Đó là chủ đề thường trực, trở đi trở lại trong những bữa cơm công sở của mình và đồng nghiệp. Một chủ đề cũ rích, cũ đến không còn gì là cũ hơn. Ấy vậy mà vẫn được đem ra băm bổ một cách đầy hào hứng mới chết chứ. Và cũng nhờ có những câu chuyện như thế khiến cho bữa cơm văn phòng vốn nhạt nhẽo thành ra ngon hơn đậm đà hơn thì phải.Tranh luận xung quanh vấn đề này thường có ba phe tham dự:
Phe thứ nhất: Tiến bộ. Phe thứ hai: Bảo thủ. Và phe thứ ba: Trung lập.
Phe bảo thủ đại diện là mấy chị đang độ hồi xuân. Các chị (trộm vía) đều là những người rất chỉn chu với gia đình, tận tụy chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho chồng con. Ngay cả ở trong suy nghĩ, các chị ý (có lẽ thế) chỉ biết đến chồng và duy nhất chồng mà thôi. Và chồng các chị ý (hy vọng thế) cũng chưa một lần nào làm vợ phải buồn, phải suy nghĩ ảnh hưởng đến nhan sắc. Không biết có phải vì đã quen với nghĩa tình vợ chồng nồng đượm nên các chị ý không thể chấp nhận được quan niệm “ông ăn chả bà ăn nem”. Thậm chí có chị còn hùng hồn tuyên bố rằng nếu yêu đương một người nào mà người ấy không phải là chồng mình thì thật là… kinh khủng. Rõ ràng, chỉ đặt ra tình huống, chỉ nghĩ đến tình huống thôi mà đã chịu không nổi, nữa là…
Đại diện cho phe tiến bộ là một bác băm băm băm. Quan điểm thường trực của bác ấy là “trẻ không hư già đổ đốn”. Chính vì thế nên trước khi tạo đà tiến tới hôn nhân thì bác ấy cũng lập được một số thành tích đáng ghi nhận. Khi đã lấy vợ thì bác ấy rất chỉn chu, trên đời này nhất vợ nhì bà ngoại. Tuy nhiên, bác ấy vẫn dành cho mình một mảnh trời bé con con (cỡ lòng bàn tay?) để dự phòng nếu có dịp/ có điều kiện bác ấy cũng không chối từ. Tất nhiên, với bác ấy, đó chỉ là những dịp tiện thì ghé qua, chẳng mất gì, chẳng ảnh hưởng đến ai, lại được refrest về mặt tinh thần, hứng khởi thêm yêu cuộc sống. Bác ấy cũng hơn một lần khẳng định rằng nếu cả cuộc đời này ta chỉ biết có mỗi chồng ta / hoặc vợ ta thì quả là một thiệt thòi, một bất hạnh tương đối nhớn. Nhưng bác ấy cũng cực lực phản đối những trường hợp bao thầu bồ bé bồ nhí, hoặc mê muội ở đâu rồi về đá thúng đụng nia làm khổ vợ khổ con (hay là bạo hành chồng). Nói chung quan điểm của bác ấy về vấn đề ngoại tình là khá thông thoáng, hiện đại nhưng không đánh mất bản sắc.
Đại diện cho phe thứ ba - phe trung lập là một em 8x. Trong bụng em chứa cả một bồ chữ nghĩa, nhưng em cũng không phải là người mê đạo mà bỏ đời. Nói chung em là người sớm “ngộ”, dung hòa được giữa đời và đạo. (Cứ đà phấn đấu thế này, chắc chẳng còn bao lâu nữa em sẽ đạt được ở mức “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa am hiểu lòng người”).
Phải nói kĩ kĩ về em như vậy bởi bao giờ, trong bất cứ một cuộc tranh luận nào, về bất cứ vấn đề gì, ý kiến của em cũng là ý kiến chốt hạ, đầy sâu sắc và ngẫm ngợi.
Thời xa vắng, em yêu một người và lấy luôn người đó. Khi sinh con, em vẫn ở ngưỡng tuổi “tảo hôn” (lứa tuổi dành cho phụ nữ hiện đại thời nay, từ 25-26 đổ lại vẫn là tảo hôn đó, 27 đến 30 thì vừa đẹp, ngoài 30 thì hơi cứng thôi). Tuy nhiên, điều đáng quý ở đây là không phải vì lấy chồng sớm hay có con sớm làm ảnh hưởng (hoặc cằn cỗi đi) quan điểm của em về tình yêu, cụ thể hơn là tình ngoài. Trong con mắt em, chồng em vẫn là người lý tưởng nhất. Nhưng em không tuyệt đối hóa, bảo thủ hóa như mấy chị hồi xuân kia. Em cho rằng, nếu có điều kiện, nếu gặp được người tri kỉ thì vẫn có thể đi sâu đi sát tới một quan hệ tốt đẹp. Chồng là chồng mà người tình là người tình. Cái chính là phải mềm dẻo trong quan niệm và ứng xử. Và cái chính hơn nữa là phải sống thật, sống đúng với những rung động những khát khao của lòng mình. Tất nhiên ở đây không có chỗ cho sự dối trá lọc lừa, không có chỗ cho sự hời hợt thoáng qua, không có chỗ cho kiểu “tình một đêm”.
Những cuộc tranh luận về tình ngoài trở đi trở lại trong những bữa cơm trưa, hay lúc trà dư tửu hậu. Bao giờ cũng dằng dai những quan điểm như thế, bao giờ phe bảo thủ và phe hiện đại cũng đối lập rõ rệt và bao giờ phe trung hòa cũng xoa dịu vấn đề đồng thời hướng tới một khía cạnh khác, tươi sáng hơn, nhiều hi vọng hơn nhưng lại quá xa vời (bởi thật khó mà tìm được người tri kỉ theo hướng này, kiểu như “tựa vào vai anh mà khóc đi em” híc híc). Tất nhiên, cũng còn tùy theo dòng thời sự mà phe bảo thủ thắng hay là phe hiện đại thắng. Cụ thể, phe hiện đại thắng thế khi dư luận phát hiện ra xung quanh bao nhiêu cặp chùm chăn lâu ngày mà vẫn an toàn. Cụ thể, phe bảo thủ thắng khi dư luận rộ lên gia đình X gia đình Y tan nát, con cái chia lìa đứa theo mẹ đứa theo cha. Phe trung lập có nhiệm vụ chính là hòa giải nên không chiến thắng cũng chẳng thất bại, nhưng luôn gieo vào lòng mọi người niềm khấp khởi…
Mình hiển nhiên là ở phe bảo thủ rồi. (Sao lại gọi là bảo thủ, phải gọi là truyền thống mới đúng chất chứ). Từ thủa bé, đọc những tờ báo lá cải (ý quên, bây giờ mới biết nó là lá cải), toàn ca ngợi cái phẩm hạnh cái tình chung thủy, cực lực phê phán sự giả dối sự phản bội. (Nhưng đến khi sự giả dối sự phản bội ấy xảy ra rồi thì lại khuyên tha thứ, khuyên bỏ qua, bởi vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa). Mình tin lắm, mình cương quyết lắm. Thậm chí mình còn băn khoăn tại sao người ta lại phân biệt “Hôn nhân” và “Tình yêu”. Thế chẳng lẽ trong hôn nhân không có tình yêu à. Thế chẳng lẽ đã lấy nhau thành vợ thành chồng thì không được gọi là những người yêu nhau à. Sự phân biệt ấy rõ là thiển cận, rõ là bó hẹp câu chữ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ngoại tình, thực chất cũng chỉ là đòi hỏi về thể xác mà thôi. Mà thuần túy sinh học thì tầm thường quá, tầm thường quá. Trong cuộc sống cần phải hy sinh. Hy sinh là nền tảng cho sự bền vững của gia đình. Nếu ai cũng chạy theo những đòi hỏi cá nhân, chạy theo vui thú nhất thời của bản thân thì đâu còn là gia đình nữa. Những đứa con sẽ ra sao khi bố mẹ chúng chẳng là tấm gương cho chúng soi vào…
Ấy, sách vở nói thế thì mình cũng nói lại đại khái như thế. Ngày qua tháng lại, cuộc sống gia đình cứ dẫm chân tại chỗ mà cuộc sống bên ngoài lại liên tục nảy sinh những nội dung mới, mỗi ngày một tươi hơn sinh động hơn. Những bữa cơm trưa hay café công sở vẫn tiếp tục chủ đề tình ngoài một cách vô tận, thậm chí vô tình. Mưa dầm thấm lâu, vị trí vững chắc của mình ở phe bảo thủ, một ngày nào đó, vị trí ấy có bị lung lay?
Ừ, đại diện phe trung lập ít tuổi nhất mà hóa ra lại sâu sắc nhất. Dung hòa giữa đạo và đời. Tình yêu vợ chồng vẫn là tình yêu. Nhưng tình ngoài cũng là tình yêu. Nếu trên đời tìm được người tri kỉ, tìm được người có thể hiểu và chia sẻ những điều mà mình không thể chia sẻ với bạn đời, điều ấy đáng trân trọng lắm chứ. Có được một tình yêu như thế trên đời cũng là cách để nâng đỡ tâm hồn ta, nuôi ta lớn lên trong những khát vọng. Có được một tình yêu như thế mà bỏ lỡ, thì dư vị sẽ đầy tiếc nuối...
Ngả suy nghĩ sang phe trung lập, mình thấy cuộc đời có phần đáng yêu hơn. Mỗi sáng thức dậy, hình như mình nghe được cả tiếng chim hót. Cuộc đời có bao điều để khám phá. Mình hăm hở sống, hăm hở làm việc và… chờ đợi một ngày nào đó, có một người đến bên mình thủ thỉ “tựa vào vai anh mà khóc đi em”…
Ừ, mình cũng có ý chờ, nghĩa là để tâm hồn mở chứ không khép không đóng kín. Ấy vậy nhưng cái sự chờ đợi này cũng sốt ruột lắm. “Trông người người càng vắng bóng, mịt mờ như nhìn chốn biển khơi”. Người tình lý tưởng như vậy hẳn là/ chắc chắn là / đúng ra là chẳng bao giờ có trên đời. Nếu có, là đồ quý hiếm thì sẽ bị tranh giành (như người ta tranh giành đồ buffee ở một clip tung lên mạng gần đây ấy). Chẳng bao giờ đến lượt mình, hu hu.
Quan điểm bảo thủ của mình đã lung lay. Mà tính mình thì sốt ruột chẳng thể nào chờ đợi được Bạch mã hoàng tử, ngay cả trong giấc mơ...
Hình như quan điểm của anh băm băm băm đại diện cho phe hiện đại kia gần đời nhất, đời nhất?!
Mình không rõ nữa.
Anh Thư
Cùng một tác giả:
http://www.leminhquoc.vn/lmq/the-loai-khac/tac-pham-cua-ban-be/1096-anh-thu-con-xam.html
http://www.leminhquoc.vn/lmq/the-loai-khac/tac-pham-cua-ban-be/1119-anh-thu-lay-chong-cong-chuc.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|