Quen nhau từ mươi năn trước, từ lúc Anh Thư còn đơn thân đến nay đã tay bồng tay bế. Thật bất ngờ, Thư viết sách. Sau tập truyện ngắn Thư không gửi cho ba, Cafe & quán vắng là tác phẩm thứ hai của Thư. Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết Tựa.
Từ phải: Anh Thư, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Trần Luân Tín
Tôi thích những tản văn viết về tuổi thơ, dòng sông quê cũ, mái nhà trong hoài niệm... Đẹp như thơ. Những tản văn có pha chút cau có, triết lý lại nhẹ nhàng cũng đủ lôi cuốn người đọc. Chúc mừng Anh Thư, tôi post tản văn Quầng sáng tuổi thơ như một sự chia sẻ cùng đồng nghiệp.
L.M.Q
(VI.2013)
Trong giấc mơ về thời thơ ấu của tôi, có một quầng sáng lung linh…
Ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi nằm cạnh nhà ông bà ngoại, khuất trong một ngõ nhỏ với những bụi tre um tùm. Cả làng chưa một lần biết đến ánh điện. Chiếc đèn dầu là vật chiếu sáng duy nhất. Chỉ nhà ai khá giả mới có đèn măng sông, thắp vào những dịp quan trọng. Ánh sáng trắng của nó hấp dẫn lũ trẻ chúng tôi, một thứ ánh sáng đầy sang trọng.
Cùng lứa tuổi, nhưng chị em tôi không phải vất vả việc đồng áng như nhiều đứa trẻ trong xóm. Ngoài giờ học, chúng tôi đi hái rau dại, mót khoai lang, cuốc gốc đay về làm củi. Chiều tối, cũng la hét một chập ngoài ngõ xóm cho đến khi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nghe tiếng mẹ gọi mới chạy về. Cơm nước xong, ba chị em như ba chú gấu con ngồi vào bàn học. Hai ngọn đèn nhỏ như cố sức tỏa sáng, soi tỏ trang sách cho chị em tôi. Bên ánh đèn, bố đọc sách hoặc chấm bài, mẹ căm cụi khâu vá, chốc chốc lại nhắc chúng tôi ngẩng cao đầu lên kẻo bị cận thị.
Cuộc sống cứ thế giản dị trôi đi. Ban ngày, mọi người trong làng bận rộn với việc đồng áng, chợ búa. Và khi mặt trời lặn, bóng tối lan dần từ trong nhà ra sân, thì những ngọn đèn lại được thắp lên, le lói qua những ô cửa. Bóng tối và ánh sáng – hai phạm trù tưởng như đối lập lại khiến con người xích lại gần nhau hơn. Những buổi tối mùa đông giá lạnh, hay những hôm trời mưa bão, ngọn đèn khiến ta thấy ấm áp và tin tưởng. Sự sum họp nhờ có ngọn đèn cũng thêm phần đầm ấm.
Nhập nhoạng tối, tôi giúp mẹ tra thêm dầu vào đèn, khêu bấc, lau muội ở bóng. Những chiếc bóng đèn làm bằng thủy tinh màu trắng xanh, mỏng mảnh, rất giòn và dễ vỡ. Mẹ luôn mua sẵn vài chiếc phòng khi tôi lóng ngóng làm vỡ còn có cái mà thay. Bóng đèn thường được xâu chuỗi với nhau bằng một sợi rơm khô và bán với giá rất rẻ ở ngoài chợ làng. Bao giờ cũng vậy, khi cả xóm đã lên đèn thì bà lão Ngọ hàng xóm, một người đàn bà độc thân, mắt quáng gà, mới lụm cụm sang xin lửa. Tôi lại lau đèn, tra thêm dầu và châm lửa giúp bà. Mẹ tôi bảo, buổi tối tuy bà không nhìn thấy gì, nhưng có ngọn đèn bà cũng đỡ hiu quạnh. Lũ trẻ chúng tôi rất quý bà Ngọ, vì bà hiền và kể chuyện cổ tích rất hay (không hiểu sao người lớn cứ gọi chệch là “cổ lọ”). Thấy chúng tôi đến, bà thường vặn to ngọn đèn, bày ra khi thì vài củ khoai, khi thì bắp ngô là bữa tối của bà rồi ép chúng tôi ăn. Hôm nào chúng tôi không đến, bà thường tắt đèn đi nằm sớm. Mái nhà tranh chìm trong bóng tối, buồn và cô đơn.
Trước khi đi ngủ, bao giờ mẹ cũng cẩn thận vặn nhỏ ngọn đèn đặt ở góc nhà. Trong quầng sáng yếu ớt, mẹ một tay quạt, một tay xoa lưng cho tôi. Tôi ngủ rất say, mơ hồ nghe thấy tiếng quạt nan rất nhẹ, rất đều. Đó là những đêm hè oi ả. Còn những buổi tối mùa đông, trong chăn bông ấm áp, anh em tôi háo hức nghe bố kể sự tích chàng Rama và chiến công của chàng thắng quỷ vương Ravana để cứu nàng Sita xinh đẹp.
Trong giấc ngủ của tôi, có một vùng sáng lung linh. Ánh đèn tỏa ra nơi bàn học. Ánh đèn bên nhà cô hàng xóm thường thức rất khuya để làm hàng thêu. Ánh đèn từ cái quán nhỏ của bác Thẩm thọt chân cạnh đường làng, mờ tỏ vài bao thuốc lá Sapa, mấy cái kẹo lạc. Ngọn đèn tận tụy thức cùng người nông dân những ngày mùa, trong tiếng đập lúa rộn ràng. Ngọn đèn vặn nhỏ trang nghiêm trên bàn thờ tổ tiên vào những dịp giỗ tết. Biết bao thế hệ đã sống dưới ánh đèn dầu. Ngọn đèn cũng chứng kiến niềm vui, nỗi đau, những hạnh ngộ, chia ly và chờ đợi của con người…
Khi ánh điện đã soi tỏ nhiều đường làng ngõ xóm và cùng với điện là bao tiện nghi sinh hoạt khác, cuộc sống trở nên dễ chịu hơn, lại thao thiết nhớ một ánh đèn dầu, lại thấy thương quầng sáng bình thường, dân dã chỉ soi rõ một vùng rất nhỏ. Dưới đèn điện, ánh trăng bớt đi phần lung linh kì ảo, những câu chuyện cổ tích cũng mất đi phần kì bí - đó có thể chỉ là cảm nhận của thế hệ đi trước sinh ra và lớn lên trong cái đói cái nghèo chung của thời cuộc. Còn với những ai chưa một lần thắp lên ngọn đèn, chỉ thấy nó thật buồn tẻ và u tối.
Thử làm một hành trình ngược sáng, liệu có tìm được ánh đèn nhập nhoạng thủa xưa?
A.T
Cùng một tác giả:
Anh Thư: CÔNG SỞ NGÀY CÓ LƯƠNG
< Lùi | Tiếp theo > |
---|