử. Tôi vẫn còn nhớ dáng điệu ông khi đọc thơ Hàn, một tay ông đặt vào ngực trái, hai con mắt nhắm mơ màng như thả hồn về thôn Vĩ Dạ mướt xanh hay bãi biển Quy Hòa chang chang nắng. Niềm đau Hàn Mặc Tử chiếm lĩnh ông, dằn vặt ông.

“Cháu biết không, nỗi buồn trong thơ Nguyễn Bính rất phổ biến. Đó là nỗi buồn vì tha hương, buồn vì hết tiền, vì thất nghiệp... Nó rất đời thường, rất bình thường. Nỗi buồn đơn giản và dễ hiểu. Đến Xuân Diệu đã chuyển biến: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Buồn này đã có phần vu vơ, không xác thực, nhưng vẫn là nỗi buồn của người trần thế. Còn Hàn Mặc Tử thì khác. Nỗi buồn trong thơ Hàn Mặc Tử không giải thích được. Nó đau đớn. Nó ám ảnh. Nỗi buồn có tính định mệnh, tính triết học. Cháu có hiểu được không?”.

Tôi mủm mỉm cười nghĩ đến chị. Chị và nhà thơ ấy có điểm tương đồng nào chăng? Nỗi buồn của chị đích thị không phải là nỗi buồn cơm áo gạo tiền, không phải nỗi buồn trần thế như trong thơ Nguyễn Bính. Cũng chẳng phải buồn vu vơ “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” như trong thơ Xuân Diệu, bởi chị đã qua cái thủa “vội vàng”, là một người phụ nữ đằm thắm và sâu sắc.

Nỗi buồn của chị phải chăng là nỗi buồn cố hữu của con người chào đời không phải bằng nụ cười mà bằng tiếng khóc.

 

3.

Cô bạn tôi phải vào cấp cứu ở bệnh viện vì tràn dịch màng phổi do lao. Mấy ngày đầu, cô bị bất ngờ và tủi thân, nước mắt lúc nào cũng ầng ậng bờ mi. Làm sao có thể ngờ được căn bệnh đã từng bị coi là một trong “tứ chứng nan y” lại bắt một cô gái khỏe mạnh, yêu đời, lúc nào cũng tươi cười nhí nhảnh phải chịu đựng.

Tôi muốn đến thăm, cô cương quyết không cho địa chỉ phòng điều trị. Không chỉ với mình tôi, mà mọi người quen khác cũng vậy. Ấy là vì cô không muốn đẩy sự bất tiện cho người khác, khi phải vào thăm cô cho phải đạo mà trong lòng nơm nớp lo âu hít phải con vi trùng lao quái ác đang bay lơ lửng trong không khí kia, đang ẩn náu trong từng gốc cây và chỗm chệ trên từng cọng cỏ giọt sương kia.

Tôi hiểu sự khổ tâm của cô.

Cô mới bị nhiễm lao ngoài phổi, thể âm tính, tức là không có khả năng lây nhiễm cho người khác, vậy mà cô còn mặc cảm như thế, đề phòng cái sự tế nhị khó nói trong ứng xử đến như thế, huống chi những bệnh nhân nặng phải ôm ngực ho sù sụ, hơi thở rít lên khó nhọc trong lồng ngực khô khẳng toàn xương kia, họ đang nghĩ gì, đang mang trong lòng nỗi khổ tâm đến đâu. Những bệnh nhân đa phần ở các vùng quê xa phố thị, còn chút sức lực nào thì phải tự phục vụ, dù phải còng lưng thở rít hay chịu đựng những cơn đau tỏa ra từ tâm óc vẫn phải cố gắng níu cửa phòng chờ bác sỹ hay điều dưỡng hỏi han vài điều, dẫu biết lời hỏi han đó đôi khi gây phiền toái cho người bị hỏi.

Họ có buồn không? Hẳn rồi. Buồn lắm chứ. Buồn vì bệnh tật. Buồn vì không có tiền để ăn một miếng ngon. Buồn vì không thể mua đơn thuốc khác tốt hơn vài viên thuốc phát miễn phí bèo bọt. Buồn vì nỗi lo truyền bệnh cho người thân thuộc. Buồn vì những buổi chiều những buổi tối dài mênh mang. Buồn vì cơn mưa dằng dai bên ngoài cửa sổ phòng bệnh. Buồn nhiều nhiều nỗi nữa...

Tất cả những nỗi buồn ấy đều đơn giản, dễ hiểu, là nỗi buồn bình thường mà con người phải đối diện phải mang vác. Họ không biết, hoặc chưa bao giờ biết đến nỗi niềm mang mang khó hiểu, nỗi buồn không rõ nguồn cơn, nỗi buồn chẳng biết bắt đầu từ đâu và bao giờ thì kết thúc.

Nỗi buồn của họ là nỗi buồn trần thế, cơm áo gạo tiền sinh lão bệnh tử, nỗi buồn của những con người một mai không còn dấu tích trên mặt đất này.

 

4.

Nhưng có đúng vậy không, nỗi buồn đời thường ấy?

Nhiều thập kỉ qua rồi mà vẫn còn biết bao người yêu thơ Nguyễn Bính. Trước khi đến được nỗi buồn vu vơ, trước khi đạt được nỗi buồn định mệnh, nỗi buồn có tính triết học như lời nhà thơ ấy nói, đa phần con người ta còn phải loanh quanh với những nỗi buồn dễ hiểu. Chẳng biết đi suốt cuộc đời, đến khi đã hòa vào đất đai cây cỏ, họ có một lần được trải nghiệm nỗi buồn cao quý kia không? Và như thế, hẳn là cuộc sống quá thiệt thòi quá bất công. Và như thế, địa ngục thì luôn quá tải trong khi cánh cửa thiên đường lại soát vé ngặt nghèo.

 

5.

Tôi cũng chỉ là người chưa đi hết nỗi buồn trần thế.

 

A.T


Cùng một tác giả:

 

Quầng sáng tuổi thơ

Công sở ngày có lương

Câu chuyện vui tặng đồng nghiệp

Lấy chồng công chức

Con xám

 

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com