ĐÁNH THỨC NHỮNG MIỀN NHỚ THƯƠNG
(Đoc “Cảm thức sông” - thơ Huệ Triệu, NXB Hội Nhà văn, 2014)
Hoài Hương
“Đảo neo đập giữa ngực ta thổn thức/ Máu Lạc Hồng cuộn đỏ những dòng sông/ Tình yêu đặt trên môi con dịu ngọt/ Biển đắp đầy Tổ quốc một viền cong”. Có một Cảm thức sông của nhà thơ Huệ Triệu thấm đẫm tình yêu Tổ quốc quê hương…
Không như những tập thơ trước (Thức một miền xanh, Mùa cây thay lá), ở Cảm thức sông, Huệ Triệu đã dành phần lớn cảm xúc của mình cho tình yêu sâu nặng hơn - tình yêu đất nước quê hương. Không chỉ là tình yêu đối với miền quê chôn nhau cắt rốn của mình mà là một tình yêu lớn có hình hài rõ ràng, được trải nghiệm, được hòa mình, được đồng vọng…
Số bài viết về đề tài Tổ quốc, quê hương trong tập thơ không nhiều, chỉ chiếm trên dưới 10 bài trong tổng số 45 bài, nhưng đã trở thành chủ đề lớn xuyên suốt, có thể truyền đến người đọc tình yêu Tổ quốc rung động đến tận cùng trái tim. Không phải ngẫu nhiên mà Huệ Triệu “sắp đặt” bài thơ Tổ quốc - cánh sóng để kết thúc tập thơ. Những câu thơ tinh tế đến từng từ ngữ, giàu nhạc điệu như một khúc tráng ca tha thiết thốt lên từ trái tim, thấm đẫm tình yêu Tổ quốc: "Đất nước gối một đầu lên cánh sóng/ Gối một đầu vai Mẹ bốn ngàn năm". Tổ quốc, đất nước hiện hình cùng những trải nghiệm thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió. Có một Vọng sóng nhiều thổn thức tâm linh gợi nhắc gương hy sinh dũng cảm của chiến sĩ Gạc Ma bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có một Khúc hát gọi mưa: "Mang khát khao hoa bàng vuông" nhưng ngời lên kiêu hãnh Vũ điệu biển trời. Hương nhu ở đảo đưa người đọc đến với tâm tình người lính Trường Sa: "Gió bạt gió tìm lá mềm như bàn tay vuốt nhẹ tóc em ngày chia tay anh ra đảo. Nỗi nhớ đất liền có mái tóc em ủ hương cây".
Kết lại của những trải nghiệm ấy là những xúc cảm đầy kiêu hãnh và tụ hào: "Mỗi hạt cát Trường Sa/ Đã trở thành máu thịt/ Những tên đảo, tên người/ Viết hoa thành Tổ quốc" (Viết ở Trường Sa). Đó còn là giây phút nhà thơ khiến người đọc thắt tim và rưng rưng nước mắt khi hồi niệm lại 81 ngày đêm bi tráng ở Thành Cổ Quảng Trị: "Tháng Bảy ấy quê mình thành chảo lửa / Máu người hòa nước mắt của sông/ Kìa Thành Cổ đất bời bời tiếng súng / Có ai không an ủi mẹ ta cùng" (Thạch Hãn vẫn dòng xanh) hay: "Từng hốc đạn trừng trừng như hốc mắt/ Bao năm rồi vết sẹo vẫn còn cay" (Trước di tích trường Bồ Đề - Quảng Trị)
Tình yêu Tổ quốc trong Cảm thức sông được biểu hiện một cách tinh tế, có độ chín và già dặn của một người biết chắt lọc những cảm xúc của mình, thấu hiểu trong cái nhìn vào nhân gian. Nhà thơ Trương Nam Hương nhận xét: “Cảm thức sông là tập thơ thứ 3 của nhà thơ nữ Huệ Triệu. Vẫn tiếp nối mạch thơ trữ tình nồng hậu, đằm thắm và tinh tế của Mùa cây thay lá, Thức một miền xanh, ở tập thơ này người đọc còn nhận ra những vỉa tầng của tư duy và thẩm mỹ sáng tạo qua sự thể hiện của bút pháp hiện đại và giàu suy tưởng. Thơ Huệ Triệu đã đánh thức trong sâu thẳm lòng ta những miền nhớ thương”.
Cảm thức sông của Huệ Triệu dẫn dắt người đọc theo mọi miền đất nước. Vừa hoài niệm man mác với Cúc quỳ muộn nở ở miền đất Đà Lạt mộng mơ, thoắt đã lạc hồn với Biền biệt trung du châu thổ sông Hồng, hay bất ngờ rơi vào một trạng thái lâng lâng ngọt ngào: "Chiều Phú Quốc gió mềm tay khách lạ/ Bến Hàm Ninh, biển hát dưới chân ghềnh/ Sóng tinh nghịch gài sao vào mắt lưới" (Phú Quốc ngày em đến). Và còn rất nhiều không gian Hà Nội với những nhớ mong nuối tiếc: "Ngày không nắng, cầu vồng vẫn thức/ Sóng Tây Hồ lắng tiếng từ quy" (Với mùa đông). Đôi khi có những chuyến lãng du rất liêu trai nửa thực nửa hư: "Cỏ xanh tràn cả giấc giấc mơ/Ru cho nhau biếc giữa bờ tơ non" (Cỏ)…
Tình yêu quê hương luôn là một “miền nhớ”, một “cảm thức” ám ảnh Huệ Triệu. Chỉ có người xa quê, cảm xúc đó mới có trào lên ngập tràn. Những câu thơ như những tự sự nho nhỏ, nồng ấm tình cảm, ở đó hiện về cả một trời kí ức có mẹ cha, tuổi thơ một thời thương khó: "Ôi con sông ngày về ta đứng lặng/ Giấc quê xa ăm ắp tuổi thơ buồn" (Cảm thức sông); "Những khi sương cạn gió gầy/ lại về nương níu bàn tay mẹ già" (Gió ru lời Mẹ); "Tôi và kí ức rưng thơm/ Chan sông vào cả chén cơm xứ người" (Tháng ba)
Cảm thức sông của Huệ Triệu còn e ấp, nhẹ nhàng và thầm kín riêng tư, đằm sâu nhưng không kém nồng nhiệt từ trái tim nhiều khao khát và không nguôi day dứt: Gió và em, Tự khúc 2, Dã tràng và cát, Lục bát vu vơ… Trong “cảm thức” riêng tư này, Người đàn bà đan giấc mơ có thể được coi như một trăn trở của Huệ Triệu về “ẩn số” của hạnh phúc: "Người đan bà bối rồi/ Tìm sợi ngắn/ Chắp sợi dài/ Đan lại giấc mơ”.
Không tìm những cách thức phức tạp trong ngôn ngữ thể hiện, hay cấu trúc thơ mới lạ, hình thức tân kỳ để tạo ấn tượng, Huệ Triệu vẫn trung thành với thơ truyền thồng, và tìm sự đồng điệu, chia sẻ bằng chính sự chân thành, tinh tế trong ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu. Đây đó có chút phá cách nhưng vẫn nhẹ nhàng như thông điệp mà nhà thơ gửi gắm: "Biển vẫn mặn đến tận cùng vị ngọt/ Nhắc câu thơ không thể nhạt trong đời" (Phú Quốc ngày em đến).
H.H
(Nguồn: Báo Văn nghệ công an - số 235 (335) ra ngày 3/11/2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|