Anh Thư - tác giả tập truyện ngắn Thư không gửi cho ba
Khoảng tháng10.2006, với tư cách nhà báo thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, Anh Thư đã đến tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM (lúc đó còn ở 188 Lý Chính Thắng, Q.3) phỏng vấn tôi về thơ. Sau đó, thêm một đôi lần gặp gỡ nữa cũng tại TP.HCM hoặc Hà Nội. Mọi cuộc chuyện trò chỉ xoay quanh về thơ và sáng tác thơ. Từ đó, tôi ấn tượng về Anh Thơ với phong cách phỏng vấn độc đáo: nhìn thẳng vào mắt người đối diện và luôn có những câu hỏi "gây cấn", truy hỏi đến cùng. (Điều này, có thể ai đó "yếu bóng vía" thấy... sợ. Với tôi, tôi thích cách phỏng vấn đó).
Mới đây, qua bạn thơ Trương Nam Hương, tôi nhận được tác phẩm đầu tay của Anh Thư: Thư không gửi cho ba (NXB Lao Động). Tôi thật sự bất ngờ và rất mừng. Từng trải qua cảm giác của người có tác phẩm đầu tay, tôi đã đọc hết tác phẩm của Thư trong một tối và không thất vọng.
Chắc chắn với truyện ngắn Con Xám, bạn đọc của trang web www.leminhquoc.vn sẽ đồng tình với nhận xét tôi. Nay bật mí, sau tác phẩm này, Anh Thư sẽ tiếp tục viết truyện ngắn thiếu nhi và in một tập tùy bút nữa.
Một cánh cửa đã mở ra cho một người.
Và mọi người, ai cũng có cánh cửa phía trước.
Anh Thư đã mở ra một cánh cửa cho riêng mình và tôi luôn cầu chúc Anh Thư bền lòng và bước tới...
L.M.Q
X.2012
CON XÁM
- Con Xám nhà mình sắp được làm mẹ rồi!
Mẹ báo cái tin đó một cách long trọng và hồ hởi trong bữa ăn trưa. Tôi reo lên vui mừng, quay sang bố, thấy bố một tay bưng bát cơm, một tay sửa lại gọng kính, cố giấu vẻ xúc động. Mẹ bấu vào tay tôi, mỉm cười, ánh mắt nhìn bố âu yếm. Mẹ hiểu tâm trạng của bố. Bố là người gần gũi chăm sóc con Xám nhiều nhất, từ khi nó còn là con mèo bé tí teo, mới chỉ biết liếm chút sữa và suốt ngày gào mẹ. Mẹ nó chết không rõ vì bệnh hay vì ăn phải bả. Thương mèo con, nhưng vì mắt mủi lem kem không chăm được, gặp hôm bố về quê, bà cho nó vào bị bảo bố mang về nuôi. Bố vốn thích nuôi súc vật. Bố bảo: “Mèo là loài vật thông minh và rất quấn quýt với người”. Mẹ không thích lắm, bởi lẽ mẹ rất dị ứng với lông mèo, nó thường làm mẹ ngứa. Việc chăm sóc mèo con một mình bố đảm nhận.
Nhúm một con mèo đã khó. Càng khó hơn khi nó chưa được cứng cáp, lại đang giữa mùa đông. Bố đâm ra bận rộn như người nuôi con mọn. Bố lấy quần áo cũ làm cho nó một cái ổ rất ấm áp. Lúc rảnh, bố thường bế nó vào lòng, ủ trong vạt áo len. Bố pha sữa cho mèo con uống, kiên nhẫn ngồi vuốt ve, dỗ dành nó liếm từng chút sữa. Đến khi nó tập ăn cơm, bố lại mớm cho nó từng thìa nhỏ. Buổi tối, bố đặt nó vào trong ổ, đắp chăn cho nó và vỗ về ru cho nó ngủ. Nhìn bố chăm sóc mèo con rất chu đáo và cảm động, chẳng khác gì người bà nuôi đứa cháu nhỏ mồ côi.
Nhờ bố mà mèo con sống được qua những ngày đông giá. Nhưng bộ lông màu tro có điểm những sợi trắng của nó xơ xác, dựng đứng lên. Nó gầy gò, ủ rũ và nhăn nhó, lúc nào cũng xán ở bên bố như muốn tìm nơi che chở. Phải đợi khi mùa xuân đến, thời tiết ấm dần lên, bộ lông cũ của mèo con được thay bằng lớp lông mới mịn màng hơn. Mèo con cũng trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát. Nó bắt đầu ra sân sưởi nắng, chạy nhảy loăng quăng, đùa nghịch với cái chổi cái rễ. Đôi mắt mèo con long lanh, ánh lên sự linh lợi, nhưng vẫn phảng phất buồn. Nó ăn rất khỏe, như để hồi phục lại sức lực. Bố không còn phải bận bịu với nó như trước. Nó vẫn có thói quen leo lên đùi bố, bất kể lúc bố ngồi xem ti vi hay đọc sách, mắt nhắm hờ, miệng gừ gừ khe khẽ như chờ đợi được vuốt ve. Nó không thân thiết với mẹ như với bố mà có phần nể sợ. Mẹ cười, đùa bảo bố có thêm cô con gái rượu.
Thoắt cái, mèo con đã trở thành cô mèo óng ả và cũng làm duyên làm dáng lắm. Mẹ đặt cho nó tên là Xám – một cái tên không hay nhưng đúng với màu lông của nó. Ban đêm, thỉnh thoảng bên ngoài có tiếng mèo đực gọi bạn. Mẹ bảo: “Nó hẹn với con Xám đấy!”. Quả đúng vậy! Cứ nghe thấy tiếng gọi đó là con Xám lại bồn chồn, lượn đi lượn lại quanh nhà rồi lẻn ra ngoài lúc nào không rõ. Một thời gian sau, con Xám thụ thai. Nó có vẻ uể oải, nhưng vui và mãn nguyện lắm.
Bẵng đi cả tuần không thấy con Xám đâu. Mẹ đoán: “Chắc là nó sinh con rồi! Giống mèo lạ lắm, cứ bí mật sinh nở xong mới đem con về. Nếu lỡ bị ai nhìn thấy, nó sẽ ăn con nó ngay vì sợ phải vía”. “Nhưng phải vía là cái gì hở mẹ?” - tôi thắc mắc. Mẹ lại giải thích: “Mỗi loài một tính nết, một thói quen, nhiều khi con người cũng không thể biết được”. Tôi hồi hộp chờ Xám mang con về. Con của nó chắc sẽ rất dễ thương, giống như nó ngày bé vậy!
Rồi con Xám về, nhưng chỉ có một mình, dáng vẻ tiều tụy, bụng hóp lại, bộ lông xơ xác và những núm vú còn căng sữa. Nó lẳng lặng vào chỗ nằm. “Hình như Xám bị mất con thì phải”. Mẹ thì thầm với bố, vẻ bí mật. Cả nhà tôi hôm đó không ai dám nói to, làm cái gì cũng nhẹ nhàng, sợ khuấy động đến Xám. Đến bữa ăn, Xám không ăn, dù mẹ đã nướng một con cá rất thơm đem tận chỗ nó nằm. Mấy ngày sau, Xám có ăn tí chút, có lẽ để làm vừa lòng mẹ. Nó lảng tránh cái nhìn của tôi, cũng không thích để bố vuốt ve bộ lông như ngày thường. Nó không cần sự an ủi. Đó là tôi nghĩ thế!
Rồi nỗi đau của Xám cũng dịu dần. Nó bắt đầu đi lại trong nhà, đuổi bắt lũ chuột có nguy cơ xuất hiện trở lại và ngồi rửa mặt rất lâu dưới nắng. Được cả nhà tôi chăm sóc, nên nó hồi phục sức khỏe khá nhanh, trở lại duyên dáng và có phần đẫy đà hơn xưa. Nhưng nó không hay đùa nghịch với tôi như trước nữa. Chắc nó coi tôi là đứa trẻ ranh trong khi nó đã một lần làm mẹ. Tôi nói với bố suy nghĩ đó và bố bật cười. Mẹ lại bảo: “Nó chín chắn và dịu dàng hơn”. Bố im lặng. Tính bố vốn vậy, trầm tĩnh và có phần đa cảm.
Xám đã trở thành thành viên thứ tư của gia đình tôi. Niềm vui và nỗi buồn của nó cũng thấm thía với chúng tôi rất nhiều. Nhưng dẫu được sống với những người yêu thương mình, Xám vẫn không phải là một con vật may mắn. Tại số nó sinh ra đã khổ rồi chăng?
Lần thứ hai, Xám lại hân hoan với niềm vui sắp được làm mẹ. Rồi nó lại tha về một con mèo con còn đỏ hỏn đã chết tự lúc nào. Nhìn thấy cảnh con Xám ngậm con ở miệng, lê những bước nặng nề về sân nhà, tôi không khỏi hãi hùng kêu lên: “Mẹ ơi, con Xám…”. Mẹ đào một cái hố ở góc vườn, đem xác mèo con chôn ở đó.
Sau lần ấy, tôi thấy mẹ chăm sóc cho con Xám nhiều hơn, âu yếm vuốt ve nó, chăm chút cho nó từng bữa ăn. Mẹ không sợ bị dị ứng với lông mèo nữa. Chứng kiến cảnh con Xám hai lần sinh nở, hai lần bị mất con, tôi thương nó ứa nước mắt, thấy thấm thía lời bố nói. Quả thực, được sinh ra đã là hạnh phúc, nhưng để tồn tại trên đời lại không phải là điều đơn giản. Hạnh phúc có được, dù giản dị thôi cũng chẳng dễ dàng gì. Chỉ là một con vật bình thường, nhưng khát vọng làm mẹ của con Xám khiến người khác phải cảm động. Những dằn vặt của nó cứ làm tôi băn khoăn mãi và không khỏi liên tưởng đến những chuyện mà trái tim non nớt của tôi chưa thể hiểu hết được. Bố an ủi: “Loài vật sống cũng rất có nghĩa có tình. Nhưng con đừng buồn. Rồi con sẽ thấy con Xám nhà mình không gục ngã đâu. Nó sẽ vượt qua được vì nó là một con mèo dũng cảm. Trong cuộc sống cần phải dũng cảm con gái ạ”.
Mọi việc đã diễn ra đúng như lời bố nói. Và mẹ là người biết điều ấy trước tiên.
Chuẩn bị cho lần sinh nở thứ ba này của con Xám, cả nhà tôi hồi hộp lắm. Hàng ngày, trong chiếc giỏ của mẹ đi chợ về đều có phần thức ăn riêng cho Xám. Mẹ còn nhờ cả bạn của mẹ là bác sỹ thú y đến khám cho nó nữa. Không khí có vẻ rất cẩn trọng. Con Xám hiểu ý. Nó cảm động lắm, cứ cọ mãi người vào chân mẹ. Mẹ bàn với bố chuẩn bị cho Xám sinh nở ở nhà. Bố đồng ý, chỉ e con mèo không thuận. Mẹ hăm hở nói: “Được rồi, cứ để em lo. Cho nó ra ngoài nguy hiểm lắm”.
Thế rồi, sự kiện ấy đến. Từ chiều, con Xám đã rên lên từng chặp và quẩn bên mẹ, dỗ thế nào nó cũng không đi. Mẹ hiểu ra, bế nó xuống bếp và cứ ngồi bên nó đến tận chiều tối. Hôm đó, bố và mẹ trở thành bà mụ bất đắc dĩ. Mẹ không cho tôi bén mảng xuống bếp, sợ đông người, con Xám sẽ bỏ đi mất.
Rồi con Xám cũng vượt cạn an toàn. Mẹ tròn con vuông. Ba con mèo con bé xíu, mỗi con một màu lông. Một con trắng có lẽ giống bố. Con kia giống cả bố lẫn mẹ. Còn một con giống hệt mẹ, với bộ lông màu xám tro. Xám mẹ có vẻ mãn nguyện lắm. Nó nằm thiêm thiếp, bốn chân co lại như muốn ôm các con nó vào lòng.
***
Một buổi sáng, tôi xuống bếp mở cửa thì một cảnh tượng thương tâm bày ra trước mắt tôi. Con Xám đã chết tự bao giờ. Cạnh nó, ba con mèo con đang cố lật chân mẹ để rúc vào lòng đòi bú. Nước mắt tôi ứa ra. Tiếng gọi thảng thốt của tôi khiến bố mẹ ngạc nhiên chạy xuống. Bố gỡ mấy con mèo con ra khỏi mẹ nó. “Chắc nó ăn phải bả chuột” - Giọng bố buồn bã. Tôi để ý thấy bụng con Xám trương lên, hai mép sùi bọt trắng. Có lẽ, buổi đêm Xám đi ra ngoài, ăn phải bả chuột rồi cố sức lết về nhà, nằm chết bên cạnh các con. Mặt nó ngoảnh vào trong, cả thân người như muốn ôm ấp che chở cho các con lần cuối. Lũ mèo con không biết mẹ chúng đã chết, cứ kêu “ngheo… ngheo…” vì đói. Những cái miệng màu hồng với hàm răng nhỏ xíu trông thật tội.
Bố đem xác Xám đi chôn cạnh đứa con nó. Tôi đắp lên một ụ đất, rồi thắp ba nén nhang. Nhưng mẹ bảo: “Đừng thắp nhang con ạ. Người ta kiêng đấy”. Tôi dụi tắt mấy cây nhang. Trưa hôm đó, cả nhà không ai ăn cơm. Tiếng ba con mèo đòi mẹ thật thương. Tội nghiệp, chúng còn non nớt hơn cả mẹ chúng ngày trước. “Phải bắt đầu lại thôi” - bố nói với mẹ như vậy. Từ hôm đó, ba chúng tôi bận bịu hơn với việc chăm sóc ba chú mèo con. Bố phổ biến kinh nghiệm cho cả nhà. Mẹ bảo “Cái Hạnh nhà mình có thêm ba đứa em. Chăm ba con mèo cũng vất chẳng kém gì nuôi con Hạnh ngày nhỏ”. Song cũng chỉ có một con mèo còn sống sót. Con mèo màu xám tro giống mẹ.
Nó lại là một con mèo mồ côi - một con mèo mồ côi dũng cảm…
Anh Thư
< Lùi | Tiếp theo > |
---|